Mục lục bài viết
- 1. Bảo lãnh bằng tín chấp của tổ chức chính trị- xã hội là gì?
- 2. Đặc điểm của bảo lãnh vay tín chấp
- 2. Quy định pháp luật về bảo lãnh bằng tín chấp của tổ chức chính trị - xã hội
- 3. Chủ thể nào là bên bảo đảm bằng tín chấp?
- 4. Các bên trong tín chấp có quyền và nghĩa vụ như thế nào?
- 5. Thực trạng cho bảo lãnh vay tín chấp giúp hộ gia đình thoát nghèo
1. Bảo lãnh bằng tín chấp của tổ chức chính trị- xã hội là gì?
Bảo lãnh bằng tín chấp của tổ chức chính trị - xã hội là dùng uy tín về phương diện xã hội của tổ chức chính trị - xã hội để bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ dân sự như của người bảo lãnh đối với người được bảo lãnh.
2. Đặc điểm của bảo lãnh vay tín chấp
- Bên vay: phải là thành viên (cá nhân hoặc hộ gia đình nghèo) của tổ chức bảo đảm.
- Mục đích vay: Phát triển sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng.
- Bên cho vay: là các tổ chức tín dụng, có thể là ngân hàng chính sách hoặc các tổ chức tín dụng hoạt động vối mục đích hỗ trợ ngưòi dân phát triển sản xuẩt, kinh doanh là chủ yếu.
- Tổ chức bảo đảm: Là các tổ chức chính trị – xã hội tại xã, phường, thị trấn bao gồm: đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội nông dân, hội cựu chiến binh… Các tổ chức này có trách nhiệm giám sát việc sử dụng vốn của thành viên đã vay vốn và phải thông báo cho tổ chức tín dụng biết được tình hình sử dụng vốn vay có hiệu quả hay không.
2. Quy định pháp luật về bảo lãnh bằng tín chấp của tổ chức chính trị - xã hội
Căn cứ Điều 344 Bộ luật Dân sự 2015 quy định
"Điều 344. Bảo đảm bằng tín chấp của tổ chức chính trị - xã hội
Tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở có thể bảo đảm bằng tín chấp cho cá nhân, hộ gia đình nghèo vay một khoản tiền tại tổ chức tín dụng để sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng theo quy định của pháp luật."
Có thể thấy, ngoài các biện pháp bảo đảm bằng tài sản, hợp đồng tín dụng có thể được bảo đảm bằng uy tín của các tổ chức chính trị - xã hội.
Khi các thành viên nghèo của mình có nhu cầu vay vốn để sản xuất, kinh doanh hoặc làm dịch vụ mà không có tài sản bảo đảm, các tổ chức chính trị-xã hội bằng uy tín của mình để bảo đảm trước các tổ chức tín dụng cho thành viên của mình vay vốn. Khi đứng ra bảo đảm, các tổ chức này phải xác nhận theo yêu càu của tổ chức tín dụng về điều kiện, hoàn cảnh của cá nhân, hộ gia đình nghèo khi vay vốn tại tổ chức tín dụng đó đồng thời phải chủ động hoặc phối hợp chặt chẽ với tổ chức tín dụng giúp đỡ, hướng dẫn, tạo điều kiện cho cá nhân, hộ gia đình nghèo vay vốn; giám sát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả; đôn đốc trả nợ đầy đủ, đúng hạn cho tổ chức tín dụng. Tổ chức chính trị-xã hội có quyền từ chối bảo đảm bằng tín chấp, nếu xét thấy cá nhân, hộ gia đình nghèo không có khả năng sử dụng vốn vay để sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ và trả nợ cho tổ chức tín dụng.
Tín chấp là việc tổ chức chính trị xã hội tại cơ sở bằng uy tín của mình để bảo đảm cho thành viên của mình vay vốn tại các tổ chức tín dụng bằng việc xác nhận về điều kiện, hoàn cảnh của cá nhân, hộ gia đình nghèo khi vay vốn và phối hợp chặt chẽ với tổ chức tín dụng giúp đỡ, hướng dẫn, tạo điều kiện cho cá nhân, hộ gia đình nghèo vay vốn; giám sát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả; đôn đốc trả nợ đầy đủ, đúng hạn cho tổ chức tín dụng.
Về hình thức, nội dung tín chấp được quy định cụ thể tại Điều 345 Bộ luật Dân sự 2015:
"Điều 345. Hình thức, nội dung tín chấp
Việc cho vay có bảo đảm bằng tín chấp phải được lập thành văn bản có xác nhận của tổ chức chính trị - xã hội bảo đảm bằng tín chấp về điều kiện, hoàn cảnh của bên vay vốn.
Thỏa thuận bảo đảm bằng tín chấp phải cụ thể về số tiền, mục đích, thời hạn vay, lãi suất, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người vay, tổ chức tín dụng cho vay và tổ chức chính trị - xã hội bảo đảm bằng tín chấp."
Cụ thể, nội dung của hợp đồng tín chấp bao gồm các nội dung sau:
- Số tiền vay: Số tiền vay được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật về việc cho cá nhân, hộ gia đình nghèo vay vốn và được áp dụng như nhau đối với các chủ thể này.
- Mục đích vay tín chấp: Vay tín chấp luôn có quy định cụ thể về mục đích vay. Mục đích vay trong tín chấp thường hướng đến việc sản xuất, kinh doanh, trồng trọt, chăn nuôi,…
- Thời hạn vay: Thời hạn vay được quy định cụ thể trong các văn bản pháp lý. Bên cạnh việc xác định thời hạn vay theo đơn vị thời gian, thời hạn vay còn được xác định theo một sự kiện nhất định ( Ví dụ: Cho cá nhân, hộ gia đình nghèo vay tín chấp để đi xuất khẩu lao động thì thời hạn vay theo thời gian đi xuất khẩu lao động).
- Lãi suất: Lãi suất được quy định cụ thể trong các văn bản quy định về chương trình cho cá nhân, hộ gia đình nghèo vay tín chấp. Có thể coi đây là một hình thức vay vốn lãi suất thấp bởi lãi suất trong vay tín chấp thường thấp hơn so với lãi suất thông thường.
- Quyền và nghĩa vụ của các chủ thể: Bao gồm người vay, tổ chức tín dụng cho vay và tổ chức chính trị – xã hội bảo đảm bằng tín chấp.
3. Chủ thể nào là bên bảo đảm bằng tín chấp?
Căn cứ Điều 45 Nghị định 102/2017 NĐ-CP quy định:
"Điều 45. Bên bảo đảm bằng tín chấp
Trường hợp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bằng tín chấp thì tổ chức ở xã, phường, thị trấn của Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc Công đoàn cơ sở là bên bảo đảm bằng tín chấp, trừ trường hợp Điều lệ của tổ chức này quy định khác."
4. Các bên trong tín chấp có quyền và nghĩa vụ như thế nào?
- Bên bảo đảm bằng tín chấp có quyền, nghĩa vụ:
+ Chủ động hoặc phối hợp chặt chẽ với tổ chức tín dụng cho vay để giúp đỡ, hướng dẫn, tạo điều kiện cho người vay; giám sát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả; đôn đốc trả nợ đầy đủ, đúng hạn;
+ Xác nhận theo yêu cầu của tổ chức tín dụng cho vay về điều kiện, hoàn cảnh của người vay khi vay vốn;
+ Quyền, nghĩa vụ khác theo thỏa thuận hoặc do Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan quy định.
- Tổ chức tín dụng cho vay có quyền, nghĩa vụ:
+ Yêu cầu bên bảo đảm bằng tín chấp phối hợp trong việc kiểm tra sử dụng vốn vay và đôn đốc trả nợ;
+ Phối hợp với bên bảo đảm bằng tín chấp trong việc cho vay và thu hồi nợ;
+ Quyền, nghĩa vụ khác theo thỏa thuận hoặc do Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan quy định.
- Người vay có quyền, nghĩa vụ:
+ Sử dụng vốn vay để sản xuất, kinh doanh, phục vụ nhu cầu đời sống hoặc tiêu dùng phù hợp với mục đích vay;
+ Tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức tín dụng cho vay và bên bảo đảm bằng tín chấp kiểm tra việc sử dụng vốn vay;
+ Trả nợ đầy đủ gốc và lãi vay (nếu có) đúng hạn cho tổ chức tín dụng cho vay;
+ Quyền, nghĩa vụ khác theo thỏa thuận hoặc do Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan quy định.
5. Thực trạng cho bảo lãnh vay tín chấp giúp hộ gia đình thoát nghèo
Trong 5 năm qua, Hội Liên hiệp phụ nữ (Hội LHPN) Hà Nội luôn là đoàn thể có dư nợ lớn (chiếm trên 50% tổng số dư nợ ủy thác toàn TP của Ngân hàng Chính sách xã hội qua các hội, đoàn thể). 100% Hội LHPN quận, huyện, thị xã đã và đang triển khai hoạt động vay vốn ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội. Tính đến hết năm 2019, các cấp Hội phụ nữ trên địa bàn TP có 3.925 tổ phụ nữ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), 131.733 hộ gia đình vay 14 chương trình, với tổng dư nợ 4.730 tỷ 303 triệu đồng (tăng 173% so với năm 2014). Hội phụ nữ cơ sở thường xuyên nắm bắt nhu cầu vay vốn của hội viên; thành lập tổ TK&VV theo đúng quy định. Đến nay, 100% các TK&VV của Hội được thành lập theo địa bàn dân cư. Các tổ TK&VV duy trì tiền gửi tiết kiệm của các thành viên hàng tháng và nộp cho Ngân hàng Chính sách xã hội tại địa phương với tổng dư nợ là 249.017 triệu đồng. Qua đánh giá xếp loại, năm 2019 có 3.902 tổ TK&VV xếp loại tốt (tỷ lệ 99,4%).
Các cấp Hội đã thường xuyên khảo sát và lựa chọn thành viên vay vốn đúng đối tượng, mục đích sử dụng vốn phù hợp với từng nguồn vốn vay đảm bảo công khai, dân chủ. Sau 5 năm, cùng với nhiều nguồn lực, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp cho 11.470 hộ gia đình phụ nữ thoát nghèo, tạo việc làm cho hơn 25.000 lao động có thu nhập ổn định; sinh viên học sinh có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn, trang trải chi phí học tập; xây dựng, sửa chữa nâng cấp công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn. Hằng năm, Thành hội đã kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác 100% quận, huyện, thị xã; tăng cường tập huấn… góp phần nâng cao chất lượng tín dụng; việc hoàn trả vốn gốc, lãi đúng hạn; thỏa thuận và cam kết được thực hiện tốt.
Tại hội nghị, đồng chí Phạm Văn Quyết – Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Hà Nội đánh giá cao kết quả vượt bậc mà Hội LHPN Hà Nội đạt được sau 5 năm thực hiện hoạt động ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội, được thể hiện qua sự tăng trưởng cao của dư nợ tín dụng, chất lượng tín dụng được nâng lên, tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp hơn so với mức chung của toàn chi nhánh; trong đó 11 đơn vị quận, huyện không có nợ quá hạn. Các cấp Hội đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động tiết kiệm, trong đó đáng chú ý là nguồn tiết kiệm dân cư đã được các cấp Hội thực hiện tốt nhằm huy động nguồn lực trong nhân dân, cùng với nguồn vốn của Nhà nước hỗ trợ các đối tượng chính sách phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Phạm Thị Thanh Hương – Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội đã biểu dương kết quả của các cấp Hội trong việc thực hiện hoạt động ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội trong giai đoạn 2016 – 2020. Trong những năm qua, những hỗ trợ tín dụng cho phụ nữ ngày càng tăng về lượng và chất. Thông qua hoạt động tín chấp, các cấp Hội đã đổi mới nội dung hoạt động; đội ngũ cán bộ Hội năng động, sáng tạo hơn trong công tác và hoạt động phong trào giúp đỡ chị em phụ nữ thoát nghèo, góp phần khuyến khích hội viên phụ nữ tham gia các hoạt động do Hội phụ nữ tổ chức. Trong thời gian tới, để làm tốt hơn hoạt động ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội, đồng chí Phạm Thị Thanh Hương đề nghị các cấp Hội đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên về tín dụng chính sách xã hội, coi đây là nhiệm vụ chính trị góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời, thực hiện hiệu quả các nội dung đã được ký kết với Ngân hàng Chính sách xã hội, trong đó cần quan tâm hoạt động của tổ TK&VV – “hạt nhân” trong tổ chức hoạt động ủy thác tại cơ sở, tập trung rà soát đội ngũ cán bộ để kịp thời củng cố kiện toàn, có kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kế cận; các cấp Hội dành thời gian thỏa đáng cho công tác kiểm tra, giám sát; kiểm tra thường xuyên, theo chỉ tiêu để quản lý tốt nguồn vốn, kịp thời chấn chỉnh vấn đề phát sinh (nếu có); bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác ủy thác tại quận, huyện cơ sở.