1. Bắt oan là gì ?

Theo Báo cáo kết quả giám sát về “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật” của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 20/5/2015, trong thời gian từ ngày 01/10/2011 đến ngày 30/9/2014, các cơ quan tiến hành tố tụng (THTT) đã khởi tố, điều tra 219.506 vụ án với 338.379 bị can, làm oan 71 trường hợp (chiếm 0,02%). Trong đó, cơ quan điều tra đình chỉ 31 bị can do không có sự việc phạm tội; 12 bị can do hết thời hạn điều tra không chứng minh được tội phạm; viện kiểm sát đình chỉ 09 bị can do không có sự việc phạm tội; 19 trường hợp tòa án tuyên không phạm tội và bản án đã có hiệu lực pháp luật. Ngoài các trường hợp bị oan trên, còn tồn tại tình trạng khởi tố, điều tra, đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án do hành vi không cấu thành tội phạm, do miễn trách nhiệm hình sự (TNHS) có dấu hiệu làm oan người vô tội như: vụ án Trần Văn Đề (Bình Phước) bị khởi tố, bắt giam về tội “không chấp hành bản án” có dấu hiệu làm oan, vì quyết định bản án dân sự đã có hiệu lực pháp luật có nội dung trái pháp luật, buộc ông Đề phải làm thủ tục sang tên quyền sử dụng đất cho ông Trần Văn Năng trái Luật Đất đai nên không thể thi hành bản án; vụ Đặng Công Văn, Bùi Văn Quỳnh (Ban quản lý chợ Đồng Xoài, Bình Phước) đã thi hành quyết định xử lý hành chính, xử lý kỷ luật được hơn 03 năm sau đó bị khởi tố về tội “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” là không đúng pháp luật, có dấu hiệu làm oan vì đã xử lý hai lần cùng một hành vi vi phạm pháp luật.

Điều 20 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định như sau:

“Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam, giữ người do luật định''.

Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Quy định đó của Hiến pháp nhằm bảo vệ quyền bất khả xâm phạm về thân thể - một trong những quyền cơ bản của công dân.

2. Nguyên nhân của việc xảy ra bắt oan, oan sai

2.1 Nguyên nhân chủ quan

Thứ nhất, một bộ phận người THTT thực hiện không đúng, không đầy đủ, không chính xác các quy định pháp luật tố tụng và quy chế nghiệp vụ của ngành. Việc thu thập, đánh giá chứng cứ chưa thật đầy đủ, khách quan, toàn diện; chưa bảo đảm đúng nguyên tắc “suy đoán vô tội”, từ đó có thái độ đối xử với người bị bắt, bị can, bị cáo như là người có tội; có trường hợp bảo thủ, định kiến trong giải thích và áp dụng pháp luật theo hướng bất lợi cho người bị tình nghi phạm tội. Khi thu thập chứng cứ, những người THTT mới chỉ chú ý đến độ tin cậy của chứng cứ mà xem nhẹ tính hợp pháp của trình tự thu thập chứng cứ. Trong thực tiễn THTT, các hiện tượng ép cung, mớm cung, bắt giữ, giam giữ trái pháp luật… còn tồn tại chứng tỏ tính hợp pháp khi thu thập chứng cứ đã không được người có thẩm quyền THTT coi trọng đúng mức. Hậu quả nghiêm trọng của việc không tôn trọng tính hợp pháp quá trình thu thập chứng cứ là tạo ra chứng cứ phi pháp và hậu quả của nó là vô cùng nghiêm trọng, dẫn đến việc kết án oan, sai người vô tội.

Thứ hai, hồ sơ vụ án hình sự còn có xu hướng nặng về buộc tội; tại phiên tòa, kiểm sát viên còn tập trung vào bảo vệ cáo trạng; quá trình tranh tụng tại phiên tòa còn hình thức, một bộ phận thẩm phán, kiểm sát viên còn coi trọng “án tại hồ sơ”, từ đó chưa chủ động tranh luận, tích cực làm rõ các tình tiết mới phát sinh tại phiên tòa.

Thứ ba, việc phối hợp liên ngành trong một số trường hợp chưa đúng chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan, thiếu sự chế ước, kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan tư pháp. Một số viện kiểm sát chưa làm tốt nhiệm vụ công tố gắn với hoạt động điều tra, thực hiện không đầy đủ các thẩm quyền theo luật định; có nơi còn phối hợp nhất trí một chiều với cơ quan điều tra trong nhận định, đánh giá tính chất vụ án, ít nêu yêu cầu khởi tố, yêu cầu điều tra. Trong một số trường hợp, sự chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ của các cơ quan tố tụng trung ương chưa kịp thời hoặc ý kiến khác nhau… gây khó khăn, lúng túng cho địa phương.

Thứ tư, một số địa phương còn xảy ra tình trạng thiếu điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán. Việc phân bổ kiểm sát viên, thẩm phán ở nhiều địa phương chưa thật sự phù hợp gây lãng phí nguồn lực. Đội ngũ luật sư còn thiếu, tính chuyên nghiệp chưa cao. Cơ sở để bào chữa cho bị can, bị cáo chủ yếu vẫn là hồ sơ vụ án của cơ quan điều tra. Chất lượng tranh tụng của luật sư bào chữa chỉ định thấp, có luật sư vi phạm pháp luật, gây khó khăn cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.

2.2 Nguyên nhân khách quan

Đó là do sự thay đổi của chính sách pháp luật và những tồn tại, hạn chế trong các quy định của pháp luật. Đối với Việt Nam, khoảng thời gian từ 1985 – 2000 và sau những năm 2000 là sự thay đổi có tính lịch sử, cách mạng của đất nước. Yêu cầu đổi mới mọi mặt của xã hội đặt ra phải sửa đổi, bổ sung một cách toàn diện các quy định của pháp luật nhằm góp phần đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới.

Trong điều kiện phát triển đó, vấn đề thay đổi quy định của pháp luật, nhất là một số ngành luật liên quan đến hoạt động tố tụng hình sự cũng ảnh hưởng đến kết quả của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

3. Về suy đoán vô tội

Theo quy định tại điều 13 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định như sau:

Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội.

Theo tiến sĩ Đặng Thị Bích Liễu - Khoa luật, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng việc tham gia của luật sư ngay từ đầu vụ án chắc chắn sẽ làm giảm tình trạng oan sai nhưng có trường hợp “khó” thuê luật sư. Bà Liễu nói: “Nhiều vụ, điều tra viên ép bị can từ chối luật sư, nói thẳng luật sư không giải quyết được gì cả. Trước kia, người bị tạm giam chỉ cần viết giấy từ chối luật sư là xong. Để đảm bảo tính khách quan, luật mới hiện nay quy định dù thân chủ từ chối, luật sư vẫn được gặp để "ba mặt một lời" và đã có nhiều trường hợp từng viết giấy từ chối luật sư nhưng khi gặp trực tiếp, họ nói không từ chối”.

Tiến sĩ Liễu khẳng định, muốn phòng chống oan, sai phải tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc suy đoán vô tội. Bà nói: “Trước đây, hầu hết thực hiện theo suy đoán có tội nên tìm mọi cách lấy được chứng cứ kể cả nhục hình để có được bản cung theo ý muốn. Điều tra viên nhiều khi làm rất liều, pháp luật quy định rồi nhưng họ vẫn tìm cách hạn chế quyền của bị can. Hoặc có trường hợp, điều tra viên thiếu khách quan vì thành tích. Các bạn bên điều tra có nói tôi trong nhiều trường hợp phải phá án gượng ép để đáp ứng tiêu chí, thành tích thi đua”.

Giải thích về nguyên tắc suy đoán vô tội, bà Liễu phân tích: “Trước hết phải tìm chứng cứ chứng minh người ta vô tội và khi không có mới tìm các chứng cứ chứng minh tội phạm của họ. Nếu chúng ta thực hiện đúng các bước này, nó sẽ loại bỏ hành vi sai trái của cơ quan tố tụng, đặc biệt là của cơ quan điều tra và cũng loại được hành vi bức cung, nhục hình”

Bộ luật tố tụng hình sự quy định nhiều hình thức bắt người khác nhau là bắt người phạm tội quả tang, bắt người có lệnh truy nã, bắt khẩn cấp, bắt tạm giam, bắt thi hành án. Mỗi hình thức bắt nêu trên có những căn cứ do pháp luật quy định. Người và cơ quan có thẩm quyền chỉ được bắt người khi có những căn cứ đó. Việc bắt người mà thiếu những căn cứ pháp luật quy định là bắt oan.

Bản án của Toà án xác định bị cáo, người bị kết án không có tội Bị cáo là người đã bị Toà án quyết định đưa ra xét xử. Người bị kết án là người đã bị xét xử và đã bị Toà án có thẩm quyền tuyên bản án có hiệu lực pháp luật. Chỉ Toà án mới có quyền phán quyết một người có tội hay không có tội. Việc xét xử của Toà án có thể phải trải qua nhiều giai đoạn khác nhau. Thông thường,  một  vụ  án  hình sự được đưa ra xét xử sơ thẩm là bắt buộc còn xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm,  tái  thẩm thì một trong những căn cứ  quy định tại các điểm 1,2 Điều 89 (không có sự việc phạm tội, hành vi không cấu thành tội phạm) Toà án cấp phúc thẩm huỷ bản án sơ thẩm, tuyên bị cáo không phạm tội và đình chỉ vụ án. Như vậy, điều cần bàn ở đây là, cùng với việc huỷ bản án hoặc quyết định bị kháng nghị và đình chỉ vụ án khi có căn cứ quy định tại điểm 1,2 Điều 89 thì Hội đồng giám đốc thẩm, Hội đồng tái thẩm có đồng thời tuyên người bị  kết án vô tội hay không? Vấn đề này pháp luật TTHS chưa quy định rõ ràng. Điều 255 của BLTTHS quy định: “Hội đồng giám đốc thẩm huỷ bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án nếu có một trong giám đốc thẩm, Hội đồng tái thẩm phải đồng thời tuyên  bố người bị kết án vô tội nếu có căn cứ được quy định tại các điểm 1,2 Điều 89ư BLTư THS. Vấn đề này cần được xem xét, bổ sung khi ban hành Bộ luật TTHS mới.

4. Tội bắt , giữ hoặc giam người trái pháp luật

Theo điều 157 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định cụ thể như sau:

1. Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 153 và Điều 377 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Đối với người đang thi hành công vụ;

d) Phạm tội 02 lần trở lên;

đ) Đối với 02 người trở lên;

e) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

g) Làm cho người bị bắt, giữ, giam hoặc gia đình họ lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn;

h) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.

Nhà nước ta có chính sách xử lí rất nghiêm khắc đối với hành vi bắt oan người khác. Người có hành vi bắt oan người khác phải chịu trách nhiệm hình sự về tội bắt người trái pháp luật được quy định tại Điều 157 Bộ luật hình sự năm 2015,sửa đổi bổ sung năm 2017. Người bắt oan người khác phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất hoặc tinh thần cho người bị bắt theo luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về vấn đề về Bắt oan là gì ?. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra bản tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo. Trường hợp trong bản tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bản tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách tới địa chỉ email Tư vấn pháp luật qua Email hoặc tổng đài tư vấn trực tuyến 1900.6162. Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng./.