Mục lục bài viết
- 1. Thủ tục thành lập địa điểm kinh doanh
- 1.1. Thành phần hồ sơ
- 1.2. Hồ sơ thành lập địa điểm kinh doanh
- 2 Thuế của địa điểm kinh doanh
- 3. Thủ tục thành lập chi nhánh
- 4. Quy định về sử dụng con dấu của chi nhánh
- 5. Chi nhánh có được xuất hóa đơn thay cho công ty không?
- 6. Ưu và nhược điểm của chi nhánh so với địa điểm kinh doanh
1. Thủ tục thành lập địa điểm kinh doanh
Kính chào công ty Luật Minh Khuê! Công ty em giờ muốn thành lập địa điểm kinh doanh ở quận Đống Đa. Anh/chị cho em hỏi, hồ sơ thủ tục thành lập địa điểm kinh doanh, theo pháp luật hiện hành. Em xin chân thành cảm ơn!
Trả lời:
1.1. Thành phần hồ sơ
Theo khoản 3 Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2020, địa điểm kinh doanh là nơi mà doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh cụ thể.
Căn cứ Phụ lục II-8 Quyết định 1523/QĐ-BKHĐT, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp có thể ở ngoài địa chỉ đăng ký trụ sở chính.
Doanh nghiệp chỉ được lập địa điểm kinh doanh tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc đặt chi nhánh. Doanh nghiệp gửi thông báo lập địa điểm kinh doanh đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi lập địa điểm kinh doanh.
Như vậy doanh nghiệp không được phép thành lập địa điểm kinh doanh ngoài phạm vi cấp tỉnh/thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc đặt chi nhánh.
1.2. Hồ sơ thành lập địa điểm kinh doanh
* Thành phần hồ sơ
Theo Quyết định 1523/QĐ-BKHĐT, hồ sơ thành lập địa điểm kinh doanh bao gồm:
- Thông báo lập địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp theo mẫu tại Phụ lục II-11 Nghị định 122/2020/NĐ-CP quy định về phối hợp, liên thông thủ tục đăng ký.
- Đối với các doanh nghiệp đang hoạt động theo Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư hoặc các giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương chưa thực hiện bổ sung, cập nhật thông tin đăng ký doanh nghiệp để được cấp đăng ký doanh nghiệp thay thế nội dung đăng ký kinh doanh trong Giấp phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương thì ngoài các giấy tờ nêu trên, doanh nghiệp phải nộp kèm theo:
+ Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đầu tư;
+ Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký thuế;
+ Giấy đề nghị bổ sung, cập nhật thông tin đăng ký hoạt động đối với địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp hoạt động theo giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Lưu ý: Trường hợp không phải Chủ sở hữu hoặc Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp trực tiếp đến nộp hồ sơ thì người được ủy quyền phải nộp văn bản uỷ quyền kèm bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân:
- Đối với công dân Việt Nam: Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu Việt Nam còn hiệu lực.
- Đối với người nước ngoài: Hộ chiếu nước ngoài hoặc giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu nước ngoài còn hiệu lực.
Quy trình thực hiện: Nộp thông qua Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Số lượng: 01 bộ
Thời hạn giải quyết: Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
2 Thuế của địa điểm kinh doanh
Chào công ty Luật Minh Khuê! Hiện tại công ty tôi đang có trụ sở chính ở TP. Hà Nội, đầu tháng 11/2020 công ty tôi mới thành lập địa điểm kinh doanh tại TP. Thái Nguyên. Vì vậy, công ty cho tôi hỏi: Công ty tôi kê khai, nộp thuế cho địa điểm kinh doanh ở đâu?
Trả lời:
- Kê khai, nộp thuế cho địa điểm kinh doanh:
Căn cứ khoản 1 Điều 5 Thông tư số 302/2016/TT-BTC hướng dẫn về thuế môn bài, ngày 15 tháng 11 năm 2016 của Bộ tài chính về lệ phí môn bài:
" 1. Khai, nộp lệ phí môn bài đối với tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh, hàng hóa, dịch vụ.
a) Lệ phí môn bài
......
a.2) Trường hợp người nộp lệ phí có đơn vị phụ thuộc (chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh) kinh doanh ở cùng địa phương cấp tỉnh thì người nộp lệ phí thực hiện nộp Hồ sơ kê khai phí môn bài của các đơn vị phụ thuộc đó cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp của người nộp lệ phí;
a.2) Trường hợp người nộp lệ phí có đơn vị phụ thuộc (chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh) kinh doanh ở khác địa phương cấp tỉnh nơi người nộp lệ phí có trụ sở chính thì đơn vị phụ thuộc thực hiện nộp Hồ sơ kê khai lệ phí môn bài của đơn vị phụ thuộc cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp đơn vị phụ thuộc;
a.3) Trường hợp người nộp lệ phí mới thành lập cơ sở kinh doanh nhưng chưa hoạt động sản xuất kinh doanh thì phải kê khai lệ phí môn bài trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và đăng ký thuế hoặc ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh; ngày ban hành bản phê duyệt chủ trương đầu tư...."
Ngoài ra, căn cứ tại Điểm c Khoản 1 Điều 11 Thông tư 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của bộ tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quản lý thuế; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP của Chính phủ : Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật quản lý thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế ngày 22/07/2013 của chính phủ quy định về khai thuế GTGT:
"....c) Trường hợp người nộp thuế có đơn vị trực thuộc kinh doanh ở địa phương cấp tỉnh khác nơi người nộp thuế có trụ sở chính thì đơn vị trực thuộc nộp hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp của đơn vị trực thuộc; nếu đơn vị trực thuộc không trực tiếp bán hàng, không phát sinh doanh thu thì thực hiện khai thuế tập trung tại trụ sở chính của người nộp thuế....."
3. Thủ tục thành lập chi nhánh
Trả lời:
Căn cứ Điều 33 Nghị định 78/2015/NĐ-CP đăng ký doanh nghiệp đăng ký doanh nghiệp, hồ sơ thành lập chi nhánh đối với thương nhân Việt Nam:
- Khi đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, doanh nghiệp phải gửi Thông báo thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi đặt chi nhánh, văn phòng đại diện. Nội dung Thông báo bao gồm:
a) Mã số doanh nghiệp;
b) Tên và địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp;
c) Tên chi nhánh, văn phòng đại diện dự định thành lập;
d) Địa chỉ trụ sở chính, văn phòng đại diện;
đ) Nội dung, phạm vi hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện;
e) Thông tin đăng ký thuế;
g) Họ, tên; nơi cư trú, số Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu hoặc Chứng thực cá nhân hợp pháp khác quy định tại Điều 10 Nghị định này của người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện;
e) Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
Kèm theo thông báo quy định tại khoản này, phải có
- Quyết định và bản sao hợp lệ biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, của chủ sở hữu công ty hoặc hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, của hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần, của các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh về việc thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện;
- Bản sao hợp lệ quyết định bổ nhiệm người đứng đầu chi nhánh văn phòng đại diện;
- Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân quy định tại Điều 10 Nghị định này của người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện.
4. Quy định về sử dụng con dấu của chi nhánh
Trả lời:
Căn cứ tại Điều 8 Nghị định 99/2016/NĐ-CP quản lý sử dụng con dấu về quản lý con dấu thì những cơ quan, tổ chức sau được quyền sử dụng con dấu có hình biểu tượng hoặc sử dụng con dấu không có hình biểu tượng: Doanh nghiệp, hợp tác xã, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được thành lập, hoạt động theo các luật: Công chứng, luật sư, giám định tư pháp, kinh doanh bảo hiểm, chứng khoán, hợp tác xã.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 34 Nghị định 78/2015/NĐ-CP đăng ký doanh nghiệp về đăng ký doanh nghiệp: Doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, nội dung và số lượng con dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện. Doanh nghiệp có thể có nhiều con dấu với hình thức và nội dung như nhau.
Theo đó, chi nhánh của các doanh nghiệp được phép sử dụng con dấu có hình biểu tượng hoặc con dấu không có hình biểu tượng để thuận lợi cho việc giao dịch.
5. Chi nhánh có được xuất hóa đơn thay cho công ty không?
Trả lời:
Theo quy định tại điểm b Khoản 7 Điều 3 Thông tư 26/2015/TT-BLĐTBXH thì khi lập hóa đơn, người bán phải chú ý đến tiêu thức “Tên, địa chỉ, mã số thuế của người bán”.
Cụ thể, người bán phải ghi chính xác mã số thuế của cả bên mua và bên bán. Đối với “Tên, địa chỉ” của người bán, người mua, phải viết đầy đủ, trường hợp viết tắt thì phải đảm bảo xác định đúng người mua, người bán.
Ngoài ra, tại điểm a Khoản 2 Điều 16 của Thông tư 39/2014/TT-BTC, khi chuyển giao quyền sở hũu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho bên mua thì bên bán phải lập và giao hóa đơn cho bên mua.
Từ các quy định trên có thể thấy, khi bán hàng hóa thì người bán hàng phải ghi đúng các tiêu thức “tên, địa chỉ, mã số thuế” của mình và người mua; việc xuất hóa đơn phải đúng thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho khách hàng.
Tuy nhiên, Điều 17 Thông tư 39/2014/TT-BTC có quy định về “Ủy nhiệm lập hóa đơn”. Vậy nếu trường hợp công ty có giao cho chi nhánh thực hiện xuất hóa đơn cho lô hàng đã bán thì lúc này, việc chi nhánh xuất hóa đơn vẫn được xem là hợp lệ khi đáp ứng các điều kiện:
– Việc ủy nhiệm giữa công ty và chi nhánh là bằng văn bản.
– Hóa đơn được ủy nhiệm cho chi nhánh lập vẫn phải ghi tên đơn vị bán là công ty và đóng dấu công ty phía trên bên trái của tờ hóa đơn (trường hợp hóa đơn tự in được in từ thiết bị của công ty hoặc hóa đơn điện tử thì không phải đóng dấu của công ty).
Khấu trừ thuế GTGT:
Tại Khoản 15 Điều 14 Thông tư số 219/2013/TT-BTC thì khi hóa đơn ghi không đúng một trong các chỉ tiêu như tên, địa chỉ, mã số thuế người bán thì sẽ không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với hóa đơn này.
6. Ưu và nhược điểm của chi nhánh so với địa điểm kinh doanh
Trả lời:
- Ưu điểm của chi nhánh so với địa điểm kinh doanh:
Chủ động hơn trong tổ chức hoạt động kinh doanh và các vấn đề khác trong nội bộ chi nhánh.
Việc thành lập chi nhánh tại những tỉnh, thành (khu vực tạo ra doanh thu cao cho doanh nghiệp), sẽ tiết kiệm tối đa chi phí về vận chuyển. Đồng thời, mang đến lòng tin, sự thuận tiện cũng như dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt cho khách hàng. Đó là lý do các doanh nghiệp, tập đoàn chọn thành lập chi nhánh ở nhiều tỉnh, thành lớn thay vì địa điểm kinh doanh.
Chi nhánh có thể lựa chọn hình thức hạch toán độc lập hoặc phụ thuộc, địa điểm kinh doanh phải phụ thuộc vào công ty hoặc chi nhánh.
Chi nhánh có MST riêng nên không cần phải làm thủ tục cấp MST 13 như địa điểm kinh doanh.
- Nhược điểm của chi nhánh công ty so với địa điểm kinh doanh là:
Hồ sơ thành lập chi nhánh rắc rối hơn so với địa điểm kinh doanh.
Thủ tục giải thể chi nhánh phức tạp và lâu hơn địa điểm kinh doanh.
Nếu chi nhánh hạch toán độc lập phải thực hiện kê khai thuế độc lập cho chi nhánh. Nếu quy mô doanh nghiệp nhỏ, phải thực hiện khá nhiều nghĩa vụ liên quan đến thuế và các quy định pháp luật, sẽ ảnh hưởng đến thời gian, chi phí nhân sự cũng như các chi phí vận hành doanh nghiệp khác.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.6162 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật Doanh nghiệp - Công ty luật Minh Khuê