Mục lục bài viết
1. Thanh tra chuyên ngành ngân hàng là gì ?
Căn cứ tại khoản 11 Điều 6 Luật Ngân hàng nhà nước năm 2010 thì thanh tra ngân hàng là hoạt động thanh tra của Ngân hàng Nhà nước đối với các đối tượng thanh tra ngân hàng trong việc chấp hành pháp luật về tiền tệ và ngân hàng. Theo đó thì các đối tượng sau khi thanh tra ngân hàng kết thúc sẽ phải thực hiện kết luận thanh tra và thực hiện các quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.
Việc thanh tra chuyên ngành ngân hàng nhằm góp phần bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hệ thống các tổ chức tín dụng và hệ thống tài chính; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền và khách hàng của tổ chức tín dụng; duy trì và nâng cao lòng tin của công chúng đối với hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm việc chấp hành chính sách, pháp luật về tiền tệ và ngân hàng; góp phần nâng cao hiệu quả và hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
2. Trình tự tiến hành cuộc thanh tra
Trình tự nhất định Đoàn thanh tra phải tiến hành theo pháp luật quy định tại Điều 16 Văn bản hợp nhất số 18/VBHN-NHNN Thông tư ban hành quy định về trình tự, thủ tục thanh tra chuyên ngành ngân hàng như sau :
Thứ nhất, Đoàn thanh tra yêu cầu đối tượng thanh tra phải báo cáo; cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến nội dung thanh tra.
Thứ hai, Đoàn thanh tra nghiên cứu các thông tin, tài liệu đã thu thập được để làm rõ nội dung thanh tra, đánh giá việc chấp hành chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của đối tượng thanh tra liên quan đến nội dung thanh tra được phân công; xem xét, đánh giá mức độ rủi ro và các rủi ro tiềm ẩn trong hoạt động của đối tượng thanh tra; xác định những nội dung liên quan nhưng chưa có hồ sơ để có thể yêu cầu đối tượng thanh tra cung cấp bổ sung hồ sơ; xác định những vấn đề chưa rõ để yêu cầu đối tượng thanh tra giải trình và cung cấp bổ sung hồ sơ. Trường hợp mà cần đối tượng thanh tra báo cáo những vấn đề có liên quan đến nội dung thanh tra thì Trưởng đoàn thanh tra phải có văn bản yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo.
Thứ ba, trong trường hợp cần thiết để xác minh thông tin, tài liệu, hoặc làm rõ những vấn đề có liên quan đến nội dung thanh tra thì người ra quyết định thanh tra hoặc Trưởng đoàn thanh tra mời người đại diện hợp pháp của đối tượng thanh tra, đại diện cơ quan, tổ chức, hoặc cá nhân có liên quan đến làm việc.
Nếu cần xác minh thông tin, tài liệu tại cơ quan, tổ chức có liên quan đến nội dung thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra sẽ quyết định các nội dung cần xác minh, thông báo trước thời gian, địa điểm, nội dung làm việc và yêu cầu cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung xác minh gửi cơ quan, tổ chức, cá nhân được xác minh. Theo đó, kết quả xác minh phải được thể hiện dưới dạng văn bản của cơ quan, tổ chức, cá nhân được xác minh hoặc được lập thành biên bản xác minh. Trong trường hợp tổ chức, cá nhân được xác minh từ chối ký vào biên bản thì người lập biên bản có trách nhiệm ghi rõ lý do vào biện bản và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung ghi trong biên bản.
Thứ tư, nội dung thanh tra giữa Đoàn thanh tra, Tổ thanh tra, nhóm thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra và cá nhân, đơn vị, người đại diện hợp pháp của đối tượng thanh tra sẽ phải được lập thành văn bản làm việc.
Thứ năm, nếu trong quá trình thanh tra mà phát hiện vi phạm ở mức độ cần phải xử lý ngay thì Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra phải lập biên bản về việc vi phạm của đối tượng thanh tra để làm cơ sở cho việc xử lý.
Thứ sáu, nếu phát hiện vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm báo cáo với người ra quyết định thanh tra xem xét, quyết định việc chuyển hồ sơ vụ việc sang bên phía của cơ quan điều tra.
Bên cạnh đó, trong trường hợp tạm dừng việc thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra phải có văn bản thông báo gửi đến đối tượng thanh tra và báo cáo với phía người ra quyết định thanh tra, trong đó, thời gian tạm dừng việc thanh tra sẽ không tính vào thời gian thanh tra.
Cuối cùng, mọi quá trình quản lý, khai thác, sử dụng thông tin, tài liệu thanh tra đều phải đảm bảo thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra và pháp luật khác có liên quan.
3. Biên bản làm việc trong thanh tra chuyên ngành ngân hàng
Biên bản làm việc liên quan đến nội dung thanh tra giữa Đoàn thanh tra, Tổ thanh tra, nhóm thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra và cá nhân, đơn vị, người đại diện hợp pháp của đối tượng thanh tra được thực hiện theo Mẫu số 12-TTR ban hành kèm theo Thông tư 36/2016/TT-NHNN.
=>> Tải ngay Biên bản theo Mẫu số 12-TTr
MẪU SỐ 12-TTr
(Ban hành kèm theo Thông tư số 36/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam)
(1) CỤC THANH TRA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC (2) ĐOÀN THANH TRA SỐ 02 | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc -------------------- |
Hà Nội, ngày 6 tháng 8 năm 2023
BIÊN BẢN LÀM VIỆC
Vào hồi 10 giờ 30 phút ngày 6 tháng 8 năm 2023, tại địa chỉ số 111 đường Nguyễn X, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội (3), Đoàn thanh tra tiến hành làm việc với Chi nhánh Ngân hàng TMA (4) về việc kiểm tra hoạt động tài chính và hoạt động kinh doanh của Chi nhánh Ngân hàng TMA (5).
1. Đại diện Đoàn thanh tra:
- Ông (bà) Trần Xuân H, chức vụ Chủ nhiệm Thanh tra Ngân hàng Nhà nước.
- Ông (bà) Nguyễn Thị T, chức vụ Thanh tra viên Cục Thanh tra Ngân hàng Nhà nước.
2. Đại diện Chi nhánh Ngân hàng TMA
- Ông (bà) Phạm Minh L, chức vụ Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng TMA.
- Ông (bà) Hoàng Thị Thu P, chức vụ Trưởng phòng Kế toán - Tài chính Chi nhánh Ngân hàng TMA.
3. Nội dung làm việc:
(6) Đoàn thanh tra đã tiến hành kiểm tra hoạt động tài chính và hoạt động kinh doanh của Chi nhánh Ngân hàng TMA, cụ thể :
- Đoàn thanh tra đã yêu cầu phía Chi nhánh Ngân hàng TMA báo cáo, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến vấn đề tài chính và hoạt động kinh doanh của chi nhánh;
- Đoàn thanh tra đã nhận thấy một số rủi ro tiềm ẩn trong quá trình hoạt động tài chính cũng như hoạt động kinh doanh của Chi nhánh Ngân hàng TMA.
- Đoàn thanh tra yêu cầu phía Chi nhánh giải trình và cung cấp đầy đủ hồ sơ liên quan. Trưởng Đoàn thanh tra là ông Trần Xuân H ra văn bản yêu cầu chi nhánh Ngân hàng TMA thanh tra báo cáo.
Biên bản kết thúc vào hồi 11 giờ 15 phút ngày 6 tháng 8 năm 2023.
Biên bản đã được đọc lại cho những người có tên nêu trên nghe và ký xác nhận; biên bản được lập thành bản có giá trị như nhau, mỗi bên giữ 01 bản./.
Đại diện Đoàn thanh tra (Ký, ghi rõ họ tên) | (4) Chi nhánh Ngân hàng TMA (Ký, ghi rõ họ tên) | Người ghi biên bản (Ký, ghi rõ họ tên) |
_________________
(1) Tên cơ quan tiến hành thanh tra.
(2) Tên Đoàn thanh tra.
(3) Địa điểm làm việc.
(4) Cơ quan, đơn vị, cá nhân làm việc với Đoàn thanh tra.
(5) Tóm tắt nội dung làm việc.
(6) Nội dung, diễn biến, kết quả làm việc.
Trên đây là toàn bộ bài viết liên quan đến vấn đề Biên bản làm việc trong thanh tra chuyên ngành ngân hàng mà Luật Minh Khuê muốn gửi tới quý khách hàng. Ngoài ra, để biết thêm những thông tin liên quan, quý khách hàng có thể tham khảo thêm bài viết Mẫu kê hoạch tiến hành thanh tra trong chuyên ngành ngân hàng. Nếu có bất cứ thắc mắc nào về vấn đề này hay gặp phải bất kỳ vấn đề pháp lý nào cần hỗ trợ, quý khách vui lòng liên hệ tới bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua số điện thoại: 1900.6162 hoặc gửi yêu cầu chi tiết tới địa chỉ email: lienhe@luatminhkhue.vn để được giải đáp nhanh chóng. Cảm ơn quý khách hàng đã quan tâm theo dõi bài viết của Luật Minh Khuê. Trân trọng !