1. Cāritta-sīla là gì ?

Cāritta-sīla là những bổn phận phải làm hoặc những việc đáng làm, nên làm – để tạo nên một con người có cốt cách, phẩm cách cao quý trong tương quan cá nhân, gia đình và xã hội.

Những việc đáng làm chính là những bổn phận tại thế hoặc là những cách cư xử đúng đắn, phải lẽ của đạo làm người:

  • Con có những bổn phận đối với cha mẹ và ngược lại.
  • Học trò phải có bổn phận đối với thầy và ngược lại.
  • Chồng đối với vợ phải có những bổn phận và ngược lại.
  • Những bổn phận của ta với bạn hữu và ngược lại.
  • Gia chủ phải có những bổn phận với kẻ ăn, người ở và ngược lại.
  • Ta phải có những cư xử phải phép, những bổn phận đối với hàng xuất gia và ngược lại.

(Có minh giải chi tiết về những bổn phận này trong kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt - Sigālovāda Sutta - trong Trường bộ kinh).

 

2. Vāritta-sīla là gì ? 

Vāritta-sīla là những điều không nên làm. Phải ghép mình vào khuôn khổ giới luật, kỹ cương để xa lìa tật hư, thói xấu, độc ác, gian tà và sống một đời trong sáng, lành mạnh, cao đẹp và hiền thiện.

 

2.1 Đối với người tại gia

Chúng ta thường thấy có nhiều người phẩm chất hiền lành, tốt bụng, chơn chất, thật thà; cũng thấy có nhiều người bản chất xấu tà, gian ác, lưu manh, quỷ quyệt. Theo Phật giáo, phẩm chất lành tốt tức là nhờ thiện nghiệp tích lũy nhiều đời; bản chất xấu ác cũng do bất thiện nghiệp nhiều đời kiếp mà có.

Bồ-tát của chúng ta 4 a-tăng-kỳ và 100.000 kiếp tu tập công hạnh ba-la-mật cho nên thiện nghiệp của ngài như lá cây xanh mùa xuân phơi phới. Do vậy, chắc chắn trong vô lượng kiếp ngài đã cố ngăn giữ không làm điều xấu ác. Và, ngăn giữ, không làm điều xấu ác tức là trì giới vậy.

Do kinh nghiệm tu tập trì giới nhiều đời kiếp nên sau này thành Phật, ngài đã tóm tắt chặt chẽ trong năm giới và tám giới. Và nếu triển khai rộng hơn một chút là tránh xa mười ác nghiệp (dasa- akusala-dhamma): sát sanh, trộm cắp, tà hạnh, nói dối, nói hai lưỡi, nói thêu dệt, nói ác độc, tham, sân, tà kiến.

Trì giới, giữ giới “không làm điều ác” đã là lành, tốt, thiện nghiệp rồi. Tuy nhiên, không dễ dàng gì mà trì giới được trong sạch như vỏ ốc. Trong cuộc trầm luân sinh tử, không phải lúc nào cũng thuận lợi để tu tập. Hằng ngàn trở ngại, hằng ngàn kẻ xấu ác, hằng ngàn chướng duyên thử thách, ma vương quậy phá – nếu không có trì giới ba-la-mật thì bồ-tát không thể vượt qua được.

  • Có những kiếp muốn giữ giới cho trong sạch, bồ-tát phải hy sinh của cải, tài sản, ruộng vườn, cả vợ con và cả ngai vàng, quốc độ - ấy là trì giới ba-la-mật bậc hạ (sīla pāramī).
  • Có những kiếp muốn giữ giới cho trong sạch, bồ-tát phải chịu tổn hại, tự hy sinh một phần tứ chi hoặc một vài bộ phận nào đó của thân thể - ấy được gọi là trì giới ba-la-mật bậc trung (sīla- upapāramī).
  • Có những kiếp muốn giữ giới cho trong sạch, bồ-tát phải hy sinh không tiếc sanh mạng – đấy là trì giới ba-la-mật bậc thượng (sīla-para matthapāramī).

 

2.2 Đối với bậc xuất gia.

Họ có 4 loại giới sau đây:

  • Biệt giải thoát giới (pātimokkhasaṃvarasīla).

Pātimokkha: Cái gì giúp cho người giữ giới khỏi sa vào khổ thú, ác thú. Saṃvara: Hộ trì, bảo vệ, giúp đỡ. Vậy, pātimokkhasaṃvarasīla là những giới luật bảo vệ, hộ trì ta khỏi sa vào khổ thú, ác xứ.

  • Hộ trì căn giới (indriyasaṃvarasīla).

Indriya: Căn - lục căn. Saṃvara: Hộ trì, bảo vệ. Còn được gọi  là “lục căn thu thúc giới” - tức là nhiếp phục, thu thúc lục căn để gìn giữ cho thân, khẩu, ý được thanh tịnh.

  • Chánh mạng thanh tịnh giới (ājīvapārisuddhisīla).

Đây là nói đến những giới điều giúp cho chư vị tỳ-kheo nuôi mạng chơn chánh, khỏi rơi vào trường hợp tà vạy, tà mạng, bất chánh.

  • Quán tưởng tứ vật dụng giới (paccayasannissitasīla).

Khi thọ dụng bốn món vật dụng thiết yếu cho đời sống, chư tỳ- kheo phải quán tưởng để biết rõ sự lợi ích của chúng, đồng thời hướng đến sự biết đủ (có trí tuệ biết đủ) để ngăn ngừa phiền não, sống đời thanh tịnh (không có lỗi trong việc thọ dụng).

Vì giới là nền tảng, là mảnh đất rất tốt, làm “căn cứ địa” cho định và tuệ phát sanh - nên hàng xuất gia phải biết thọ trì giới cho trong sạch. Giới là điều kiện không thể thiếu giúp điều hòa thân tâm, ngăn ngừa những biểu hiện thô tháo của tập khí, của phiền não. Một người không có giới thì tâm luôn bất an, dao động, nóng nảy, thiếu tự chủ dễ sinh những hành động lầm lỡ, càn quấy đôi khi không tự biết; và nếu có biết thì phát sanh ray rức, ăn năn - thì làm sao có được sự trầm tĩnh và ổn định tâm hồn? Làm sao để “định năng sinh tuệ” được?

Cho nên, nếu cô đọng giới cho bậc xuất gia, ta có thể tóm tắt trong câu: "Trí tuệ ngoài đạo đức là một thứ trí tuệ không có giá trị" (Sīlena n'anupetassa sutena' ttho na vijjati). Đạo đức ở đây là giới vậy.

Đức Phật khen ngợi trì giới chế ngự lục căn trong câu Kinh Lời Vàng số 94:

“ - Ví như tuấn mã luyện thành.

Lục căn chế ngự, xứng danh trượng tòng!

Nhiễm ô, ngã mạn tiêu vong.

Chư thiên mến mộ giống dòng Sa-môn”

(Yass’indriyāni samathaṃ gatāni assā yathā sārathinā sudantā, pahīnamānassa anāsavassa devāpi tassa pihayanti tādino).

Nguồn: Minh Đức Triều Tâm Ảnh (Tỳ-khưu Giới Đức - Sīlaguṇa Bhikkhu) – Phật học tinh yếu