Mục lục bài viết
- 1. Giải đáp thắc mắc chung
- 2. Điều kiện để xe nâng được phép tham gia giao thông
- 3. Khi điều khiển xe nâng hàng tham gia giao thông trên đường thì cần phải mang theo những giấy tờ gì?
- 4. Trường hợp xe nâng phải kiểm định trước khi tham gia giao thông
- 5. Xe nâng hàng có phải đăng ký biển số hay không?
- 6. Xe nâng công nghiệp tự hành lưu thông trên thị trường phải đảm bảo các điều kiện an toàn nào?
- 7. Lưu ý khi lái xe nâng tham gia giao thông
1. Giải đáp thắc mắc chung
Đầu tiên chúng ta cần phải hiểu xe nâng hàng là gì? Căn cứ theo Điều 3 Thông tư 89/2015/TT-BGTVT được sửa đổi bổ sung khoản 3 Điều 1 Thông tư 23/2020/TT-BGTVT có quy định: Xe máy chuyên dùng (sau đây viết tắt là xe) gồm các loại xe được nêu trong tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 7772:2007: Xe, máy và thiết bị thi công di động - phân loại và các loại xe được nêu tại mục C của Phụ lục I và mục D của Phụ lục II của Thông tư số 41/2018/TT-BGTVT ngày 30 tháng 07 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Giao thông vận tải.
Như vậy, căn cứ TCVN 7772:2007 thì xe nâng hàng được xem là một loại xe máy chuyên dùng. Xe nâng là phương tiện vận tải hàng hóa trong các nhà xưởng, kho hàng logistics.
Nhiều người băn khoăn liệu xe nâng hàng hóa có được phép tham gia giao thông trên đường hay không? Theo quy định của Bộ giao thông Vận tải Việt Nam, xe nâng hoàn toàn có thể lưu thông trên đường bộ nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Tải trọng xe không vượt quá quy định cho phép: Tùy vào từng loại xe nâng mà sẽ có tải trọng tối đa được phép khác nhau. Bạn cần kiểm tra kỹ thông số kỹ thuật của xe trước khi tham gia giao thông.
- Xe phải có đầy đủ giấy tờ đăng ký và đăng kiểm hợp lệ: Bao gồm giấy chứng nhận đăng ký xe, giấy chứng nhận kiểm định xe và các giấy tờ khác liên quan
- Người lái xe phải có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe nâng đang sử dụng
- Xe nâng phải đảm bảo các điều kiện an toàn giao thông như hệ thống đèn, còi, gương,...
Với những điều kiện này được đáp ứng, xe nâng hoàn toàn có thể lưu thông trên đường bộ theo quy định. Tuy nhiên, cần lưu ý xe nâng thường có tốc độ chậm và độ cồng kềnh lớn, vì vậy cần lái xe cẩn thận, tuân thủ luật giao thông để đảm bảo an toàn cho mình và người xung quanh khi tham gia giao thông đường bộ.
2. Điều kiện để xe nâng được phép tham gia giao thông
Ngoài những điều kiện về tải trọng và giấy tờ đăng ký, đăng kiểm hợp lệ, xe nâng cần phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại Điều 57 Luật giao thông đường bộ 2008 xe nâng hàng có thể tham gia giao thông đường bộ khi đáp ứng được các điều kiện sau:
- Hệ thống phanh phải hoạt động hiệu quả, đảm bảo an toàn khi di chuyển
- Phải có đầy đủ đèn chiếu sáng, đèn báo hiệu và gương chiếu hậu
- Mức độ tiếng ồn của xe không được vượt quá mức cho phép
- Khí thải của xe phải đáp ứng tiêu chuẩn khí thải tối thiểu là Euro 4 trở lên
Những yêu cầu an toàn cho người điều khiển khi sử dụng xe nâng hàng tham gia giao thông đường bộ :
- Chỉ sử dụng xe nâng hàng có tình trạng kỹ thuật tốt, đã được kiểm định kỹ thuật an toàn lao động theo quy định. Trong quá trình sử dụng, nếu phát hiện xe nâng hàng không đảm bảo an toàn thì đơn vị sử dụng có quyền đưa ra yêu cầu kiểm định trước thời hạn.
- Phải có biện pháp an toàn để đảm bảo an toàn cho người, vật tư, thiết bị và công trình trong khi tham gia giao thông đường bộ.
- Trước khi cho xe nâng hàng hoạt động tham gia giao thông đường bộ cần phải kiểm tra các cơ cấu an toàn và xem xét các điều kiện như đèn, gương,... để xe nâng hàng vận hành an toàn.
3. Khi điều khiển xe nâng hàng tham gia giao thông trên đường thì cần phải mang theo những giấy tờ gì?
Căn cứ khoản 2 Điều 62 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định xe nâng hàng hóa được xác định là xe máy chuyên dùng, đối với điều khiển xe máy chuyên dùng khi tham gia giao thông cần phải có những giấy tờ sau:
- Giấy tờ đăng ký xe
- Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ
- Bằng hoặc chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng
- Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe máy chuyên dùng
4. Trường hợp xe nâng phải kiểm định trước khi tham gia giao thông
- Các loại xe nâng cần chạy hoặc hoạt động thường xuyên ngoài đường lớn
- Vận chuyển nguyên vật liệu, hàng hóa, công cụ trong các khu vực giao thông có địa hình phức tạp, đông đúc xe cộ và người đi lại.
- Xe nâng bốc rút xếp dỡ nâng chuyển hàng trong các container lớn nhỏ ở các công trình xây dựng, bến cảng,...
- Liên tục di chuyển và lưu thông nơi có dân cư hoặc người lao động đi lại tại các khu công nghiệp
Thời gian kiểm định: Theo quy định của pháp luật hiện hành, khoảng thời gian kiểm định là 03 năm đối với lần đầu tiên và tùy theo thời gian sử dụng, thời gian kiểm định sẽ giảm xuống còn 06 tháng hoặc 01 năm cho những lần tiếp theo.
Hình thức kiểm định:
- Kiểm định lần đầu: khi xe vừa xuất xưởng hoặc mới được nhập về từ hải quan. Thông thường lần đầu tiên sẽ mất khá nhiều thời gian vì cần lập hồ sơ kỹ thuật cho xe.
- Kiểm định định kỳ: sẽ được dựa vào thông số của lần kiểm định trường và thời gian sử dụng thiết bị để quy định. Xe nâng càng được sử dụng lâu thì thời gian giữa các lần kiểm định sẽ càng được rút ngắn.
5. Xe nâng hàng có phải đăng ký biển số hay không?
Xe nâng hàng thường có phạm vi làm việc hẹp trong các nhà xưởng, kho hàng, rất ít khi tham gia giao thông đường bộ vì vậy nhiều người sử dụng cảm thấy không cần đăng ký biển số. Nhưng đối với xe nâng hàng mới, có đầy đủ hóa tờ, chứng từ nhập khẩu bạn hoàn toàn có thể đăng ký biển số cho xe nâng hàng và tham gia giao thông đường bộ ở phạm vi những khu vực được cho phép xe nâng hàng hoạt động.
Như vậy những loại xe nâng hàng không có đầy đủ hóa đơn, giấy chứng nhận nguồn gốc như xe nâng cũ sẽ không thể đăng ký ra biển số. Các doanh nghiệp thường xuyên vận chuyển hàng hóa phải tham gia giao thông ở quãng ngắn nên mua xe nâng hàng mới nhập khẩu để có đủ điều kiện tham gia giao thông.
6. Xe nâng công nghiệp tự hành lưu thông trên thị trường phải đảm bảo các điều kiện an toàn nào?
Căn cứ quy định tại tiểu mục 3.4 Mục 3 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 25:2015/BLĐTBXH quy định các điều kiện bảo đảm an toàn đối với xe nâng công nghiệp tự lưu thông trên thị trường như sau:
- Tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng trong quá trình bảo quản, lưu thông xe nâng hàng và quy định của nhà sản xuất
- Tự áp dụng các biện pháp kiểm soát chất lượng nhằm duy trì chất lượng của xe nâng hàng do mình bán
- Các xe nâng hàng được chứng nhận hợp quy và gắn dấu hợp quy
- Chịu sự kiểm tra chất lượng theo những nội dung, trình tự, thủ tục quy định và bị xử lý nếu có vi phạm theo luật định.
7. Lưu ý khi lái xe nâng tham gia giao thông
Ngoài ra, khi tham gia giao thông đường bộ, người điều khiển xe nâng hàng hóa cần lưu ý quan trọng sau:
- Người lái xe nâng phải có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe
- Khi tham gia giao thông, người lái xe nâng hàng hóa phải tuân thủ luật lệ giao thông đường bộ như các phương tiện khác
- Cần lưu ý đến kích thước và tầm nhìn hạn chế của xe nâng khi di chuyển trên đường, đặc biệt là tại các khu đông đúc
- Nên đi chậm và cẩn thận, tránh va chạm với các phương tiện giao thông khác
- Sử dụng các biện pháp cảnh báo như còi xe, đèn báo hiệu khi di chuyển
Trên đây là phần tư vấn của Công ty Luật Minh Khuê về vấn đề Xe nâng hàng hóa có được tham gia giao thông trên đường hay không? Nếu bạn đọc có thắc mắc cần được giải đáp, hỗ trợ về các vấn đề pháp lý thì có thể liên hệ ngay với tổng đài tư vấn pháp luật của công ty Luật Minh Khuê, gọi qua số: 1900.6162 hoặc gửi qua email: lienhe@luatminhkhue.vn. Rất mong nhận được sự hợp tác!