Chào Luật Minh Khuê! Em là công dân Việt Nam (quốc tịch Việt Nam) còn chồng em là người gốc Mỹ (quốc tịch Mỹ). Hiện em đang mang thai và sẽ sinh con tại Việt Nam vào tháng 12/2016 này. Theo tìm hiểu về tấc cả các trình tự giấy tờ để làm giấy khai sinh quốc tịch Mỹ cho con ở lãnh sự quán Hoa Kì em có chút thắc mắc về vấn đề nhập hai quốc tịch. Theo phía lãnh sự quán Mỹ để làm giấy khai sinh quốc tịch Mỹ thì cần Giấy khai sinh Việt Nam hợp pháp của bé. Vậy nếu em muốn con có hai quốc tịch Việt Nam và Mỹ thì khi làm khai sinh ở sở tư pháp em phải làm thế nào? Phần quốc tịch chọn là quốc tịch Việt Nam rùi sau đó mang giấy khai sinh đó đi làm giấy khai sinh ở lãnh sự Mỹ hay sao? Và sở tư pháp có bắt buộc tên con em phải có tiếng việt kèm theo không? vì em muốn tên con toàn bộ là tên nước ngoài ( ANNA GRACE DUMARK) theo họ của cha .
Còn nếu em chọn quốc tịch Mỹ khi làm khai sinh ở sở tư pháp thì làm sao con em có quốc tịch Việt Nam để có hộ chiếu Việt Nam? và luật pháp Việt Nam có quy định nếu chọn quốc tịch Mỹ cho con thì phải có giấy thỏa thuận về quốc tịch cho con của cha/mẹ được hợp pháp hóa tại cơ quan thẩm quyền của Mỹ, vậy giấy thoả thuận về quốc tịch chồng em có thể làm ở đâu?
Cảm ơn!
>> Luật sư tư vấn pháp luật dân sự về quốc tịch, gọi:1900.6162
Trả lời:
Chào bạn, Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Khuê. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
1. Căn cứ pháp lý:
Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quốc tịch Việt Nam số 56/2014/QH13
Luật quốc tịch Việt Nam số 24/2008/QH12
Nghị định 78/2009/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam
2. Nội dung phân tích:
- Trình tự, thủ tục nhập hai quốc tịch:
Theo Khoản 2 Điều 16 Luật Quốc tịch năm 2008 sửa đổi bổ sung năm 2014 thì con bạn quốc tịch Việt Nam nếu có sự thỏa thuận bằng văn bản của 2 vợ chồng bạn vào thời điểm đăng ký khai sinh cho con.
"Điều 16. Quốc tịch của trẻ em khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam
2. Trẻ em khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là công dân nước ngoài thì có quốc tịch Việt Nam, nếu có sự thỏa thuận bằng văn bản của cha mẹ vào thời điểm đăng ký khai sinh cho con. Trường hợp trẻ em được sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà cha mẹ không thỏa thuận được việc lựa chọn quốc tịch cho con thì trẻ em đó có quốc tịch Việt Nam."
Như vậy, nếu con bạn được sinh tại Việt Nam, cháu sẽ có quốc tịch Việt Nam.
Nếu muốn cháu có hai quốc tịch (Việt Nam và Mỹ), bạn cần tìm hiểu xem pháp luật Mỹ có cho phép song tịch hay không. Nếu có, bạn làm thủ tục xin nhập quốc tịch Mỹ cho cháu, và trong thời hạn 02 năm, kể từ ngày con bạn có quốc tịch nước ngoài, bạn phải thông báo cho Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hoặc Sở Tư pháp địa phương nơi vợ chồng bạn cư trú biết việc con bạn có quốc tịch nước ngoài theo Điều 21, Khoản 2 Nghị định 78/2009/NĐ-CP:
"Điều 21. Thông báo có quốc tịch nước ngoài
1. Kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2009, công dân Việt Nam vì lý do nào đó mà có quốc tịch nước ngoài và chưa mất quốc tịch Việt Nam, thì vẫn có quốc tịch Việt Nam.
2. Trong thời hạn 02 năm, kể từ ngày có quốc tịch nước ngoài, người quy định tại khoản 1 Điều này hoặc cha mẹ, người giám hộ của người đó, nếu ở ngoài nước phải thông báo cho Cơ quan đại diện Việt Nam có thẩm quyền theo quy định tại Điều 19 của Nghị định này; nếu ở trong nước phải thông báo cho Sở Tư pháp nơi người đó cư trú việc họ có quốc tịch nước ngoài, kèm theo bản sao giấy tờ chứng minh có quốc tịch nước ngoài.
3. Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Sở Tư pháp có trách nhiệm ghi vào Sổ quốc tịch khi công dân Việt Nam thông báo có quốc tịch nước ngoài."
Còn trường hợp bạn nhập quốc tịch Mỹ cho cháu trước thì bạn sẽ thực hiện theo quy định tại các Điều 19, 20, 21 Luật Quốc tịch Việt Nam:
Theo quy định tại điểm a, khoản 2 Điều 19 Luật Quốc tịch đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 về điều kiện để nhập quốc tịch Việt Nam như sau:
“Điều 19. Điều kiện được nhập quốc tịch Việt Nam
2. Người xin nhập quốc tịch Việt Nam có thể được nhập quốc tịch Việt Nam mà không phải có các điều kiện quy định tại các điểm c, d và đ khoản 1 Điều này, nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:
a) Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam;”
Do bạn là công dân Việt Nam nên bạn có thể làm thủ tục xin nhập quốc tịch Việt Nam cho con theo quy định trên.
- Hồ sơ xin nhập quốc tịch được quy định tại Điều 20 Luật Quốc tịch:
"Điều 20. Hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam
1. Hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam gồm có các giấy tờ sau đây:
a) Đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam;
b) Bản sao Giấy khai sinh, Hộ chiếu hoặc giấy tờ khác có giá trị thay thế;
c) Bản khai lý lịch;
d) Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp đối với thời gian người xin nhập quốc tịch Việt Nam cư trú ở Việt Nam, Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp đối với thời gian người xin nhập quốc tịch Việt Nam cư trú ở nước ngoài. Phiếu lý lịch tư pháp phải là phiếu được cấp không quá 90 ngày tính đến ngày nộp hồ sơ;
đ) Giấy tờ chứng minh trình độ Tiếng Việt;
e) Giấy tờ chứng minh về chỗ ở, thời gian thường trú ở Việt Nam;
g) Giấy tờ chứng minh bảo đảm cuộc sống ở Việt Nam.
2. Những người được miễn một số điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam quy định tại khoản 2 Điều 19 của Luật này thì được miễn các giấy tờ tương ứng với điều kiện được miễn.
3. Chính phủ quy định cụ thể các giấy tờ trong hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam."
Vì con của bạn thuộc trường hợp người xin nhập quốc tịch Việt Nam theo điểm a, khoản 2 Điều 19 Luật Quốc tịch nên được miễn các giấy tờ (5), (6) và (7) nêu trên.
- Trình tự, thủ tục giải quyết hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam tuân thủ theo quy định tại Điều 21 của Luật Quốc tịch:
“Điều 21. Trình tự, thủ tục giải quyết hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam
1. Người xin nhập quốc tịch Việt Nam nộp hồ sơ cho Sở Tư pháp nơi cư trú. Trong trường hợp hồ sơ không có đầy đủ các giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều 20 của Luật này hoặc không hợp lệ thì Sở Tư pháp thông báo ngay để người xin nhập quốc tịch Việt Nam bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ.
2. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp gửi văn bản đề nghị cơ quan Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) xác minh về nhân thân của người xin nhập quốc tịch Việt Nam.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở Tư pháp, cơ quan Công an cấp tỉnh có trách nhiệm xác minh và gửi kết quả đến Sở Tư pháp. Trong thời gian này, Sở Tư pháp phải tiến hành thẩm tra giấy tờ trong hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam.
Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả xác minh, Sở Tư pháp có trách nhiệm hoàn tất hồ sơ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở Tư pháp, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xem xét, kết luận và đề xuất ý kiến gửi Bộ Tư pháp.
3. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được đề xuất của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra lại hồ sơ, nếu xét thấy có đủ điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam thì gửi thông báo bằng văn bản cho người xin nhập quốc tịch Việt Nam để làm thủ tục xin thôi quốc tịch nước ngoài, trừ trường hợp người xin nhập quốc tịch Việt Nam xin giữ quốc tịch nước ngoài hoặc là người không quốc tịch. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được giấy cho thôi quốc tịch nước ngoài của người xin nhập quốc tịch Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.
Trường hợp người xin nhập quốc tịch Việt Nam xin giữ quốc tịch nước ngoài, người xin nhập quốc tịch Việt Nam là người không quốc tịch thì trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được đề xuất của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra lại hồ sơ, nếu xét thấy người xin nhập quốc tịch Việt Nam có đủ điều kiện được nhập quốc tịch Việt Nam thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.
4. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước xem xét, quyết định.”
- Trong trường hợp, sau khi nhập quốc tịch Mỹ, vợ chồng bạn muốn con nhập quốc tịch Việt Nam thì phải thực hiện thủ tục sau:
Theo Điều 20 Luật Quốc tịch và Điều 19, Nghị định 78/2009/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quốc tịch, bạn nộp hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam cho con tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Hồ sơ bao gồm:
Đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam;
Bản sao Giấy khai sinh của người con chưa thành niên cùng nhập quốc tịch Việt Nam theo cha mẹ hoặc giấy tờ khác chứng minh quan hệ cha con, mẹ con;
Bản khai lý lịch của bạn chứng minh bạn mang quốc tịch Việt Nam.
- Giấy thỏa thuận về quốc tịch cho con của cha/mẹ:
Khi đăng kí khai sinh cho con nếu hai vợ chồng thỏa thuận được thì con bạn sẽ có quốc tịch Việt Nam luôn trong quá trình làm thủ tục khai sinh cho con. Luật pháp Việt Nam có quy định nếu chọn quốc tịch Mỹ cho con thì phải có giấy thỏa thuận về quốc tịch cho con của cha/mẹ được hợp pháp hóa tại cơ quan thẩm quyền của Mỹ, vậy giấy thoả thuận về quốc tịch chồng em có thể làm ở đâu?
Bạn có thể dựa vào mẫu thỏa thuận sau: Mẫu văn bản thỏa thuận chon quốc tịch cho con
- Tên gọi của người xin nhập quốc tích Việt Nam:
Khoản 4 Điều 19 Luật Quốc tịch năm 2008 sửa đổi bổ sung năm 2014 quy định:
"Người xin nhập quốc tịch Việt Nam phải có tên gọi Việt Nam. Tên gọi này do người xin nhập quốc tịch Việt Nam lựa chọn và được ghi rõ trong Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam."
Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng.
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài gọi số: 1900.6162 hoặc gửi qua email: Tư vấn pháp luật dân sự miễn phí qua Emailđể nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Bộ phận Tư vấn luật Dân sự - Công ty luật MInh Khuê