Mục lục bài viết
- 1. Nguyên tắc đối xử tối huệ quốc
- 1.1 Nguyên tắc đối xử tối huệ quốc?
- 1.2 Cơ sở pháp lý nguyên tắc đối xử tối huệ quốc
- 1.3 Nội dung đãi ngộ tối huệ quốc
- 1.4 Ngoại lệ của nguyên tắc
- 1.5 Ví dụ về nguyên tắc đối xử tối huệ quốc
- 2. Nguyên tắc đối xử quốc gia
- 2.1 Nguyên tắc đối xử quốc gia là gì?
- 2.2 Cơ sở pháp lý nguyên tắc đối xử quốc gia
- 2.3 Nội dung nguyên tắc đối xử quốc gia
- 2.4 Ngoại lệ nguyên tắc đối xử quốc gia
- 3. Nguyên tắc mở cửa thị trường
- 3.1 Nguyên tắc mở cửa thị trường là gì?
- 3.2 Cơ sở pháp lý nguyên tắc mở cửa thị trường
- 3.3 Nội dung nguyên tắc mở cửa thị trường
- 3.4 Ví dụ về nguyên tắc mở cửa thị trường
- 4. Nguyên tắc minh bạch
- 5. Nguyên tắc thương mại công bằng
1. Nguyên tắc đối xử tối huệ quốc
1.1 Nguyên tắc đối xử tối huệ quốc?
Nguyên tắc đối xử tối huệ quốc được hiểu là dựa trên cam kết thương mại, một nước dành cho nước đối tác ưu đãi có lợi nhất mà nước đó đang và sẽ dành cho nước thứ ba khác trong tương lai.
1.2 Cơ sở pháp lý nguyên tắc đối xử tối huệ quốc
- Điều I, Hiệp định chung về thuế quan và thương mại - GATT 1994
Điều I
Quy định chung về đối xử tối huệ quốc
1. Với mọi khoản thuế quan và khoản thu thuộc bất cứ loại nào nhằm vào hay có liên hệ tới nhập khẩu và xuất khẩu hoặc đánh vào các khoản chuyển khoản để thanh toán hàng xuất nhập khẩu, hay phương thức đánh thuế hoặc áp dụng phụ thu nêu trên, hay với mọi luật lệ hay thủ tục trong xuất nhập khẩu và liên quan tới mọi nội dung đã được nêu tại khoản 2 và khoản 4 của Điều III,* mọi lợi thế, biệt đãi, đặc quyền hay quyền miễn trừ được bất kỳ bên ký kết nào dành cho bất cứ một sản phẩm có xuất xứ từ hay được giao tới bất kỳ một nước nào khác sẽ được áp dụng cho sản phẩm tương tự có xuất xứ từ hay giao tới mọi bên ký kết khác ngay lập tức và một cách không điều kiện.
2. Các quy định của của Khoản 1 thuộc Điều này không đòi hỏi phải loại bỏ bất cứ một ưu đãi nào liên quan tới thuế nhập khẩu hay các khoản thu không vượt quá mức đã được quy định tại Khoản 4 của Điều này và nằm trong diện được quy định dưới đây:
(a) Ưu đãi có hiệu lực giữa hai hay nhiều lãnh thổ nêu trong danh mục tại phụ lục A, theo các điều kiện nêu trong phụ lục đó;
(b) Ưu đãi có hiệu lực riêng giữa hai hay nhiều lãnh thổ có mối liên hệ về chủ quyền chung hay có quan hệ bảo hộ chủ quyền được nêu tại danh mục B, C, D, theo điều kiện đã nêu ra trong các phụ lục đó;
(c) Ưu đãi chỉ có hiệu lực riêng giữa các nước có chung biên giới nêu trong phụ lục E, F.
3. Các điều khoản của khoản I sẽ không áp dụng với các ưu đãi giữa các nước trước đây là bộ phận của Lãnh thổ Ottoman và được tách từ lãnh thổ Ottoman ra từ ngày 24 tháng 7 năm 1923, miễn là các ưu đãi đó được phép áp dụng theo khoản 5 của điều XXV và do vậy sẽ đươc áp dụng phù hợp với khoản 1 của Điều XXIX.
4. Biên độ ưu đãi* áp dụng với bất cứ sản phẩm nào được khoản 2 của Điều này cho phép dành ưu đãi nhưng các Biểu cam kết đính kèm theo Hiệp định này lại không có quy định rõ cụ thể mức biên độ tối đa, sẽ không vượt quá:
(a) Khoản chênh lệch giữa mức đối xử tối huệ quốc và thuế suất ưu đãi nêu trong Biểu, với thuế quan hay khoản thu áp dụng với bất cứ sản phẩm nào đã được ghi trong Biểu tương ứng; nếu trong Biểu không ghi rõ thuế suất ưu đãi, việc vận dụng thuế suất ưu đãi theo tinh thần của điều khoản này sẽ căn cứ vào mức thuế ưu đãi có hiệu lực vào ngày 10 tháng 4 năm 1947 và nếu trong Biểu cũng không có mức thuế đối xử tối huệ quốc thì áp dụng mức chênh lệch giữa thuế suất ưu đãi và thuế theo đối xử tối huệ quốc đã có vào ngày 10 tháng 4 năm 1947;
(b) Với mọi khoản thuế quan và khoản thu không ghi cụ thể trong Biểu tương ứng, mức chênh lệch có được vào ngày 10 tháng 4 năm 1947 sẽ được áp dụng.
Trong trường hợp một bên ký kết có tên trong phụ lục G, ngày 10 tháng 4 năm 1947 tham chiếu đến tại tiểu khoản (a) và (b) trên nêu trên sẽ được thay thế bằng ngày cụ thể ghi trong phụ lục đó.
- Điều II, Hiệp định về thương mại dịch vụ - GAST
Điều 2. Đối xử tối huệ quốc
1. Đối với bất kỳ biện pháp nào thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định này, mỗi Thành viên phải ngay lập tức và không điều kiện dành cho dịch vụ và các nhà cung cấp dịch vụ của bất kỳ Thành viên nào khác, sự đối xử không kém thuận lợi hơn sự đối xử mà Thành viên đó dành cho dịch vụ và các nhà cung cấp dịch vụ tương tự của bất kỳ nước nào khác.
2. Các Thành viên có thể duy trì biện pháp không phù hợp với quy định tại khoản 1 của Điều này, với điều kiện là biện pháp đó phải được liệt kê và đáp ứng các điều kiện của Phụ lục về các ngoại lệ đối với Điều II.
3. Các quy định của Hiệp định này không được hiểu là để ngăn cản bất kỳ một Thành viên nào dành cho các nước lân cận những lợi thế nhằm tạo thuận lợi cho việc trao đổi dịch vụ được tạo ra và tiêu thụ trong phạm vi giới hạn của vùng biên giới.
- Điều IV, Hiệp định về một số khía cạnh của quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại - TRIPs
Điều 4
Chế độ đãi ngộ tối huệ quốc
Đối với việc bảo hộ sở hữu trí tuệ, bất kỳ một sự ưu tiên, chiếu cố, đặc quyền hoặc sự miễn trừ nào được một Thành viên dành cho công dân của bất kỳ nước nào khác cũng phải được lập tức và vô điều kiện dành cho công dân của tất cả các Thành viên khác. Được miễn nghĩa vụ này bất kỳ sự ưu tiên, chiếu cố, đặc quyền hoặc sự miễn trừ nào mà một Thành viên dành cho nước khác:
a) Trên cơ sở các thoả ước quốc tế về việc giúp đỡ trong tố tụng hoặc thực thi luật theo nghĩa tổng quát chứ không giới hạn riêng biệt về bảo hộ sở hữu trí tuệ;
b) Phù hợp với các quy định của Công ước Berne (1971) hoặc Công ước Rome, theo đó sự đãi ngộ không phải là đãi ngộ quốc gia mà là sự đãi ngộ áp dụng tại một nước khác;
c) đối với các quyền của những người biểu diễn, người sản xuất bản ghi âm và các tổ chức phát thanh truyền hình không phải do Hiệp định này quy định;
d) trên cơ sở các thoả ước quốc tế liên quan đến việc bảo hộ sở hữu trí tuệ đã có hiệu lực trước khi Hiệp định WTO có hiệu lực, với điều kiện là các thoả ước đó được thông báo cho Hội đồng TRIPS và không tạo nên sự phân biệt đối xử tuỳ tiện hoặc bất hợp lý đối với công dân của các Thành viên khác.
1.3 Nội dung đãi ngộ tối huệ quốc
Theo quy định tại Điều 1 của GATT, quy định nghĩa vụ của mọi bên ký kết dành “ngay lập tức và không điều kiện” bất kỳ ưu đãi , ưu tiên, đặc quyền hoặc đặc miễn nào liên quan đến thuế quan và bất kỳ loại lệ phí nào mà bên ký kết đó áp dụng cho hoặc liên quan đến việc nhập khẩu, xuất khẩu hoặc cho việc chuyển tiền thanh toán quốc tế , hoặc liên quan đến phương pháp tính thuế quân và lệ phí hoặc liên quan đến tất cả các quy định và thủ tục đối với việc xuất và nhập khẩu một sản phẩm xuất xứ hoặc nhập khẩu sang một Bên ký kết cho một sản phẩm cùng loại xuất xứ hoặc nhập khẩu sang các Bên ký kết khác.
+ Ngay lập tức ở đây được hiểu là: khi gia nhập tổ chức thương mại thế giới thì quốc gia đó sẽ được hưởng ưu đãi từ các quốc gia thành viên khác và các quốc gia thành viên khác buộc phải cho quốc gia mới gia nhập hưởng các ưu đãi
+ Vô điều kiện: là khi một quốc gia đánh thuế với một quốc gia thành viên là bao nhiêu thì cũng có thể đánh thuế như vậy với một quốc gia không phải là thành viên mà không đòi hỏi có bất kì điều kiện nào
+ Đãi ngộ tối huệ quốc được thực hiện trên cơ sở có đi có lại: muốn được hưởng đãi ngộ tối huệ quốc thì quốc gia này phải nhượng bộ cho quốc gia kia một mặt hàng nào đó để quốc gia kia cũng ưu đãi cho quốc gia này tương tự như vậy đối với mặt hàng nào đó.
1.4 Ngoại lệ của nguyên tắc
Mặc dù được coi là nguyên tắc nền tảng của thương mại thế giới, nhưng vẫn tồn tại một số ngoại lệ sau:
- Chế độ ưu đãi đặc biệt
Căn cứ theo quy định tại Điều XXIV của Hiệp định chung về thuế quan và thương mại quy định về việc áp dụng theo lãnh thổ - Hàng hóa biên mậu; Liên minh quan thuế và khu vực mậu dịch tự do thì: các nước thành viên trong các hiệp định thương mại khu vực có thể dành cho nhau sự đối xử ưu đãi hơn mang tính chất phân biệt đối xử với các nước thứ ba, trái với nguyên tắc đãi ngộ tối huệ quốc. Ngoại lệ này tồn tại với các điều kiện sau:
+ Các ưu đãi này chỉ giới hạn trong thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu và không cho phéo ưu đãi đặc biệt về thuế xuất khẩu và các hạng mục khác
+ Chỉ giới hạn giữa một số nước thành viên đã được chấp nhận và không được thiết lập ưu đãi mới
+ Không cho phép tăng sự chênh lệch thuế suất ưu đãi đặc biệt
GATT 1947 cũng có hai miễn trừ về đối xử đặc biệt và ưu đãi hơn với các nước đang phát triển.
- Hệ thống ưu đãi phổ cập
Theo quyết định ngày 25-6-1971 của Đại hội đồng GATT về việc thiết lập “ Hệ thống ưu đãi phổ cập” (GSP) chỉ áp dụng cho hàng hoá xuất xứ từ những nước đang phát triển và chậm phát triển. Trong khuôn khổ GSP, các nước phát triển có thể thiết lập số mức thuế ưu đãi hoặc miễn thuế quan cho một số nhóm mặt hàng có xuất xứ từ các nước đang phát triển và chậm phát triển và không có nghĩa vụ phải áp dụng những mức thuế quan ưu đãi đó cho các nước phát triển theo nguyên tắc MFN.
- Biện pháp đặc biệt với nước đang phát triển
Theo quyết định ngày 26-11-1971 của Đại hội đồng GATT về ‘Đàm phán thương mại giữa các nước đang phát triển”, cho phép các nước này có quyền đàm phán, ký kết những hiệp định thương mại dành cho nhau những ưu đãi hơn về thuế quan và không có nghĩa vụ phải áp dụng cho hàng hoá đến từ các nước phát triển.
1.5 Ví dụ về nguyên tắc đối xử tối huệ quốc
Giả định, quốc gia A, B, C, D đều là thành viên của WTO, A nhập khẩu sản phẩm đường mía từ tất cả các quốc gia này. Tuy nhiên, A áp đặt mức thuế quan khác nhau với các quốc gia, cụ thể B phải chịu mức thuế giá trị gia tăng là 5%, trong khi các quốc gia C và D được miễn thuế quan.Quốc gia A cho rằng nên có sự chênh lệch thuế quan do sản phẩm mía đường sản xuất ra từ các quốc gia này có sự khác nhau về điều kiện trồng trọt và chế biến.
Theo quy định tại khoản 1 Điều I Hiệp định GATT là: các quốc gia kí kết phải dành một sự đối xử như nhau cho những sản phẩm tương tự. Trong trường hợp này cùng là mía đường nên đương nhiên là sản phẩm tương tự, việc áp đặt thuế quan khác nhau của quốc gia A vi phạm khoản 1 Điều I Hiệp định GATT. Như vậy, quốc gia A đã vi phạm nguyên tắc đối xử tối huệ quốc.
2. Nguyên tắc đối xử quốc gia
Các nguyên tắc cơ bản của thương mại quốc tế sẽ là quan điểm, tư tưởng xuyên suốt toàn bộ hệ thống các quy phạm của Luật Thương mại quốc tế. Vậy các nguyên tắc cơ bản của Luật Thương mại quốc tế là gì?
2.1 Nguyên tắc đối xử quốc gia là gì?
Nguyên tắc đối xử quốc gia là dựa trên cam kết thương mại, một nước sẽ dành cho sản phẩm, dịch vụ, nhà cung cấp của nước khác những ưu đãi không kém hơn so với ưu đãi mà nước đó đang và sẽ dành cho sản phẩm, dịch vụ, nhà cung cấp của nước mình.
2.2 Cơ sở pháp lý nguyên tắc đối xử quốc gia
- Điều III Hiệp định chung về thuế quan và thương mại - GATT 1994
ĐIỀU III
Đối xử quốc gia và thuế và quy tắc trong nước
1 Các bên ký kết thừa nhận rằng các khoản thuế và khoản thu nội địa, cũng như luật, hay quy tắc hay yêu cầu tác động tới việc bán hàng, chào bán, vận tải, phân phối hay sử dụng sản phẩm trong nội địa cùng các quy tắc định lượng trong nước yêu cầu có pha trộn, chế biến hay sử dụng sản phẩm với một khối lượng tỷ trọng xác định, không được áp dụng với các sản phẩm nội địa hoặc nhập khẩu với kết cục là bảo hộ hàng nội địa.*
2. Hàng nhập khẩu từ lãnh thổ của bất cứ một bên ký kết nào sẽ không phải chịu, dù trực tiếp hay gián tiếp, các khoản thuế hay các khoản thu nội địa thuộc bất cứ loại nào vượt quá mức chúng được áp dụng, dù trực tiếp hay gián tiếp, với sản phẩm nội tương tự. Hơn nữa, không một bên ký kết nào sẽ áp dụng các loại thuế hay khoản thu khác trong nội địa trái với các nguyên tắc đã nêu tại khoản 1.*
3. Với mọi khoản thuế nội địa hiện đã tồn tại trái với các quy định tại khoản 2, nhưng có thoả thuận cụ thể cho phép duy trì căn cứ vào một hiệp định thương mại có giá trị hiệu lực vào ngày 10 tháng 4 năm 1947, theo đó thuế nhập khẩu đánh vào sản phẩm chịu thuế nội địa đã được cam kết trần, không tăng lên, bên ký kết đang áp dụng thuế đó được hoãn thời hạn thực hiện các quy định tại khoản 2 áp dụng với các loại thuế nội đó cho tới khi nghĩa vụ thuộc hiệp định đó được giải phóng và cho phép bên ký kết đó điều chỉnh thuế quan trong chừng mực cần thiết để bù đắp cho nhân tố bảo hộ trong khoản thuế nội địa.
4. Sản phẩm nhập khẩu từ lãnh thổ của bất cứ một bên ký kết nào vào lãnh thổ của bất cứ một bên ký kết khác sẽ được hưởng đãi ngộ không kém phần thuận lợi hơn sự đãi ngộ dành cho sản phẩm tương tự có xuất xứ nội về mặt luật pháp, quy tắc và các quy định tác động đến bán hàng, chào bán, mua, chuyên chở, phân phối hoặc sử dụng hàng trên thị trường nội địa. Các quy định của khoản này sẽ không ngăn cản việc áp dụng các khoản thu phí vận tải khác biệt chỉ hoàn toàn dựa vào yếu tố kinh tế trong khai thác kinh doanh các phương tiện vận tải và không dưạ vào quốc tịch của hàng hoá.
5. Không một bên ký kết nào sẽ áp dụng hay duy trì một quy tắc định lượng nội địa nào với pha trộn, chế biến hay sử dụng sản phẩm tính theo khối lượng cụ thể hay theo tỷ lệ, trực tiếp hay gián tiếp đòi hỏi một khối lượng hay tỷ lệ nhất định của bất cứ một sản phẩm nào chịu sự điều chỉnh của quy tắc đó phải được cung cấp từ nguồn nội địa. Thêm vào đó, không một bên ký kết nào sẽ áp dụng các quy tắc định lượng trong nước theo cách nào khác trái với các nguyên tắc đã quy định tại khoản 1.*
6. Các quy định của khoản 5 sẽ không áp dụng với những quy tắc có hiệu lực trên lãnh thổ của bất cứ bên ký kết nào vào ngày 1 tháng 7 năm 1939, ngày 10 tháng 4 năm 1947 hay ngày 24 tháng 3 năm 1948 tuỳ bên ký kết liên quan chọn; miễn là các quy tắc trái với quy định của khoản 5 đó sẽ không bị điều chỉnh bất lợi hơn cho hàng nhập khẩu và chúng sẽ được xem như là một khoản thuế quan để tiếp tục đàm phán.
7. Không một quy tắc định lượng nội địa nào điều chỉnh việc pha trộn, chế biến hay sử dụng tính theo khối lượng hay tỷ lệ sẽ được áp dụng để phân bổ các khối lượng hay tỷ lệ nêu trên theo xuất xứ của nguồn cung cấp.
8. (a) Các quy định của Điều khoản này sẽ không áp dụng với việc các cơ quan chính phủ mua sắm nhằm mục đích cho tiêu dùng của chính phủ chứ không phải để bán lại nhằm mục đích thương mại hay đưa vào sản xuất nhằm mục đích thương mại.
(b) Các quy định của điều khoản này sẽ không ngăn cản việc chi trả các khoản trợ cấp chỉ dành cho các nhà sản xuất nội địa, kể cả các khoản khoản trợ cấp dành cho các nhà sản xuất nội địa có xuất xứ từ các khoản thu thuế nội địa áp dụng phù hợp với các quy định của điều khoản này và các khoản trợ cấp thực hiện thông qua việc chính phủ mua các sản phẩm nội địa.
9. Các bên ký kết thừa nhận rằng các biện pháp kiểm soát giá tối đa, dù rằng tuân theo đúng các quy định khác của điều khoản này, có thể có làm tổn hại tới quyền lợi của bên ký kết cung cấp hàng nhập. Do vậy, các bên ký kết áp dụng các biện pháp kiểm soát giá tối đa sẽ cân nhắc đến quyền lợi của bên ký kết là bên xuất khẩu nhằm hạn chế tối đa trong khuôn khổ các biện pháp có thể tực hiện được các tác động bất lợi đó.
10. Các quy định của Điều này không ngăn cản các bên ký kết định ra hay duy trì các quy tắc hạn chế số lượng nội địa liên quan tới số lượng phim trình chiếu áp dụng theo đúng các quy định của Điều IV.
- Điều VI Hiệp định về thương mại dịch vụ - GAST
Điều 6. Các quy định trong nước
1. Trong những lĩnh vực đã cam kết cụ thể, mỗi Thành viên phải đảm bảo rằng tất cả các biện pháp áp dụng chung tác động đến thương mại dịch vụ được quản lý một cách hợp lý, khách quan và bình đẳng.
2. (a) Ngay khi có thể, mỗi Thành viên phải duy trì hoặc thành lập các tòa án tư pháp, trọng tài hoặc tòa án hành chính hoặc thủ tục để xem xét nhanh chóng và đưa ra các biện pháp khắc phục đối với các quyết định hành chính có tác động đến thương mại dịch vụ theo yêu cầu của nhà cung cấp dịch vụ chịu tác động. Khi những thủ tục này không độc lập với cơ quan có thẩm quyền đưa ra quyết định hành chính có liên quan, Thành viên này phải đảm bảo rằng các thủ tục trên thực tế được xem xét một cách khách quan và bình đẳng.
(b) Các quy định của điểm (a) không được hiểu là nhằm yêu cầu các Thành viên phải thành lập những tòa án hoặc thủ tục trái với thể chế hoặc bản chất hệ thống pháp luật của Thành viên đó.
3. Trong trường hợp thủ tục phê duyệt được yêu cầu đối với việc cung cấp một dịch vụ đã có cam kết cụ thể thì sau khi nhận được đơn xin cấp phép được coi là đầy đủ theo quy định của pháp luật trong nước, cơ quan có thẩm quyền của một Thành viên sẽ thông báo cho người nộp đơn về quyết định của mình trong khoảng thời gian hợp lý. Nếu người nộp đơn có yêu cầu, cơ quan có thẩm quyền của Thành viên đó sẽ phải cung cấp không chậm trễ thông tin về hiện trạng của đơn xin phép.
4. Nhằm đảm bảo để các biện pháp liên quan tới yêu cầu chuyên môn, thủ tục, tiêu chuẩn kỹ thuật và yêu cầu cấp phép không tạo ra những trở ngại không cần thiết cho thương mại dịch vụ, thông qua những cơ quan thích hợp có thể được thành lập, Hội đồng Thương mại Dịch vụ sẽ phát triển bất kỳ nguyên tắc cần thiết nào. Những nguyên tắc đó nhằm đảm bảo rằng các yêu cầu này:
(a) dựa trên những tiêu chí khách quan và minh bạch, như năng lực và khả năng cung cấp dịch vụ;
(b) không phiền hà hơn mức cần thiết để đảm bảo chất lượng dịch vụ;
(c) trong trường hợp áp dụng thủ tục cấp phép, không trở thành hạn chế về cung cấp dịch vụ.
5. (a) Trong những lĩnh vực mà Thành viên đã cam kết cụ thể, thì trong thời gian chưa áp dụng các nguyên tắc được đề ra trong những lĩnh vực này phù hợp với khoản 4, Thành viên đó không được áp dụng các yêu cầu về cấp phép và chuyên môn và các tiêu chuẩn kỹ thuật làm vô hiệu hoặc giảm bớt mức cam kết đó theo cách thức:
(i) không phù hợp với các tiêu chí đã được nêu tại điểm 4(a), (b) hoặc (c); và
(ii) tại thời điểm các cam kết cụ thể trong các lĩnh vực đó được đưa ra, các Thành viên đã không có ý định áp dụng các biện pháp này
(b) Khi xác định liệu một Thành viên có tuân thủ các nghĩa vụ quy định tại điểm5(a) hay không, cần tính đến các tiêu chuẩn của các tổ chức quốc tế liên quan[3] được Thành viên đó áp dụng.
6. Trong những lĩnh vực có các cam kết cụ thể liên quan đến dịch vụ nghề nghiệp, mỗi Thành viên phải quy định những thủ tục phù hợp để kiểm tra năng lực chuyên môn của người cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp của các Thành viên khác.
- Điều III hiệp định TRIPs
Điều 3
Đãi ngộ quốc gia
1. Mỗi Thành viên phải chấp nhận cho các công dân của các Thành viên khác sự đối xử không kém thiện chí hơn so với sự đối xử của Thành viên đó đối với công dân của mình trong việc bảo hộ sở hữu trí tuệ[3], trong đó có lưu ý tới các ngoại lệ đã được quy định tương ứng trong Công ước Paris (1967), Công ước Berne (1971), Công ước Rome và Hiệp ước về sở hữu trí tuệ đối với mạch tích hợp. Đối với những người biểu diễn, người sản xuất bản ghi âm và các tổ chức phát thanh truyền hình, nghĩa vụ này chỉ áp dụng với các quyền được quy định theo Hiệp định này. Bất kỳ Thành viên nào sử dụng các quy định tại Điều 6 Công ước Berne và khoản 1(b) Điều 16 Công ước Rome cũng phải thông báo như đã nêu trong các điều khoản nói trên cho Hội đồng TRIPS.
2. Các Thành viên chỉ có thể sử dụng các ngoại lệ nêu tại khoản 1 liên quan đến các thủ tục xét xử và hành chính, kể cả việc chỉ định địa chỉ dịch vụ hoặc bổ nhiệm đại diện trong phạm vi quyền hạn của một Thành viên, nếu những ngoại lệ đó là cần thiết để bảo đảm thi hành đúng các luật và quy định không trái với các quy định của Hiệp định này và nếu cách tiến hành các hoạt động đó không là một sự hạn chế trá hình hoạt động thương mại.
2.3 Nội dung nguyên tắc đối xử quốc gia
Hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa tương tự sản xuất trong nước phải được đối xử công bằng, bình đẳng như nhau: hàng nhập khẩu không phải chịu sự đối xử kém thuận lợi hơn so với sự đối xử dành cho các sản phẩm nội địa tương tự liên quan đến luật lệ, điều kiện vận chuyển, phân phối và sử dụng; các thành viên không thể áp dụng thuế hay các khoản thu nội địa khác theo cách nhằm tạo ra sự phân biệt đối xử giữa hàng hóa nhập khẩu với hàng hóa trong nước
2.4 Ngoại lệ nguyên tắc đối xử quốc gia
+ Theo quy định của GATT, nguyên tắc này tồn tại một số ngoại lệ sau: cung cấp các khoản tiền trợ cấp đối với người sản xuất trong nước; phân bổ thời gian chiếu phim; mua sắm của chính phủ
+ Theo GATS, ngoại lệ: trong thương mại dịch vụ, các nước phải dành cho dịch vụ và các nhà cung cấp của nước khác thuộc các lĩnh vực ngành nghề đã được mỗi nước đưa vào danh mục cam kết cụ thể của mình những ưu đãi không kém hơn những ưu đãi mà nước đó dành cho dịch vụ và nhà cung cấp nước mình
+ Theo TRIPs; trong lĩnh vực sở hữ trí tuệ, các nước dành cho công dân nước khác những ưu đãi không kém công dân nước mình.
- Ví dụ về nguyên tắc đối xử quốc gia
Ở quốc gia A, sản phẩm thuốc lá phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Tuy nhiên quốc gia A có sự đối xử phân biệt giữa thuốc lá trong nước và thuốc lá nhập khẩu. Cụ thể: với thuốc lá trong nước phải chịu mức thuế tiêu thụ đặc biệt là 35%, thuốc lá nhập khẩu phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là 75%. Như vậy, quốc gia A đang có phần bảo hộ hơn cho sản phẩm thuốc lá nội địa
Theo quy định tại Khoản 2 Điều III hiệp định GATT 1994 về thuế và lệ phí trong nước: Các nước thành viên không được phép đánh thuế và các lệ phí đối với sản phẩm nhập khẩu cao hơn sản phẩm nội địa cùng loại; Các nước thành viên không được phép áp dụng thuế và lệ phí trong nước đối với sản phẩm nhập khẩu hoặc sản phẩm nội địa theo phương pháp nào đó nhằm bảo hộ sản xuất trong nước. Hành vi quy định hai mức thuế tiêu thụ dặc biệt với cùng sản phẩm thuốc lá của quốc gia A đã vi phạm quy định tại khoản 2 Điều III của GATT 1994. Như vậy, quốc gia A đã vi phạm nguyên tắc đối xử quốc gia
3. Nguyên tắc mở cửa thị trường
Các nguyên tắc cơ bản của thương mại quốc tế sẽ là quan điểm, tư tưởng xuyên suốt toàn bộ hệ thống các quy phạm của Luật Thương mại quốc tế. Vậy các nguyên tắc cơ bản của Luật Thương mại quốc tế là gì?
3.1 Nguyên tắc mở cửa thị trường là gì?
Nguyên tắc ''mở cửa thị trường'' hay còn gọi là tiếp cận thị trường thực chất là mở cửa thị trường cho hàng hoá, dịch vụ và đầu tư nước ngoài. Trong một hệ thống thương mại đa phương, khi tất cả các bên tham gia đều chấp nhận mở cửa thị trường của mình thì điều đó đồng nghĩa với việc tạo ra một hệ thống thương mại toàn cầu mở cửa.
3.2 Cơ sở pháp lý nguyên tắc mở cửa thị trường
Điều XVI hiệp định GATS.
3.3 Nội dung nguyên tắc mở cửa thị trường
Thông qua các cuộc đàm phán, các nước đưa ra cam kết về mở cửa thị trường nội địa và mức độ mở cửa trong các lĩnh vực cụ thể. Mở cửa thị trường được thể hiện qua các cam kết sau:
- Cấm áp dụng biện pháp hạn chế về số lượng:
Hạn chế về số lượng là một trong các biện pháp được sử dụng để bảo vệ ngành sản xuất trong nước chống lại sự cạnh tranh của hàng nhập khẩu.
Đây là rào cản mà các nước xuất khẩu không thể vượt qua. Các nước xuất khẩu sẽ không thể tăng số lượng xuất khẩu vượt quá hạn ngạch đã cho phép. Hơn nữa khi nước nhập khẩu áp dụng biện pháp hạn chế số lượng thì số lượng và đối tượng hạn chế lại hoàn toàn tùy thuộc vào nước nhập khẩu và thường không minh bạch cho nên có nhiều khả năng là nước xuất khẩu sẽ bị phân biệt đối xử.
Vì là rào cản trực tiếp đối với thương mại quốc tế, nên hạn chế về số lượng là biện pháp đi ngược lại mục tiêu mở rộng tự do hóa thương mại của GATT/WTO và nó bị cấm áp dụng. Theo quy định tại Điều 11 GATT 1994:các nước thành viên không được phép thiết lập mới hay duy trì việc cấm và hạn chế về xuất nhập khẩu sản phẩm bằng hạn ngạch giấy phép hay bất cứ biện pháp nào khác loại trừ thuế quan và lệ phí.
Ngoại lệ của cam kết cấm áp dụng biện pháp hạn chế về số lượng
khi ngành sản xuất trong nước bị hoặc có nguy cơ bị thiệt hại nghiêm trọng do sự gia tăng ồ ạt của hàng nhập khẩu cùng lọai. Trong trường hợp này hạn chế về số lượng được cho phép áp dụng như là biện pháp tự vệ trong một thời hạn nhất định để ngăn chặn thiệt hại hoặc để cứu ngành sản xuất trong nước (Điều XIX GATT). Hoặc khi một nước thành viên được cho phép áp dụng biện pháp trả đũa đối với nước thành viên khác vì không tuân thủ nghĩa vụ của WTO thì hạn chế nhập khẩu cũng được cho phép áp dụng trong một chừng mực nhất định (khoản 2 điều XXIII). Hạn chế về số lượng cũng được phép áp dụng đối với mục đích bảo vệ cán cân thanh toán quốc tế của một nước thành viên (Khoản 2 Điều XVIII). Hay khi được miễn trừ thực hiện nghĩa vụ nào đó (điều XXV) ngoài ra hạn chế số lượng còn được áp dụng với các lý do như bảo vệ sức khỏe của con người, động vật, an ninh quốc phòng, lương thực,... (Điều XX, XXI). Tuy vậy, GATT cũng quy định rằng khi áp dụng hạn chế số lượng các nước phải tuân theo nguyên tắc không phân biệt đối xử (điều XIII)
- Giảm và tiến tới xóa bỏ hàng rào thuế quan:
Tổ chức thương mại thế giới chỉ cho phép các nước thành viên áp dụng thuế quan như là một biện pháp gián tiếp và duy nhất để bảo hộ sản xuất trong nước.
Thông thường các quốc gia thành viên sẽ tiến hành đàm phán với nhau về việc giảm và tiến tới xóa bỏ hàng rào thuế quan ba năm một lần, kết quả của các đàm phán này sẽ được áp dụng cho các nước thành viên khác theo nguyên tắc đối xử tối huệ quốc. Sau ba năm kết quả đó có thể được gia hạn tiếp hoặc các quốc gia tiến hành đàm phán lại và nó có giá trị bắt buộc với các nước thành viên
Kết quả đàm phán này được ghi trong biểu thuế suất nhượng bộ trong đó ghi rõ cam kết của từng nước theo Danh mục hàng mã thuế và thuế suất cam kết (khoản 7 điều II)
Căn cứ để các nước thành viên dựa vào để sửa đổi hoặc hủy bỏ nhượng bộ về thuế suất:
Thứ nhất, khi kết thúc thời hạn 3 năm thực hiện đề xuất nhượng bộ (Khoản 1 điều XXVIII); hoặc trong thời gian này có hoàn cảnh đặc biệt được đại hội đồng các nước thành viên thừa nhận ( khoản 4 Điều XXVIII):
Thứ hai, việc gia nhập đồng minh thuế quan. (Khoản 8 Điều XXIV GATT 1994)
Thứ ba, các nước thành viên có thể sửa đổi, hủy bỏ thuế xuất hiện bộ trong các trường hợp như thực hiện biện pháp khẩn cấp khi nhập khẩu tăng đột biến (Điều XIX GATT), trường hợp đặc biệt của các nước đang phát triển (Điều XVIII) đã đàm phán về thuế suất nhượng bộ với một nước sinh ra nhập WTO nhưng sau đó lại không trở thành thành viên của WTO, hoặc khi một nước thành viên của WTO rút khỏi tổ chức này.
- Xóa bỏ các hàng rào phi thuế quan
Mặc dù, mức thuế quan của các nước đã giảm đi đáng kể qua các vòng đàm phán nhưng thay vào đó các hàng rào phi thuế quan lại được các nước áp dụng nhiều hơn để hạn chế nhập khẩu và nó đồng nghĩa với việc cản trở tự do hóa thương mại quốc tế. Do đó giảm dần tiến tới xóa bỏ các biện pháp phi thuế quan ngày càng được chú trọng hơn trong WTO.
3.4 Ví dụ về nguyên tắc mở cửa thị trường
Đối với dịch vụ hàng không, cam kết về mở cửa thị trường của quốc gia A liên quan đến phương thức hiện diện thương mại của nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài bao gồm các điều kiện: chỉ được tham gia vào thị trường nước A dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc liên doanh với đối tác nước A đã được cấp phép cung cấp các dịch vụ này tại nước A; và phần vốn góp của phía nước ngoài không được vượt quá 52% vốn pháp định của liên doanh. Như vậy, quốc gia A đã thực hiện nguyên tắc mở cửa thị trường dựa trên cam kết mà quốc gia A kí kết với các quốc gia khác, cho phép cá nhân, pháp nhân nước ngoài được cung cấp dịch vụ hàng không tại nước A.
4. Nguyên tắc minh bạch
Cơ sở pháp lý:
- Hiệp định GATT
- Hiệp định GATS
Nội dung:
nhằm đảm bảo điều kiện thuận lợi cho tự do hóa thương mại quốc tế, nguyên tắc minh bạch yêu cầu các nước thành viên công bố sớm các biện pháp có liên quan đến hoặc tác động đến thương mại quốc tế, có nghĩa vụ thông báo nhanh chống về luật lệ mới thông qua hoặc sửa đổi, các quyết định tư pháp, quyết định hành chính, chỉ đạo hành chính có liên quan đến hoặc tác động đến thương mại quốc tế cho các cơ quan giám sát việc thực hiện các hiệp định thương mại đa phương của WTO, có nghĩa vụ nhanh chóng cung cấp thông tin về các biện pháp nêu trên khi được các nước thành viên khác yêu cầu.
Các chính sách và quy định pháp luật phải rõ ràng, dễ tiếp cận và ổn định. việc rà soát các chính sách thương mại này sẽ được Tổ chức thương mại thế giới WTO rà soát định kì
+ Ví dụ về nguyên tắc minh bạch
Quốc gia A đã kí cam kết mở cửa thị trường với lĩnh vực hàng không. Quá trình xây dựng và bạn hành chính sách liên quan đến lĩnh vực hàng không của quốc gia A được thực hiện theo một quy trình minh bạch, đơn giản đến mức cao nhất có thể. Các loại chính sách, quy định này được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi công dân, thể nhân trong và ngoài nước có thể tiếp cận một cách thuận lợi nhất và nhanh chóng nhất. Như vậy, quốc gia A đã tuân thủ nguyên tắc minh bạch.
5. Nguyên tắc thương mại công bằng
Nguyên tắc thương mại công bằng được hiểu là thương mại quốc tế được tiến hành trong điều kiện cạnh tranh bình đẳng như nhau
Mục tiêu mà tổ chức thương mại thế giới luôn hướng tới là mở rộng thương mại quốc tế thông qua các quy định và loại bỏ các hạn chế về số lượng, cắt giảm thuế quan và để các nước thành viên được hưởng các ưu đãi từ các quy định đó.
Tuy nhiên, đôi khi các quy định này cũng bị bóp méo làm mất tính chất lành mạnh ban đầu của nó như điều kiện cạnh tranh giữa các nước thành viên bị thay đổi. Trong trường hợp áp dụng chính sách trợ cấp xuất khẩu sẽ có thể làm cho giá của mặt hàng được hường trợ cấp đó thấp hơn giá hàng cùng loại của nước nhập khẩu hay của nước thứ ba không được trợ cấp hoặc bán phá giá trên thị trường nước ngoài sẽ có thể khiến cho hàng nội địa hoặc hàng cùa nước thứ ba mất khả nãng cạnh tranh về giá, dẫn đến thiệt hại vật chất cho ngành sản xuất của nước đó.
Ngoài ra, các biện pháp phi thuế quan của các nước như: tùy tiện định giá để đánh thuế quan ở mức cao, tùy tiện đưa ra các quy định vể tiêu chuẩn sản phẩm: điều kiện vệ sinh, về kiểm tra sản phẩm trước khi đưa xuống tàu,... sẽ tạo ra các rào cản đối với hàng nhập khẩu, làm cho sản phàm của nước áp dụng các biên pháp này có được ưu thế cạnh tranh hơn và như vậy là gián tiếp bảo hộ cho các ngành sản xuất trong nước.
Để giảm thiểu các vấn đề như trên, hiệp định GATT 1947 đã đưa ra các quy định liên quan đến áp dụng các biện pháp phi thuế quan này bằng một loạt các đạo luật nhằm đảm bảo các điéu kiên cạnh tranh công bằng trong thương mại quốc tế. Theo quy định tại Phụ lục 1A: "Các hiệp định đa phương về thương mại hàng hoá" của "Hiệp định Marrakesh thành lập WTO" ra dời năm 1995, gồm các hiệp định sau:
- Hiệp định chống bán phá giá và thuế đối kháng
- Hiệp định về trợ cấp và biện pháp đối kháng
- Hiệp định về các biện pháp tự vệ
- Hiệp định về định giá hải quan
- Hiệp định kiểm tả sản phẩm trước khi xuống tàu
- Hiệp định về các rào cản kỹ thuật đối với thương mại
- Hiệp định về biện pháp vệ sinh dịch tễ
- Hiệp định về thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu
* Ví dụ về nguyên tắc thương mại công bằng thông qua hiệp định chống bán phá giá
Quốc gia A có mặt hàng nông sản là gạo LM bán với mức giá 25.000đ/kg, nước A đã xuất khẩu gạo sang nước B và bán với giá 15.000đ/kg. Trong trường hợp này gạo LM đã bị bán phá giá từ nước A sang nước B
Theo quy định tại Điều VI của GATT quy định thì: việc sản phẩm của một nước được đưa vào kinh doanh thương mại trên thị trường của một nước khác với giá thấp hơn giá trị thông thường của sản phẩm, phải bị xử phạt nếu việc đó gây ra hoặc đe doạ gây ra thiệt hại đáng kể cho một ngành sản xuất trên lãnh thổ của một bên ký kết hay thực sự làm chậm chễ sự thành lập một ngành sản xuất trong nước. Việc quốc gia A đưa ra mức giá thấp hơn rất nhiều so với giá trị thông thường của sản phẩm như vậy sẽ gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất gạo nội địa của quốc gia B. Như vậy, quốc gia A đã vi phạm Điều VI của GATT- vi phạm nguyên tắc thương mại công bằng.