1. Khái quát

Thực tiễn trong quan hệ pháp luật - xã hội có nhiều công dân (con người) mất năng lực hành vi dân sự hoặc chưa đến tuổi chịu trách nhiệm độc lập trước các quan hệ pháp luật cần phải có người đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ, trong trường hợp họ không có người thân thích, họ hàng, v.v... thì các tổ chức chính trị - xã hội có quyền đứng ra làm đại diện hợp pháp cho họ trước pháp luật. Việc đại diện đó thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, chẳng hạn, bảo lãnh, giám hộ... do cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận hoặc do Toà án chỉ định... Từ những vấn đề trên cho thấy tổ chức chính trị - xã hội bảo đảm và bảo vệ quyền con người cũng rất đa dạng và phong phú.

Trong thực tiễn hiện nay, bạo lực gia đình cũng đang là vấn đề nóng bỏng, ngoài các cơ quan pháp luật, thì Hội Phụ nữ đóng vai trò chủ động và tích cực trong việc đấu tranh và bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của chị em phụ nữ là hội viên của mình. Hội Phụ nữ kiến nghị xây dựng và lập các trung tâm lánh nạn cho chị em khi gặp khó khăn trong vấn đề bạo lực gia đình. Hội Phụ nữ chủ động làm văn bản kiến nghị cơ quan pháp luật xử lý người vi phạm trước pháp luật. Hội Phụ nữ cử đại diện tham gia giải quyết hoặc bảo vệ quyền lợi cho thành viên của họ trước các cơ quan pháp luật.

Một hình ảnh khác có thể kể đến vai trò to lớn của các tổ chức chính trị - xã hội, đó là công đoàn trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động. Các hoạt động tham gia của họ là: đại diện cho người lao động ký thỏa ước lao động tập thể với người sử dụng lao động, tham gia hội đồng lương, thi đua khen thưởng, kỷ luật của cơ quan doanh nghiệp, v.v... Khi có lao động bị thôi việc bắt buộc phải có ý kiến của Công đoàn, khi giải quyết các vấn đề về lương, phụ cấp, bảo hiểm phải có ý kiến của cộng đoàn, v.v...

2. Vai trò của Hội liên hiệp Phụ nữ

Đấu tranh ngăn chặn tiến tới xóa bỏ hoàn toàn các hành vi bạo lực trên cơ sở Giới đối với phụ nữ đã trở thành mối quan tâm của toàn xã hội. Quốc hội nước ta đã ban hành Luật Bình đẳng giới (năm 2006); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (năm 2007); các chỉ thị, nghị định, thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật; ban hành Chương trình quốc gia về Phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em giai đoạn 2004- 2010; thông qua Luật Phòng, chống mua bán người…

Góp phần cùng các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức đoàn thể- chính trị xã hội, Hội LHPN Việt Nam đã nỗ lực trong công tác tham mưu, chỉ đạo, thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và xây dựng các mô hình hoạt động phòng chống bạo lực gia đình có hiệu quả…

Hội đã tích cực tham mưu trong công tác ban hành Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Phòng, chống mua bán người; là thành viên tham gia Ban Chỉ đạo quốc gia Chương trình 130 của Chính phủ; thành viên Ban Chỉ đạo liên ngành phòng, chống mua bán người tiểu vùng sông Mê kông (COMMIT)… Hội cũng đã xây dựng và hướng dẫn các cấp Hội triển khai thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; tập trung chỉ đạo các tỉnh/thành thành lập các trung tâm tư vấn, trung tâm hỗ trợ kết hôn của Hội. Chỉ đạo xây dựng mô hình điểm hỗ trợ nhóm phụ nữ bị bạo lực gia đình và phụ nữ bị buôn bán thông qua “ Ngôi nhà bình yên” tại Trung tâm Phụ nữ và phát triển…

Tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình cho cán bộ, hội viên, phụ nữ thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các buổi sinh hoạt nhóm, tổ phụ nữ, câu lạc bộ… Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Hội về công tác bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình, tổ chức tập huấn cho đội ngũ báo cáo viên; tổ chức hội thảo cho các cơ quan thông tấn - báo chí TW và Hà Nội về nội dung cơ bản của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Biên soạn, in ấn tài liệu về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình; phát hành tờ rơi “ Bạn không cô đơn- chúng tôi luôn bên bạn”, sổ tay “ Những điều cần biết về bình đẳng giới trong gia đình”, “ Ngăn chặn bạo lực gia đình là trách nhiệm của mọi người và của cả cộng đồng”…

Các mô hình câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc”, “Không bạo lực gia đình”, “Không sinh con thứ ba”, CLB Pháp luật, trợ giúp pháp lý… đã được Hội xây dựng và nhân rộng, góp phần nâng cao kiến thức về chăm sóc, nuôi dạy con, kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình, kiến thức pháp luật cho phụ nữ; thí điểm xây dựng mô hình địa chỉ tin cậy ở cộng đồng.

3. Công đoàn - tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp

Theo quy định tại Điều 170 Bộ luật Lao động năm 2019 (Bộ LLĐ), người lao động có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn theo quy định của Luật Công đoàn. Đây là một quyền không mới do đã được pháp luật về lao động của Việt Nam ghi nhận cho người lao động từ rất lâu. Bên cạnh đó, khoản 2 Điều này cho phép người lao động trong doanh nghiệp có quyền thành lập, gia nhập và tham gia hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.

“Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động… đại diện cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và những người lao động khác (sau đây gọi chung là người lao động), cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp”.

4. Quyền thương lượng tập thể

Theo Tuyên bố năm 1998 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động, thì tự do liên kết và công nhận một cách thực chất quyền thương lượng tập thể được xác định là một trong những quyền cơ bản và quan trọng nhất trong lĩnh vực lao động. Trong Tuyên bố này, ILO cũng xác định Công ước 98 năm 1949 về quyền tự do tổ chức và thương lượng tập thể là một trong 8 công ước cốt lõi của tổ chức này, khẳng định tầm quan trọng của quyền thương lượng tập thể trong hoạt động của các tổ chức đại diện người lao động. Việt Nam đã phê chuẩn và trở thành thành viên của Công ước 98 từ ngày 5/7/2019, và từ ngày 5/7/2020, Công ước này chính thức có hiệu lực tại Việt Nam. Theo Công ước 98, các quốc gia thành viên phải xây dựng biện pháp phù hợp “để khuyến khích và xúc tiến việc xây dựng và tận dụng đầy đủ các thể thức thương lượng tự nguyện giữa một bên là người sử dụng lao động và các tổ chức của người sử dụng lao động với một bên là các tổ chức của người lao động”. Với việc trở thành thành viên của Công ước, Việt Nam cũng đã thực hiện tiến trình hoàn thiện pháp luật để phù hợp với quy định mới này.

Điều 178 Bộ LLĐ quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đã thể hiện rõ tinh thần này; trong đó, thương lượng tập thể với người sử dụng lao động là quyền được nêu tên đầu tiên trong danh sách các quyền của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Theo Bộ LLĐ, thương lượng tập thể được định nghĩa là “việc đàm phán, thỏa thuận giữa một bên là một hoặc nhiều tổ chức đại diện người lao động với một bên là một hoặc nhiều người sử dụng lao động hoặc tổ chức đại diện người sử dụng lao động nhằm xác lập điều kiện lao động, quy định về mối quan hệ giữa các bên và xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định”.

5. Một tổ chức đại diện người lao động có quyền thương lượng tập thể khi nào?

Không phải tất cả các tổ chức đại diện người lao động được thành lập hợp pháp đều có quyền thương lượng tập thể. Theo quy định của Điều 68 Bộ LLĐ về quyền thương lượng tập thể của tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp, các nhà làm luật xác định, một tổ chức có quyền thương lượng hay không dựa trên tỷ lệ người lao động mà tổ chức đó đại diện trong doanh nghiệp. Theo đó, một tổ chức sẽ có quyền thương lượng khi đạt một trong các điều kiện sau:

Thứ nhất, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở có quyền yêu cầu thương lượng tập thể khi đạt tỷ lệ thành viên tối thiểu trên tổng số người lao động trong doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ.

Thứ hai, trường hợp doanh nghiệp có nhiều tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đáp ứng quy định trên thì tổ chức có quyền yêu cầu thương lượng là tổ chức có số thành viên nhiều nhất trong doanh nghiệp. Các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở khác có thể tham gia thương lượng tập thể khi được tổ chức đại diện người lao động có quyền yêu cầu thương lượng tập thể đồng ý.

Thứ ba, trường hợp doanh nghiệp có nhiều tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà không có tổ chức nào đáp ứng quy định về tỷ lệ đại diện, thì các tổ chức có quyền tự nguyện kết hợp với nhau để yêu cầu thương lượng tập thể nhưng tổng số thành viên của các tổ chức này phải đạt tỷ lệ tối thiểu theo quy định tại khoản 1 Điều 68 Bộ LLĐ.

Như vậy, mặc dù đã xác định tiêu chí có quyền thương lượng tập thể của tổ chức đại diện người lao động, Bộ LLĐ vẫn chưa xác định được tỷ lệ đại diện người lao động mà khi đạt tỷ lệ đó thì một tổ chức đại diện mới đủ điều kiện thương lượng tập thể.

Có thể thấy rõ ràng, với cách quy định như trên, số lượng thành viên tối thiểu để thành lập tổ chức đại diện người lao động và số lượng thành viên trên tổng số người lao động để đạt tỷ lệ đại diện tối thiểu cho quyền thương lượng tập thể là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Tuy nhiên, theo các tác giả, dưới góc độ kỹ thuật lập pháp, Luật đã tạo ra sự mâu thuẫn khi vừa ghi nhận quyền thương lượng tập thể cho tổ chức đại diện người lao động được thành lập hợp pháp, không có ngoại lệ (khoản 1 Điều 178 Bộ LLĐ), vừa hạn chế quyền này bởi tỷ lệ đại diện (Điều 68 Bộ LLĐ).

LUẬT MINH KHUÊ (Sưu tầm & Biên tập)