Bạn A thắc mắc: "Thưa Luật sư! Em lỡ yêu anh trai của mình. Mẹ của anh ấy là chị của ba em. Vậy chúng em có được tiến tới hôn nhân với nhau không ạ? Cảm ơn!"

Luật sư trả lời:

 

1. Điều kiện kết hôn

Theo quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, điều kiện kết hôn bao gồm:

1.1 Thứ nhất, nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên

Pháp luật hôn nhân và gia đình chỉ quy định độ tuổi tối thiểu của nam và nữ được phép kết hôn mà không có quy định độ tuổi tối đa. Đã có một nghiên cứu trong lĩnh vực y học có chỉ rõ phải đạt đến độ tuổi này thì nam, nữ phát triển hoàn thiện về tâm sinh lý. Ngoài ra, ở độ tuổi này họ cũng đủ sự trưởng thành để thực hiện các nghĩa vụ của người làm chồng, làm vợ, làm cha, làm mẹ,...

Ví dụ: Theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình về điều kiện độ tuổi kết hôn thì xác định độ tuổi kết hôn như sau:

  • A (nam) sinh ngày 28/08/2001 thì đến ngày 28/08/2021 A đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình nên từ ngày 28/08/2021 A thỏa mãn điều kiện về độ tuổi kết hôn đối với nam.
  • B (nữ) sinh ngày 07/09/1999 thì đến ngày 07/09/2017 B đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình nên từ ngày 07/09/2017 B thỏa mãn điều kiện về độ tuổi kết hôn đối với nữ.

Hiện nay, vẫn có nhiều trường hợp là nam nữ lấy nhau khi chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật. Trường hợp lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn được gọi là tảo hôn. Tảo hôn xảy ra khi: (1) nam đủ 20 tuổi, nữ chưa đủ 18 tuổi; (2) nam chưa đủ 20 tuổi, nữ đủ 18 tuổi hoặc (3) nam chưa đủ 20 tuổi và nữ chưa đủ 18 tuổi. Tảo hôn là một trong những hành vi cấm theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

Tảo hôn đã để lại nhiều hậu quả, hệ lụy nghiêm trọng đến chính những đứa trẻ đó và xã hội. Các em có nguy cơ bỏ học rất cao và tìm một công việc nào đó để trang trải cuộc sống nhưng cơ hội tìm kiếm việc làm của các em cũng sẽ có những hạn chế nhất định. 

 

1.2 Thứ hai, việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định

Việc kết hôn là chuyện của nam nữ, hai bên yêu thương nhau và tự mình quyết định xác lập quan hệ hôn nhân nhằm mục đích xây dựng gia đình. Ý chí của họ không bị tác động bởi một bên thứ ba nào. Nam, nữ sẽ thể hiện sự tự nguyện kết hôn của mình thông qua hành vi đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

 

1.3 Thứ ba, không bị mất năng lực hành vi dân sự

Theo quy định tại Điều 22 Bộ luật Dân sự năm 2015, trường hợp một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần. 

Tại thời điểm kết hôn mà một người có quyết định của Tòa án tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì không đủ điều kiện để kết hôn vì người mất năng lực hành vi dân sự thì không thể tự nguyện bày tỏ ý chí tự nguyện trong việc kết hôn.

 

1.4 Thứ tư, việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn 

  • Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;
  • Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;
  • Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
  • Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng, giữa những người cùng dòng máu về trực hệ, giữa những người có họ trong phạm vi ba đời, giữa cha mẹ nuôi với con nuôi, giữa người đã từng là cha mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.

Phạm vi ba đời được xác định như sau: những người có họ trong phạm vi ba đời là những người cùng một gốc sinh ra bao gồm cha mẹ là đời thứ nhất; anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh chị em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba. (theo quy định tại khoản 18 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014)

 

2. Anh em họ có lấy nhau được không?

Căn cứ vào khoản 18 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, những người có họ trong phạm vi ba đời là những người có cùng một gốc sinh ra:

  • Đời thứ nhất: cha mẹ
  • Đời thứ hai: anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha
  • Đời thứ ba: anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì

Mà kết hôn giữa những người trong phạm vi ba đời là hành vi pháp luật cấm. 

Trong trường hợp của bạn thì phạm vi ba đời sẽ được xác định như sau:

  • Xét phạm vi ba đời của bên phía bạn: đời thứ nhất là ông bà nội bạn, đời thứ hai là ba bạn, đời thứ ba là bạn.
  • Xét phạm vi ba đời của bên phía anh người yêu của bạn (cụ thể, anh họ bạn): đời thứ nhất là ông bà ngoại của anh người yêu bạn, đời thứ hai là mẹ của anh người yêu, đời thứ ba là anh người yêu của bạn

Như vậy, mối quan hệ của bạn và anh người yêu là mối quan hệ anh em họ với nhau. Bạn với anh người yêu bạn thuộc phạm vi ba đời của những người có cùng một gốc sinh ra và thuộc trường hợp cấm kết hôn theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.

 

3. Kết hôn trong phạm vi ba đời có bị xử phạt không?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì một trong những hành vi bị cấm có: kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa người cùng dòng máu trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.

Hôn nhân cận huyết thống có thể làm những đứa trẻ sinh ra mắc phải một số bệnh như: rối loạn chuyển hóa, bệnh hồng cầu liềm, các bệnh dị dạng về xương, thiểu năng trí tuệ,...; tình trạng đói nghèo, lạc hậu, thất học;... Hôn nhân cận huyết thống đã để lại hậu quả rất nghiêm trọng nên cần có những biện pháp, chế tài xử lý khi thực hiện hành vi. Khi xác định là xử phạt hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải xét đến mức độ nghiêm trọng của hành vi, hậu quả mà hành vi đó đem lại và một số yếu tố khác nữa.

Xử phạt vi phạm hành chính theo Khoản 2 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP ngày 15 tháng 07 năm 2020 quy định định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã: Hành vi vi phạm quy đình về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người có cùng dòng máu về trực hệ hoặc giữa những người có họ trong phạm vi ba đời.

Hiện nayBộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có quy định về Tội loạn luân (Điều 184 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)): Người nào thực hiện hành vi giao cấu mà mình biết rõ người đó cùng dòng máu trực hệ, là anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Trên đây là toàn bộ nội dung bài viết "Anh em họ có lấy nhau được không khi mẹ của anh ấy là chị của ba em?" mà Luật Minh Khuê muốn gửi đến bạn đọc. Nếu bạn đọc có bất kỳ vướng mắc nào liên quan đến vấn đề này hay vấn đề pháp lý khác thì vui lòng liên hệ tới bộ phận tổng đài tư vấn pháp luật của Luật Minh Khuê qua số 1900.6162 để được hỗ trợ kịp thời. Xin chân thành cảm ơn!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật Hôn nhân - Công ty luật Minh Khuê