1. Xe đậu làn đường gây ra tai nạn xử lý thế nào?

Chào các luật sư công ty luật Minh Khuê, xin hỏi: Anh A điều khiển xe tải 1,5 tấn (có đầy đủ giấy tờ) đậu xe ở làn đường để xuống hàng hóa (không có tín hiệu, bảng báo). Anh B điều khiển xe gắn máy trong tình trạng say rượu, đụng vào đuôi xe tải và tử vong.
Hỏi: anh A có vi phạm gì không? Nếu có thì phạm luật gì ? Mức xử phạt ? (Xin nêu rõ điều luật quy định).

Trả lời:

Có thể thấy trong trường hợp này, anh B là bên bị thiệt hại nhưng lại là bên có lỗi do điều khiển phương tiện giao thông trong tình trạng say rượu. Về phía anh A, do những thông tin bạn cung cấp chưa đầy đủ nên chúng tôi xin chia ra hai trường hợp để có thể có câu trả lời rõ ràng và chính xác nhất.

Trường hợp thứ nhất, nếu việc đỗ xe của anh A hoàn toàn tuân thủ đúng pháp luật về giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 18 và Điều 19 Luật giao thông đường bộ năm 2008 thì anh A không có lỗi, việc xảy ra thiệt hại hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, tức anh B nên anh A không phải bồi thường, theo quy định tại Điều 363 Bộ luật dân sự năm 2015.

Trường hợp thứ hai, nếu việc đỗ xe của anh A trái với quy định tại Điều 18 và Điều 19 Luật giao thông đường bộ 2008 thì anh A được coi là có lỗi một phần và phải bồi thường thiệt hại cho anh B tương ứng với mức độ lỗi của mình cũng theo quy định tại Điều 363 Bộ luật dân sự 2015.

Điều 18 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định:

" Điều 18. Dừng xe, đỗ xe trên đường bộ

1. Dừng xe là trạng thái đứng yên tạm thời của phương tiện giao thông trong một khoảng thời gian cần thiết đủ để cho người lên, xuống phương tiện, xếp dỡ hàng hóa hoặc thực hiện công việc khác.

2. Đỗ xe là trạng thái đứng yên của phương tiện giao thông không giới hạn thời gian.

3. Người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ phải thực hiện quy định sau đây:

a) Có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết;...

Điều 19 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định:

"Điều 19. Dừng xe, đỗ xe trên đường phố

Người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường phố phải tuân theo quy định tại Điều 18 của Luật này và các quy định sau đây:

1. Phải cho xe dừng, đỗ sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi của mình; bánh xe gần nhất không được cách xa lề đường, hè phố quá 0,25 mét và không gây cản trở, nguy hiểm cho giao thông. Trường hợp đường phố hẹp, phải dừng xe, đỗ xe ở vị trí cách xe ô tô đang đỗ bên kia đường tối thiểu 20 mét.

2. Không được dừng xe, đỗ xe trên đường xe điện, trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước. Không được để phương tiện giao thông ở lòng đường, hè phố trái quy định."

Điều 363 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

"Điều 363. Bồi thường thiệt hại trong truờng hợp bên bị vi phạm có lỗi

Trường hợp vi phạm nghĩa vụ và có thiệt hại là do một phần lỗi của bên bị vi phạm thì bên vi phạm chỉ phải bồi thường thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình."

>> Tham khảo thêm: Tư vấn xử lý việc vô tình gây tai nạn giao thông chết người?

 

2. Tai nạn giao thông xảy ra có xin hòa giải được không?

Kính chào luật Minh Khuê ! Con có việc muốn luật sư tư vấn giúp, ba con đi ngược chiều và mở đèn tín hiệu xin qua đường nhưng mà bị anh T đụng vào Anh T đã chạy quá tốc độ và chạy lấn tuyến. Tình trạng anh T gãy răng và trầy xước nhẹ còn khoẻ mạnh nhưng ba con thì bị gãy tay gãy chân và bị xuất huyết não đang hôn mê đang còn cấp cứu .
Gia đình bối rối quá lo cho ba con cấp cứu thôi thì ở hiện trường mấy đứa cháu trong gia đình tưởng ba con không sao nên đã bắt tay giải hoà không lập biên bản giấy tờ gì cả mà bây giờ tình trạng ba con rất nặng có thể không qua khỏi. Theo luật sư con nên làm gì bây giờ ? Anh T sau khi gây tai nạn còn có ý định bỏ chạy còn bảo ba con phải bồi thường cho anh T nữa cũng may bị người ta bắt lại.
Xin chân thành cảm ơn !

Trả lời:

2.1 Về trách nhiêm dân sự:

Nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được quy định tại Điều 585 Bộ luật dân sự năm 2015 như sau:

" 1. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.

3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.

4. Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

5. Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình."

Việc giải quyết bồi thường thiệt hại trong trường hợp này được quy định Thông tư số 77/2012/TT-BCA ngày 05/12/2012 quy định quy trình điều tra giải quyết tai nạn giao thông đường bộ như sau:

Giải quyết việc khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại giữa các bên liên quan trong vụ tai nạn giao thông khi các bên có yêu cầu đòi bồi thường:

- Trường hợp các bên liên quan tự thương lượng thỏa thuận khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại thì phải có bản cam kết thống nhất thỏa thuận về mức và hình thức bồi thường thiệt hại giữa các bên; ký và ghi rõ họ, tên những người liên quan. Thỏa thuận bồi thường thiệt hại là tình tiết giảm nhẹ khi xem xét ra quyết định xử lý hành chính;

- Trường hợp các bên liên quan trong vụ tai nạn giao thông không tự thỏa thuận thương lượng được với nhau thì Cảnh sát giao thông có trách nhiệm hướng dẫn các bên liên hệ với Tòa án để giải quyết theo thủ tục dân sự.

Trong trường hợp này không lập biên bản nen không được công nhận và gia đình bạn vẫn có quyền yêu cầu bồi thường.

Cụ thể về xác định chi phí bồi thường, bạn có thể xem tại mục II Nghị quyết số 03 năm 2016 ngày 08 tháng 7 năm 2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ Luật dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Ngoài tra, với hậu quả như bạn nêu trên, T còn phải chịu trách nhiệm hình sự:

 

2.2 Về trách nhiệm hình sự

Ngoài ra, T có lỗi khi tham gia giao thông dẫn đến hậu quả nghiêm trọng thì phải chịu trách nhiệm.

Về trách nhiệm hình sự, em bạn sẽ có thể bị xử lý hình sự theo điều 260 bộ luật hình sự năm 2015

Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ

1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; ...

Để có thể rõ hơn về trách nhiệm trường hợp của bạn, bạn có thể tìm hiểu Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của HĐTP TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự và Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 28 tháng 8 năm 2013 hướng dẫn áp dụng quy định tại Chương XIX của Bộ luật Hình sự về các tội xâm phạm trật tự, an toàn giao thông.

>> Tham khảo: Cách xử lý việc vô tình gây tai nạn giao thông chết người?

 

3. Thuê xe tự lái gây tai nạn có phải bồi thường?

Thưa luật sư, tôi có một vài điều xin nhờ luật sư giải đáp giúp. Gia đình tôi có thuê một xe tự lái để gia đình đi có việc, người đứng ra thuê xe là em rể tôi. Nhưng sau đó xe xảy ra tai nạn, hậu quả là ba, mẹ và em trai tôi (người lái xe, có bằng) đều bị chết, còn em rể tôi (người thuê xe) bị thương nặng, xe bị hư hỏng nặng. Đây là vụ tai nạn thảm khốc sảy ra ngày 08/4/2020 tại Đại đồng - đại lộc - quảng nam.
Vậy xin luật sư cho biết em rể tôi (người thuê xe) có phải bồi thường thiệt hại vật chất chiếc xe cho chủ xe hay không ?
Xin cảm ơn luật sư.
Người gửi: Đ.N.V

>> Luật sư tư vấn pháp luật qua điện thoại gọi: 1900.6162

 

Trả lời:

Đây là trường hợp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, về vấn đề này Bộ luật dân sự 2015 quy định:

"Điều 601. Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra

1. Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.

Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải vận hành, sử dụng, bảo quản, trông giữ, vận chuyển nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật....

Căn cứ vào Khoản 18 điều 3 Luật Giao thông đường bộ quy định:

"18. Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (sau đây gọi là xe cơ giới) gồm xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự."

Vậy theo các điều khoản trên thì ô tô là nguồn nguy hiểm cao độ do vậy quy định về bồi thường thiệt hại sẽ dựa vào Điều 623 và các quy định pháp luật liên quan, cụ thể là tại mục III.2 Nghị quyết của HĐTP TANDTC số 03 năm 2016 NQ-HĐTP ngày 08 tháng 07 năm 2006 hướng dẫn áp dụng một số quy định của bộ luật dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng quy định:

"2. Xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra

a) Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Chủ sở hữu đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ là đang thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình để nắm giữ, quản lý nguồn nguy hiểm cao độ, nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội; khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ nguồn nguy hiểm cao độ.

b) Người được chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, trừ trường hợp giữa chủ sở hữu và người được giao chiếm hữu, sử dụng có thoả thuận khác không trái pháp luật, đạo đức xã hội hoặc không nhằm trốn tránh việc bồi thường."

Như vậy trong trường hợp này là em rể của bạn đi thuê xe có hợp đồng, tuy bạn chưa cung cấp được cụ thể nội dụng hợp đồng đó là như thế nào, nhưng theo các mẫu hợp đồng thuê xe tự lái thông thường thì phần nghĩa vụ của bên thuê xe cũng có ghi là nếu xảy ra tai nạn, thiệt hại thì người thuê xe phải chịu. Vậy em rể của bạn có thể sẽ phải bồi thường thiệt hại cho chủ xe trừ trường hợp nguyên nhân gây tai nạn hoàn toàn do vấn đề ở xe.

 

4. Mức xử phạt, bồi thường tai nạn xe nâng trong nhà máy

Thưa luật sư, em có 1 việc muốn hỏi mong các anh/chị tư vấn giúp cho em với a. Mẹ đẻ em làm công việc quét dọn tại công ty sản xuất thức ăn gia súc tại Bôi Thời - Hồng Tiến - Khoái Châu - Hưng Yên.
Trưa ngày 04/01/2020, đến giờ nghỉ trưa mẹ em đi bộ ra căng tin ăn cơm, trong lúc rẽ trái thì bị xe nâng hàng bất ngờ lùi lại ( không hề có tín hiệu báo hay bóp còi.....) và đè bẹp chân trái của mẹ em, người nhà em đưa lên BV Việt Đức cấp cứu và phẫu thuật, mẹ em phải tháo khớp 3 ngón chân giữa và nằm viện 1 tuần Phía người lái xe nâng gây tai nạn cho mẹ em đã xin gia đình em là giải quyết tình cảm, bảo nhà em chi phí trong viện và sau sẽ bồi thường và bỏ về vì lý do nhà có người chết, gia đình em trong viện lo lắng cho sức khỏe hiện tại của mẹ em và thấy nhà người ta có tang nên cũng để họ về. Trong 1 tuần nằm viện người gây tai nạn cho mẹ em không hề hỏi thăm và có ý định trốn tránh trách nhiệm, nhà em liên hệ rất nhiều lần không được, cuối cùng họ mới nghe điện thoại.
Họ xuống nhà em chỉ nói thăm sức khỏe và nói lỗi là do mẹ em đi qua đường nên không chịu bồi thường thiệt hại về sức khỏe cho mẹ em. Gia đình em muốn làm đơn kiện người đã gây tai nạn và đòi lại công bằng cho mẹ em thì thủ tục phải làm thế nào? và án phí chi phí sẽ do bên nào chịu? Xử phạt và Mức bồi thường cho mẹ em sẽ như thế nào?

>> Luật sư tư vấn pháp luật dân sự gọi:1900.6162

 

Trả lời:

Theo Bộ luật Dân sự 2015 về bồi thường thiệt hại được quy định tại điều 584 và điều 585:

Theo thông tin bạn cung cấp thì tai nạn do lỗi vô ý của xe nâng do lúc rẽ trái thì bị xe nâng hàng bất ngờ lùi lại ( không hề có tín hiệu báo hay bóp còi.....) và đè bẹp chân trái của mẹ bạn nên xe nâng phải bồi thường thiệt hại.

Việc bồi thường sẽ do thỏa thuận của các bên.

Tại Nghị quyết số 03 ănm 2016ngày 8/7/2006 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì việc bồi thường thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm được bồi thường bao gồm:

- Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại bao gồm: tiền thuê phương tiện đưa người bị thiệt hại đi cấp cứu tại cơ sở y tế; tiền thuốc và tiền mua các thiết bị y tế, chi phí chiếu, chụp X quang, chụp cắt lớp, siêu âm, xét nghiệm, mổ, truyền máu, vật lý trị liệu... theo chỉ định của bác sỹ; tiền viện phí; tiền mua thuốc bổ, tiếp đạm, tiền bồi dưỡng phục hồi sức khoẻ cho người bị thiệt hại theo chỉ định của bác sỹ; các chi phí thực tế, cần thiết khác cho người bị thiệt hại (nếu có) và các chi phí cho việc lắp chân giả, tay giả, mắt giả, mua xe lăn, xe đẩy, nạng chống và khắc phục thẩm mỹ... để hỗ trợ hoặc thay thế một phần chức năng của cơ thể bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại (nếu có).

- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại. Nếu trước khi sức khoẻ bị xâm phạm người bị thiệt hại có thu nhập thực tế, nhưng do sức khoẻ bị xâm phạm họ phải đi điều trị và do đó khoản thu nhập thực tế của họ bị mất hoặc bị giảm sút, thì họ được bồi thường khoản thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút đó.

- Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị.

- Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do sức khoẻ bị xâmphạm: Tối đa không quá 30 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết bồi thường"

Khi người lái xe nâng gây thiệt hại không bồi thường cho mẹ bạn thì gia đình bạn có thể kiện người lái xe về việc không bồi thường tại tòa án nhân dân nơi người đó cư trú hoặc làm việc, khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo quy định của BLTTDS.

Về tiền án phí:

Khoản 6 Điều 11 Pháp lệnh án phí quy định: "6. Người yêu cầu bồi thường về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm." được miễn toàn bộ tiền tạm ứng án phí, án phí.

Nghĩa vụ nộp án phí sơ thẩm quy định tại Điều 27 Pháp lệnh số 10/2009/UBTVQH12:

"Điều 27. Nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm

1. Đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận.

2. Bị đơn phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm trong trường hợp toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn được Tòa án chấp nhận.

3. Nguyên đơn phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm trong trường hợp toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn không được Tòa án chấp nhận...."

Vậy, khi nộp đơn khởi kiện thì bên bạn không phải nộp tiền tạm ứng án phí, sau khi giải quyết xong tranh chấp, nếu toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn được Tòa án chấp nhận thì bên bên bị đơn phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm.
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 hoặc gửi qua email: Tư vấn pháp luật dân sự miễn phí qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê. Rất mong nhận được sự hợp tác! Trân trọng./.