Mục lục bài viết
- 1. Các khoản hỗ trợ khác khi Nhà nước thu hồi đất?
- 2. Ngân hàng có xuống siết nợ bằng hình thức thu hồi đất không?
- 3. Mức bồi thường khi thu hồi đất?
- 3.1. Thẩm quyền ra quyết định thu hồi đất
- 3.2. Nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất
- 3.3. Điều kiện được bồi thường về đất
- 3.4. Bồi thường gây thiệt hại đối với cây trồng, thủy sản:
- 3.5. Bồi thường đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân
- 3.6. Bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất ở của hộ gia đình, cá nhân
- 4. Mức bồi thường đền bù, hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất?
- 5. Trường hợp nào thì bị thu hồi đất theo luật đất đai?
1. Các khoản hỗ trợ khác khi Nhà nước thu hồi đất?
Trả lời:
Thứ nhất, việc thực hiện các khoản hỗ trợ khác đối với người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất được quy định trong pháp luật đất đai như sau:
Điều 25 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP quy định ngoài các khoản hỗ trợ quy định tại các Điều 19, 20, 21, 22, 23 và 24 của Nghị định này thì căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định biện pháp hỗ trợ khác để bảo đảm có chỗ ở, ổn định đời sống, sản xuất và công bằng đối với người có đất thu hồi; trường hợp hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp mà không đủ điều kiện được bồi thường theo quy định tại Điều 75 của Luật đất đai năm 2013 thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét hỗ trợ cho phù hợp với thực tế của địa phương; trường hợp đặc biệt trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Thứ hai, những trường hợp Nhà nước thu hồi đất không được bồi thường tài sản gắn liền với đất:
Các trường hợp Nhà nước thu hồi đất không được bồi thường tài sản gắn liền với đất được quy định tại Điều 92 Luật đất đai năm 2013 như sau:
1. Tài sản gắn liền với đất thuộc một trong các trường hợp thu hồi đất quy định tại các Điểm a, b, d, đ, e, i Khoản 1 Điều 64 Luật đất đai năm 2013 và Điểm b, d Khoản 1 Điều 65 của Luật này.
- Cụ thể, các trường hợp theo Điểm a, b, d, đ, e, I Khoản 1 Điều 64:
+ Sử dụng đất không đúng mục đích đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích mà tiếp tục vi phạm (Điểm a Khoản 1 Điều 64);
+ Người sử dụng đất cố ý hủy hoại đất (Điểm b Khoản 1 Điều 64);
+ Đất không được chuyển nhượng, tặng cho theo quy định của Luật này mà nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho (Điểm d Khoản 1 Điều 64);
+ Đất được Nhà nước giao để quản lý mà để bị lấn, chiếm (Điểm đ Khoản 1 Điều 64);
+ Đất không được chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này mà người sử dụng đất do thiếu trách nhiệm để bị lấn, chiếm (Điểm e Khoản 1 Điều 64);
+ Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng; trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này; hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng (Điểm I Khoản 1 Điều 64).
- Các trường hợp theo Điểm b, d Khoản 1 Điều 65 của Luật đất đai năm 2013, gồm:
+ Cá nhân sử dụng đất chết mà không có người thừa kế (Điểm b Khoản 1 Điều 65);
+ Đất được Nhà nước giao, cho thuê có thời hạn nhưng không được gia hạn (Điểm d Khoản 1 Điều 65);
2. Tài sản gắn liền với đất được tạo lập trái quy định của pháp luật hoặc tạo lập từ sau khi có thông báo thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
3. Công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và công trình xây dựng khác không còn sử dụng.
2. Ngân hàng có xuống siết nợ bằng hình thức thu hồi đất không?
Thưa luật sư, xin hỏi: Tôi tên là huy. Hiện tại gia đình chú tôi gặp một vấn đề mong đuợc luật minh khuê tư vấn. Vấn đề của gia đình chú tôi gặp phải như sau: - chú tôi có hai vợ nguời vợ đầu đã có hai người con và nguời vợ thứ hai chưa có với nhau người con nào. Chú tôi nhận nuôi người con trai thứ hai năm nay đang học lớp 12.
Chú tôi có vay vốn chương trình nước sạch nông thôn là 12tr, thời điểm vay là khi ở cùng người vợ thứ hai. Người ký cùng chú tôi trong sổ vay vốn là người vợ thứ hai.
Nhưng chú tôi không may đột ngột qua đời không để lại giấy tờ gì. Và thời điểm trước khi chú tôi qua đời lại đã ly hôn với người vợ thứ hai. Và em tôi con của chú mới đang học lớp 12. Trước khi qua đời hộ khẩu gia đình chú tôi chỉ còn chú tôi và người con trai đang học lớp 12 không còn hộ khẩu của người vợ thứ hai nữa. Vì sau khi ly hôn nguời vợ thứ hai đã đi lấy chồng mới. Gia đình chú tôi thuộc dạng hộ nghèo đặc biệt khó khăn. Không có tài sản gì quý giá ngoài đất do ông bà cho để ở.
- Vậy tôi muốn hỏi khoản nợ của chú tôi sẽ được giải quyết như thế nào ạ. Ngân hàng có xuống siết nợ bằng hình thức thu hồi đất của gia đình chú tôi không ạ ?
Rất mong được sự tư vấn sớm nhất từ quý công ty ạ. (Người hỏi: Hoàng Trọng Huy)
Luật sư trả lời:
Đầu tiên, chúng tôi vô cùng chia buồn và cảm thông sâu sắc tới hoàn cảnh của gia đình chú bạn đã gặp phải. Đối với người khác số tiền 12 triệu không phải là quá nhiều, nhưng gia đình của chú bạn thuộc dạng hộ nghèo đặc biệt khó khăn thì để trả 12 triệu không phải là đơn giản.
Chúng tôi, xin phép được tư vấn, giải đáp câu hỏi của bạn như sau:
Thứ nhất, người vợ thứ hai sẽ phải trả số tiền 6 triệu đồng (nguyên tắc chia đôi tài sản trong thời kỳ hôn nhân). Số nợ còn lại 6 triệu đồng sẽ được quy đổi ra tài sản thừa kế ở đây thừa kế theo pháp luật do chú bạn không để lại di chúc. Có nghĩa là trong trường hợp tổ chức cho vay vốn khởi kiện dân sự Tòa án thì tòa sẽ kê biên tài sản của chú bạn để lại trong đó có cả nhà đất. Bởi lẽ:
Nghĩa vụ trả nợ khi ly hôn: Đối với các khoản nợ trong thời kỳ hôn nhân mà đến nay chú bạn và vợ thứ 2 kể cả đã ly hôn sau đó vẫn chưa trả xong thì pháp luật vẫn xác định đó là nghĩa vụ chung của cả 2. Theo đó, mỗi người phải có nghĩa vụ thanh toán một nửa số nợ.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình 2014 về tài sản chung của vợ chồng:
“Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.“
Thứ hai, có bị thu hồi nhà đất hay không thì như đã phân tích ở trên, tài sản là nhà đất có thể bị coi là tài sản để kê biên trong quá trình thi hành án dân sự. Bởi lẽ,
Trong khi thi hành án dân sự thì có những trường hợp Cơ quan thi hành án phải kê biên tài sản để đảm bảo thi hành án. Việc kê biên tài sản phải thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật, không được làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên. Theo quy định tại Điều 87 Luật thi hành án dân sự 2014 thì những tài sản sau đây không được kê biên:
– Lương thực, thuốc men cần thiết cho người phải thi hành án và gia đình;
– Công cụ lao động, đồ dùng sinh hoạt thông thường cần thiết cho người phải thi hành án và gia đình;
– Đồ dùng thờ cúng thông thường.
Đối với việc bảo quản tài sản kê biên, Điều 58Luật thi hành án dân sự 2014 quy định một số hình thức:
– Giao cho người phải thi hành án, người thân thích của người phải thi hành án theo quy định tại Khoản 2 Điều 40 của Luật thi hành án dân sự (vợ, chồng, con, cha, mẹ, ông bà, bác, chú, cô, cậu, dì, anh, chị em của đương sự, của vợ hoặc chồng của đương sự) hoặc người đang sử dụng, bảo quản;
– Cá nhân, tổ chức có điều kiện bảo quản;
– Bảo quản tại kho của cơ quan thi hành án dân sự. Đối với tài sản là kim khí, đá quý, tiền hoặc giấy tờ có giá, bảo quản tại kho bạc nhà nước.
Việc giao bảo quản tài sản phải được lập biên bản ghi rõ loại tài sản; tình trạng tài sản; giờ, ngày, tháng, năm giao; họ, tên chấp hành viên, đương sự, người được giao bảo quản, người làm chứng (nếu có); quyền , nghĩa vụ của người được giao bảo quản tài sản và có chữ ký của các bên. Trường hợp có người từ chối ký thì phải ghi vào biên bản và nêu rõ lý do.
Cá nhân, tổ chức có điều kiện bảo quản theo quy định trên được trả thù lao và được thanh toán chi phí bảo quản tài sản. Thù lao và chi phi bảo quản tài sản do người phải thi hành án chịu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Người được giao bảo quản tài sản vi phạm quy định của pháp luật trong việc bảo quản tài sản thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
3. Mức bồi thường khi thu hồi đất?
Luật sư phân tích:
Căn cứ Luật đất đai 2013 và Nghị định số 47/2014/NĐ-CP quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất quy định cụ thể như sau:
3.1. Thẩm quyền ra quyết định thu hồi đất
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thu hồi đất trong các trường hợp sau đây:
+ Thu hồi đất đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;
+ Thu hồi đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn.
- Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thu hồi đất trong các trường hợp sau đây:
+ Thu hồi đất đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư;
+ Thu hồi đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
- Trường hợp trong khu vực thu hồi đất có cả hai đối tượng trên thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thu hồi đất hoặc ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thu hồi đất.
- Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền ra quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong cùng một ngày;
3.2. Nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất
- Người sử dụng đất được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất nếu có đủ điều kiện được bồi thường
- Việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất.
- Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, kịp thời và đúng quy định của pháp luật.
3.3. Điều kiện được bồi thường về đất
- Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không phải là đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm, có Giấy chứng nhận hoặc có đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận theo quy định của Luật này mà chưa được cấp;
- Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam mà có Giấy chứng nhận hoặc có đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật đất đai mà chưa được cấp.
- Cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng đang sử dụng đất mà không phải là đất do Nhà nước giao, cho thuê và có Giấy chứng nhận hoặc có đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận theo quy định của Luật đất đai mà chưa được cấp.
- Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, có Giấy chứng nhận hoặc có đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này mà chưa được cấp.
- Tổ chức được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê; nhận thừa kế quyền sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà tiền sử dụng đất đã nộp, tiền nhận chuyển nhượng đã trả không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, có Giấy chứng nhận hoặc có đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền theo quy định của Luật đất đai mà chưa được cấp.
- Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê và có Giấy chứng nhận hoặc có đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này mà chưa được cấp.
- Tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc bán kết hợp cho thuê; cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, có Giấy chứng nhận hoặc có đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này mà chưa được cấp.
3.4. Bồi thường gây thiệt hại đối với cây trồng, thủy sản:
a, Đối với cây trồng
- Đối với cây hàng năm, mức bồi thường được tính bằng giá trị sản lượng của vụ thu hoạch. Giá trị sản lượng của vụ thu hoạch được tính theo năng suất của vụ cao nhất trong 03 năm trước liền kề của cây trồng chính tại địa phương và giá trung bình tại thời điểm thu hồi đất;
- Đối với cây lâu năm, mức bồi thường được tính bằng giá trị hiện có của vườn cây theo giá ở địa phương tại thời điểm thu hồi đất mà không bao gồm giá trị quyền sử dụng đất;
- Đối với cây trồng chưa thu hoạch nhưng có thể di chuyển đến địa điểm khác thì được bồi thường chi phí di chuyển và thiệt hại thực tế do phải di chuyển, phải trồng lại;
- Đối với cây rừng trồng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, cây rừng tự nhiên giao cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trồng, quản lý, chăm sóc, bảo vệ thì bồi thường theo giá trị thiệt hại thực tế của vườn cây; tiền bồi thường được phân chia cho người quản lý, chăm sóc, bảo vệ theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.
b, vật nuôi là thủy sản
- Đối với vật nuôi là thủy sản mà tại thời điểm thu hồi đất đã đến thời kỳ thu hoạch thì không phải bồi thường;
- Đối với vật nuôi là thủy sản mà tại thời điểm thu hồi đất chưa đến thời kỳ thu hoạch thì được bồi thường thiệt hại thực tế do phải thu hoạch sớm; trường hợp có thể di chuyển được thì được bồi thường chi phí di chuyển và thiệt hại do di chuyển gây ra; mức bồi thường cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.
3.5. Bồi thường đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân
- Đất nông nghiệp trong hạn mức
- Đối với diện tích đất nông nghiệp do nhận chuyển quyền sử dụng đất vượt hạn mức áp dụng như sau
+ Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất nông nghiệp vượt hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 do được thừa kế, tặng cho, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ người khác theo quy định của pháp luật mà đủ điều kiện được bồi thường thì được bồi thường, hỗ trợ theo diện tích thực tế mà Nhà nước thu hồi.
- Đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất nông nghiệp do chuyển nhượng trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 nhưng không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc không đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật Đất đai thì chỉ được bồi thường đối với diện tích đất trong hạn mức giao đất nông nghiệp. Đối với phần diện tích đất nông nghiệp vượt hạn mức giao đất nông nghiệp thì không được bồi thường về đất nhưng được xem xét hỗ trợ chi phí đầu tư
- Đối với đất nông nghiệp đã sử dụng trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 mà người sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhưng không có Giấy chứng nhận hoặc không đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì được bồi thường đối với diện tích đất thực tế đang sử dụng, diện tích được bồi thường không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp
3.6. Bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất ở của hộ gia đình, cá nhân
- Trường hợp không còn đất ở, nhà ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất thu hồi thì được bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở; trường hợp không có nhu cầu bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở thì Nhà nước bồi thường bằng tiền;
- Trường hợp còn đất ở, nhà ở trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất thu hồi thì được bồi thường bằng tiền. Đối với địa phương có điều kiện về quỹ đất ở thì được xem xét để bồi thường bằng đất ở.
- Trường hợp thu hồi hết đất ở hoặc phần diện tích đất ở còn lại sau thu hồi không đủ điều kiện để ở theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh mà hộ gia đình, cá nhân không còn đất ở, nhà ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất ở thu hồi thì được bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở tái định cư;
- Trường hợp thu hồi hết đất ở hoặc phần diện tích đất ở còn lại sau thu hồi không đủ điều kiện để ở theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh mà hộ gia đình, cá nhân còn đất ở, nhà ở khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất ở thu hồi thì được bồi thường bằng tiền. Đối với địa phương có điều kiện về quỹ đất ở thì được xem xét để bồi thường bằng đất ở.
- Trường hợp trong hộ gia đình trên nếu hộ có nhiều thế hệ, nhiều cặp vợ chồng cùng chung sống trên một thửa đất ở thu hồi nếu đủ điều kiện để tách thành từng hộ gia đình riêng theo quy định của pháp luật về cư trú hoặc có nhiều hộ gia đình có chung quyền sử dụng một (01) thửa đất ở thu hồi thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào quỹ đất ở, nhà ở tái định cư và tình thực tế tại địa phương quyết định mức đất ở, nhà ở tái định cư cho từng hộ gia đình.
- Hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất gắn liền với nhà ở phải di chuyển chỗ ở mà không đủ điều kiện được bồi thường về đất ở, nếu không có chỗ ở nào khác thì được Nhà nước bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở hoặc giao đất ở có thu tiền sử dụng đất. Giá bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở; giá đất ở tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.
- Hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà không có nhu cầu bồi thường bằng đất ở hoặc bằng nhà ở tái định cư thi được Nhà nước bồi thường bằng tiền.
- Trường hợp trong thửa đất ở thu hồi còn diện tích đất nông nghiệp không được công nhận là đất ở thì hộ gia đình, cá nhân có đất thu hồi được chuyển mục đích sử dụng đất đối với phần diện tích đất đó sang đất ở trong hạn mức giao đất ở tại địa phương, nếu hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu và việc chuyển mục đích sang đất ở phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Hộ gia đình, cá nhân khi chuyển mục đích sử dụng đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật về thu tiền sử dụng đất; thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.
- Tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang sử dụng đất để thực hiện dự án xây dựng nhà ở khi Nhà nước thu hồi đất, nếu có đủ điều kiện được bồi thường thì được bồi thường về đất.
+ Trường hợp thu hồi một phần diện tích đất của dự án mà phần còn lại vẫn đủ điều kiện để tiếp tục thực hiện dự án thì được bồi thường bằng tiền đối với phần diện tích đất thu hồi;
+ Trường hợp thu hồi toàn bộ diện tích đất hoặc thu hồi một phần diện tích đất của dự án mà phần còn lại không đủ điều kiện để tiếp tục thực hiện dự án thì được bồi thường bằng đất để thực hiện dự án hoặc bồi thường bằng tiền;
+ Đối với dự án đã đưa vào kinh doanh khi Nhà nước thu hồi đất thì được bồi thường bằng tiền.
4. Mức bồi thường đền bù, hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất?
>> Tư vấn pháp luật đất đai trực tuyến qua tổng đài điện thoại: 1900.6162
Trả lời:
Bạn có thắc mắc gia đình có thuộc diện được tái định cư tại chỗ hay không?
Điều 6 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất đai quy định về bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất ở như sau:
“Việc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất ở quy định tại Điều 79 của Luật Đất đai được thực hiện theo quy định sau đây:
1. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ở, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đang sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất tại Việt Nam khi Nhà nước thu hồi đất ở mà có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai thì việc bồi thường về đất được thực hiện như sau:
a) Trường hợp thu hồi hết đất ở hoặc phần diện tích đất ở còn lại sau thu hồi không đủ điều kiện để ở theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh mà hộ gia đình, cá nhân không còn đất ở, nhà ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất ở thu hồi thì được bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở tái định cư;
b) Trường hợp thu hồi hết đất ở hoặc phần diện tích đất ở còn lại sau thu hồi không đủ điều kiện để ở theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh mà hộ gia đình, cá nhân còn đất ở, nhà ở khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất ở thu hồi thì được bồi thường bằng tiền. Đối với địa phương có điều kiện về quỹ đất ở thì được xem xét để bồi thường bằng đất ở”.
Theo quy định trên, hộ gia đình, cá nhân có đất ở bị thu hồi được bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở tái định cư nếu thỏa mãn một trong 03 trường hợp sau:
- Thứ nhất, thu hồi hết đất ở mà trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất bị thu hồi không còn đất ở, nhà ở nào khác;
- Thứ hai, phần diện tích đất ở còn lại sau thu hồi không đủ điều kiện để ở của UBND tỉnh mà hộ gia đình, cá nhân không còn đất ở, nhà ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nới có đất ở bị thu hồi.
- Thứ ba, trường hợp thu hồi hết đất ở hoặc phần diện tích đất ở còn lại sau thu hồi không đủ điều kiện để ở theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh mà hộ gia đình, cá nhân còn đất ở, nhà ở khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất ở thu hồi thì được xem xét bồi thường bằng đất ở.
Vậy, nếu trường hợp gia đình nhà bạn còn diện tích nhà chính và một phần diện tích bếp mà đủ điều kiện để ở thì không thuộc trường hợp được bồi thường bằng đất ở, nhà ở tái định cư. Đề nghị bạn tìm hiểu quyết định của UBND tỉnh nơi có đất để nắm rõ diện tích đủ điều kiện để ở.
5. Trường hợp nào thì bị thu hồi đất theo luật đất đai?
>> Luật sư tư vấn luật đất đai trực tuyến, gọi:1900.6162
Trả lời:
Căn cứ vào Điều 57 Luật Đất đai năm 2013:
" Điều 57. Chuyển mục đích sử dụng đất
1. Các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bao gồm:
a) Chuyển đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm, đất trồng rừng, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối;
b) Chuyển đất trồng cây hàng năm khác sang đất nuôi trồng thủy sản nước mặn, đất làm muối, đất nuôi trồng thủy sản dưới hình thức ao, hồ, đầm;
c) Chuyển đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang sử dụng vào mục đích khác trong nhóm đất nông nghiệp;
d) Chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp;
đ) Chuyển đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất;
e) Chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở;
g) Chuyển đất xây dựng công trình sự nghiệp, đất sử dụng vào mục đích công cộng có mục đích kinh doanh, đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ sang đất thương mại, dịch vụ; chuyển đất thương mại, dịch vụ, đất xây dựng công trình sự nghiệp sang đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp.
2. Khi chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định tại khoản 1 Điều này thì người sử dụng đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật; chế độ sử dụng đất, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất được áp dụng theo loại đất sau khi được chuyển mục đích sử dụng."
Theo đó, đất rãnh cũ đã được chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở và cũng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trách nhiệm của bạn đối với phần đất rãnh đó được quy định tại khoản 2 Điều 57 trên đó là " phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật; chế độ sử dụng đất, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất được áp dụng theo loại đất sau khi được chuyển mục đích sử dụng."
Việc nhà bạn có bị thu hồi đất rãnh cũ hay không thì còn phụ thuộc vào quyết định của nhà nước, cụ thể trong các trường hợp quy định tại Điều 16 Luật đất đai như sau:
" Điều 16. Nhà nước quyết định thu hồi đất, trưng dụng đất
1. Nhà nước quyết định thu hồi đất trong các trường hợp sau đây:
a) Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng;
b) Thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai;
c) Thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người.
2. Nhà nước quyết định trưng dụng đất trong trường hợp thật cần thiết để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hoặc trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai."
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số:1900.6162 hoặc gửi qua email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê. Rất mong nhận được sự hợp tác! Trân trọng./.