1. Khái quát chung

Điều tra tội phạm là hoạt động của cơ quan điều tra sử dụng mọi biện pháp, phương tiện được pháp luật cho phép để làm rõ những tình tiết của sự kiện phạm tội, làm cơ sở để Nhà Nước xử lý mối quan hệ hình sự nảy sinh giữa công dân với Nhà Nước và góp phần làm cơ sở cho hoạt động phòng ngừa tội phạm.

1.1 Mục đích của hoạt động điều tra dưới góc độ tâm lý học

Dưới góc độ tâm lý học, xét về mục đích của hoạt động thì điều tra là quá trình cơ quan điều tra, cán bộ điều tra dùng nhiều biện pháp để phát hiện các nguồn tin, thu thập và xử lý các thông tin phản ánh về các tình tiết của vụ phạm tội, về những con người có liên quan đến tội phạm và những âm mưu, thủ đoạn, những mối quan hệ của họ để xây dựng mô hình bức tranh toàn cảnh về vụ việc phạm tội đó. Quá trình điều tra được xem là hoàn thành khi cán bộ điều tra đã thu được đầy đủ các thông tin phản ánh về sự kiện phạm tội và liên kết được chúng với nhau, xây dựng được mô hình tư duy về sự kiện đó (xảy ra như thế nào ở đâu, lúc nào, do ai thực hiện, vì mục đích gì, hậu quả như thế nào.v.v.). Như vậy, xét về mục đích thì toàn bộ quá trình điều tra chính là hoạt động nhận thức của cơ quan điều tra, của cán bộ điều tra về sự kiện phạm tội mà kết quả của nó là mô hình về sự kiện phạm tội được xây dựng lại trên cơ sở các thông tin mà cán bộ điều tra thu được.
Tuy nhiên, nhận thức về sự kiện phạm tội là một quá trình nhận thức đặc biệt: Chủ thể trực tiếp của hoạt động nhận thức là cơ quan điều tra, cán bộ điều tra, nhưng sự nhận thức đó không phải hoàn toàn tự do, sáng tạo và không phải nhận thức để bổ sung, hoàn thiện tri thức cho mình, mà đó là nhận thức với các biện pháp trong khuôn khổ những quy phạm có tính pháp lý chặt chẽ (pháp luật và các quy định riêng có tính pháp quy chặt chẽ) để Nhà Nước xử lý mối quan hệ hình sự nảy sinh giữa công dân và Nhà Nước. Trong hoạt động này các chủ thể trực tiếp với tư cách là thực hiện chức năng Nhà nước để tiến hành nhận thức về sự kiện phạm tội, về người phạm tội, không được phép nhận thức sai.

1.2 Khách thể nhận thức trong điều tra

Khách thể nhận thức trong điều tra là những sự kiện không bình thường đã thuộc về quá khứ (những vụ việc hình sự hoặc có ý nghĩa hình sự, bị xã hội ngăn cấm, lên án, các thông tin về sự kiện đó thường không hệ thống và bị che dấu, xoá lấp, rất khó phát hiện và thu giữ), những con người “không bình thường”  với những quan hệ phức tạp luôn được ngụy trang, che dấu. Đối tượng nhận thức là những thông tin về những sự kiện, con người không bình thường, nên chúng luôn bị che dấu, xoá lấp…, ngay cả khi phát hiện ra nguồn chứa thông tin đó thì cũng không phải thu được một cách dễ dàng.
Với đối tượng và khách thể như vậy, việc nhận thức không thể chỉ bằng những phương pháp, biện pháp thông thường, mà phải bằng hệ thống các phương pháp, biện pháp, quyền năng đặc thù mới có thể nhận thức đúng đắn và đầy đủ. Cơ quan điều tra và cán bộ điều tra được giao quyền năng pháp lý và một số phương tiện đặc thù để tiến hành thu thập thông tin về tội phạm, đồng thời cũng phải chịu trách nhiệm trực tiếp đối với các hoạt động điều tra và việc sử dụng quyền năng, phương pháp, phương tiện được giao trong hoạt động điều tra. 
Để thu được thông tin cần thiết phục vụ cho việc làm rõ các tình tiết của vụ án, cán bộ điều tra không những phải tích cực, hiểu rõ và có kỹ năng thực hiện các chiến thuật điều tra theo quy định của pháp luật, hiểu biết cơ bản nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, mà còn phải hiểu rõ các quy luật tâm lý chi phối hoạt động điều tra, hiểu biết và có kỹ năng thực hiện tác động tâm lý tới các khách thể giao tiếp trong hoạt động của mình. Có như vậy mới có thể vừa thu được kết quả trong hoạt động, vừa bảo vệ được mình trước những tác động tiêu cực và những đe doạ nguy hiểm cả về tinh thần và thể chất.
Nếu xem xét hoạt động điều tra từ góc độ diễn biến của hoạt động thì có thể xem hoạt động điều tra là hoạt động giao tiếp nghề nghiệp đặc thù, trong đó diễn ra sự tương tác tâm lý giữa chủ thể điều tra với nhiều chủ thể  tâm lý khác mà cơ bản là sự tương tác tâm lý giữa cán bộ điều tra (chủ thể điều tra) và thủ phạm của vụ án (chủ thể tội phạm) – hai chủ thể tâm lý có địa vị pháp lý và nhiều đặc điểm tâm lý trái ngược nhau. Kết quả cũng như diễn biến của hoạt động điều tra phụ thuộc rất lớn vào sự tương tác tâm lý của hai chủ thể này. Nếu chủ thể điều tra chiếm được ưu thế, dẫn dắt được giao tiếp thì hoạt động điều tra nhìn chung sẽ thuận lợi và nhanh chóng đạt được kết quả tốt, ngược lại nếu chủ thể điều tra bị rơi vào vị thế kém ưu thế thì hoạt động điều tra sẽ gặp nhiều khó khăn.
Sự tương tác tâm lý giữa hai chủ thể này thể hiện cả ở hình thức gián tiếp và trực tiếp. Trong giai đoạn điều tra ban đầu, cơ quan điều tra chưa xác định và chưa bắt được thủ phạm, thì sự tương tác tâm lý diễn ra ở thể gián tiếp, thể hiện ở sự tương quan giữa những thủ đoạn, kỹ năng che dấu tội phạm của chủ thể tội phạm và năng lực nhận biết, phát hiện dấu vết, phân tích tình hình…của chủ thể điều tra. Trong sự tương tác tâm lý này, bên nào chiếm ưu thế hơn phụ thuộc vào cả vốn kinh nghiệm (tri thức xã hội, chuyên môn, các kỹ năng tương ứng) và đặc điểm tâm lý của chủ thể (tính cách, thái độ). Cán bộ điều tra muốn chiếm được ưu thế, không chỉ cần được trang bị kiến thức chuyên môn vững vàng (gồm cả năng lực thực hiện các chiến thuật điều tra và phân tích tâm lý), có hiểu biết rộng nhiều lĩnh vực, mà còn phải rèn luyện cả những phẩm chất tâm lý cần thiết. Sự nôn nóng thiếu kiên trì, thiếu khả năng kiềm chế hoặc sự nhiệt tình thái quá…đều dẫn tới dễ bị rơi vào thế bị động, bị đối tượng dẫn dắt, đánh lừa.
Khi cơ quan điều tra đã bắt thủ phạm và tiến hành các biện pháp điều tra trực diện (hỏi cung, tổ chức đối chất...), thì sự tương tác tâm lý diễn ra trực tiếp. Ưu thế tâm lý trong giai đoạn này phụ thuộc và nhiều yếu tố, trước hết đó là ưu thế tự nhiên do công việc quy định thường thuộc về cán bộ điều tra (do địa vị pháp lý, do tình trạng bị rơi vào tình trạng thiếu thông tin của bị can…), nhưng cũng có khi ưu thế đó lại thuộc về bị can (do tuổi tác, do địa vị xã hội trước đó hoặc do “quyền lực hấp dẫn” của bị can như trường hợp bị can nữ trẻ, đẹp, cán bộ điều tra chưa có nhiều kinh nghiệm và có tính cách dễ mủi lòng…). Thứ hai, ưu thế tâm lý phụ thuộc vào vốn kinh nghiệm của mỗi bên. Thứ ba, bên nào chiếm được ưu thế còn phụ thuộc vào kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tác động tâm lý tới đối tượng. Nhưng yếu tố quan trọng nhất để chiếm được ưu thế, có thể dẫn dắt đối phương là ưu thế về thông tin, chủ thể nào nắm được nhiều thông tin về đối phương và thông tin quan trọng về vấn đề hai bên cùng quan tâm hơn thì sẽ dễ dàng chiếm được ưu thế. 
Về lý luận, có thể nói trong điều tra, cán bộ điều tra thường chiếm được vị thế ưu thế vì có lợi thế cả về địa vị pháp lý và khả năng, điều kiện tiếp nhận thông tin, nhưng lợi thế đó cũng có thể dễ dàng mất đi nếu không biết sử dụng nó hợp lý. Mặt khác, ưu thế tự nhiên của cán bộ điều tra cũng không phải là hoàn toàn có lợi, vì đối tượng cũng cảm nhận được vị thế kém ưu thế của mình nên sẽ đề phòng, cảnh giác, dè dặt trong giao tiếp, làm cho việc trao đổi thông tin diễn ra rất khó khăn.
Để có thể đạt được kết quả mong muốn trong điều tra, cần phải nghiên cứu nghiêm túc cả những vấn đề lý luận và đúc rút kinh nghiệm thực tiễn làm cơ sở áp dụng, vận dụng những phương pháp, chiến thuật điều tra trong những trường hợp cụ thể.

2. Những đòi hỏi tâm lý của hoạt động điều tra tội phạm

Những đòi hỏi tâm lý của hoạt động là những yêu cầu tâm lý mà chủ thể phải đáp ứng trong hoạt động để đạt được kết quả mong muốn và chống lại được những tai nạn, rủi ro nghề nghiệp. Đó là những đòi hỏi của nghề về thao tác cần thực hiện, về khó khăn cần khắc phục và về sản phẩm cần đạt được.
Hoạt động điều tra tội phạm là dạng hoạt động đặc biệt. Trong hoạt động đó chủ thể cần phải nhanh chóng phát hiện và thu thập được những thông tin về tội phạm nói chung và thông tin của vụ án nói riêng, phải thiết lập được quan hệ tâm lý cần thiết với các chủ thể tâm lý có liên quan (đối tượng, người làm chứng, người bị hại, lực lượng phối hợp), phải xử lý được những thông tin đó và cuối cùng là xây dựng được mô hình tổng thể hoàn chỉnh về vụ án. 
Trong quá trình điều tra, cán bộ điều tra không chỉ hao tốn nhiều năng lượng thần kinh, mà cả năng lượng cơ bắp để thực hiện nhiệm vụ, phải đầu tư rất lớn quỹ thời gian cho công việc, đồng thời phải đương đầu với những cám dỗ, những nguy hiểm đe dọa nhiều mặt (sức khoẻ, tính mạng, danh dự, công việc). Tóm lại, có thể phác họa họa đồ tâm lý nghề nghiệp của cán bộ điều tra là:
Chủ thể của hoạt động phải:
- Chịu đựng sự căng thẳng vì tính chất quan trọng, quá tải của công việc, vì sự phức tạp nguy hiểm. 
- Chấp nhận sự hy sinh nhiều lợi ích, thời gian.
- Phải có sự quan sát tinh nhạy và tư duy sâu sắc. 
- Thực hiện những thao tác nghề thành thạo, chắc chắn; phải thường xuyên thực hiện tác động tâm lý đến đối tượng.
- Luôn tự chủ, cảnh giác cao độ và giữ bí mật.
- Dám chịu trách nhiệm.
- Chấp hành nghiêm ngặt quy trình và yêu cầu thủ tục pháp lý.
Từ những yêu cầu tâm lý như vậy của hoạt động, cán bộ điều tra phải có những phẩm chất cá nhân tương ứng, trong đó các phẩm chất tâm lý có vai trò đặc biệt quan trọng.

3. Những phẩm chất tâm lý cần thiết của cán bộ điều tra 

3.1 Có phẩm chất chính trị vững vàng

Cán bộ điều tra là chủ thể trực tiếp trong hoạt động điều tra, là người được cơ quan điều tra giao nhiệm vụ trực tiếp thực hiện chức năng Nhà Nước để điều tra , giúp đảm bảo cho Nhà nước xử lý đúng đắn tội phạm, vì vậy trong mọi hoạt động phải biết xác định rõ và đặt lợi ích của Đảng, Nhà Nước lên trên hết. Phẩm chất đầu tiên và cơ bản đối với cán bộ điều tra là Phẩm chất chính trị.

3.2 Có sự giác ngộ sâu sắc về nghề, có lòng yêu nghề, căm thù cái xấu

Lòng yêu nghề là nền tảng cơ bản của bất cứ nghề nghiệp nào trong xã hội. Nếu người ta làm công việc hay nghề nghiệp nào đó vì một sự ràng buộc hay cưỡng bức, hoặc đơn giản vì miếng cơm manh áo, thì không bao giờ có thể huy động hết nỗ lực, tiềm năng của mình, không bao giờ đạt được kết quả mĩ mãn. 
Đối với hoạt động điều tra tội phạm, chủ thể không chỉ phải đầu tư thời gian, công sức, hi sinh nhiều lợi ích cá nhân mà còn phải phải đối đầu với nhiều thử thách, nguy hiểm về nhiều mặt, nếu không có sự hiểu biết sâu sắc về ý nghĩa công việc, về những khó khăn, thuận lợi, phức tạp của nghề và biết căm thù cái xấu, cái bất công...thì chủ thể khó có thể vượt qua thử thách, khó khắc phục được khó khăn chấp nhận hi sinh để gắn bó với nghề và nỗ lực với nghề, và như vậy không những không thể hoàn thành nhiệm vụ, mà còn có thể bị nhuộm đen, biến chất, trở thành kẻ phá hoại, nguy hiểm cho xã hội. 

3.3 Có lòng nhân ái yêu thương con người

Hoạt động điều tra tội phạm là hoạt động nhận thức đặc biệt, đòi hỏi sự chính xác, kịp thời không được phép sai lầm. kết quả của hoạt động có ảnh hưởng trực tiếp tới quyền, lợi ích hợp pháp và thậm chí cả sinh mệnh của công dân. Chủ thể điều tra phải có lòng nhân ái biết yêu thương con người một cách đúng đắn để luôn có trách nhiệm với công việc của mình, thận trọng không để xảy ra sai sót, đảm bảo quyền và lợi ích của công dân. Hơn nữa, lòng yêu thương con người còn giúp cho chủ thể tăng thêm lòng căm thù cái xấu, huy động được tối đa nỗ lực để vượt khó khăn trở ngại, hoàn thành nhiệm vụ, không để lọt tội phạm. 

3.4 Có tinh thần trách nhiệm cao, dám chịu trách nhiệm

Hoạt động điều tra không chỉ khó khăn vất vả mà còn hết sức phức tạp và nguy hiểm theo mọi nghĩa, chủ thể điều tra cần có nhiệt tình, trí tuệ và bản lĩnh quyết đoán, dám làm dám chịu trách nhiệm, thiếu bất kì yêú tố nào đều có thể làm cho kết quả điều tra hoặc không đạt yêu cầu, chệch hướng hoặc chậm trễ, không kịp thời, bỏ lọt tội phạm...và qua đó ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức mạnh, tới hiệu lực của pháp luật, tới uy tín và sức mạnh của Đảng, Nhà Nước và cả hệ thống chính trị. Cán bộ điều tra phải là người có tinh thần trách nhiệm cao, dám chịu trách nhiệm không né tránh, đùn đẩy.

3.5 Có khả năng quan sát tinh nhạy và khả năng tư duy sâu sắc

Kết quả hoạt động điều tra phụ thuộc trước hết vào kết quả thu thập thông tin qua các biện pháp điều tra cụ thể, sau đó là khả năng xử lý thông tin (hoạt động tư duy) của cán bộ điều tra. Các thông tin về sự kiện và về chủ thể tội phạm là những thông tin không bình thường, thường được che dấu khó phát hiện, chủ thể điều tra phải có khả năng phán đoán tốt và quan sát tinh nhạy mới có thể phát hiện và thu thập được. 
Sau khi đã có thông tin đầy đủ, cán bộ điều tra phải phân tích, sàng lọc, xử lý thông tin để liên kết các tình tiết với nhau, tìm ra lôgíc của vấn đề để xây dựng mô hình tư duy về sự kiện phạm tội, chủ thể điều tra có điều kiện thời gian để phân tích xử lý, không đòi hỏi cao về sự quyết đoán nhanh nhạy nhưng yêu cầu kết quả phải thật chính xác, do đó đòi hỏi khả năng tư duy sâu sắc để khái quát vấn đề, đảm bảo kết luận đầy đủ và chính xác. 

3.6 Óc hoài nghi khoa học

Nhận thức trong điều tra là nhận thức về sự kiện, con người không bình thường, diễn ra theo những quy luật riêng của nó, những thông tin thu thập được trong điều tra rất đa dạng cả về hình thức và tính chất, mức độ trung thực (có thông tin giá trị chứng minh cao, có thông tin ít giá trị, có thông tin sai lệch hoặc lẫn lộn cả thông tin của sự kiện khác), vì vậy đòi hỏi cán bộ điều tra phải sàng lọc, xử lý thận trọng, phải có óc hoài nghi khoa học, luôn lật đi lật lại vấn đề để xác định chính xác giá trị của thông tin. Hoạt động điều tra đòi hỏi chủ thể phải có óc hoài nghi khoa học cao.

3.7 Có khả năng tự chủ cao, kiên trì, không nôn nóng

Do tính chất phức tạp, nguy hiểm trong các hoạt động thu thập thông tin, cán bộ điều tra dễ bị rơi vào tình huống có trạng thái tâm lý bất lợi (hoang mang lo lắng quá mức, tức giận, bão hòa cảm xúc), nếu không có khả năng tự chủ, kiềm chế các cảm xúc và kiên trì trong công việc, cán bộ điều tra sẽ mắc phải những sai lầm không đáng có, không giải quyết được vụ án. 

3.8 Có tính khiêm tốn, không kiêu căng

Khiêm tốn không kiêu căng là một phẩm chất tích cực của cá nhân, giúp cho cá nhân luôn đánh giá đúng về mình và người khác để từ đó phấn đấu học hỏi, ngày càng hoàn thiện nhân cách của mình. Với cán bộ điều tra, các vụ án diễn ra vô cùng đa dạng, không bao giờ có sự lặp lại hoàn toàn giống nhau, đòi hỏi cán bộ điều tra phải luôn năng động, sáng tạo, không máy móc. Sự khiêm tốn giúp cho chủ thể tránh được sự chủ quan bảo thủ, kinh nghiệm chủ nghĩa trong giải quyết công việc, tạo được sự thận trọng cần thiết và không mắc phải sai lầm do hiện tượng “lối mòn tư duy” chi phối. 

3.9 Có tính kỷ luật

Một trong những yêu cầu cơ bản của hoạt động điều tra tội phạm là tuân thủ pháp luật, tuân thủ quy trình và sự chỉ đạo của cấp trên. Mọi sự tự do tuỳ tiện của cán bộ điều tra đều có thể dẫn đến những thất bại (lộ bí mật điều tra; không đạt hiệu quả công việc; gây hậu quả đáng tiếc), làm mất uy tín của lực lượng, của Đảng, làm ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội. Cán bộ điều tra phải là người có tinh thần kỷ luật cao, gương mẫu trong công việc và lối sống, có như vậy mới đảm bảo tránh được sai lầm trong công việc và giữ được uy tín của mình, giữ được niềm tin và sự ủng hộ giúp đỡ của quần chúng nhân dân để hoàn thành nhiệm vụ.

3.10 Có niềm tin vào chân lý và tinh thần kiên quyết tấn công tội phạm, loại trừ cái xấu

Hoạt động điều tra tội phạm là hoạt động khó khăn, phức tạp, nguy hiểm. Cán bộ điều tra phải đối mặt với những thử thách cam go, đối đầu với những thủ đoạn tinh vi, nguy hiểm của đối tượng và với cả những vấn đề phức tạp của xã hội (các tiêu cực xã hội, các vấn đề tâm lý phức tạp), Nếu không có niềm tin vào chân lý, vào cái thiện thì dễ chán nản, buông xuôi bỏ mặc, không kiên quyết dũng cảm tấn công tội phạm, nhiều khi bị cái xấu tấn công làm sa ngã. Người cán bộ điều tra cần phải có được niềm tin vững chắc vào chân lý, có tinh thần kiên quyết tấn công trấn áp tội phạm thì mới giữ vững được lập trường tư tưởng, hoàn thành được nhiệm vụ, giữ vững được uy tín trước nhân dân và xứng đáng với niềm tin của Đảng. 
Đó là những phẩm chất tâm lý cơ bản cần được quán triệt cả trong tuyển chọn, đào tạo cán bộ điều tra cũng như việc rèn luyện của chính cán bộ điều tra
Trân trọng!
Bộ phận tư vấn pháp luật hình sự - Công ty luật Minh Khuê