Mục lục bài viết
Trả lời:
1. Cấu thành tội phạm là gì?
Cấu thành tội phạm là các dấu hiệu pháp lý đặc trưng của các tội phạm cụ thể, được quy định trong Luật Hình sự. Cấu thành tội phạm bao gồm bốn yếu tố: chủ thể, khách thể, mặt chủ quan và mặt khách quan.
- Chủ thể của tội phạm là con người cụ thể thực hiện hành vi phạm tội và họ phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình theo quy định của Luật Hình sự. Chủ thể của tội phạm là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và độ tuổi theo quy định của pháp luật.
- Khách thể của tội phạm là hệ thống những quan hệ xã hội được Luật hình sự bảo vệ, bị tội phạm xâm hại, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại.
- Mặt chủ quan của tội phạm là những biểu hiện bên trong của tội phạm, là thái độ tâm lý của người phạm tội đối với tội phạm. Mặt chủ quan của tội phạm bao gồm các dấu hiệu về yếu tố lỗi, động cơ, mục đích của tội phạm.
- Mặt khách quan của tội phạm là những biểu hiện bên ngoài của tội phạm. Mặt khách quan của tội phạm bao gồm các dấu hiệu như sau: hành vi nguy hiểm cho xã hội, hậu quả của hành vi đó, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi nguy hiểm và hậu quả của hành vi đó gây ra, thời gian, địa điểm, phương tiện thực hiện tội phạm ...
2. Đặc điểm và ý nghĩa của cấu thành tội phạm
2.1 Đặc điểm của cấu thành tội phạm
Cấu thành tội phạm có những đặc điểm cơ bản sau:
- Cấu thành tội phạm là tổng hợp các dấu hiệu pháp lý đặc trưng của một tội phạm cụ thể. Các dấu hiệu đó phải phản ánh đúng bản chất của tội phạm và phải có tác dụng phân biệt tội phạm này với tội phạm khác.
- Cấu thành tội phạm cần có những dấu hiệu bắt buộc. Dấu hiệu bắt buộc bao gồm dấu hiệu chung và dấu hiệu bắt buộc riêng của từng cấu thành tội phạm cụ thể. Dấu hiệu bắt buộc chung gồm hành vi, yếu tố lỗi, độ tuổi, năng lực trách nhiệm hình sự. Dấu hiệu bắt buộc riêng là những dấu hiệu phản ánh bản chất của tội phạm, là yếu tố để phân biệt tội phạm này với tội phạm khác.
2.2 Ý nghĩa của cấu thành tội phạm
Cấu thành tội phạm có ý nghĩa làm rõ đặc điểm pháp lý của tội phạm, có tác dụng định tội khi tội phạm xảy ra và để phân biệt tội phạm này đối với tội phạm khác. Nếu chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu tội phạm mà không nghiên cứu cấu thành tội phạm thì không thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội. Vì vậy muốn định tội danh một cách chính xác thì cần nắm vững cấu thành tội phạm.
3. Phân tích cấu thành tội phạm của Tội hiếp dâm
Tội hiếp dâm được quy định tại Điều 141 Bộ luật Hình sự 2015.
Thứ nhất, cấu thành tội hiếp dâm.
Mặt khách quan: Hành vi khách quan của tội phạm bao gồm: Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân.
Như vậy để xác định hành vi của tội hiếp dâm thì người phạm tội phải có hành vi giao cấu, hoặc các hành vi quan hệ tình dục khác.
- Hành vi dùng vũ lực: Là hành vi dùng sức mạnh về thể chất, cơ thể như vật ngã, đè, giữ tay, chân, trói, bóp cổ, bịt miệng, đấm đá, xé quần áo,… của nạn nhân nhằm làm mất hoặc hạn chế khả năng phòng vệ, tự vệ, chống trả của nạn nhân. Ví dụ: A dùng sức mạnh của mình giữ tay và đè ngã B ra để thực hiện hành vi giao cấu. Hành vi của A là hành vi dùng vũ lực
- Hành vi đe dọa dùng vũ lực: Là hành vi dùng lời nói, động tác, cử chỉ nhưng chưa có hành động tác động trực tiếp vào người nạn nhân, tuy nhiên lại làm cho nạn nhân tin rằng nếu kẻ tấn công không thực hiện được hành vi giao cấu thì sẽ sử dụng vũ lực ngay tức khắc đối với mình. Ví dụ như dọa giết, đe dọa gây thương tích,… Ví dụ: A cầm dao đe dọa sẽ giết B làm B sợ hãi buộc phải nghe theo A để A thực hiện hành vi giao cấu. Hành vi của A là hành vi đe dọa dùng vũ lưc
- Lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân: Là những trường hợp như nạn nhân đi một mình ở chỗ vắng, sức khỏe nạn nhân đang suy yếu, hoặc đang trong tình trạng khác mà không thể tự vệ…Ví dụ: A lợi dụng B khi B đang bị ngất do sức khỏe yếu để thực hiện hành vi giao cấu. Hành vi của A là hành vi lợi dụng tình trạng không thể tự về được của nạn nhân.
- Dùng thủ đoạn khác: Là những trường hợp người phạm tội dùng thuốc mê, thuốc kích dục, say rượu hoặc các chất kích thích khác làm cho nạn nhân hạn chế hoặc mất khả năng chống cự. Ví dụ: A lợi dụng B đay say rượu để thực hiện hành vi giao cấu
- Giao cấu trái ý muốn của nạn nhân: Là việc thực hiện hành vi giao cấu nhưng không được sự đồng ý của nạn nhân, làm trái ý chí mong muốn của nạn nhân hoặc hành vi giao cấu xảy ra không có ý muốn của nạn nhân vì họ đang trong trạng không thể hiện và biểu lộ được ý chí của họ. Ví dụ: A cố tình giao cấu với B trong khi B đã từ chối và không muốn giao cấu
- Tội phạm hoàn thành kể từ thời điểm có các hành động nhằm giao cấu mà không cần phải có căn cứ là đã giao cấu được hay chưa.
- Nếu người phạm tội mới thực hiện hành vi dùng bạo lực, đe dọa dùng bạo lực hoặc sử dụng các thủ đoạn khác để giao cấu trái ý muốn của nạn nhân, nhưng chưa kịp giao cấu vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội như đã bị ngăn chặn thì phạm tội chưa đạt và họ vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm.
- Nếu người phạm tội tự ý nửa chừng chấm dứt tội phạm thì họ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm, nhưng có thể bị truy cứu về các tội khác (nếu có đủ các yếu tố cấu thành) như: Làm nhục người khác, cố ý gây thương tích,..
Mặt chủ quan: Hành vi phạm tội của người phạm tội là lỗi cố ý.
Mặt khách thể: Tội hiếp dâm xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người.
Chủ thể: Bất kỳ ai có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự.
Thứ hai, về mức hình phạt.
Mức hình phạt tội hiếp dâm được quy định cụ thể tại Điều 141 Bộ luật Hình sự năm 2015, cụ thể như sau:
“1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;
c) Nhiều người hiếp một người;
d) Phạm tội 02 lần trở lên;
đ) Đối với 02 người trở lên;
e) Có tính chất loạn luân;
g) Làm nạn nhân có thai;
h) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
i) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61 % trở lên;
b) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;
c) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.
4. Phạm tội đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này, thì bị xử phạt theo mức hình phạt quy định tại các khoản đó.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm“.
Khung hình phạt cơ bản:Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân, thì người phạm tội sẽ bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Khung hình phạt tăng nặng 1:Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
- Có tính chất loạn luân;
- Làm nạn nhân có thai;
- Có tổ chức;
- Nhiều người hiếp một người;
- Phạm tội 02 lần trở lên;
- Đối với 02 người trở lên;
- Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
- Tái phạm nguy hiểm;
- Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh.
Khung hình phạt tăng nặng 2: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
- Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;
- Làm nạn nhân chết hoặc tự sát;
- Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.
Lưu ý: Phạm tội đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề thắc mắc của khách hàng. Nội dung tư vấn dựa trên quy định pháp luaatju hiện hành, mục đích nhằm cung cấp cho các cá nhân và khách hàng tham khảo. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại, gọi số: 1900.6162 để được giải đáp.