Mục lục bài viết
1. Cảm nhận về một cuốn sách mà em yêu thích - Mẫu 1
Suốt cả quãng đường niên thiếu, và có lẽ cho đến mãi sau này, sẽ không thể có thêm một tác phẩm nào cho tôi ấn tượng sâu đậm như cái tên “Lolita” của nhà văn người Mỹ gốc Nga Vladimir Nabokov ..
Vladimir Nabokov, tên đầy đủ là Vladimir Vladimirovich Nabokov sinh ngày 22/4/1889, mất ngày 2/7/1977. Ông là nhà văn sáng tác chủ yếu bằng tiếng Nga và tiếng Anh, viết nên những tác phẩm xuất sắc, nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng trên toàn thế giới. Trong số đó, nổi tiếng nhất và cũng gây ra nhiều tranh cãi nhất là “Lolita” - tiểu thuyết được viết và xuất bản lần đầu năm 1955 tại Paris.
“Lolita” kể về Humbert Humbert - nhân vật trong ngôi xưng “tôi”, một giáo sư văn chương trạc 35 tuổi, đẹp trai. Ngay từ nhỏ, Humbert đã có tình yêu đẹp với cô bạn cùng tuổi Annabel, một tình yêu có thêm ít nhiều tình dục. Từ khi Annabel chết vì bệnh hiểm nghèo, Humbert vẫn khắc khoải, ám ảnh trong khát khao tình dục với những bé gái mà hắn gọi là “tiểu thiên thần”. Hắn sống cùng vợ nhưng không cảm thấy hứng thú, sau đó vài năm, Humbert được mời sang Mĩ giảng dạy tại một trường Đại học ở New England. Hắn trọ ở chỗ Charlotte Haze - một góa phụ, và gặp được cô con gái Dolores Haze - Lolita. Charlotte đem lòng yêu Humbert, trong khi Humbert mang tình yêu bệnh hoạn dành cho Lolita. Hắn chấp nhận cưới Charlotte để được gần gũi hơn với người tình trong mộng. Charlotte chỉ biết sự thật khi vô tình đọc được nhật kí của chồng. Bà chết vì bị xe cán khi đang trên đường gửi thư cho con gái lúc ấy đang ở trại hè. Humbert an táng Charlotte, đến trại hè đón Lolita. Và từ ấy, người cha dượng bệnh hoạn đưa đứa con gái riêng của người vợ đã mất rong ruổi khắp mọi miền nước Mĩ, đêm đến họ cùng đắm chìm trong nhục dục tại các khách sạn rẻ tiền. Cho đến vài năm sau, Lolita bỏ Humbert để theo một người đàn ông khác – Clare Quilty. Humbert điên cuồng tìm kiếm Lolita trong vô vọng. Đến khi gặp lại, nàng đã là một Dolores Haze 17 tuổi, có chồng, đang mang thai và nhan sắc tàn tạ. Humbert đau đớn vì hình tượng “tiểu thiên thần” trong lòng mình sụp đổ hoàn toàn, hắn để lại toàn bộ tiền tiết kiệm cho Lolita, tìm giết Clare và cuối cùng chết trong tù vì bệnh mạch vành. Lolita cũng mất khi sinh con năm 1952.
Lấy bối cảnh nước Mĩ giữa thế kỉ XX, thời đại mà “người đàn ông 25 tuổi có thể tán tỉnh một thiếu nữ 16, nhưng không phải một bé gái 12”, Vladimir Nabokov đã đặt ra một vấn đề tâm lý sâu sắc: tâm lý của tội phạm ấu dâm; đồng thời đặt ra dấu hỏi xung quanh nạn ấu dâm - dấu hỏi mà đến giờ chúng ta vẫn đi tìm lời đáp.
“Lolita” rõ ràng không phải một câu chuyện truyền cảm hứng cảm động. Thay vào đó, cuốn tiểu thuyết khai thác những góc khuất tối tăm nhất của một con người dằn vặt trong niềm khao khát và đam mê sai trái. Có thể nói một cách không hề quá đáng rằng, Lolita hoàn toàn là một công trình nghiên cứu tâm lý tội phạm dưới hình thức văn chương. Đọc tác phẩm, cái ta thấy là một thế giới ngập tràn khao khát và đam mê nhục dục, mà trong đó, được khắc họa rõ nét nhất là tâm lý bệnh hoạn của Humbert Humbert và nỗi bất hạnh của Dolores Haze - Lolita.
“Lolita, ánh sáng của đời tôi, ngọn lửa nơi hạ bộ của tôi. Tội lỗi của tôi, tâm hồn của tôi.” Mở đầu những trang viết về cuộc đời mình, Humbert đã nhắc đến Lolita như một biểu tượng của dục vọng trong tâm hồn hắn - “ngọn lửa nơi hạ bộ tôi”. Có lẽ đã có nhiều người lầm tưởng Humbert yêu Lolita. Tuy nhiên, trong bài viết này, tôi muốn nhấn mạnh đến tâm lý lệch lạc trong Humbert, đồng thời khẳng định tình cảm mà hắn dành cho Lolita là tình cảm bệnh hoạn mà một tội phạm ấu dâm dành cho nạn nhân của mình. Không phải đến khi gặp Lolita Humbert mới có những xúc cảm rạo rực và khát khao dục vọng. Hắn là kẻ hiểu rõ mình, biết mình thực sự muốn gì. Hắn đã trưởng thành cùng những khát khao dục vọng dành cho các bé gái non tơ. Hắn thậm chí còn nắm rõ từng đặc điểm của cơ thể, thần thái của những người mà hắn hằng mong muốn. Hắn gọi những cô bé ấy là các “tiểu thiên thần”. Humbert chán ghét những người phụ nữ trưởng thành, hắn chỉ muốn gần gũi với những bé gái: “(...) hãy để ta yên trong cái công viên dậy thì của ta, trong khu vườn rêu phong của ta. Hãy để các bé chơi đùa quanh ta mãi mãi. Đừng bao giờ lớn nữa.”
Không phải Humbert chưa từng giãy dụa trong tâm lý bất ổn của mình: “Trong khi thể xác tôi biết rõ nó khao khát điều gì, thì tâm trí tôi lại bác bỏ mọi van xin của thể xác. (...) Những cấm kị bóp nghẹt tôi.” Có nghĩa là, Humbert hiểu, những khát khao thể xác của hắn là sai trái. Thế nhưng, hắn vẫn không cưỡng lại được ham muốn nhục dục hoành hành trong tâm trí mình. Rõ ràng, Vladimir Nobokov đã áp dụng Phân tâm học trong việc khai thác tâm lý nhân vật Humbert, rằng “cái nó” - những ham muốn, nhu cầu về thể xác, trong đó có tình dục - là phần mạnh mẽ nhất trong tâm hồn một con người. Và để thỏa mãn chính mình cũng như thuyết phục tất cả rằng ham muốn của hắn không sai, Humbert đã sử dụng cả đến kiến thức về những hủ tục, dẫn chứng về những mối tình thơ dại trong văn chương. Hắn đã dùng những thứ bóng bẩy để biện hộ cho sự sai trái trong tâm hồn, để cho phép mình phạm vào những điều mà hắn biết là cấm kị. Nhưng như thế có lẽ cũng chẳng sao, bởi ít nhất, hắn chưa từng thực sự làm hại một cô bé nào. Cho đến khi hắn gặp Dolores Haze.
Ngay từ lần đầu gặp Dolores, Humbert đã rung động đến chấn động. “ (...) bất thình lình, không có một dấu hiệu nhỏ nào báo trước, một con sóng xanh trào dân dưới tim tôi và kìa, quì trong một vũng nắng, gần như khỏa thân, xoay mình trên hai đầu gối, người yêu dấu ở bãi biển Riviera của tôi đang dõi mắt nhìn tôi bên trên cặp kính râm.” Ta có đủ cơ sở để khẳng định đây không phải tình yêu sét đánh. Humbert chỉ nhìn thấy dáng hình một Annabel, “người yêu dấu ở bãi biển Riviera của tôi”, trong Dolores, lúc ấy 12 tuổi. Sự rung động của Humbert là sự rung động của một kẻ mang tâm lý ấu dâm khi thấy một “tiểu thiên thần”. Sau này, Dolores - Lolita của Humbert, tồn tại trong tâm hồn hắn, chỉ là dáng hình “tiểu thiên thần” được hắn tôn thờ, thay thế cho Annabel trước đó. Tình cảm của Humbert đối với Lolita hoàn toàn là dục vọng, là khát khao tình dục. Hay nói đúng hơn, Humbert yêu Lolita 13 tuổi, yêu cơ thể, yêu những nét quyến rũ ngây thơ của em và chính hắn cũng biết điều ấy: “Tôi biết mình đã đem lòng yêu Lolita mãi mãi, nhưng tôi cũng biết em sẽ chẳng mãi mãi là Lolita.” Hắn chấp nhận cưới mẹ của Lolita, chỉ vì để gần gũi em hơn. Những cử chỉ thân yêu giữa cha và con gái hiện lên trong đầu Humbert chứa đầy nhục dục: “Tôi hình dung (...) tất cả những mơn trớn tùy tiện mà gã chồng của mẹ nàng có thể hoang tàn lên Lolita của gã”. Và sau tất cả, khi vợ qua đời, Humbert đã đón lấy Lolita, kéo em xuống vũng lầy nhục dục dơ bẩn, hắn sử dụng thân thể em, lợi dụng em để thỏa mãn “cái nó” thấp hèn trong mình.
Mỗi một nạn nhân trong các câu chuyện đều phải gánh chịu nỗi bất hạnh, Dolores Haze cũng thế. Từ một Dolores Haze vô ưu vô lo, từ Lo yêu quý của mẹ mình - Charlotte, cô bé trở thành một Lolita, hình bóng sống trong những suy nghĩ dâm dục của cha dượng. Khi mẹ mất, em bị cha dượng đưa đi, trở thành “tiểu thiên thần” (Danh từ hoa mỹ một cách mai mỉa!) thỏa mãn ham muốn nhục dục của hắn. Khi tất cả xảy ra, em chỉ mới 13 tuổi, cái tuổi mà một cô bé hồn nhiên chưa thể đủ nhận thức để hiểu hết những gì ẩn giấu đằng sau hành động của kẻ mà em gọi là cha dượng. Em được Humbert nuôi lớn, không chỉ với những điều kiện mà một đứa trẻ bình thường được hưởng, mà còn với tình dục - thứ mà lẽ ra một đứa trẻ chưa phải trải qua. Cô bé 13 tuổi đẹp xinh ấy, cô bé mà lẽ ra sẽ trở thành một thiếu nữ sắc nước hương trời, một nữ sinh viên đại học, đã dành hết những năm tháng cuối cùng của tuổi ấu thơ để đắm chìm trong nhục dục với Humbert. Để rồi cái mà em nhận được là tuổi 17 hoa tàn nhụy rữa, một người chồng tệ hại, và sau cùng là cái chết vì sinh nở. Nỗi bất hạnh mà Dolores Haze gánh chịu là sự thật cay đắng đằng sau thứ “tình yêu” mà bấy lâu nay ta lầm tưởng.
Cả Vladimir Nobokov lẫn nhân vật của ông - Humbert Humbert đều là những người có tài văn chương, bởi vậy, ngôn từ sử dụng trong “Lolita” là ngôn từ đẹp một cách hoa mỹ, đầy tính nghệ thuật, tinh tế và khéo léo. Đọc “Lolita”, nghĩa là người đọc đang du hành trong thế giới tâm lý nhiều góc khuất, đồng thời có một trải nghiệm về ngôn ngữ đầy ấn tượng. Không những vậy, “Lolita” còn cho thấy vốn kiến thức phong phú không chỉ trong văn học, những chiêm nghiệm, tìm tòi sâu sắc của Vladimir Nobokov về tâm lý, đặc biệt là tâm lý tội phạm.
Song, đó không phải là yếu tố quyết định khiến “Lolita” tuy gây tranh cãi, nhưng vẫn được công nhận là một tác phẩm kinh điển. Lần đầu tiên, trong văn học có một tác phẩm khai thác trực tiếp vào vấn đề nhạy cảm mà nhức nhối - ấu dâm. Tính trực diện và nghệ thuật của nó khiến “Lolita” từng bị xem là rác phẩm đồi trụy suốt một thời gian dài. Thế nhưng, hòn ngọc quý vẫn luôn luôn tỏa sáng, sau những thăng trầm của thời gian, “Lolita” đã tồn tại, được nhìn nhận và công nhận với đúng vị thế của nó - một công trình nghiên cứu tâm lý đồ sộ, một tác phẩm văn chương giàu tính nghệ thuật và nhân văn - một tác phẩm kinh điển cả về nội dung lẫn nghệ thuật.
Xin được mượn lời Tiến sĩ John Ray. Jr để bày tỏ những gì mà cuốn sách đã để lại cho tôi sau khi gấp lại trang sách cuối cùng: “Với tư cách là một hồ sơ bệnh án, “Lolita” chắc sẽ trở thành một tư liệu kinh điển trong giới y học tâm thần. Với tư cách là một tác phẩm nghệ thuật, nó siêu việt trên khía cạnh chuộc tội của nó; và đối với chúng tôi, điều còn quan trọng hơn cả ý nghĩa khoa học và giá trị văn học, là tác động đạo lý mà cuốn sách sẽ tạo nên đối với độc giả nghiêm túc; vì trong nghiên cứu cá nhân xót xa này, ẩn chứa một bài học phổ quát; đứa trẻ ngang ngạnh, người mẹ ích kỉ, gã quỷ ám hổn hển, không phải chỉ là những nhân vật sống động trong một câu chuyện duy nhất; họ cảnh báo ta về các khuynh hướng nguy hiểm; họ chỉ ra những cái xấu đầy cường lực.
“Lolita” khiến tất cả chúng ta - những người làm cha mẹ, những nhà hoạt động xã hội, những nhà giáo dục - phải dốc sức, với tinh thần cảnh giác cao hơn nữa và sáng suốt hơn nữa, vào nhiệm vụ nuôi dạy một thế hệ tốt hơn trong một thế giới an toàn hơn.”
Lời cuối, xin được khẳng định rằng, “Lolita” cần được nhìn nhận như một lời cảnh báo không bao giờ thừa thãi với xã hội, về việc bảo vệ và phát triển trẻ em. Giá trị của “Lolita” không nằm ở những nhục dục tầm thường trên câu chữ, mà nằm ở tâm lý tội phạm được khắc họa rõ nét, những chiêm nghiệm quý báu về một vấn đề không bao giờ cũ: ấu dâm.