1. Hợp đồng hợp tác làm việc là gì?

- Căn cứ khoản 1 Điều 504 của Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định như sau:

"Hợp đồng hợp tác là sự thỏa thuận giữa các cá nhân, pháp nhân về việc cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm."

Như vậy hợp đồng hợp tác bản chất cũng chỉ là một trong các loại hợp đồng nhằm xác nhận thỏa thuận giữa các bên về quyền và nghĩa vụ, ngoài ra hợp đồng hợp tác các bên tham gia sẽ cùng nhau đóng góp các nguồn lực (tài sản, công sức) để thực hiện các công việc và sẽ cùng chịu trách nhiệm và hưởng lợi cùng nhau.

- Hợp đồng hợp tác làm việc cũng là một dạng của hợp đồng hợp tác nói chung, nhưng mục đích của việc hợp tác này là các bên tham gia cùng nhau làm việc, thực hiện một công việc nhất định nào đó, nếu phát sinh ra lợi nhuận thì các bên tham gia cùng nhau hưởng lợi và sẽ cùng nhau chịu trách nhiệm theo các thỏa thuận mà các bên tham gia đã ký kết.

- Hợp đồng hợp tác làm việc thì các bên tham gia có thể đóng góp bằng công sức ngoài ra còn có thể đóng góp bằng tài sản và tài sản đó là tài sản chung của các thành viên hợp tác. Tài sản chung của các thành viên hợp tác có quy định như sau:

+ Tài sản do các thành viên đóng góp, cùng tạo lập và tài sản khác theo quy định của pháp luật là tài sản chung theo phần của các thành viên hợp tác. Trường hợp có thỏa thuận về góp tiền mà thành viên hợp tác chậm thực hiện thì phải có trách nhiệm trả lãi đối với phần tiền chậm trả theo quy định tại Điều 357 Bộ luật Dân sự năm 2015 và phải bồi thường thiệt hại.

+ Việc định đoạt tài sản là quyền sử dụng đất, nhà, xưởng sản xuất, tư liệu sản xuất khác phải có thỏa thuận bằng văn bản của tất cả các thành viên; việc định đoạt tài sản khác do đại diện của các thành viên quyết định, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

+ Không được phân chia tài sản chung trước khi chấm dứt hợp đồng hợp tác, trừ trường hợp tất cả các thành viên hợp tác có thỏa thuận. Việc phân chia tài sản chung không làm thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ được xác lập, thực hiện trước thời điểm tài sản được phân chia.

- Quyền và nghĩa vụ của thành viên hợp tác được quy định cụ thể tại Điều 507 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau:

+ Được hưởng hoa lợi, lợi tức thu được từ hoạt động hợp tác

+ Tham gia quyết định các vấn đề liên quan đến thực hiện hợp đồng hợp tác, giám sát hoạt động hợp tác.

+ Bồi thường thiệt hại cho các thành viên hợp tác khác do lỗi của mình gây ra

+ Thực hiện quyền, nghĩa vụ khác theo hợp đồng.

- Hợp đồng hợp tác làm việc yêu cầu là phải được lập thành văn bản. Việc công chứng, chứng thực là không bắt buộc trong trường hợp này. Tuy nhiên, việc công chứng hay chứng thực sẽ giúp cho các bên tránh được tranh chấp hay phát sinh không đáng có trong quá trình thực hiện hợp đồng.

 

2. Nội dung và cách lập hợp đồng hợp tác làm việc.

- Nội dung của hợp đồng hợp tác làm việc: vì hợp đồng hợp tác làm việc cũng là một dạng của hợp đồng hợp tác nên trong hợp đồng của hợp đồng hợp tác làm việc cũng phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

+ Mục đích, thời hạn hợp tác;

+ Họ, tên, nơi cư trú của cá nhân; tên, trụ sở của pháp nhân;

+ Tài sản đóng góp, nếu có;

+ Đóng góp bằng sức lao động, nếu có;

+ Phương thức phân chia hoa lợi, lợi tức;

+ Quyền, nghĩa vụ của thành viên hợp tác;

+ Quyền, nghĩa vụ của người đại diên, nếu có;

+ Điều kiện tham gia và rút khỏi hợp đồng hợp tác của thành viên, nếu có;

+ Điều kiện chấm dứt hợp tác.

- Việc lập hợp đồng hợp tác làm việc cần phải đáp ứng các yêu cầu sau:

+ Về hình thức hợp đồng hợp tác làm việc phải được trình bày theo các quy định về thể thức văn bản, đảm bảo sử dụng ngôn ngữ phù hợp, rõ ràng, mạch lạc, ...

+ Các bên tham gia phải chịu trách nhiệm về các thông tin liên quan đến hợp đồng (thông tin cá nhân, thông tin tài sản, ...)

+ Cần phải quy định rõ ràng về quyền lợi (lợi nhuận) và nghĩa vụ (trách nhiệm) của các bên trong hợp đồng để trách tranh chấp, phát sinh trong và sau khi thực hiện hợp đồng.

+ Cũng cần phải lưu ý quy định về các điều khoản chấm dứt hợp đồng, có thể là các điều khoản đơn phương chấm dứt hợp đồng.

 

3. Mẫu hợp đồng hợp tác làm việc mới nhất 

Dưới đây, chúng tôi xin cung cấp mẫu hợp đồng hợp tác làm việc mới nhất. Quý khách hàng có thể tải xuống, chỉnh sửa hoặc chỉnh sửa trực tiếp theo các thông tin và mục đích của mình.

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc

 

HỢP ĐỒNG HỢP TÁC LÀM VIỆC

Căn cứ theo Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 ngày 24 tháng 11 năm 2015.

Căn cứ vào nhu cầu và khả năng thực tế của các bên trong hợp đồng.

Hôm nay, ngày ... tháng ... năm 20... , tại ... chúng tôi gồm có:

Bên A:

(Trường hợp bên tham gia là pháp nhân thì được ghi như sau):

Địa chỉ trụ sở:

Mã số doanh nghiệp:

Người đại diện theo pháp luật là Ông/Bà:

Chức vụ:

Số điện thoại:

Email:

(Trường hợp bên tham gia là cá nhân thì được ghi như sau):

Họ và tên: 

Ngày, tháng năm sinh:

Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân: ......, ngày cấp ... / ... / ... Nơi cấp:

Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú:

Chỗ ở hiện tại:

Điện thoại:

Email:

Bên B

(Tương tự như bên trên nếu bên tham gia là cá nhân hoặc pháp nhân)

Địa chỉ trụ sở:

Mã số doanh nghiệp:

Người đại diện theo pháp luật là Ông/ Bà:

Chức vụ

Số điện thoại:

Email:

Các bên thống nhất thỏa thuận và đồng ý ký kết hợp đồng hợp tác làm việc với các điều khoản như sau

Điều 1: Mục đích hợp tác

Bên A và bên B đồng ý cùng nhau hợp tác: .......... (ghi mục đích cụ thể)

Điều 2: Thời hạn hợp tác

Thời hạn hợp tác tại Điều 1 của hợp đồng này là kể từ ngày ... / ... / 20... đến ngày ... / ... / 20...

Điều 3: Công việc hợp tác

(Ghi cụ thể nội dung việc hợp tác làm việc)

Điều 4: Phương thức phân chia hoa lợi, lợi tức

4.1. Lợi nhuận từ hợp đồng hợp tác chỉ được cho các thành viên khi kinh doanh có lãi, hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy đinhj của pháp luật và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản đến hạn trả khác sau khi chia lợi nhuận.

Lợi nhuận được chia cho thành viên tương ứng với tài sản và công sức đóng góp. Cụ thể bên A được hưởng ... %, bên B được hưởng ... % trên tổng số lợi nhuận được chia.

Thời điểm chia lợi nhuận vào ngày cuối cùng của năm tài chính. Năm tài chính được tình bắt đầu kể từ ngày ... / ... / ..., kể thúc vào ngày ... / ... / ...

4.2. Nguyên tắc chịu lỗ ...

Điều 5: Quyền, nghĩa vụ của thành viên hợp tác

- Được hưởng hoa lợi, lợi tức thu được từ hoạt động hợp tác.

- Tham gia quyết định các vấn đề liên quan đến thực hiện hợp đồng hợp tác, giám sát hoạt động hợp tác.

- Bồi thường thiệt hại cho các thành viên hợp tác khác do lỗi của mình gây ra.

- Các thành viên hợp tác chịu trách nhiệm dân sự chung bằng tài sản chung, nếu tài sản chung không đủ để thực hiện nghĩa vụ chung thì thành viên hợp tác phải chịu trách nhiệm bằng tài sản riêng theo phần tương ứng với phần đóng góp của mình.

- Việc định đoạt tài sản là quyền sử dụng đất, nhà, xưởng sản xuất, tư liệu sản xuất khác phải có thỏa thuận bằng văn bản của tất cả các thành viên.

- Không được phân chia tài sản chung trước khi chấm dứt hợp đồng hợp tác

- Các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật (nếu có)

(Các thành viên thỏa thuận việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ khác và ghi cụ thể vào trong hợp đồng này)

Điều 6: Điều kiện tham gia và rút khỏi hợp đồng hợp tác

6.1. Điều kiện tham gia

Cá nhân, pháp nhân muốn trở thành thành viên mới của hợp đồng phải được sự đồng ý ít nhất của tất cả thành viên hợp tác.

6.2. Thành viên có quyền rút khỏi hợp đồng hợp tác trong trường hợp sau đây:

- Theo thỏa thuận của các thành viên hợp tác (Các thành viên hợp tác thỏa thuận cụ thể các điều kiện rút khỏi hợp đồng hợp tác và ghi vào trong hợp đồng hợp này).

- Có lý do chính đáng và được sự đồng ý của tất cả thành viên hợp tác.

6.3. Thành viên rút khỏi hợp đồng hợp tác có quyền yêu cầu nhận lại tài sản đã đóng góp, được chia phần tài sản trong khối tài sản chung và phải thanh toán các nghĩa vụ theo thỏa thuận.

Trường hợp việc phân chia tài sản bằng hiện vật làm ảnh hưởng đến hoạt động hợp tác thì tài sản được tính giá trị thành tiền để chia. Việc rút khỏi hợp đồng hợp tác không làm chấm dứt quyền, nghĩa vụ của người này được xác lập, thực hiện trước thời điểm rút khỏi hợp đồng hợp tác.

Điều 7: Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng

Bồi thường thiệt hại: Bên vi phạm nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật cho bên bị vi phạm (nếu có).

Điều 8: Phương thức giải quyết tranh chấp

Trong quá trình thực hiện hợp đồng, nếu có vấn đề phát sinh cần giải quyết, thì bên A và bên B tiến hành thỏa thuận và thống nhất giải quyết kịp thời, hợp tình và hợp lý. Trường hợp bên A và bên B không thỏa thuận được thì một trong các bên có quyền khởi kiện tại tòa án có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Điều 9: Chi phí khác 

Chi phí thực hiện các thủ tục liên quan đến hợp đồng hợp tác tại cơ quan có thẩm quyền do .... chịu trách nhiệm thực hiện thanh toán theo quy định của pháp luật.

Lệ phí công chứng, chứng thực hợp đồng này do ...... chịu trách nhiệm thực hiện thanh toán theo đúng quy định của pháp luật.

Điều 10: Cam đoan của các bên

Các bên cam đoan:

- Thông tin về nhân thân, thửa đất ghi trong hợp đồng này là đúng sự thật;

- Việc giao kết hợp đồng này hoàn toàn tự nguyện, không bị ép buộc;

- Thực hiện đúng và đầy đủ các thỏa thuận ghi trong hợp đồng này.

Điều 11: Điều kiện chấm dứt hợp tác

11.1. Hợp đồng hợp tác chấm dứt trong trường hợp sau đây:

(Các bên tham gia quy định các trường hợp hợp đồng hợp tác chấm dứt)

11.2. Khi chấm dứt hợp đồng hợp tác, các khoản nợ phát sinh từ hợp đồng phải được thanh toán, nếu tài sản chung không đủ để trả nợ thì phải lấy tài sản riêng của các thành viên hợp tác để thanh toán. Trường hợp các khoản nợ đã được thanh toán xong mà tài sản chung vẫn còn thì được chia cho các thành viên hợp tác theo tỷ lệ tương ứng với phần đóng góp của mỗi người.

Điều 12: Các thỏa thuận khác

Bên A và bên B đồng ý đã hiểu rõ quyền, nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp của mình và hậu quả pháp lý của việc giao kết hợp đồng này.

Bên A và bên B đồng ý thực hiện theo đúng các điều khoản trong hợp đồng này và không nêu thêm điều kiện gì khác.

Hợp đồng này được lập thành 2 bản, mỗi bên giữ một bản, mỗi bản gồm ... trang, có giá trị pháp lý như nhau./.

Bên A

(Ký ghi rõ họ tên và đóng dấu (nếu có)

Bên B

(Ký ghi rõ họ tên và đóng dấu (nếu có)

 

Trên đây là bài viết của Luật Minh Khuê, mọi thắc mắc quý khách hàng vui lòng liên hệ số Hotline 1900.6162 để được giải đáp. Xin chân thành cảm ơn!