Mục lục bài viết
1. Khái niệm về trợ giúp pháp lý
Trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật trợ giúp pháp lý năm 2017. Theo Điều 2 Luật trợ giúp pháp lý năm 2017:
"Trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý trong vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật này, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật."
Theo đó, trợ giúp pháp lý là hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí, giúp người được trợ giúp pháp lý bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; góp phần vào việc phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng xã hội, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật.
> Người được trợ giúp pháp lý gồm:
Điều 7 Người được trợ giúp pháp lý
1. Người có công với cách mạng.
2. Người thuộc hộ nghèo.
3. Trẻ em.
4. Người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
5. Người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.
6. Người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo.
7. Người thuộc một trong các trường hợp sau đây có khó khăn về tài chính:
a) Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ;
b) Người nhiễm chất độc da cam;
c) Người cao tuổi;
d) Người khuyết tật;
đ) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự;
e) Nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình;
g) Nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người;
h) Người nhiễm HIV."
Như vậy, đối tượng của trợ giúp pháp lý thường hướng đến những người yếu thế trong xã hội như: Người có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo; trẻ em, người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo; người khuyết tật, người cao tuổi, người nhiễm chất độc mầu da cam ... Đây là một chính sách xã hội nhằm đảm bảo quyền cơ bản của công dân trong việc tiếp cận đến các dịch vụ pháp lý do các cơ quan hành chính công hoặc các tổ chức hành nghề luật sư, luật sư tham gia hỗ trợ xã hội.
> Người
2. Nguyên tắc hoạt động trợ giúp pháp lý
Khi tham gia hoạt động trợ giúp pháp lý các tổ chức, đoàn thể và cá nhân phải đảm bảo các nguyên tắc được quy định tại Điều 3 Luật trợ giúp pháp lý năm 2017:
Điều 3. Nguyên tắc hoạt động trợ giúp pháp lý
1. Tuân thủ pháp luật và quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý.
2. Kịp thời, độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan.
3. Bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý.
4. Không thu tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác từ người được trợ giúp pháp lý."
- Nguyên tắc "Tuân thủ pháp luật và quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý": Đây là nguyên tắc quan trọng, định hướng cho nội dung trợ giúp pháp lý, đòi hỏi trong quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý phải dựa trên các quy định của pháp luật, tuân thủ pháp luật, tôn trọng và thực thi pháp luật. Ngoài việc tuân thủ pháp luật, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý còn phải tuân thủ các quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý. Để nâng cao trách nhiệm, đạo đức, uy tín nghề nghiệp, tính chuyên nghiệp, gương mẫu của người thực hiện trợ giúp pháp lý, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý kèm theo Thông tư 03/2020/TT-BTP ngày 28/4/2020. Bộ Quy tắc gồm 8 Điều quy định các chuẩn mực về hành vi, ứng xử của người thực hiện trợ giúp pháp lý.
- Nguyên tắc "Kịp thời, độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan": Đây là nguyên tắc quan trọng, thể hiện đặc trưng của nghề trợ giúp pháp lý với tư cách là một nghề luật, gắn với quá trình thực thi pháp luật, áp dụng pháp luật. Người thực hiện trợ giúp pháp lý phải luôn tôn trọng sự thật khách quan để tìm ra bản chất của sự việc, từ đó tránh mắc phải những sai sót không đáng có. Để làm được điều này, người thực hiện trợ giúp pháp lý phải có trách nhiệm thu thập và xác minh các thông tin, tài liệu liên quan đến vụ việc.
- Nguyên tắc "Bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý": Nguyên tắc này đòi hỏi tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý phải luôn tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý, đặt lợi ích của người được trợ giúp pháp lý làm mục đích hoạt động của tổ chức mình; phải sử dụng mọi biện pháp để hướng đến bảo vệ tốt nhất các quyền, lợi ích hợp pháp và tôn trọng các quyền của người được trợ giúp pháp lý; bảo đảm thời gian, tiến độ, chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý.
- Nguyên tắc "Không thu tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác từ người được trợ giúp pháp lý": Nguyên tắc này là nguyên tắc then chốt, quan trọng nhất để đảm bảo ý nghĩa xã hội của hoạt động trợ giúp pháp lý.
3. Các lĩnh vực nào được trợ giúp pháp lý:
Theo luật trợ giúp pháp lý hiện hành thì các lĩnh vực sau sẽ được trợ giúp pháp lý bao gồm:
- Pháp luật hình sự, tố tụng hình sự và thi hành án hình sự;
- Pháp luật dân sự, tố tụng dân sự và thi hành án dân sự;
- Pháp luật hôn nhân gia đình và pháp luật về trẻ em;
- Pháp luật hành chính, khiếu nại, tố cáo và tố tụng hành chính;
- Pháp luật đất đai, nhà ở, môi trường và bảo vệ người tiêu dùng;
- Pháp luật lao động, việc làm, bảo hiểm;
- Pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng và pháp luật về chính sách ưu đãi xã hội khác;
- Các lĩnh vực pháp luật khác liên quan đến chương trình mục tiêu quốc gia xoá đói, giảm nghèo hoặc liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Như vậy, các lĩnh vực trợ giúp được quy định khá rộng tuy nhiên để tăng cường hiệu quả của hoạt động trợ giúp các cơ quan hành chính nhà nước có lẽ cần căn cứ vào những vướng mắc thực tế của người dân để có thể xây dựng một chương trình trợ giúp phù hợp với yêu cầu thực tiễn sẽ đảm bảo hiệu quả cao hơn và thu hút người dân tham gia nhiều hơn hoạt động này.
4. Có những hình thức trợ giúp pháp lý nào:
Hiện nay, căn cứ vào các hình thức trợ giúp trực tiếp theo hướng dẫn của luật trợ giúp pháp lý thì có các hình thức sau:
+ Tư vấn pháp luật (Trực tiếp hoặc bằng văn bản);
+ Tham gia tố tụng tại tòa án;
+ Đại diện ngoài tố tụng;
+ Hòa giải: Tham gia trực tiếp hòa giải các tranh chấp phát sinh trên thực tiễn;
+ Giúp đỡ thủ tục hành chính, khiếu nại.
Như vậy, hình thức trợ giúp pháp lý khá cơ bản có lẽ cần xây dựng các hoạt động trợ giúp pháp lý khác linh hoạt hơn như: Tư vấn pháp luật qua điện thoại, tư vấn qua mạng xã hội (facebook, zalo...) tư vấn pháp luật miễn phí qua Email ... để người dân có thể tiếp cận chủ động và dễ dàng hơn.
5. Thủ tục đăng ký để được trợ giúp pháp lý
Căn cứ quy định hiện nay thì người thuộc diện trợ giúp pháp lý cần đăng ký để được hưởng những lợi ích pháp lý, đây được xem như một thủ tục hành chính, cụ thể:
Khi có nhu cầu trợ giúp pháp lý, Bạn cần chuẩn bị những vấn đề sau
+ Làm đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý. Chúng tôi giới thiệu toàn văn mẫu đơn này dưới đây.
+ Cung cấp giấy tờ chứng minh là đối tượng thuộc diện trợ giúp pháp lý (VD: Sổ hộ nghèo, giấy chứng nhận người có công; giấy chứng nhận bệnh binh; Huân chương, Huy chương hoặc giấy tờ xác nhận khác có ghi nhận họ thuộc diện người có công với cách mạng; Bằng có công với nước, Kỷ niệm chương hoặc giấy chứng nhận bị địch bắt, tù đày; Các loại giấy tờ hợp pháp khác mà dựa vào đó có thể biết được người có tên trong giấy tờ đó là người có công với cách mạng;...)
+ Cung cấp hồ sơ giấy tờ liên quan đến vụ việc (nếu cần thiết). Ví dụ: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thông tin liên quan để được tư vấn giải quyế tranh chấp đất đai...
6. Mẫu đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý mới nhất
>> Tải ngay: Mẫu đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý mới nhất
Mẫu số 02-TP-TGPL |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
.........., ngày ..... tháng ..... năm 20.....
ĐƠN YÊU CẦU TRỢ GIÚP PHÁP LÝ
Kính gửi: .........................(1)............................
I. Phần thông tin dành cho người yêu cầu trợ giúp pháp lý
Họ và tên: ..................................................(2)...........................................
Địa chỉ liên hệ: ........................................................................................................
Điện thoại: …………………………
Số CMND/ Thẻ Căn cước công dân: ........................................... cấp ngày ...................... tại .......................
Mối quan hệ với người được trợ giúp pháp lý: ............................................................................
II. Phần thông tin dành cho người được trợ giúp pháp lý
Họ và tên: ………………..(3) …………………………………………………………………………
Ngày, tháng, năm sinh: ……………………….. Giới tính: …………………………………………
Địa chỉ liên hệ: ………………………………………………………………………………………….
Điện thoại: ………………………………………………………………………………………………
Số CMND/Thẻ căn cước công dân: ………………… cấp ngày ………………. tại …………….
Dân tộc: …………………………………………………………………………………………………
Diện người được trợ giúp pháp lý: …………………………………………………………………..
III. Nội dung vụ việc trợ giúp pháp lý
1. Tóm tắt yêu cầu trợ giúp pháp lý
……………………………………………………………………………………………………………
……………………………………………………………………………………………………………
……………………………………………………………………………………………………………
……………………………………………………………………………………………………………
……………………………………………………………………………………………………………
2. Yêu cầu hình thức trợ giúp pháp lý
Tư vấn pháp luật □
Tham gia tố tụng □
Đại diện ngoài tố tụng □
3. Tài liệu gửi kèm theo đơn
a) ………………………………………………………………………………………………………….
b) ………………………………………………………………………………………………………….
c) ………………………………………………………………………………………………………….
Tôi xin cam đoan lời trình bày trên là đúng sự thật. Đề nghị ………..(1)…………. ……………………………xem xét trợ giúp pháp lý.
NGƯỜI LÀM ĐƠN
(Ký, ghi rõ họ tên hoặc điểm chỉ)
Chú thích:
(1): Tên tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý;
(2): Họ và tên người yêu cầu trợ giúp pháp lý;
(3): Họ và tên người được trợ giúp pháp lý.
7. Tham khảo một số văn bản hướng dẫn luật trợ giúp pháp lý:
+ Luật trợ giúp pháp lý năm 2017
+ Thông tư 09/2018/TT-BTP quy định về vụ việc trợ giúp pháp lý phức tạp, điển hình
+ Thông tư 08/2017/TT-BTP ngày 15/11/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật TGPL và hướng dẫn một số giấy tờ trong hoạt động TGPL
+ Quy chế số 4617/QCPH/BTP-LĐLSVN v/v Phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Liên đoàn luật sư Việt Nam về hoạt động trợ giúp pháp lý của luật sư
+ Quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý ban hành kèm theo Thông tư 03/2020/TT-BTP ngày 28/4/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp
Kết luận: Chính sách trợ giúp pháp lý là một trong những chính sách mang tính nhân đạo, nhân văn nhưng để hoạt động trợ giúp pháp lý đi vào hiệu quả, thực chất cần huy động sức mạnh của toàn thể các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm hỗ trợ tham gia một cách đông đảo để người dân có thể tiếp cận với dịch vụ trợ giúp pháp lý hoàn toàn miễn phí có chất lượng cao nhất.
Mọi vướng mắc hoặc thắc mắc của người dân về chính sách trợ giúp pháp lý Hãy gọi ngay: 1900.6162 để được đội ngũ luật sư giàu kinh nghiệm của Luật Minh Khuê tư vấn và giải đáp cụ thể.
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật Hành chính - Công ty luật Minh Khuê