Mục lục bài viết
1. Tình huống 1
Tình huống:
Chào luật sư. Em có 1 vấn đề cần luật sư tư vấn giúp ạ. Vào khoảng tháng 9-2019 văn phòng tuyển sinh hồ sơ và đào tạo lái xe của ông D và ông H (là người quen) có rủ em góp vốn chung để tuyển sinh và đào tạo. D thì không có tiền nhưng có trách nhiệm dạy học viên. H thì có 1 oto con. Sau khi nói chuyện thì 2 người bảo em đầu tư vào 1 xe oto tải 1.25 tấn trị giá 140 triệu để có xe đào tạo học viên. Được lời lãi sẽ chia đều và hứa nếu sau này em nghỉ hoặc không làm nữa sẽ được hoàn trả lại xe. Và thế là em đầu tư vào làm cùng 2 người. Sau khi em đầu tư xe vào thì 2 người lấy xe em đứng tên của trường và thuộc văn phòng quản lý, còn xe của H không đóng vào trường mà chỉ làm hợp đồng thuê. Người quản lý là H bao gồm cả thu chi.
Trong quá trình hoạt động em có góp thêm 60 triệu tiền mặt. Đồng thời vay thêm K số tiền là 200 triệu hứa trả vào tháng 7-2020. Số tiền này H mang 60 triệu đi mua 1 oto tải trả góp đứng tên văn phòng. Văn phòng không có khả năng trả nên K bắt chia đôi số tiền để em và H trả mỗi ng một nửa. Em xin rút oto của em ra để bán lấy tiền trả cho hảo là 100tr. Nhưng H bảo nếu em rút thì em phải gánh chịu thêm 1 nửa số hồ sơ còn tồn lại trong văn phòng. Sau khi cộng mọi thứ em phải gánh chịu là khoảng 160 triệu. Bây giờ nếu em nghỉ không làm nữa thì em mất 60 triệu tiền mặt, 01 oto trị giá 140 triệu (là số vốn ban đầu em đầu tư) và em phải bỏ thêm khoảng 70 triệu nữa thì em mới đc rút ra khỏi văn phòng đấy.
Vậy xin luật sư tư vấn giúp em làm thế nào để lấy lại tài sản của em. Và đấy có phải lợi dụng tín nhiệm lừa đảo chiếm đoạt tài sản không H nói làm ăn chung thua phải chịu. Nói vậy có phải đồng nghĩa với việc em mất trắng không. Mong luật sư tư vấn ạ!
Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Dân sự của Công ty luật Minh Khuê
>> Luật sư tư vấn pháp luật Dân sự, gọi: 1900 6162
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Khuê. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
Cơ sở pháp lý
- Luật Doanh nghiệp năm 2020
Luật sư tư vấn
1.1 Vấn đề góp vốn đầu tư
Căn cứ theo quy định tại Khoản 18 Điều 4 và Điều 34 Luật Doanh nghiệp năm 2015 quy định về vấn đề góp vốn như sau:
"18. Góp vốn là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty, bao gồm góp vốn để thành lập công ty hoặc góp thêm vốn điều lệ của công ty đã được thành lập".
"Điều 34. Tài sản góp vốn
1. Tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.
2. Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp đối với tài sản quy định tại khoản 1 Điều này mới có quyền sử dụng tài sản đó để góp vốn theo quy định của pháp luật".
Ngoài ra căn cứ theo quy định tại Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về nguyên tắc tự thỏa thuận trong dân sự:
“Điều 3. Các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự
2. Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.”
Như vậy: Theo thông tin anh cung cấp anh cùng anh D và anh H thỏa thuận góp vốn kinh doanh với nhau nhưng không có văn bản và cũng không có có tên anh trên đăng ký kinh doanh, điều này có thể thấy các bên chỉ thỏa thuận cam kết mang tính dân sự với nhau theo nguyên tắc tại Khoản 2 Điều 3 Bộ luật dân sự năm 2015.
1.2 Xử lý tài sản góp vốn hợp tác kinh doanh
Anh cung cấp tài sản là chiếc xe được anh mua bán viết tay rồi đưa vào công ty đứng tên công ty. Tuy nhiên trong trường hợp này xe chỉ có thể chuyển sở hữu theo 2 trường hợp:
- Trường hợp 1: Anh ký hợp đồng góp vốn bằng tài sản là chiếc ô tô và trước đó chiếc xe phải đứng tên anh.
- Trường hợp 2: Anh trả tiền cho chiếc xe tuy nhiên hợp đồng mua bán công chứng lại đứng tên công ty anh.
Như vậy: Dù không biết là bằng hình thức nào nhưng hiện nay về mặt pháp lý chiếc xe đang thuộc sở hữu của công ty anh. Anh cần làm rõ được vấn đề trên để có thể xác định liệu có thể lấy lại xe hay không?
1.3 Các khoản nợ của công ty anh có nghĩa vụ trả hay không
Do việc góp vốn của anh không thể hiện bằng văn bản và cũng không có tên anh trên đăng ký kinh doanh.
Căn cứ theo các Điều 46, 74, 111 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định về việc chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản của doanh nghiệp như sau:
"Điều 46. Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên
1. Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là doanh nghiệp có từ 02 đến 50 thành viên là tổ chức, cá nhân. Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 47 của Luật này. Phần vốn góp của thành viên chỉ được chuyển nhượng theo quy định tại các điều 51, 52 và 53 của Luật này.
2. Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
3. Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên không được phát hành cổ phần, trừ trường hợp để chuyển đổi thành công ty cổ phần.
4. Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên được phát hành trái phiếu theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; việc phát hành trái phiếu riêng lẻ phải tuân thủ quy định tại Điều 128 và Điều 129 của Luật này".
"Điều 74. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên
1. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu (sau đây gọi là chủ sở hữu công ty). Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.
2. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
3. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên không được phát hành cổ phần, trừ trường hợp để chuyển đổi thành công ty cổ phần.
4. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên được phát hành trái phiếu theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; việc phát hành trái phiếu riêng lẻ theo quy định tại Điều 128 và Điều 129 của Luật này".
"Điều 111. Công ty cổ phần
1. Công ty cổ phần là doanh nghiệp, trong đó:
a) Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần;
b) Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa;
c) Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp;
d) Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120 và khoản 1 Điều 127 của Luật này.
2. Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
3. Công ty cổ phần có quyền phát hành cổ phần, trái phiếu và các loại chứng khoán khác của công ty".
Do đó, nếu anh không phải thành viên của công ty trên đăng ký kinh doanh đồng nghĩa với việc anh không có nghĩa vụ phải chi trả các khoản nợ của doanh nghiệp trừ khi anh có thỏa thuận dân sự về vấn đề này (có văn bản thỏa thuận). Và nếu có thỏa thuận anh cũng sẽ chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi vốn mà a đã cam kết góp, không có nghĩa vụ mang tài sản cá nhân để trả cho các khoản nợ của doanh nghiệp.
1.4 Kiến nghị
- Xác định lại chiếc xe của anh được chuyển vào công ty theo thủ tục nào?;
- Xác định lại khoản nợ với anh K là khoản nợ của công ty hay của cá nhân anh H đứng vay, nếu là của công ty thì công ty có trách nhiệm trả, nếu là của anh H thì anh không có nghĩa vụ cùng trả;
- Xác định lại anh có là thành viên góp vốn trên đăng ký kinh doanh hay không. Trường hợp không thì anh không có nghĩa vụ chịu trách nhiệm về các bộ hồ sơ khách hàng, học viên. Trừ khi a có thỏa thuận ngoài về việc chịu trách nhiệm này. Nếu có sẽ chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn a đã cam kết, không có nghĩa vụ chịu trách nhiệm thêm.
- Hiện nay chưa thấy có dấu hiệu của lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Giao dịch trên nằm trong giao dịch Dân sự. Trừ khi a có các tình tiết khác để chứng minh và làm rõ cho hành vi lừa đảo hoặc lạm dụng.
2. Tình huống 2
Tình huống 2:
Chào Luật Sư! Tôi có vài vấn đề gặp phải cầu Luật sư tư vấn! Ngoại tôi có mảnh đất ở nông thôn (có sổ đỏ), ngoại tôi cho 2 dì tôi xây nhà 2 bên, nhà ngoại tôi ở giữa (mẹ tôi ở chung với ngoại). Sau khi ngoại tôi mất, mẹ tôi và 2 dì chia tài sản thừa kế (không có di chúc), giấy tờ thủ tục đã xong chỉ chờ sổ đỏ. Nhưng vấn đề là căn nhà không có giấy tờ vì nhà ở nông thôn khi xây dựng không cần làm giấy tờ, nên khi làm thủ tục thừa kế cơ quan xã phường không làm thủ tục chia căn nhà này. Tôi có câu hỏi là:1. Căn nhà của ngoại tôi nằm trên đất mẹ tôi nhận thừa kế có mặc nhiên là của mẹ tôi không? Nếu không thì cần làm thủ tục gì để tránh xảy ra tranh chấp? Tôi nghe nói là phải làm biên bản họp gia đình (gia tộc), vậy thì biên bản này ai ký tên và giấy này có hiệu lực pháp lý không? Giả sử không làm thỏa thuận gì tới căn nhà của ngoại thì trong quá trình sử dụng mẹ tôi tu sửa hoặc xây mới có phải sẽ thuộc quyền sở hữu của mẹ tôi?
2. 2 dì tôi muốn mẹ tôi cam kết cho 2 dì sử dụng lối đi, nội dung soạn nháp như sau” Lấy 4m trên phần đất bà bình làm lối đi chung vĩnh viễn, con cháu không được sử dụng vào bất kỳ mục đích nào ngoài kéo lúa” cam kết này có giá trị pháp lý không, có phải mẹ tôi mà ký là từ bỏ quyền sở hữu 4m đất? Vì lối đi chưa hình thành (trong tương lai mẹ tôi làm nhà thì mới chừa lối đi) nên mẹ tôi chỉ muốn cam kết là khi nào có làm đường cộ kéo lúa thì cam kết sẽ cho 2 dì sử dụng đường cộ chỉ để kéo lúa vĩnh viễn, nhưng không làm mất đi quyền sở hữu của mẹ tôi (vì sau này có thể là sẽ bán, cho tặng, cất nhà,…trên đất này).
Cơ sở pháp lý
- Bộ luật Dân sự năm 2015;
- Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai
- Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT ngày 19 tháng 5 năm 2014 quy định về hồ sơ địa chính
Luật sư tư vấn
Câu hỏi 1: Căn nhà của ngoại tôi nằm trên đất mẹ tôi nhận thừa kế có mặc nhiên là của mẹ tôi không? Nếu không thì cần làm thủ tục gì để tránh xảy ra tranh chấp? Tôi nghe nói là phải làm biên bản họp gia đình (gia tộc), vậy thì biên bản này ai ký tên và giấy này có hiệu lực pháp lý không? Giả sử không làm thỏa thuận gì tới căn nhà của ngoại thì trong quá trình sử dụng mẹ tôi tu sửa hoặc xây mới có phải sẽ thuộc quyền sở hữu của mẹ tôi?
Do ngoại chị trong quá trình xây dựng chưa thực hiện thủ tục hoàn công nên hiện nay căn nhà chưa được thể hiện trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong quá trình chia thừa kế chưa chia đến căn nhà trên phần đất mẹ chị được chia.
Thực tế đó vẫn là di sản thừa kế của ngoại chị để lại và không phải thuộc sở hữu riêng của mẹ chị. Vì vậy vẫn có khả năng tranh chấp sảy ra. Nhưng nếu muốn chia căn nhà này thì 2 dì của chị phải khởi kiện ra Tòa án yêu cầu chia thừa kế trong thời hạn 30 năm (Theo quy định tại khoản 1 Điều 623 Bộ luật dân sự năm 2015) như sau:
“Điều 623. Thời hiệu thừa kế
1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó.”
Như vậy
- Hai người dì vẫn có quyền yêu cầu chia thừa kế đối với ngôi nhà này trong thời hạn 30 năm kể từ ngày ngoại chị mất. Nếu trong khoảng thời hạn 30 năm này 2 người dì không khởi kiện chia thừa kế thì khi hết thời hạn 30 năm di sản thừa kế sẽ thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản là mẹ chị.
- Nếu mẹ bạn muốn họp gia đình để thỏa thuận phân chia thừa kế. Văn bản thỏa thuận này phải được công chứng hoặc chứng thực (Điều 57 Luật Công chứng năm 2014). Nhưng hiện nay trên sổ đỏ không thể hiện căn nhà nên không thể công chứng, chứng thực. Vậy việc xác lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế viết tay kể cả có thỏa thuận về việc mẹ chị trả tiền tương đương phần di sản các dì được hưởng thì cũng không thỏa mãn yêu cầu ở trên, về sau nếu mẹ chị muốn làm thủ tục hoàn công ghi nhận căn nhà vào sổ đỏ vẫn phải lập lại văn bản thỏa thuận có công chứng, chứng thực mới thực hiện được các thủ tục hành chính nhà nước. Đây chỉ là cơ sở để tòa án xác định số tiền mẹ chị đã trả. Trên thực tế khi khởi kiện ra tòa, nếu tài sản đó ở trên đất của mẹ chị đương nhiên có lợi thế cho mẹ chị đưa ra yêu cầu trước tòa là mẹ chị sẽ nhận hiện vật và để những người dì nhận giá trị bằng tiền. Số tiền mẹ chị đã trả cho 2 người dì sẽ được bù trừ vào số tiền mà tòa án đã tuyên trong bản án (Mẹ chị có thể yêu cầu tính lãi suất cho số tiền mẹ chị đã trả).
- Nếu trong quá trình sử dụng mẹ chị có tu sửa cải tạo đương nhiên phần chi phí bỏ ra để cải tạo tu sửa căn nhà được tính là phần tài sản của mẹ chị. Không nằm trong di sản của ngoại chị để lại.
Câu hỏi 2: Hai dì tôi muốn mẹ tôi cam kết cho 2 dì sử dụng lối đi, nội dung soạn nháp như sau “Lấy 4m trên phần đất bà bình làm lối đi chung vĩnh viễn, con cháu không được sử dụng vào bất kỳ mục đích nào ngoài kéo lúa” cam kết này có giá trị pháp lý không, có phải mẹ tôi mà ký là từ bỏ quyền sở hữu 4m đất? Vì lối đi chưa hình thành (trong tương lai mẹ tôi làm nhà thì mới chừa lối đi) nên mẹ tôi chỉ muốn cam kết là khi nào có làm đường cộ kéo lúa thì cam kết sẽ cho 2 dì sử dụng đường cộ chỉ để kéo lúa vĩnh viễn, nhưng không làm mất đi quyền sở hữu của mẹ tôi (vì sau này có thể là sẽ bán, cho tặng, cất nhà,…trên đất này)?
Trường hợp mẹ chị và 2 người dì cam kết bằng văn bản viết tay:
Đây là thỏa thuận dân sự giữa các bên dựa trên nguyên tắc tôn trọng sự thỏa thuận trong dân sự cụ thể được nêu tại khoản 2 Điều 3 Bộ luật dân sự năm 2015.
“Điều 3. Các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự
2. Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.”
Như vậy, Việc thỏa thuận này các bên sẽ có hiệu lực thực hiện đối với các bên và được chủ thể khác tôn trọng. Do đó khi làm văn bản thỏa thuận này phải nhấn mạnh và nêu rõ việc cho đi qua lối đi này không chấm dứt các quyền của người sử dụng đất bao gồm quyền chiếm hữu, sử dụng, và định đoạt của mẹ chị để tránh các tranh chấp có thể sảy ra.
Trường hợp hiến đất làm đường đi chung theo quy định của Luật Đất đai
Được quy định tại Điều 73 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định trình tự, thủ tục đăng ký xác lập hoặc thay đổi, chấm dứt quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề như sau:
"Điều 73. Trình tự, thủ tục đăng ký xác lập hoặc thay đổi, chấm dứt quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề
1. Khi phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề thì một trong các bên nộp đơn, Giấy chứng nhận (nếu có), hợp đồng hoặc bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cho Văn phòng đăng ký đất đai.2. Văn phòng đăng ký đất đai kiểm tra, cập nhật vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai và thể hiện trên Giấy chứng nhận nếu có yêu cầu."
Thủ tục trên được hướng dẫn bởi Khoản 8 Điều 9, Điều 11 Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT như sau:
"Điều 9. Hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất
8. Hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục đăng ký xác lập quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề sau khi được cấp Giấy chứng nhận lần đầu và đăng ký thay đổi, chấm dứt quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề gồm có:
a) Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 09/ĐK;
b) Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp của một bên hoặc các bên liên quan;
c) Hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận hoặc quyết định của Tòa án nhân dân về việc xác lập hoặc thay đổi, chấm dứt quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề;
d) Sơ đồ thể hiện vị trí, kích thước phần diện tích thửa đất mà người sử dụng thửa đất liền kề được quyền sử dụng hạn chế.”
Đối với trường hợp này phải có hợp đồng tặng cho đất để làm đường đi chung và phải thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai tại Văn phòng đăng ký đất đai, đính chính lại thông tin trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đồng nghĩa với trường hợp này mẹ bạn không còn quyền sử dụng đất đối với phần diện tích đã tặng để làm đường đi chung.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900 6162 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật Dân sự - Công ty luật Minh Khuê