1. Khái quát chung về pháp nhân

Pháp nhân là tổ chức được thừa nhận là chủ thể quan hệ pháp luật. Pháp nhân được tạo thành bởi 2 từ Pháp (trong pháp luật) và Nhân (trong nhân cách con người). Sự xuất hiện của pháp nhân là sự tuân theo xu hướng nhân hóa những đoàn thể cá nhân hay các tập hợp tài sản này với những người thường và công nhận cho các thực thể ấy một nhân cách pháp lý gọi là pháp nhân. Các nhà nghiên cứu pháp luật đưa ra khái niệm pháp nhân như sau:
Pháp nhân là một tổ chức thống nhất, độc lập, hợp pháp có tài sản riêng và chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình, nhân danh mình tham gia vào các quan hệ pháp luật một cách độc lập. Để phục vụ cho mục đích, chức năng của mình, nhiều pháp nhân không chỉ hoạt động trong phạm vi lãnh thổ quốc gia mà còn mở rộng phạm vi hoạt động tại lãnh thổ quốc gia khác, từ đó làm xuất hiện khái niệm pháp nhân nước ngoài. Hiện nay, chưa có bất kỳ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về khái niệm pháp nhân nước ngoài. Có thể hiểu rằng, pháp nhân nước ngoài được hiểu là pháp nhân được thành lập theo pháp luật nước ngoài, ở nước ngoài, có trụ sở chính hoạt động tại nước ngoài.

Đặc điểm của pháp nhân theo quy định của pháp luật Việt Nam:

  • Pháp nhân được thành lập hợp pháp, có tên gọi bằng tiếng Việt, tên phải thể hiện rõ loại hình tổ chức của pháp nhân và phân biệt với các pháp nhân khác trong cùng một lĩnh vực hoạt động. Pháp nhân phải sử dụng tên gọi của mình trong giao dịch dân sự. Trụ sở của pháp nhân là nơi đặt cơ quan điều hành của pháp nhân.P
  • Pháp nhân có cơ quan điều hành, cơ cấu tổ chức chặt chẽ
  • Pháp nhân có tài sản độc lập và tự chịu trách nhiệm với tài sản của mình
  • Pháp nhân có quyền nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập

2. Tư cách pháp lý của pháp nhân

Tư cách pháp nhân là tư cách pháp lý được Nhà nước công nhận cho một tổ chức, pháp nhân có khả năng tồn tại, hoạt động độc lập và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Điều kiện để có tư cách pháp nhân: Pháp luật dân sự công nhận một tổ chức là pháp nhân sẽ có tư cách pháp nhân, tức là tổ chức đó hội tụ đủ các điều kiện được quy định tại Điều 74 BLDS 2015, cụ thể như sau: 
(1) Được thành lập theo quy định của BLDS, luật khác có liên quan. Pháp nhân phải được thành lập hợp pháp theo pháp luật Việt Nam
(2) Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 BLDS 2015. Pháp nhân tồn tại độc lập không phụ thuộc vào sự thay đổi các thành viên pháp nhân đó, có cơ quan điều hành.
(3) Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của chính mình. Pháp nhân có tài sản độc lập và chịu trách nhiệm độc lập về tài sản, có quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản;
(4) Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập. Pháp nhân có quyền xác lập, tham gia các quan hệ dân sự, khởi kiện nguyên đơn và bị đơn trước Tòa án và thực hiện các hành vi pháp lý nhân danh mình.

3. Tư cách pháp lý của pháp nhân nước ngoài tại Việt Nam

3.1.  Cơ sở pháp lý của tư cách pháp nhân nước ngoài

Nhắc tới địa vị pháp lý của pháp nhân nước ngoài là nói đến những quyền mà pháp nhân nước ngoài được hưởng và những nghĩa vụ mà pháp nhân nước ngoài thực hiện ở nước sở tại. Các nước thường xác định chế độ pháp lý của các pháp nhân nước ngoài theo pháp luật nước mình và trên cơ sở các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế mà nước này ký kết hoặc tham gia. Trong các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế đó thường được quy định rõ quy chế pháp lý áp dụng, đối với các pháp nhân: có thể là quy chế Tối huệ quốc hoặc quy chế Đãi ngộ quốc gia.
Về vấn đề năng lực pháp luật của các pháp nhân đó trong tố tụng dân sự, kinh tế tại nước sở tại. Khi một pháp nhân nước ngoài được phép tiến hành hoạt động ở một nước, thì pháp luật nước sở tại thường cho phép pháp nhân đó được hưởng những quyền tư pháp nhất định. Những quyền này thường được ghi nhận trong các điều ước quốc tế liên quan giữa các nước với nhau.

3.2. Đặc điểm quy chế pháp lý của pháp nhân nước ngoài

Pháp nhân mang quốc tịch của một nước nhất định và được tổ chức và hoạt động theo pháp luật của nước đó. Tuy nhiên, khi hoạt động với tư cách là pháp nhân nước ngoài ở một nước nào đó, năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân trên lãnh thổ nước sở tại tuỳ thuộc vào quy định của pháp luật nước sở tại, trừ các vấn đề về tổ chức, nội bộ, giải thể...thì vẫn theo quy định của pháp luật của nước mà pháp nhân mang quốc tịch. Việc cho pháp nhân nước ngoài vào hoạt động hay không, cho phép vào để tiến hành những hoạt động gì, trong lĩnh vực nào, ở phạm vi nào, cho pháp nhân đó hưởng thêm những quyền gì và có những nghĩa vụ gì cụ thể, là quyền của nước sở tại ký kết hoặc tham gia, như theo Điều 16 Luật Thương mại Việt Nam năm 2005 thì pháp nhân nước ngoài chỉ có thể hoạt động ở Việt Nam dưới hai hình thức: “Chi nhánh và Văn phòng đại diện”.
Do vậy quy chế pháp lý dân sự của pháp nhân nước ngoài đó là cùng một lúc phải tuân theo hai hệ thống pháp luật là pháp luật mà pháp nhân mang quốc tịch và pháp luật nơi pháp nhân hoạt động, tuy nhiên trước hết phải tuân theo pháp luật nơi pháp nhân hoạt động. Quy chế pháp lý dân sự của pháp nhân nước ngoài thể hiện ở chỗ nếu quyền và lợi ích hợp pháp của pháp nhân nước ngoài trên lãnh thổ nước sở tại bị xâm phạm thì pháp nhân đó được nhà nước của mình bảo hộ về mặt ngoại giao.
Do chế độ chính trị, chính sách kinh tế đối ngoại của nước sở tại, vai trò của vốn, công nghệ, kỹ thuật nước ngoài đối với sự phát triển kinh tế xã hội của nước sở tại. Do đó nội dung quy chế pháp lý của pháp nhân nước ngoài ở các nước là không giống nhau. Quy chế pháp lý dân sự của pháp nhân nước ngoài được xây dựng trên cơ sở chế độ Đối xử quốc gia (đối xử như pháp nhân nước sở tại), chế độ Tối huệ quốc và chế độ Đãi ngộ đặc biệt. Việc áp dụng chế độ nào trong từng lĩnh vực cụ thể tùy từng trường hợp quy định của pháp luật nước sở tại ký kết hay tham gia. Thực tiễn cho thấy các nước thường xây dựng quy chế pháp lý dân sự của pháp nhân nước ngoài trên cơ sở chế độ đãi ngộ quốc; trong các lĩnh vực khác trên cơ sở chế độ đãi ngộ Tối huệ quốc hay Đãi ngộ đặc biệt.

3.3. Quy chế pháp lý của pháp nhân nước ngoài ở Việt Nam

Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi và các thủ tục dễ dàng cho các pháp nhân nước ngoài vào Việt Nam hoạt động theo các mục đích khác nhau. Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân; tên gọi của pháp nhân, đại diện theo pháp luật của pháp nhân; việc tổ chức, tổ chức lại, giải thể pháp nhân, quan hệ giữa pháp nhân với thành viên của pháp nhân; trách nhiệm của pháp nhân và thành viên của pháp nhân đối với các nghĩa vụ của pháp nhân được xác định theo pháp luật của nước mà pháp nhân có quốc tịch. Ngoại lệ của trường hợp này đó là pháp nhân nước ngoài xác lập, thực hiện giao dịch dân sự tại Việt Nam thì năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân đó được xác định theo pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, nội dung cụ thể  của quy chế pháp lý dân sự của các loại pháp nhân nước ngoài hoạt động ở Việt Nam không hoàn toàn giống nhau: 

(1) Chủ thể và lĩnh vực đầu tư: Các tổ chức được khuyến khích đầu tư vào Việt Nam thuộc mọi quốc tịch và mọi thành phần kinh tế, bao gồm cả các tổ chức quốc tế. Đối tác của nhà đầu tư nước ngoài là các doanh nghiệp nhà nước, hợp tác xã, các doanh nghiệp được thành theo luật doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam ký kết và thực hiện hợp đồng xây dựng - kinh doanh chuyển giao, hợp đồng xây dựng - chuyển giao - kinh doanh và hợp đồng xây dựng - chuyển giao. Các pháp nhân nước ngoài được đầu tư vào lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân của Việt Nam.
(2) Hình thức đầu tư: Các pháp nhân nước ngoài được đầu tư vào Việt Nam dưới các hình thức sau đây:
  • Hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng hợp tác kinh doanh như hợp tác sản xuất chia sản phẩm và các hình thức kinh doanh khác.
  • Thành lập các doanh nghiệp liên doanh trên cơ sở hợp đồng liên doanh, doanh nghiệp liên doanh được thành lập theo hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn. Các pháp nhân nước ngoài tham gia doanh nghiệp liên doanh được góp vốn pháp định bằng: tiền nước ngoài, tiền Việt Nam có nguồn gốc từ đầu tư tại Việt Nam; nhà xưởng, công trình xây dựng khác, thiết bị, máy móc, giá trị quyền sở hữu công nghiệp...Phần góp vốn của bên nước ngoài vào vốn pháp định của doanh nghiệp liên doanh không bị hạn chế về mức cao nhất theo sự thỏa thuận của các bên, nhưng không dưới 30% vốn góp pháp định, trừ trường hợp do Chính phủ quy định. Các bên chia lợi nhuận và chịu rủi ro của doanh nghiệp liên doanh theo tỷ lệ góp vốn của mỗi bên. Doanh nghiệp liên doanh được thành lập theo hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn, có tư cách pháp nhân theo pháp luật Việt Nam.
  • Thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài: Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài được thành lập sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép và chứng nhận đăng ký điều lệ. Thời hạn hoạt động của xí nghiệp 100% vốn nước ngoài được giải quyết như thời hạn hoạt động của doanh nghiệp liên doanh có vốn đầu tư nước ngoài. Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài toàn quyền thuộc sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, do nhà đầu tư nước ngoài tự quản lý và chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh, có các quyền lợi và nghĩa vụ ghi trong giấy phép đầu tư. Và doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài được thành lập theo hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn, có tư cách pháp nhân theo pháp luật Việt Nam, được tổ chức và hoạt động theo các quy định của pháp luật Việt Nam.
  •  Hợp đồng xây dựng - chuyển giao - kinh doanh: Là hợp đồng ký kết giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam và nhà đầu tư nước ngoài để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng. Sau khi xây dựng xong, nhà đầu  tư nước ngoài chuyển giao công trình đó cho Nhà nước Việt Nam. Chính phủ Việt Nam dành cho nhà đầu tư nước ngoài quyền kinh doanh công trình đó trong một thời hạn nhất định để thu hồi đầu tư và lợi nhuận hợp lý.
  • Hợp đồng xây dựng - chuyển giao: Là hợp đồng được ký kết giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam và nhà đầu tư nước ngoài để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng. Sau khi xây dựng xong, nhà đầu tư nước ngoài chuyển giao cho Nhà nước Việt Nam. Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài thực hiện dự án khác để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận hợp lý.

4. Quyền và nghĩa vụ của pháp nhân nước ngoài

Khả năng pháp nhân được pháp luật cho phép có các quyền và nghĩa vụ dân sự được hiểu pháp nhân chỉ quyền tham gia những quan hệ pháp luật mà quốc gia cho phép. Chẳng hạn như ở Mỹ, một số pháp nhân đủ điều kiện được phép kinh doanh súng, đạn dược, ngược lại theo pháp luật Việt Nam, súng bị liệt vào danh mục tài sản cấm lưu thông, nên không có tổ chức, cá nhân được phép sở hữu và kinh doanh. Trong trường hợp việc xác định khả năng có quyền và nghĩa vụ một mặt tuân theo pháp luật Mỹ (có quyền kinh doanh tại Mỹ) nhưng khi thực hiện các giao dịch tại Việt Nam thì phải tuân theo pháp luật Việt Nam. Khả năng pháp nhân bằng hành vi xác lập các quyền và nghĩa vụ được xem xét dưới các điều kiện mà điều kiện mà pháp nhân cần phải đáp ứng khi tham gia vào các lĩnh vực cụ thể. Chẳng hạn những yêu cầu về vốn pháp định, nhân sự chất lượng cao, cơ sở vật chất kỹ thuật... mà mỗi quốc gia có thể đặt ra những quy định khác nhau. Trong trường hợp này, việc xác định điều kiện phải tuân theo pháp luật nước nơi pháp nhân tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh.
 

Trên đây là bài viết sưu tầm và tổng hợp về Tư cách pháp lý của pháp nhân trong Tư pháp quốc tế.  Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.6162 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật Hình sự - Công ty luật Minh Khuê