1. Cách tính thời hạn theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015
Thời hạn trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 được quy định để tiến hành các hoạt động tố tụng giải quyết vụ án hình sự hoặc áp dụng các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế. Việc quy định thời hạn một cách hợp lý không chỉ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân mà còn đảm bảo cho hoạt động tố tụng được tiến hành một cách nhanh chóng và hợp lý. Theo đó, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định cụ thể về cách tính thời hạn cũng như từng thời hạn cụ thể cho từng trường hợp.
Theo Điều 134 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì cách tính thời hạn được quy định như sau:
(1) Thời hạn mà Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định được tính theo giờ, ngày, tháng, năm. Đêm được tính từ 22 giờ đến 06 sáng ngày hôm sau.
(2) Khi tính thời hạn theo ngày thì thời hạn sẽ hết vào lúc 24 giờ ngày cuối cùng của thời hạn.
(3) Khi tính thời hạn theo tháng thì thời hạn hết vào ngày trùng của tháng sau; nếu tháng đó không có ngày trùng thì thời hạn hết vào ngày cuối cùng của tháng đó; nếu thời hạn hết vào ngày nghỉ thì ngày làm việc đầu tiên tiếp theo được tính là ngày cuối cùng của thời hạn.
(4) Khi tính thời hạn tạm giữ, tạm giam thì thời hạn hết vào ngày kết thúc thời hạn được ghi trong lệnh, quyết định. Nếu thời hạn được tính bằng tháng thì 01 tháng được tính là 30 ngày.
(5) Trong trường hợp có đơn hoặc giấy tờ gửi qua dịch vụ bưu chính thì thời hạn được tính theo dấu bưu chính nơi gửi. Nếu có đơn hoặc giấy tờ gửi qua cơ sở giam giữ thì thời hạn được tính từ ngày Trưởng Nhà tạm giữ, Trưởng Buồng tạm giữ thuộc Đồn biên phòng, Giám thị Trại tạm giam, Giám thị Trại giam nhận đơn hoặc giấy tờ đó.
Theo quy định trên, thời hạn mà Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định được tính theo giờ, ngày, tháng, năm, còn ban đêm được tính từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau.Cụ thể:
(1) Thời hạn tính theo giờ: được quy định để áp dụng cho những vấn đề mang tính cấp bách, phải được xử lý ngay vì nếu chậm trễ có thể ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc giải quyết vụ án.
Ví dụ: Thời hạn trong việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người,...
(2) Thời hạn tính theo ngày: được quy định để áp dụng cho các vấn đề cần nhiều thời gian để giải quyết, xử lý hơn các vấn đề được quy định thời hạn theo giờ. Các vấn đề này thường được giải quyết trong thời hạn quá 24 giờ. Khi tính thời hạn theo ngày thì thời hạn sẽ hết vào lúc 24 giờ ngày cuối cùng của thời hạn.
Ví dụ: Thời hạn tạm giữ (Điều 118 Bộ luật tố tụng hình sự 2015);...
(3) Thời hạn tính theo tháng: được quy định để áp dụng cho thời hạn để các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiến hành các hoạt động tú tụng để giải quyết vụ án trong giai đoạn tố tụng. Khi tính thời hạn theo tháng thì một tháng được tính bằng 30 ngày, thời hạn hết vào ngày trùng của tháng sau, nếu tháng đó không có ngày trùng thì thời hạn hết vào ngày cuối cùng của tháng đó.
Ví dụ: Thời hạn tạm giam để điều tra (Điều 173 Bộ luật tố tụng hình sự 2015); ...
(4) Thời hạn tính theo năm: được quy định để áp dụng cho việc xem xét, giải quyết các vấn đề trong một thời gian dài mà không thể tính theo ngày, tháng.
Vi dụ: Thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm (Điều 379 Bộ luật tố tụng hình sự 2015); Thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm (Điều 401 Bộ luật tố tụng hình sự 2015);...
2. Cách xác định thời hạn điều tra
2.1. Cách tính thời hạn điều tra
Tại Điều 172 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về thời hạn điều tra như sau:
(1) Thời hạn điều tra vụ án hình sự không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ khi khởi tố vụ án đến khi kết thúc điều tra.
(2) Trường hạn cần gia hạn điều tra do tính chất phức tạp của vụ án thì chậm nhất là 10 ngày trước khi hết thời hạn điều tra, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn điều tra. Việc gia hạn điều tra được quy định như sau:
+ Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra một lần không quá 02 tháng;
+ Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra hai lần, lần thứ nhất không quá 03 tháng và lần thứ hai không quá 02 tháng;
+ Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra hai lần, mỗi lần không quá 04 tháng;
+ Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra ba lần, mỗi lần khống quá 04 tháng;
(3) Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng mà thời hạn gia hạn điều tra đã hết nhưng do tính chất rất phức tạo của vụ án mà chưa thể kết thúc việc điều tra thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân tối cao có thể gia hạn thêm một lần không quá 04 tháng.
Đối với tội phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền gia hạn thêm một lần không quá 04 tháng.
(4) Trường hợp thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự, nhập vụ án thì tổng thời hạn điều tra không vượt quá thời hạn quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 172 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
2.2. Thẩm quyền gia hạn điều tra của Viện kiểm sát
Thứ nhất, đối với tội phạm ít nghiêm trọng thì Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, Viện kiểm sát quân sự khu vực gia hạn điều tra. Trường hợp vụ án do Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Cơ quan điều tra cấp quân khu thụ lý điều tra thì Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu gia hạn điều tra;
Thứ hai, đối với tội phạm nghiêm trọng thì Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, Viện kiểm sát quân sự khu vực gia hạn điều tra lần thứ nhất và lần thứ hai. Trường hợp vụ án do Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Cơ quan điều tra cấp quân khu thụ lý điều tra thì Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu gia hạn điều tra lần thứ nhất và lần thứ hai;
Thứ ba, đối với tội phạm rất nghiêm trọng thì Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, Viện kiểm sát quân sự khu vực gia hạn điều tra lần thứ nhất; Viện kiếm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quận khu gia hạn điều tra lần thứ hai. Trường hợp vụ án do Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Cơ quan điều tra cấp quân khu thu lý điều tra thì Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu gia hạn điều tra lần thứ nhất và lần thứ hai;
Thứ tư, đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự quân khu gia hạn điều tra lần thứ nhất và lần thứ hai; Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát quân sự trung ương gia hạn điều tra lần thứ ba.
Trường hợp vụ án do Cơ quan điều tra Bộ Công an, Cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao thụ lý điều tra thì việc gia hạn điều tra thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân tối cáo, Viện kiểm sát quân sự trung ương.
Trên đây là bài viết của Luật Minh Khuê gửi tới Quý bạn đọc các nội dung liên quan đến vấn đề "Cách tính thời hạn theo Bộ luật tố tụng hình sự mới nhất". Mọi vướng mắc liên quan đến vấn đề trên hoặc bất kỳ vấn đề pháp lý nào khác, Quý khách hàng vui lòng liên hệ tới Luật Minh Khuê qua đầu số tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 19006162 hoặc gửi yêu cầu tư vấn qua địa chỉ email lienhe@luatminhkhue.vn, để được đội ngũ Luật sư, chuyên viên của chúng tôi hỗ trợ tư vấn và giải đáp nhanh chóng.
Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!
Trân trọng./.