>> Luật sư tư vấn pháp luật Hôn nhân, gọi: 1900 6162

 

Luật sư tư vấn:

1. Bảo vệ quyền lợi của con khi cha mẹ ly hôn là gì?

Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước, quyền và lợi ích của trẻ em được pháp luật ghi nhận và bảo vệ. Điều 37 Hiến pháp năm 2013 ghi nhận: 

“Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”.

Điều luật trên được cụ thể hóa thành một trong những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình, Khoản 4 Điều 2 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định “Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ, hỗ trợ trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật thực hiện các quyền về hôn nhân gia đình; giúp đỡ các bà mẹ thực hiện tốt chức năng cao quý của người mẹ; thực hiện kế hoạch hóa gia đình”. Khi cha mẹ ly hôn, con cái là đối tượng chịu ảnh hưởng tiêu cực của việc ly hôn một cách trực tiếp. Do đó, việc bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của con khi cha mẹ ly hôn là cần thiết, là yêu cầu tất yếu.

Theo từ điển Tiếng Việt thông dụng thì “bảo vệ” có nghĩa là “che chở, giữ gìn”. Bảo vệ quyền lợi của con khi cha mẹ ly hôn chính là việc che chở, giữ gìn, ngăn ngừa, hạn chế hoặc chống lại những hành vi xâm phạm các quyền của trẻ em đặc biệt trong hoàn cảnh cha mẹ ly hôn. Suy rộng ra, bảo vệ quyền lợi của con khi cha mẹ ly hôn thể hiện qua ba yếu tố: đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của con được thực hiện tốt trên thực tế; ngăn ngừa mọi hành vi xâm phạm, hạn chế hoặc tác động xấu đến quyền lợi của con; cũng như xử lý kịp thời những hành vi xâm phạm đến quyền lợi của con, nhằm giáo dục, ràng buộc các bên có liên quan. Việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con chỉ được thực hiện tốt nhất khi có một cơ chế, cách thức, biện pháp bảo vệ toàn diện, đồng bộ.

Như vậy, có thể hiểu “Bảo vệ quyền lợi của con khi cha mẹ ly hôn là hệ thống các biện pháp, cơ chế, cách thức theo quy định của pháp luật nhằm đảm bảo thực hiện hiệu quả các quyền, lợi ích hợp pháp của con trên thực tế và hạn chế, đảm bảo cho các quyền, lợi ích đó của con không bị xâm phạm hoặc bị ảnh hưởng xấu do việc ly hôn của cha mẹ gây ra, cũng như xử lý nghiêm khắc, kịp thời những hành vi vi phạm xâm hại tới quyền và lợi ích của con khi cha mẹ ly hôn”.

 

2. Vì sao phải bảo vệ quyền lợi của con khi cha mẹ ly hôn?

2.1. Về mặt xã hội

Trong xã hội xưa và nay, trẻ em luôn đóng vai trò quan trọng không chỉ trong nội hàm gia đình mà đối với toàn xã hội. Tuy nhiên, trẻ em cũng là đối tượng dễ bị lạm dụng, bóc lột sức lao động và lạm dụng tình dục, đặc biệt khi trẻ là con của các cặp vợ chồng ly hôn càng có nguy cơ cao hơn.

Khi vợ chồng ly hôn, quan hệ hôn nhân chấm dứt, tuy nhiên quan hệ huyết thống và quan hệ nuôi dưỡng giữa cha mẹ và con vẫn không hề thay đổi. Vì vậy, trên phương diện pháp lý, các quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đối với nhau sẽ chấm dứt nhưng các quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ đối với con vẫn tồn tại. Cha mẹ là người sinh thành ra các con, cha mẹ có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng các con khi chúng chưa thể tự lo cho bản thân mình mà không phụ thuộc vào hoàn cảnh gia đình.

Khi ly hôn, vợ chồng cảm thấy thỏa mãn vì bản thân đã được giải thoát nhưng lại không thể tránh khỏi việc gây ra đau khổ, thiệt thòi cho con cái - những đứa trẻ vô tội trong sự tan vỡ của gia đình. Nguyên nhân của ly hôn là tình cảm của vợ chồng đã rơi vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được, nên mọi người khi đi đến quyết định ly hôn đã muốn có một cuộc sống riêng cho mình. Vì vậy, sau khi ly hôn họ không còn lý do gì để sống chung với nhau. Khi cha mẹ không còn chung sống, pháp luật quy định con chỉ được sống với một người và đó là người có khả năng bảo đảm quyền lợi về mọi mặt cho con.

Sự thiệt thòi, mất mát không chỉ dừng lại ở việc con không được sống cùng cả cha và mẹ mà ngay cả sự gần gũi, gắn bó giữa các anh, chị, em trong gia đình cũng bị chia rẽ. Khi một người không đủ khả năng chăm sóc cho tất cả các con thì họ buộc phải lựa chọn đứa con nào ở với mình để quyền lợi của chúng được đảm bảo hơn và khi đó, các anh, chị, em sẽ phải chia lìa nhau. Quyết định khó khăn đó cũng là để bảo đảm cuộc sống vật chất cho con, nhưng lại làm mất đi một cuộc sống vui vẻ với tình cảm yêu thương, quấn quýt nhau giữa các anh, chị, em trong một gia đình.

Sau khi ly hôn, quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ và con vẫn không hề thay đổi nhưng do con chỉ được sống với một người nên cách thức thực hiện các quyền và nghĩa vụ của cha mẹ có một số thay đổi, đặc biệt là đối với người không trực tiếp nuôi con. Đứa con chỉ được sự chăm sóc, nuôi dưỡng trực tiếp bởi một người và người kia thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình một cách gián tiếp qua việc thăm nom, cấp dưỡng cho con. Đây chỉ là một sự cố gắng bù đắp chứ không thể lấp đầy khoảng trống về tình cảm trong lòng những đứa trẻ còn ngây thơ.

Những hậu quả pháp lý của ly hôn sẽ kéo theo những hậu quả về mặt xã hội rất nặng nề, ảnh hưởng tới cuộc sống và sự phát triển của các em.

Trước hết, hậu quả tiêu cực của ly hôn đối với con cái là những trẻ em này sẽ bị giằng co giữa bố và mẹ sau khi ly hôn. Thông thường, sau khi ly hôn sẽ không ai chịu trách nhiệm phần lỗi về mình, và do đó, sẽ tìm cách bao che khuyết điểm của mình bằng đổ lỗi cho người kia, không thấy mấy trường hợp cha mẹ sau khi ly hôn đã nhận phần lỗi của mình và tìm cách đền bù lại đối với con cái trong việc giáo dục. Nhưng trong tâm lý trẻ thơ, chúng chỉ muốn biết những điều tốt, đẹp, hãnh diện về bố mẹ chứ không phải là những điều xấu, những lý do đã khiến cho bố hoặc mẹ bỏ nhau. Vì vậy, những điều tiêu cực kia sẽ làm mất dần hình ảnh đẹp của bố mẹ trong mắt các con, nhất là khi chúng gặp những khó khăn và thử thách của cuộc sống. Ảnh hưởng này sẽ khiến các em có cái nhìn tiêu cực về hôn nhân và gia đình. Các em sẽ không tìm được một mô hình gia đình và hôn nhân hạnh phúc. Ý nghĩa và đặc tính của hôn nhân cũng sẽ được diễn dịch một cách lệch lạc khi các em nhìn vào bố mẹ mình và đời sống hôn nhân gia đình của bố mẹ sau khi đã ly hôn. Những hậu quả tiêu cực này có thể dẫn đến những diễn biến tiêu cực trong cuộc sống của trẻ như không hạnh phúc trong cuộc sống hoặc có những hành vi xử sự liều lĩnh, thiếu suy nghĩ, không cần để ý đến hậu quả như tệ nạn phá thai và ly hôn… Theo kết quả khảo cứu, thì con cái của những cha mẹ ly hôn có xác suất ly hôn cao hơn những gia đình mà cha mẹ không ly hôn.

Cha mẹ bất hòa luôn ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển của con về mặt tâm lý. Những cảnh cãi vã nhau, những câu chì chiết, những câu chửi hay những lần đánh nhau trước mặt con lúc nào cũng có hại và sẽ rất khó xóa nhòa trong ký ức tuổi thơ của con. Trẻ rơi vào tình trạng luôn lo lắng, bất an, có cảm giác bị bỏ rơi. Cũng có trường hợp trẻ tự kết tội mình có phần nào trách nhiệm trong sự chia ly của bố mẹ. Sự buồn bã, sự suy nhược, sự cách ly, sự mất ngủ, những cơn ác mộng và những nỗi sợ hãi, ám ảnh ban đêm… đều có khả năng chế ngự trong đời sống tinh thần của đứa trẻ. Kết quả học tập cũng có phần sụt giảm. Đôi khi đứa trẻ chuyển sự thô bạo trong gia đình sang những quan hệ xã hội. Trong những trường hợp khác, chúng chọn thái độ của một người lớn trưởng thành sớm, chúng già giặn và không còn sự hồn nhiên như bạn bè cùng lứa.

Trẻ sống trong các gia đình ly hôn thường rất mặc cảm trong cuộc sống, ngại tiếp xúc, kín kẽ khi nói về bản thân và gia đình không trọn vẹn của mình. Nhìn xa hơn ở những trường hợp cha mẹ ly hôn mà cả hai đều chạy theo cuộc sống riêng tư của mình, những đứa trẻ bỗng dưng bị bỏ rơi, lạc lõng giữa cuộc đời. Và một thực tế là những trẻ đó rất dễ vướng vào những cạm bẫy của cuộc đời và rơi vào con đường phạm pháp.

Theo Ban chỉ đạo Đề án “Đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên”, từ năm 2007 đến hết 2013, toàn quốc phát hiện gần 63.600 vụ vi phạm pháp luật hình sự do hơn 94.300 người chưa thành niên gây ra (tăng gần 4.300 vụ so với các năm trước đó).

Số vụ án do người chưa thành niên gây ra chiếm gần 20% trong tổng số vụ phạm pháp hình sự trong toàn quốc. Hầu hết người chưa thành niên phạm tội đều là nam giới, chiếm đến xấp xỉ 97% tổng số người vi phạm. Đáng báo động là độ tuổi phạm tội ngày càng trẻ hóa, trong đó dưới 14 tuổi chiếm 13%; từ 14 - 16 tuổi chiếm 34,7%, từ 16 - 18 tuổi chiếm 52%. Theo kết quả nghiên cứu về đặc điểm nhân thân của 2.599 người chưa thành niên vi phạm pháp luật hình sự ở 4 khu vực (miền Bắc, miền Trung- Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ) cho thấy về hoàn cảnh gia đình, có tới 40,7% sống trong những gia đình không hoàn thiện (đa số do bố mẹ ly hôn). Để phòng ngừa và ngăn chặn tình trạng “một phần tương lai của đất nước” dấn thân vào con đường phạm tội, đòi hỏi phải tìm hiểu nguyên nhân của tình hình tội phạm do người chưa thành niên gây ra từ nhiều góc độ khác nhau, một trong những tiếp cận đó là xem xét ảnh hưởng của việc cha mẹ li dị nhau đến tình trạng vi phạm pháp luật của người chưa thành niên.

Theo thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, tình trạng ly hôn ở Việt Nam có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây. Riêng trong năm 2010, nước ta có gần 88.000 vụ ly hôn, tăng hơn 9.700 vụ so với năm 2009. Theo kết quả nghiên cứu ở Việt Nam và trên thế giới cho thấy việc ly hôn của cha mẹ thường để lại hậu quả về mặt tâm lý ở con cái họ đó là đứa trẻ bị trầm cảm, thất bại ở trường học và vi phạm pháp luật.

Trẻ em là hạnh phúc của gia đình, là tương lai của đất nước, là lớp người kế tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nếu không được sự quan tâm của xã hội, sự bảo vệ của pháp luật thì những mầm non của hôm nay không thể trở thành những công dân có ích cho xã hội mai sau được. Những trẻ có cha mẹ ly hôn phải chịu nhiều thiệt thòi so với các bạn bè đồng lứa, hơn nữa, chúng vẫn còn chưa thể tự lo được cho mình, vì vậy, rất cần có sự quan tâm đặc biệt đến đối tượng này. Mặt khác, chúng đang trong quá trình phát triển về nhân cách và nhận thức, rất cần được dạy dỗ, chỉ bảo, định hướng của những người đi trước. Đây cũng là lứa tuổi dễ bị lợi dụng, dễ sa vào cạm bẫy nên sự quan tâm, sự định hướng của người lớn lại càng cần thiết.

 

2.2. Về mặt pháp luật quốc tế

Trong phạm vi quốc tế, nhân loại đã nỗ lực lớn để bảo vệ quyền lợi cho trẻ em bằng hàng loạt những hoạt động cụ thể. Công ước Liên hợp Quốc về quyền trẻ em thông qua ngày 20/11/1989 đã đề cập một cách toàn diện về mặt pháp lý quyền của trẻ em theo hướng tiến bộ, đảm bảo các quyền cơ bản của trẻ em được thực hiện.

Phần lời nói đầu của Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em xác định lý do để bảo vệ các quyền trẻ em là vì “do còn non nớt về thể chất và trí tuệ, trẻ em cần được chăm sóc và bảo vệ đặc biệt, kể cả sự bảo vệ thích hợp về mặt pháp lý trước cũng như sau khi ra đời”. Với khẳng định trong phần Lời nói đầu, các quốc gia thành viên tiếp tục khẳng định một cách cụ thể, chi tiết hơn các quyền của trẻ em, gồm các quyền cụ thể như: Quyền về không phân biệt đối xử đối với trẻ em, quyền được có họ tên và quốc tịch, quyền được bảo vệ và chăm sóc, quyền không bị cách ly khỏi cha mẹ, quyền được chăm sóc sức khoẻ, quyền được học hành, quyền trẻ em trong trường học, quyền được sống trong môi trường lành mạnh, quyền được giải trí, quyền được thông tin, quyền được tổ chức hội họp, quyền được tự do bày tỏ ý kiến, quyền được bảo vệ chống lại sự ngược đãi, quyền được bảo vệ chống lại sự lạm dụng tình dục, quyền được nhận làm con nuôi, quyền được nhận sự chăm sóc đặc biệt, quyền được bảo vệ chống lại sự bóc lột, quyền được bảo vệ khỏi bị bóc lột về kinh tế, bảo vệ trẻ em chống mọi hình thức tra tấn và đối xử tàn tệ và bảo vệ trẻ em trước nạn ma tuý.

Như vậy, theo quy định của Công ước về quyền trẻ em thì trẻ em có rất nhiều quyền và được bảo vệ trong cuộc sống. Tuy nhiên, khi cha mẹ ly hôn quyền lợi của con cái bị ảnh hưởng rất lớn nên Công ước về quyền trẻ em cũng đã có quy định một số quyền rất có ý nghĩa và liên quan đến việc cha mẹ ly hôn như quyền không bị cách ly khỏi cha mẹ. Khi cha mẹ ly hôn, sự chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục đối với những trẻ trong gia đình có cha mẹ sẽ bị thiếu hụt, trẻ phải chịu nhiều thiệt thòi hơn so với những đứa trẻ cùng trang lứa nên các quyền trẻ em của con càng dễ bị xâm phạm. Nội dung của quyền này được thể hiện trong Công ước như sau:

“Trong trường hợp trẻ sống riêng với cha hoặc mẹ của mình, các em có quyền gặp gỡ với người cha hay người mẹ mà các em không được sống chung. Nếu vì một lý do nào đó mà một trong hai người đang ở nơi khác, trẻ em có quyền được biết nơi ở và tình hình của cha, mẹ mình. Khi cha mẹ không sống với con mình, họ cần phải chu cấp cho các em một khoản tiền trợ cấp đảm bảo cho các em cuộc sống đầy đủ.”

Công ước về quyền trẻ em năm 1989 là điều ước quốc tế đa phương phản ánh tầm quan trọng của vấn đề bảo vệ quyền trẻ em cũng như sự quan tâm của các quốc gia đối với thế hệ trẻ. Lần đầu tiên, Công ước về quyền trẻ em đã khái quát được các khía cạnh của quyền trẻ em và xác định rõ nghĩa vụ của các quốc gia trong việc bảo đảm quyền của trẻ em và mối quan hệ giữa quyền trẻ em với quyền con người nói chung.

 

2.3. Về quy định của nước Việt Nam

Ở nước ta, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là đường lối nhất quán, xuyên suốt trong sự nghiệp lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam. Có thể nói rằng, đã có sự nhất quán trong đường lối, chính sách của Đảng, sự điều chỉnh của các ngành luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam về vấn đề bảo vệ quyền và lợi ích của trẻ em, qua nhiều giai đoạn phát triển của đất nước. Những tư tưởng mang tính chất chủ đạo cũng như trong quy định cụ thể của pháp luật đã tạo thành một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, theo một trình tự chặt chẽ với nội dung tương đối hoàn thiện và bao quát trên nhiều phương diện. Từ những đường lối, chính sách của Đảng có tính định hướng, đến những quy định mang tính nguyên tắc, chủ đạo của Hiến pháp về bảo vệ quyền trẻ em đều được thể hiện nhất quán và thể chế hoá vào các quy định cụ thể của mỗi lĩnh vực pháp luật khác nhau.

Với phạm vi điều chỉnh đặc thù của mình, Luật HN&GĐ xem trẻ em như là một thành viên đặc biệt của gia đình, cần có sự bảo hộ pháp lý đặc biệt. Vấn đề bảo vệ quyền trẻ em thể hiện trong các quy định của Luật HN&GĐ về quyền nhân thân và quyền tài sản trong các mối quan hệ giữa cha mẹ - con cái, giữa anh chị em, giữa ông bà - cháu, giữa các thành viên khác trong gia đình như quyền được khai sinh, quyền được xác định cha mẹ, quyền được cha mẹ yêu thương, trông nom, dạy dỗ, quyền tài sản, quyền được cấp dưỡng, quyền được cha mẹ thay mặt bồi thường thiệt hại cho người khác.

Từ những lập luận nêu trên cho thấy, việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con khi cha mẹ ly hôn vì vậy trở nên hết sức cần thiết, đặc biệt trong xã hội ngày nay, khi mà tệ nạn ngày càng nhiều và tình hình ly hôn đang diễn biến gia tăng.

 

3. Một số câu hỏi thường gặp về quyền nuôi con khi ly hôn

3.1 Sau khi ly hôn ai phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con?

Sau khi ly hôn, cha hoặc mẹ người nào không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

 

3.2 Con dưới 36 tháng tuổi giao cho mẹ trực tiếp nuôi dưỡng khi ly hôn đúng không?

Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi ngay số: 1900 6162 để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác! Trân trọng./.

Luật Minh Khuê (Sưu tầm & biên tập)