Luật sư tư vấn:

Nguy cơ xảy ra cháy nổ tại các ngôi nhà ống là rất cao, gây thiệt hại lớn. Trong khi đó đây là loại công trình xây dựng phổ biến, đặc biệt là tại các thành phố. Chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống cháy nổ chính là cách tốt nhất để bảo vệ tính mạng và tài sản.

 

1. Phòng chống cháy nổ

1.1 Phòng chống cháy nổ là gì?

Phòng chống cháy nổ là việc thực hiện kết hợp nhiều biện pháp kỹ thuật và trang thiết bị phòng cháy hiện đại ngăn chặn nguy cơ cháy nổ. Lắp đặt hệ thống phòng cháy trong nhà ở, xưởng sản xuất,... do đơn vị có chuyên môn thực hiện và tuân thủ quy định của cơ quan chức năng.

 

1.2 Nguyên nhân mất an an toàn cháy nổ tại nhà ống

Tại sao vụ cháy nổ chiếm tỉ lệ lớn ở nhà ống? Có một vài lý do chính như sau:

- Nhà ống có đặc điểm là: chiều ngang hẹp và chiều dài rất sâu, không có lối thoát hiểm do xung quanh đều là nhà cao tầng. Khu vực ban công và tầng thượng bị bịt kín bằng khung thép giống như một chiếc chuồng cọp nên không có lối thoát hiểm.

- Công trình không được gia chủ đầu tư lắp đặt hệ thống phòng cháy chữa cháy hoặc hệ thống phòng cháy chữa cháy xuống cấp hoặc không đạt tiêu chuẩn chất lượng quy định.

- Ý thức phòng chống cháy nổ của người dân còn yếu kém.

 

 1.3 Biện pháp phòng chống cháy nổ trong gia đình

Để giảm thiểu nguy cơ mất an toàn cháy nổ trong gia đình khi sinh sống tại ngôi nhà ống, bạn có thể thực hiện đồng thời những biện pháp sau:

- Nhà ống có diện tích lớn hay nhỏ đều phải có lối thoát hiểm

- Thuê đơn vị thiết kế và thi công lắp đặt hệ thống phòng cháy chữa cháy trong nhà. Đồng thời bạn cần trang bị thêm thiết bị chữa cháy như: bình chữa cháy, mặt nạ chống độc,....

- Tuyệt đối không cất trữ hóa chất dễ nổ (xăng, dầu,...) trong nhà

- Hàng hóa, vật dụng đồ dùng dễ cháy không để gần nguồn điện, khu vực nấu nướng hoặc nơi có nhiệt lượng cao

- Ngắt nguồn điện và tắt bếp nấu trước khi rời khỏi nhà đề phòng xảy ra cháy nổ

- Hệ thống đường điện trong nhà được lắp đặt an toán đúng theo nhu cầu sử dụng và thường xuyên được bảo dưỡng, thay mới đường điện, thiết bị đồ điện bị hư hỏng

- Khu vực ban công, sân thượng thông thoáng không bị bít kín bằng các khung sắt cố định hay che khuất bởi biển quảng cáo

- Nâng cao ý thức cảnh giác phòng cháy chữa cháy là biện pháp bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản đơn giản nhất, tiết kiệm nhất và hiệu quả cao nhất

- Chú ý khi thắp hương thờ cúng và đốt vàng mã ở nơi an toàn, kín gió. Sau khi đốt vàng mã xong, cần gom tro lại và dập tắt tro bằng nước

Trong trường hợp xảy ra cháy nổ bạn cần hết sức bình tĩnh xử lý ngắt nguồn điện, dập tắt đám cháy bằng các thiết bị chuyên dụng. Nếu đám cháy lớn, không thể khống chế, bạn hay nhanh thoát khỏi khu vực nguy hiểm đó và hãy gọi ngay cho cơ quan phòng cháy chữa cháy 114.

 

2. Quy định về một số điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy

2.1 Cơ sở nào phải đảm bảo điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy?

Theo quy định tại Điều 5 Nghị định 136/2020/NĐ-CP như sau:

- Cơ sở thuộc danh mục quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này phải đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy sau đây:

+ Có nội quy, biển cấm, biển báo, sở đồ hoặc biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy, thoát nạn phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ công an;

+ Có lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, chuyên ngành tương ứng với loại hình cơ sở, được huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy và tổ chức sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ theo quy định, trừ trường hợp quy định tại điểm g khoản 3 Điều 31 Nghị định này;

+ Có phương án chữa cháy được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

+ Hệ thống điện, chống sét, chống tĩnh điện, thiết bị sử dụng điện, sinh lửa, sinh nhiệt, việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt phải đảm bảo an toàn về phòng cháy và chữa cháy phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ công an;

+ Có hệ thống giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy, hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy và truyền tin báo sự cố, hệ thống báo cháy, chữa cháy, ngăn khói, thoát nạn, phương tiện phòng cháy và chữa cháy khác, phương tiện cứu người bảo đảm về số lượng, chất lượng phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn và phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ công an; 

+ Có Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế và văn bản thẩm duyệt thiết kế (nếu có) và văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đối với dự án, công trình thuộc danh mục quy định tại phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này, trừ các cơ sở quốc phòng hoạt động phục vụ mục đích quân sự và phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy được các cơ sở quốc phòng chế tại hoặc hoán cải chuyên dùng cho hoạt động quân sự.

- Cơ sở thuộc danh mục quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này phải đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy sau đây:

+ Các điều kiện quy định tại các điểm a,c và điểm d khoản 1 Điều này; trường hợp cơ sở thuộc danh mục quy định tại Phụ lục V Nghị định này phải có Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế và văn bản thẩm duyệt thiết kế (nếu có) và văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy;

+ Có hệ thống giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy, hệ thống báo cháy, chữa cháy, ngăn cháy, ngăn khói, thoát nạn, phương tiện phòng cháy và chữa cháy khác, phương tiện cứu người bảo đảm về số lượng, chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an;

+ Có quy định và phân công chức trách, nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy. Người làm nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy phải được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại Điều 33 Nghị định này.

- Cơ quan, tổ chức hoạt động trong phạm vi một cơ sở đã bảo đảm điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này, trong phạm vi quản lý của mình phải thực hiện các nội dung sau đây:

+ Bảo đảm điều kiện quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;

+ Sử dụng thiết bị điện, sinh lửa, sinh nhiệt, nguồn lửa, nguồn nhiệt phải bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy:

+ Cử người tham gia đội phòng cháy và chữa cháy cơ sỏ;

+ Phối hợp với người đứng đầu cơ sở thực hiện, duy trì điều kiện an toàn phòng cháy và chữa cháy trong phạm vi quản lý của mình.

- Điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy quy định tại các khoản 1,2 và khoản 3 Điều này phải được người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở tổ chức thực hiện trước khi đưa vào hoạt động và được duy trì trong suốt quy trình hoạt động.

Trường hợp trong cơ sở có nhiều cơ quan, tổ chức cùng hoạt động, người đứng đầu cơ sở chịu trách nhiệm quản lý và duy trì điều kiện an toàn phòng cháy và chữa cháy chung của cơ sở.

- Hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động phòng cháy và chữa cháy của cơ sở thuộc danh mục quy định tại Phụ lục III, Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này do người đứng đầu cơ sở lập và lưu giữ. Thành phần hồ sơ thực hiện theo quy định của Bộ Công an.

Theo đó, đối với các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 79/2014/NĐ-CP thì phải có phương án chữa cháy, thoát nạn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và hệ thống báo cháy theo quy định.

 

2.2 Điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy đối với khu dân cư được pháp luật quy định như thế nào?

Căn cứ Điều 6 Nghị định 136/2020/NĐ-CP như sau:

- Khu dân cư là nơi sinh sống của cá nhân, hộ gia đình được bố trí trên phạm vi thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố và đơn vị dân cư tương đương (gọi chung là thôn). Một thôn được xác định là một khu dân cư thuộc diện quản lý về phòng cháy và chữa cháy.

- Khu dân cư phải đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy sau đây: 

+ Có nội quy về phòng cháy và chữa cháy, về sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy, nổ phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an;

+ Có hệ thống giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy, giải pháp chống cháy lan, phương tiện phòng cháy và chữa cháy bảo đảm số lượng và chất lượng phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an;

+ Có phương án chữa cháy được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

+ Có lực lượng dân phòng được huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy và tổ chức sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ,

Điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy quy định tại khoản 2 Điều này phải được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thực hiện và duy trì trong suốt quá trình hoạt động.

 

2.3 Điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy đối với hộ gia đình như thế nào?

Căn cứ vào Điều 7 Nghị định 136/2020/NĐ-CP như sau:

- Hộ gia đình phải đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Luật Phòng cháy và chữa cháy.

- Hộ gia đình sinh sống kết hợp với sản xuất, kinh doanh phải đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy sau đây:

+ Điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều này;

+ Có nội quy về phòng cháy và chữa cháy, về sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy, nổ phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an; 

+ Có giải pháp thoát nạn, ngăn cháy lan, ngăn khói giữa khu vực sinh sống với khu vực sản xuất, kinh doanh.

- Điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này phải được chủ hộ gia đình tổ chức thực hiện và duy trì trong suốt quá trình hoạt động.

- Hộ gia đình quy định tại khoản 2 Điều này đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp phải đảm bảo điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy tương ứng với loại hình cơ sở theo quy định tại Điều 5 Nghị định này.

 

3. Mức xử phạt hành chính khi để xảy ra cháy nổ là bao nhiêu?

Căn cứ theo Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, cụ thể như sau:

Theo Điều 50 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP vi phạm quy định về phòng, chống cháy, nổ tại hộ gia đình:

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ mà gây thiệt hại về tài sản từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng với một trong những hành sau đây:

a) Vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ mà gây thiệt hại về tài sản trên 100.000.000 đồng;

b) Vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 61%;

c) Vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này dưới 61%.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả 

Buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm b và c khoản 2 Điều này.

Khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP cũng quy định: Mức phạt tiền quy định đối với các hành vi vi phạm nêu trêu là mức phạt đối với cá nhân, mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Trên đây là giải đáp của Luật Minh Khuê về mức xử phạt vi phạm quy định về an toàn phòng chống cháy nổ tại hộ gia đình và chia sẻ những nội dung liên quan. Hi vọng bài biết đã cung cấp những thông tin hữu ích tới quý bạn đọc. Trân trọng cảm ơn!