Mục lục bài viết
1. Bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 4 Tuần 9 - Kết nối tri thức
Bài 1. Đọc thầm câu chuyện sau:
Cá Chép hóa Rồng
Chuyện kể ngày xưa, vào mùa hạn hán, những cánh đồng, con sông đều trở nên khô cằn, nứt nẻ, các con vật sống rất khổ sở vì thiếu nước.
Một hôm, mẹ con nhà Cóc dắt díu nhau đi tìm nước. Trên đường đi, các con vật thấy Cóc liền bảo hãy nghiền răng để trời ban mưa xuống cho vạn vật đỡ khổ. Cóc mẹ buồn rầu trả lời: "Đã nghiến đến trẹo cả quai hàm mà không thấy trời mưa" ... Những lời than vãn của muôn loài đến tai Ngọc Hoàng. Cảm thương, Ngọc Hoàng liền truyền lệnh cho Long Vương tổ chức một cuộc thi vượt vũ môn. Thí sinh nào ba lần vượt vũ môn thành công sẽ được ban phép hóa Rồng, phun nước làm mưa giúp muôn loài.
Khi cuộc đua được loan báo, các con vật Tôm, Rùa, Cá, Ếch, ... rất náo nức. Tuy nhiên, trong số đó chỉ có anh em nhà Cá Chép là siêng năng chăm chỉ, mỗi ngày họ bỏ nhiều thời gian và công sức để luyện tập nhảy cao, nhảy xa. Trong khi đó các con vật khác chỉ mải mê chơi. Đến ngày thi đấu, hầu hết các con vật đều không vượt qua được vũ môn đầu tiên. Chỉ riêng Cá Chép, nhờ chăm chỉ luyện tập và quyết tâm vượt khó nên đã ba lần vượt vũ môn thành công, trở thành Rồng - một con vật linh thiêng, giúp muôn loài thoát khỏi nạn hạn hán và được mọi người kính trọng.
(Thúy Bình)
Khoanh tròn vào chữ cái đứng trước câu trả lời đúng hoặc làm theo yêu cầu dưới đây:
Câu 1. Ngọc Hoàng tổ chức cuộc thi vượt vũ môn nhằm mục đích gì?
A. Để muôn loài không than vãn vì thiếu chỗ thi thố tài năng
B. Để chọn con vật được phép hóa Rồng, phun nước làm mưa
C. Để chọn loài vật thay Cóc gọi trời làm mưa xuống trần gian
Đáp án đúng: B
Câu 2. Vì sao chỉ có Cá Chép ba lần vượt qua được vũ môn?
A. Vì Cá Chép chăm chỉ luyện tập và quyết tâm vượt khó
B. Vì Cá Chép có lợi thế vượt vũ môn so với các loài vật khác
C. Vì các con vật khác chỉ mê chơi, chưa quyết tâm luyện tập
Đáp án đúng: A
Câu 3. Nhân vật Cá Chép trong câu chuyện tượng trưng cho điều gì?
A. Sức khỏe phi thường
B. Tài năng và sự khéo léo
C. Lòng quyết tâm và sự kiên trì
Đáp án đúng: C
Câu 4. Câu tục ngữ nào dưới đây nói đúng ý nghĩa câu chuyện?
A. Chớ thấy sóng cả mà rã tay chèo
B. Có bột mới gột nên hồ
C. Có chí thì nên
Đáp án đúng: C
Câu 5. Em học được điều gì ở nhân vật Cá Chép trong câu chuyện?
Em đã học được cách chăm chỉ, quyết tâm và sẵn sàng vượt khó từ nhân vật Cá Chép trong câu chuyện nêu trên.
Bài 2. Hãy tìm trong bài đọc trên:
- 5 danh từ chung
- 5 danh từ riêng
Đáp án:
- 5 danh từ chung: cánh đồng, con vật, muôn loài, con sông, hạn hán
- 5 danh từ riêng: Cóc, Cá Chép, Ngọc Hoàng, Long Vương, Tôm
Bài 3. Tìm và gạch chân câu chủ đề trong mỗi đoạn văn sau:
Đoạn văn 1:
Cậu bé Tích Chu là câu chuyện kể về một cậu bé vừa đáng khen vừa đánh trách, tuy nhiên cậu đã biết ân hận và sửa sai. Cậu bé Tích Chu vì ba mẹ mất sớm nên sống cùng với người bà của mình. Vì quá ham chơi, cậu bỏ mặc người bà bị bệnh của mình. Bà của cậu hóa thành chim và bay lên trời. Khi biết mình đã sai, cậu khóc òa và được một bà Tiên chỉ dẫn cách cứu bà trở lại. Mặc dù đường đi qua thử thách rất khó khăn và nguy hiểm nhưng cậu vẫn không ngần ngại. Cuối cùng, bà đã trở lại thành người và từ đó cậu luôn hết lòng yêu thương bà.
Đáp án đúng: Cậu bé Tích Chu là câu chuyện kể về một cậu bé vừa đáng khen vừa đánh trách, tuy nhiên cậu đã biết ân hận và sửa sai.
Đoạn văn 2:
Sự tích quả dưa hấu gắn liền với hình ảnh Mai An Tiêm là một hoàng tử được vua yêu thương hết mực, cũng là người không ngừng cố gắng và nỗ lực. Vì cho rằng "của biếu là của lo, của cho là của nợ", nhà vua đã cho đày cả gia đình chàng ra đảo hoang. Với sự thông minh, tháo vát, Mai An Tiêm đã tìm thấy và trồng được một loại quả có vỏ xanh thẫm, ruột đỏ tươi mọng nước, vị ngọt, thơm mát. Chàng đổi loại quả này lấy gạo và muối cho cả gia đình. Vua rất ngạc nhiên và khâm phục tinh thần của Mai An Tiêm nên cho đón gia đình chàng về. Từ đó, loại quả này trở thành phần không thể thiếu trong đời sống của người Việt Nam.
Đáp án đúng: Sự tích quả dưa hấu gắn liền với hình ảnh Mai An Tiêm là một hoàng tử được vua yêu thương hết mực, cũng là người không ngừng cố gắng và nỗ lực.
Đoạn văn 3:
Anh tiều phu nghèo nọ chỉ có một chiếc rìu bằng sắt là tài sản quý giá nhất. Trong một lần đi đốn củi, anh vô tình làm rơi chiếc rìu xuống sông và không thể tìm thấy. Mặc dù nhận được sự giúp đỡ của Bụt và có thể lấy được cây rìu bằng vàng và bạc, thế nhưng anh vẫn chọn trung thực, chỉ nhận cây rìu bằng sắt vốn thuộc về mình. Bụt đã quyết định tặng cả cây rìu bằng vàng và bạc cho anh vì sự thật thà. Anh tiều phu nghèo trong câu chuyện "Ba lưỡi rìu" là một người có phẩm chất trung thực, thật thà nên anh đã gặp may mắn.
Đáp án đúng: Anh tiều phu nghèo trong câu chuyện "Ba lưỡi rìu" là một người có phẩm chất trung thực, thật thà nên anh đã gặp may mắn.
Bài 4. Viết bài văn thuật lại một kỉ niệm đáng nhớ của em
Gợi ý:
- Nêu thời gian, địa điểm mà kỷ niệm đó diễn ra.
- Thuật lại kỷ niệm theo trình tự
- Cảm xúc, suy nghĩ của em về kỷ niệm đó ?
Bài viết tham khảo:
Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời của em chắc chắn là buổi học cuối cùng với cô giáo Thanh Hà - người đã dạy cho chúng em môn Tiếng Việt suốt từ khi chúng em bước chân vào lớp 1 cho đến thời điểm cô chuẩn bị về nghỉ hưu.
Sự gắn bó giữa cô và chúng em không chỉ là mối quan hệ giáo viên - học sinh mà còn là tình cảm như của một gia đình. Tin tức về việc cô sắp nghỉ hưu khiến tất cả chúng em đều cảm thấy buồn bã. Tuy nhiên, chúng em đã quyết định cùng nhau tạo ra một buổi học cuối cùng đáng nhớ để khơi gợi lại thời gian chúng em đã cùng nhau trải qua.
Trong buổi học đó, lớp của chúng em đã thể hiện sự ngoan ngoãn và tôn trọng đối với cô giáo. Chưa bao giờ, lớp học lại im lặng và tập trung như vậy. Cả những học sinh nghịch ngợm nhất cũng trở nên nghiêm túc và tôn trọng buổi học cuối cùng với cô. Âm thanh dịu dàng của cô vẫn lan tỏa trong lớp học, nhưng lần này, nó mang theo một tia buồn. Chúng em nhận ra rằng thời gian không ngừng trôi và dấu vết của thời gian đã in sâu vào nụ cười của cô. Tóc bạc phơ của cô và đôi bàn tay nhăn nheo là minh chứng cho những nỗ lực và tình yêu thương mà cô đã dành cho chúng em suốt những năm tháng dạy dỗ. Đó thực sự là lúc chúng em nhận ra rằng cô Thanh Hà yêu quý của chúng em sắp phải nghỉ hưu.
Trước khi tiết học kết thúc, lớp trưởng dũng cảm đứng lên, đại diện cho toàn bộ lớp, để dành những lời chia tay đầy ý nghĩa cho cô giáo Thanh Hà. Mặc dù đã chuẩn bị kỹ lưỡng, nhưng vẫn không tránh khỏi nước mắt của lớp trưởng khi bạn ấy nghẹn ngào từng lời trong bài phát biểu. Cô Hà, đứng trên bục giảng, cũng không giấu được cảm xúc, đôi mắt đỏ hoe.
Sau đó, chúng em trao tặng cô những tấm thiệp nhỏ, chứa đựng những lời biểu tỏ lòng biết ơn sâu sắc nhất từ đáy lòng mỗi người. Tất cả được đặt vào một chiếc hộp giấy, để cô mang về sau giờ học. Những phút cuối cùng, chúng em ôm chặt lấy cô, như ôm người mẹ của mình. Giây phút chia xa đầy xúc động và lưu luyến. Vì sau hôm nay, cô Hà sẽ không còn bước vào phòng học để dạy nữa.
Khi tiết học kết thúc, tiếng chuông báo hiệu giờ ra chơi vang lên mạnh mẽ. Nhưng thật lạ, không ai trong lớp háo hức chạy ra sân như mọi ngày. Bởi mỗi người đều chìm đắm trong nỗi buồn khi phải xa cô giáo yêu quý. Chúng em chỉ mong muốn tiết học đó kéo dài thêm, để được là học trò của cô thêm vài phút nữa. Nhưng cuối cùng, tiết học cũng phải dừng lại trong sự tiếc nuối không thể nào diễn tả. Em mong rằng cô Hà sẽ bắt đầu một hành trình mới với nhiều niềm vui mới. Còn chúng em, sẽ cố gắng học tập chăm chỉ như lời cô đã dặn, để cô được tự hào về lứa học trò cuối cùng trong sự nghiệp giảng dạy của mình.
2. Bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 4 Tuần 9 - Cánh Diều
Bài 1. Đọc thầm bài "Cá Chép hóa Rồng"
Bài 2. Hãy tìm trong bài đọc trên các danh từ
- Chỉ con vật: Cóc, Cá Chép, Tôm, Rùa, Cá, Ếch
- Chỉ hiện tượng thiên nhiên: hạn hán, mưa
Bài 3. Điền dấu gạch ngang hoặc dấu ngoặc kép vào ô trống thích hợp. Nêu tác dụng của dấu gạch ngang và dấu ngoặc kép đã sử dụng.
Đoạn văn 1:
Lấy bối cảnh những năm 1945, khi thực dân Pháp vừa trở lại Nam Bộ, (...) Đất rừng phương Nam (...) theo chân cậu bé An phiêu bạt khắp miền "mênh mông rừng tràm, bạt ngàn dừa xanh". (...) Đất rừng phương Nam (...) đã được dịch ra nhiều thứ tiếng. Năm 1997, tiểu thuyết được chuyển thể thành phim Đất phương Nam, di NSƯT Nguyễn Vinh Sơn đạo diễn và viết kịch bản.
Đáp án: "Đất rừng phương Nam"; "Đất rừng phương Nam"
Tác dụng của dấu: Dấu ngoặc kép được sử dụng để đánh dấu tên tác phẩm văn học trong đoạn văn.
Đoạn văn 2:
Những điều mẹ ước cho con:
(...) Mẹ mong cho con biết thế nào là thất bại để học lấy sự khiêm tốn, biết thế nào là thành công để học lấy sự tự tin và cư xử trung thực ngay cả trong những chuyện chỉ mình con biết.
(...) Mẹ mong con chia sẻ phòng của con với em con. Cũng được nếu con kẻ một vạch phấn để ngăn đôi căn phòng, nhưng nếu em con muốn chui vào chăn ngủ cùng con vì nó sợ một cái gì đó lúc nửa đêm thì mẹ mong con hãy ôm lấy em.
(...) Mẹ mong con biết đào hố trồng cây và đọc sách. Và khi con sử dụng máy tính, con vẫn biết tính nhẩm.
Đáp án:
- Mẹ mong cho con biết thế nào là thất bại để học lấy sự khiêm tốn, biết thế nào là thành công để học lấy sự tự tin và cư xử trung thực ngay cả trong những chuyện chỉ mình con biết.
- Mẹ mong con chia sẻ phòng của con với em con. Cũng được nếu con kẻ một vạch phấn để ngăn đôi căn phòng, nhưng nếu em con muốn chui vào chăn ngủ cùng con vì nó sợ một cái gì đó lúc nửa đêm thì mẹ mong con hãy ôm lấy em.
- Mẹ mong con biết đào hố trồng cây và đọc sách. Và khi con sử dụng máy tính, con vẫn biết tính nhẩm.
Tác dụng của dấu: Dấu gạch ngang được dùng trong đoạn văn với mục đích là liệt kê những điều mà mẹ mong cho con.
Bài 4. Tìm và viết lại các danh từ riêng có trong đoạn văn sau:
Chúng tôi đứng trên núi Chung. Nhìn sang trái là dòng sông lam uốn khúc theo dãy núi thiên nhẫn. Mặt sông hắt ánh nắng chiếu thành một đường quanh co trắng xóa. Nhìn sang phải là dãy núi Trác nối liền với dãy núi đại huệ xa xa. Trước mặt chúng tôi, giữa hai dãy núi là nhà bác hồ.
(Theo Hoài Thanh và Thanh Tịnh)
Đáp án: Chung, Trác, Lam, Thiên Nhẫn, Đại Huệ, Bác Hồ.
Bài 5. Viết đoạn văn nêu cảm nhận của em về một nhân vật trong câu chuyện mà em đã đọc.
Đoạn văn tham khảo:
Trong hết những câu chuyện mà em đã đọc, câu chuyện "Bạch Tuyết và bảy chú lùn" làm cho em ấn tượng nhất. Nàng Bạch Tuyết với làn da trắng như tuyết, đôi môi đỏ như son và mái tóc đen như gỗ mun. Ngoài vẻ đẹp bề ngoài, nàng còn sở hữu trái tim tốt bụng, nhân hậu và luôn siêng năng. Tuy nhiên, số phận của nàng lại bị mụ hoàng hậu xấu xa đánh độc. May mắn thay, nàng được hoàng tử cứu giúp. Khi đọc câu chuyện này, em cảm thấy một tình cảm đặc biệt và yêu thích đối với nàng công chúa này.
3. Bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 4 Tuần 9 - Chân trời sáng tạo
Bài 1. Đọc thầm bài "Cá Chép hóa Rồng"
Bài 2. Cho đoạn văn sau:
Cây sấu là cây âm nhạc đó, với cái gốc có vẻ có bạnh và tán lá tròn um tùm óng biếc sau cơn mưa, mà mỗi quả sấu lá một nốt nhạc rung rinh trong gió trong trời ...
Em hãy tìm và liệt kê các động từ, tính từ, danh từ có trong đoạn văn trên.
Đáp án:
Danh từ | Động từ | Tính từ |
cây sấu, cây âm nhạc, gốc, tán lá, cơn mưa, quả sấu, nốt nhạc, gió, trời | óng, rung rinh | bạnh, tròn, um tùm, biếc |
Bài 3. Sắp xếp những cụm từ sau vào bảng thích hợp sau:
bay, đen kịt, lấp lánh, thuyền, tươi đẹp, trăng, cổ kính, thầm thì
Danh từ | Động từ | Tính từ |
thuyền, trăng | bay, thầm thì | đen kịt, lấp lánh, tươi đẹp, cổ kính |
Bài 4. Viết bài văn thuật lại một hoạt động trải nghiệm thú vị của em ở trường
Một trong số những hoạt động trải nghiệm thú vị của em ở trường là phong trào bảo vệ môi trường hưởng ứng lời kêu gọi "Bảo vệ môi trường là bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta". Tuần trước, trường em cùng với nhiều trường cấp hai khác trên địa bàn thành phố đã cùng nhau phát động một phong trào bảo vệ môi trường đầy thú vị: trồng cây xanh tại Công viên Thủ Lệ.
Sáng ngày 5/6, hàng trăm học sinh từ các trường trên địa bàn Hà Nội đã tự nguyện tham gia vào một chiến dịch làm sạch môi trường tại Công viên Thủ Lệ. Chiến dịch này được tổ chức nhân dịp Ngày Môi trường thế giới 5/6, nhằm mục đích lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường rộng rãi trong cộng đồng qua hai hoạt động chính: trồng cây để làm xanh cây xanh và tổ chức vệ sinh khuôn viên Công viên Thủ Lệ.
Lúc 8h sáng, chúng em được đưa đến công viên bằng xe buýt của trường để tham gia hoạt động. Em cùng với các bạn trong lớp 5C được phân công vào tổ số 2 để tham gia vào việc trồng cây bàng. Các bạn nam được giao nhiệm vụ đào hố, trong khi đó em và một số bạn khác chịu trách nhiệm cho việc đặt cây vào hố và lấp đất. Một số bạn khác thì được phụ trách việc tưới nước cho cây sau khi trồng. Mặc dù công việc khá vất vả và thời tiết oi bức, nhưng tất cả đều nhiệt tình tham gia.
Sau một ngày làm việc hăng say, chúng em cùng với người dân địa phương đã tiến hành vệ sinh toàn bộ khuôn viên Công viên Thủ Lệ, cũng như thực hiện việc trồng cây để làm xanh công viên và thu gom rác thải.
Chúng em hy vọng rằng thông điệp về bảo vệ môi trường sẽ được lan tỏa rộng rãi và giúp giới trẻ có cái nhìn đúng đắn về việc bảo vệ môi trường. Dù làm việc mệt mỏi, nhưng chúng em đều cảm thấy vui vẻ và tự hào vì đã đóng góp một phần nhỏ vào công cuộc bảo vệ môi trường.
Xem thêm: Tiếng Việt lớp 4 Luyện từ và câu: Mở rộng vốn từ Sáng chế, phát minh