Mục lục bài viết
- 1. Nguyên tắc bình đẳng.
- 2. Nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết thỏa thuận.
- 3. Nguyên tắc thiện chí trung thực.
- 4. Nguyên tắc tôn trọng lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
- 5. Nguyên tắc chịu trách nhiệm dân sự
- 6. Chính sách tôn trọng đạo đức, truyền thong tốt đẹp của dân tộc
- 7. Chính sách khuyến khích hoà giải
- 8. Câu hỏi thường gặp về bộ luật dân sự
- 8.1 Nhiệm vụ của luật dân sự là gì?
- 8.2 Nguyên tắc chung của luật dân sự là gì?
- 8.3 Ý nghĩa của luật dân sự là gì ?
1. Nguyên tắc bình đẳng.
Đây là một nguyên tắc hiến định và được ghi nhận cụ thể tại khoản 1 Điều 3 Bộ luật dân sự năm 2015:
"Mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản".
Sự bình đẳng trong quan hệ dân sự thể hiện:
Sự bình đẳng giữa các chủ thể, mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, nghĩa là, mọi cá nhân đều có năng lực pháp luật dân sự như nhau, mọi pháp nhân đều có năng lực pháp luật dân sự phù hợp với mục đích hoạt động của mình. Nguyên tắc này được áp dụng đối với mọi chủ thể của quan hệ dân sự, kể cả giữa cơ quan nhà nước với các cá nhân trong quan hệ dân sự.
Sự ngang bằng về dân tộc, giới tính, thành phần xã hội, hoàn cảnh kinh tế, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp của các chủ thể. Các chủ thể không được lấy lý do khác biệt về các yếu tố này để đối xử bất bình đẳng với nhau. Không một chủ thể nào có đặc quyền, đặc lợi so với các chủ thể khác trong quan hệ dân sự. Pháp luật nghiêm cấm các hành vi mang tính quyền lực của một bên đối với bên kia trong giao dịch dân sự.
Sự bảo hộ của pháp luật, mọi cá nhân và pháp nhân đều được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và quyền về tài sản.
Tại khoản 1 Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2015 ghi nhận:
“Mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đổi xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản”.
Nền tảng cho sự bình đẳng này được lấy từ gốc Hiến pháp - luật gốc cho mọi luật tại Việt Nam. Tại Hiến pháp năm 2013, các quyền tự do, bình đắng về nhân thân và tài sản đều được ghi nhận, khẳng định và coi đó là quyền cơ bản của công dân.
Bình đẳng chỉ được đặt ra khi xây dựng pháp luật nên được coi là một “khái niệm chính trị - pháp lý”. Theo đó, bản chất bình đẳng trong quan hệ dân sự phải là sự ngang nhau về “quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm trong xác lập, thực hiện quan hệ dân sự”. Với nguyên tắc này nhấn mạnh các nội dung:
Bình đẳng không có nghĩa là cào bằng, ngang bằng. Trong một số trường hợp, do ý nghĩa xã hội của vấn đề mà BLDS quy định những lợi thế, những ưu tiên nhất định cho đối tượng tham gia quan hệ dân sự. Ví dụ: Trường hợp hợp đồng theo mẫu có điều khoản không rõ ràng thì bên đưa ra hợp đồng theo mẫu phải chịu bất lợi khi giải thích điều khoản đó - khoản 2 Điều 405 BLDS 2015.
Nguyên tắc bình đẳng trong quan hệ dân sự là nguyên tắc có ý nghĩa rất quan trọng của pháp luật dân sự. Đây là một nguyên tắc cơ bản áp dụng trong các quan hệ pháp luật dân sự nói chung và trong từng chế định, quy phạm của pháp luật dân sự. Đây cũng là nguyên tắc tiền đề để được cụ thể hóa trong các luật chuyên ngành như: Nhà nước bảo đảm quyền bình đẳng của các doanh nghiệp trước pháp luật không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế.
2. Nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết thỏa thuận.
Các bên tham gia quan hệ dân sự có quyền tự do cam kết, thoả thuận phù hợp với pháp luật trong việc xác lập, thực hiện quyền và nghĩa vụ dân sự (khoản 2, Điều3 Bộ luật dân năm 2015). Mọi cam kết và thoả thuận hợp pháp được pháp luật bảo hộ. Ví dụ: Trong hợp đồng, các bên có thoả thuận về các phương thức thực hiện nghĩa vụ, các thoả thuận đó cố giá trị pháp lí đối với các bên tham gia hợp đồng.
Khi cam kết, thoả thuận, các bên hoàn toàn tự nguyện, không được ai dùng bất cứ thủ đoạn nào nhằm buộc một người cam kết, thoả thuận trái với ý chí của người đó. Mọi cam kết, thoả thuận không có sự tự nguyện của các bên có thể bị tuyên bố là vô hiệu. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.
Nguyên tắc này được ghi nhận:
“Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thoả thuận. Mọi cam kết, thoả thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng” (khoản 2 Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2015).
Để đảm bảo an toàn pháp lý và tạo môi trường lành mạnh và ổn định cho sự phát triển kinh tế - xã hội, sự tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận của các chủ thể được pháp luật bảo đảm, nếu cam kết, thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Nguyên tắc này còn ghi nhận mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.
Nghĩa là, sự tự do, cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội của các bên trong các giao dịch dân sự có hiệu lực bắt buộc thực hiện đối với các bên, trong trường hợp các bên có thỏa thuận thì phải tuân theo, chỉ khi các bên không thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được với nhau thì tuân theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, sự tự do cam kết, thỏa thuận của các bên còn được pháp luật bảo hộ, nghĩa là những cam kết, thỏa thuận đó phải được cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác tôn trọng.
Trường hợp có vi phạm nguyên tắc này, thì giao dịch dân sự mà các bên tham gia sẽ bị coi là vô hiệu, song sự vô hiệu đó chỉ là tương đối, nghĩa là hiệu lực giao dịch đó phụ thuộc vào sự lựa chọn và tự do ý chí của các bên có thể thay đổi cam kết, thỏa thuận đó hay không.
3. Nguyên tắc thiện chí trung thực.
Trong quan hệ dân sự, các bên phải hợp tác, giúp đỡ nhau để tạo lập và thực hiện các quyền và nghĩa vụ dân sự. Mỗi bên không chỉ quan tâm đến quyền và lợi ích của mình mà còn phải quan tâm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, của Nhà nước và xã hội. Ngoài ra đòi hỏi các bên phải tìm mọi biện pháp cần thiết để khắc phục và hạn chế thiệt hại. Tuy nhiên, trong quan hệ dân sự các bên được suy đoán là trung thực, thiện chí. Nêu một bên cho rằng bên kia không trung thực, thiện chí phải có chứng cứ (khoản 3 Điều 3 BLDS 2015).
Thiện chí được hiểu là sự thân thiện, mong muốn được thực hiện hoàn thành, thực hiện hoàn toàn tự nguyện. Trung thực được hiểu là tôn trọng khách quan, tôn trọng những điều thực tế, không tạo dựng các thông tin hoặc các yếu tố gây bất lợi trong quá trình thực hiện các giao dịch dân sự. Trong quan hệ pháp luật dân sự, sẽ có nhiều quan hệ mà nghĩa vụ của người này tương ứng với quyền của người khác, thế nên, chỉ cần bên có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ, đúng thì sẽ đảm bảo lợi ích cho bên có quyền. Chính vì thế, quá trình thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình, chỉ cần mỗi chủ thể luôn nỗ lực thực hiện tốt nhất bằng hành vi của mình để đem lại lợi ích tối đa cho bên mang quyền đã tạo nên sự lý tưởng trong quan hệ dân sự.
Nguyên tắc thiện chí, trung thực không phải là một nguyên tắc mới mà được ghi nhận trong pháp luật dân sự từ lâu. Nguyên tắc này hoàn toàn tương thích với nguyên tắc bình đẳng của các chủ thể bởi khi các chủ thể có địa vị pháp lý ngang nhau thì đương nhiên, sự thiện chí, trung thực của mỗi chủ thể sẽ góp phần tạo nên hiệu quả trong việc thực hiện nghĩa vụ của mỗi bên.
4. Nguyên tắc tôn trọng lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
Khoản 4 Điều 3 BLDS 2015 quy định nguyên tắc cơ bản nhất của luật Việt Nam là quyền và nghĩa vụ dân sự phải được xác lập, thực hiện trong mối tương quan hài hòa, hợp lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác: “Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác”.
Đây là nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự Việt Nam cũng như hầu hết các luật dân sự trên thế giới, nguyên tắc này không chỉ được quy định tại khoản 4 Điều 3 BLDS 2015 mà còn được cụ thể hóa ở các phần khác của Bộ luật dân sự.
Việc xác lập, thực hiện quyền và nghĩa vụ dân sự nhằm thoả mãn các nhu cầu vật chất, tinh thần của các chủ thể tham gia vào các quan hệ đó. Tuy nhiên, việc thực hiện các hành vi dân sự không thể tiến hành tuỳ tiện mà phải thực hiện trong một khuôn khổ, giới hạn nhất định. Quyền của một chủ thể bị giới hạn bởi quyền của các chủ thể khác, lợi ích của quốc gia, lợi ích công cộng. Khi các chủ thể thực hiện các quyền và nghĩa vụ dân sự của mình mà gây thiệt hại cho các chủ thể khác thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các chủ thể bị hại đó.
5. Nguyên tắc chịu trách nhiệm dân sự
Trách nhiệm dân sự là loại trách nhiệm pháp lí nhưng trước tiên là trách nhiệm của người vi phạm đối với người bị vi phạm. Người có nghĩa vụ phải thực hiện nghiêm chỉnh nghĩa vụ của họ nếu các quyền và nghĩa vụ đó phát sinh từ các căn cứ họp pháp. Neu không thực hiện phải tự chịu trách nhiệm và có thể bị cưỡng chế thi hành nghĩa vụ và phải bồi thường thiệt hại (nếu có). Mỗi chủ thể tham gia phải tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình (khoản 5 Điều 3 BLDS).
Khi thực hiện các quyền của mình, về cơ bản các chủ thể ý thức được việc phải thực hiện nghiêm túc, đúng phần nghĩa vụ của mình vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, chủ thể có thể do lỗi vô ý hoặc cố ý dẫn đến không thực hiện đúng hoặc không thực hiện được các nghĩa vụ của mình dẫn đến những hệ quả nhất định mang tính bất lợi. Vì quan hệ dân sự là quan hệ của sự bình đẳng về địa vị pháp lý, của sự tự do, tự nguyện nên đương nhiên, khi gây thiệt hại cho người khác, khi làm cho người khác bị ảnh hưởng không tích cực bởi hành vi của mình, chủ thể trong quan hệ dân sự phải chịu trách nhiệm. Như vậy, trách nhiệm dân sự được hiểu là dạng trách nhiệm pháp lý mang tính bất lợi cho một chủ thể sau khi chủ thể đó thực hiện nghĩa vụ của mình không đúng hoặc không thực hiện.
Khi quy định nguyên tắc tự chịu trách nhiệm thể hiện rõ quan điểm của Nhà nước về việc, khi quan tham gia vào quan hệ pháp luật dân sự, những lợi ích hợp pháp thì các chủ thể được hưởng nhưng những hậu quả bất lợi do hành vi không hợp pháp của mình gây ra thì chủ thể vẫn phải tự chịu trách nhiệm.
6. Chính sách tôn trọng đạo đức, truyền thong tốt đẹp của dân tộc
Theo (khoản 1 Điều 7 BLDS năm 2015) về nguyên tắc, chính sách của Nhà nước không phải là nguyên tắc của pháp luật dân sự nhưng có ảnh hưởng lớn đến các nguyên tắc của pháp luật dân sự. Đặc biệt khi áp dụng pháp luật dân sự để giải quyết các tranh chấp (khoản 2 Điều 7 BLDS).
Khi xác lập, thực hiện các quyền dân sự các chủ thể phải tôn trọng truyền thông tốt đẹp, phong tục tập quán của nhân dân...
Phong tục, tập quán, đạo đức và truyền thống tốt đẹp của nhân dân là cơ sở xã hội của pháp luật dân sự. Một nền pháp luật chỉ tồn tại và bền vững khi phù hợp với đạo đửc và truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Việc xác lập, thực hiện các quyền, nghĩa vụ dân sự cũng phải dựa trên nền tảng của đạo đức và truyền thống đó trên tinh thần tương thân, tương ái, “mình vì mọi người, mọi người vì mình” nhằm tạo điều kiện cho những người, những cộng đồng chưa có những điều kiện thực tế có thể thực hiện được các quyền và nghĩa vụ dân sự của họ.
7. Chính sách khuyến khích hoà giải
Trong quan hệ dân sự, việc hoà giải giữa các bên phù hợp với quy định của pháp luật được khuyến khích. Không ai được dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực khi tham gia quan hệ dân sự, giải quyết các tranh chấp dân sự.
Các nguyên tắc được quy định tại Chương I - Phần thứ nhất của BLDS là một hệ thống chỉnh thể. Bởi vậy, phải xem xét nó như một thể thống nhất khi áp dụng pháp luật, giải thích pháp luật.
8. Câu hỏi thường gặp về bộ luật dân sự
8.1 Nhiệm vụ của luật dân sự là gì?
Điều 1 BLDS năm 2015 quy định: “Bộ luật này quy định địa vị pháp lí, chuẩn mực pháp lí về cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân; quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản của cá nhân, pháp nhân trong các quan hệ được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm (sau đây gọi chung là quan hệ dân sự)”.
8.2 Nguyên tắc chung của luật dân sự là gì?
Nguyên tắc chung của luật dân sự là những khung pháp lý chung, những quy tắc chung được pháp luật ghi nhận có tác dụng định hướng và chỉ đạo cho toàn bộ các quy phạm pháp luật.
8.3 Ý nghĩa của luật dân sự là gì ?
Tạo ra những nền tảng cho các thể chế pháp lý, các học thuyết và giao dịch trong xã hội dân sự và bổ sung cho luật thương mại, đồng thời cân bằng giữa các quyền cá nhân với những nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý.