1. Khái niệm từ đồng nghĩa

Trong cuộc sống giao tiếp hàng ngày, trong các văn bản ta thường sẽ gặp các từ đồng nghĩa. Các từ đồng nghĩa được áp dụng một cách linh hoạt trong từng tình huống cụ thể, tùy theo mục đích của người nói, người viết. Trong một vài trường hợp, từ đồng nghĩa có vai trò nhấn mạnh các vấn đề được nói đến. Tuy nhiên, trong một số trường hợp khác, từ đồng nghĩa được sử dụng với mục đích thay thế, thường dùng để nói giảm, nói tránh, nhằm hạn chế sắc thái đau buồn trong ngữ cảnh.

Ta định nghĩa từ đồng nghĩa là các từ có nghĩa giống nhau hoặc chỉ gần giống nhau.

Từ đồng nghĩa thường được chia làm 2 loại: từ đồng nghĩa hoàn toàn và từ đồng nghĩa không hoàn toàn. Trong đó:

- Từ đồng nghĩa hoàn toàn: được gọi là những từ đồng nghĩa mang đặc điểm nghĩa hoàn toàn giống nhau và trong một câu hay một đoạn văn vẫn có thể thay thế cho nhau.

- Từ đồng nghĩa không hoàn toàn: đây là các từ có các nghĩa giống nhau nhưng khác nhau về sắc thái biểu cảm hoặc có những cách thức riêng hay hành động khác nhau.

Ví dụ về từ đồng nghĩa:

- Các cặp từ đồng nghĩa hoàn toàn: ba - bố, trái - quả, khai - mở,...

- Các cặp từ đồng nghĩa không hoàn toàn: chết - hy sinh - quyên sinh, cuồn cuộn - lăn tăn - nhấp nhô, ăn - chén (từ chén mang nghĩa sắc thái thân mật hơn), yếu đuối - yếu ớt (đối với từ yếu đuối nói về sự thiếu hụt sức mạnh tinh thần, từ yếu ớt thì thiếu về thể chất),...

>> Xem thêm: Từ đồng nghĩa là gì? Phân loại và lấy ví dụ về từ đồng nghĩa?

 

2. Một số loại từ đặc biệt trong tiếng Việt

2.1. Từ trái nghĩa

Từ trái nghĩa là những từ có ý nghĩa đối lập nhau trong mối quan hệ đương liên, chúng khác nhau về ngữ âm và phản ánh các khái niệm. Có rất nhiều từ trái nghĩa, ví dụ như: cao - thấp, trái - phải, trắng - đen,... Diễn tả các sự vật sự việc khác nhau chính là đem đến sự so sánh rõ rệt và sắc nét  nhất cho người đọc, người nghe.

Từ trái nghĩa gồm trái nghĩa hoàn toàn và trái nghĩa không hoàn toàn. Trong đó:

- Trái nghĩa hoàn toàn: Đây là những từ luôn trái nghĩa với nhau trong mọi trường hợp. Chỉ cần nhắc tới từ này là người ta liền nghĩ ngay tới từ mang nghĩa đối lập với nó.

- Trái nghĩa không hoàn toàn: Đối với các cặp từ trái nghĩa không hoàn toàn, khi nhắc tới từ này thì người ta không nghĩ ngay tới từ kia.

 

2.2. Từ đồng âm

Từ đồng âm là loại từ có cách phát âm, cấu tạo âm thanh giống nhau hoặc trùng nhau về hình thức viết, nói, đọc nhưng ý nghĩa lại hoàn toàn khác nhau. Từ đồng âm có thể là từ tiếng Việt hoặc Hán Việt và rất dễ nhầm với từ nhiều nghĩa vì có cấu tạo từ và âm như nhau. 

Trong văn học, đặc biệt là văn học dân gian, từ đồng âm được sử dụng rất phổ biến. Người xưa thường sử dụng từ đồng âm rất nhiều khi chế thơ với mục đích chủ yếu là chơi chữ. Dựa vào hiện tượng đồng âm, chúng ta sẽ tạo ra được các câu nói mang nhiều nghĩa, đem lại sự bất ngờ và thu hút người đọc, người nghe nhiều hơn. Có thể nói, sử dụng từ đồng âm giúp nhấn mạnh nội dung câu, tạo hiệu quả nghệ thuật cao cho sự diễn đạt, tạo sự liên tưởng bất ngờ, thú vị, hoặc đôi khi là hài hước, châm biếm.

 

2.3. Từ nhiều nghĩa

Từ nhiều nghĩa là từ có một nghĩa gốc và một hay một số nghĩa chuyển. Đây là hiện tượng có thể thấy được ở hầu hết các ngôn ngữ trên thế giới. Trong tiếng Việt, các nghĩa của từ nhiều nghĩa bao giờ cũng có mối liên hệ với nhau. Nói cách khác, một từ nhưng có thể gọi tên nhiều sự vật, hiện tượng, biểu thị nhiều khái niệm thì từ ấy được gọi là từ nhiều nghĩa.

Nguyên nhân tồn tại của từ nhiều nghĩa là do số lượng từ nhiều, trong khi số lượng khái niệm có nhiều sắc thái ý nghĩa tương đồng nhau nhưng không giống hệt nhau. Hiện tượng từ nhiều nghĩa tồn tại cả ở thực từ và hư từ, mặc dù hư từ là các từ: do, bởi, vì, mà,... là các từ trừu tượng không dễ để phát triển nghĩa. Đồng thời, từ nhiều nghĩa cũng xuất hiện do thực tế giao tiếp, để phù hợp với tình hình phát triển của xã hội cũng như nhằm đáp ứng trình độ nhận thức ngày càng cao của con người. Để gọi tên, biểu đạt những sự vật, hiện tượng, khái niệm mới thì ngoài cách tạo ra những từ mới hoàn toàn, người ta thêm vào nghĩa mới cho những từ đã có sẵn. Cách thêm nghĩa mới vào cho từ chính là cách tạo ra từ nhiều nghĩa. 
 

3. Từ đồng nghĩa với từ Tổ quốc và đặt câu với từ đồng nghĩa với từ Tổ quốc

3.1. Nghĩa của từ Tổ quốc

Với người Việt Nam, hai tiếng “Tổ quốc” từ bao đời đã trở thành tiếng nói thiêng liêng, tha thiết nhất…Theo Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, 1992), tổ quốc là “đất nước, được bao đời trước xây dựng và để lại, trong quan hệ với những người dân có tình cảm gắn bó với nó”. Như vậy, tổ quốc trước hết chính là đất nước, giang sơn tổ tiên, ông bà bao đời trước xây dựng, bảo vệ và để lại.

Có thể tìm về từ nguyên để hiểu hơn hàm nghĩa sâu xa của từ “tổ quốc”. Đây là một từ Việt gốc Hán. Trong đó, “tổ” (bộ kỳ) có nghĩa là “tổ tiên”; “quốc” (bộ vi) có nghĩa là “nước, đất nước”. Thiều Chửu trong Hán Việt tự điển định nghĩa “có đất có dân, có quyền cai trị gọi là nước”. Như vậy, “tổ quốc” có thể hiểu là “đất nước của tổ tiên xây dựng, bảo vệ và để lại”. Do đó, “tổ quốc” hay đất nước không phải là tài sản riêng của một cá nhân, một dòng họ, một tổ chức, một nhà nước, một chế độ nào cả. “Tổ quốc” là tài sản chung của cả một dân tộc trải qua hàng nghìn đời vun đắp, giữ gìn, kế thừa và xây dựng. Đó là thứ tài sản thiêng liêng, bất khả xâm phạm.

 

3.2. Các từ đồng nghĩa với từ Tổ quốc

Một số từ đồng nghĩa với từ Tổ quốc là:

  • Nước nhà
  • Non sông
  • Đất nước
  • Quê hương
  • Quốc gia
  • Giang sơn
  • Quê nhà
  • Dân tộc
  • Sơn hà
  • Quê mẹ
  • Quê cha đất tổ
  • Nơi chôn rau cắt rốn
  • ...

>> Xem thêm:  Từ đồng nghĩa với đoàn kết là từ gì? Đặt câu với từ đồng nghĩa với đoàn kết

 

3.3. Câu có từ đồng nghĩa với từ Tổ quốc

1. Bằng lòng yêu Tổ quốc vô hạn, lớp lớp thanh thiếu niên đã lên đường ra mặt trận, quyết tâm chiến đấu giải phóng nước nhà.

2. Non sông Việt Nam có tươi đẹp hay không, là dựa vào công học tập của các em thiếu nhi và công xây dựng của thế hệ thanh niên.

3. Đất nước ta thật tươi đẹp biết bao, nơi nơi đều là rừng vàng biển bạc.

4. Quê hương em có con sông xanh biếc, hai bên bờ là những lũy tre rì rào khi gió thổi.

5. Hiền tài là nguyên khí quốc gia, lời dạy ấy nhắc nhở mỗi học sinh phải học tập sao cho thành tài, sau này xây dựng Tổ quốc.

7. Giang sơn Đại Việt ta là xương máu của biết bao đời cha ông dựng xây và gìn gìn, lẽ nào lại để giặc ngoại xâm giày xéo?

8. Những người đi xa, tha phương cầu thực, mỗi dịp tết đến xuân về hẳn là rất nhớ quê nhà.

9. Dân tộc Việt Nam ta quả là một dân tộc kiên cường, đồng thời rất yêu hòa bình và có tinh thần thượng võ.

10. Sơn hà gấm vóc nơi đây là những gì thiên nhiên ban tặng cho chúng ta, phải gắng sức gìn giữ và khai thác cẩn thận.

11. Quê mẹ là vùng đất thiêng liêng trong số phận mỗi con người, đó là nơi bồi đắp tâm hồn, là chốn đi về của ta giữa dòng đời sóng gió.

12. Dù có đi đâu về đâu, con cũng phải nhớ về quê cha đất tổ.

13. Những người con xa quê lâu ngày, lúc nào cũng mong ngóng được trở về nơi chôn rau cắt rốn.

>> Tham khảo: Từ đồng nghĩa với hạnh phúc là gì? Đặt câu với từ đồng nghĩa với hạnh phúc

Bài viết Từ đồng nghĩa với Tổ quốc là từ gì? Đặt câu với từ đồng nghĩa với Tổ quốc đã cung cấp tới quý bạn đọc một số thông tin về từ đồng nghĩa cũng như các từ đồng nghĩa với từ Tổ quốc. Hy vọng bài viết đã cung cấp đến bạn đọc những thông tin hữu ích. Luật Minh Khuê xin trân trọng cảm ơn!