1. Cách tính việc cộng nối thời gian hưởng bảo hiểm xã hội?

Thưa luật sư, xin hỏi: Tôi xin công ty tư vấn giúp về việc cộng nối thời gian hưởng bảo hiểm xã hội. Tôi làm việc trong biên chế từ 1975; tháng 10/1990 đến tháng 9/1993 tôi nghỉ việc riêng không hưởng lương (có đơn và được sự đồng ý của thủ trưởng cơ quan).
Tháng 10/1993 đến tháng 9/1997 được sự đồng ý của thủ trưởng cơ quan tôi làm đơn xin đi học đại học với hình thức tự túc kinh phí học tập. Sau khi tốt nghiệp đại học tôi công tác liên tục cho đến nay.
Vậy xin quý công ty tư vấn giúp tôi thời gian trên của tôi có được tính là thời gian công tác liên tục để được hưởng bảo hiểm xã hội không?
 Xin chân thành cảm ơn quý công ty.

 

Luật sư trả lời:

Theo thông tin dữ liệu bạn đưa ra thì chúng tôi có thể xác định được bạn đang có nhu cầu muốn hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định như sau:

"Điều 60. Bảo hiểm xã hội một lần

1. Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 của Luật này mà có yêu cầu thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 54 của Luật này mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội hoặc theo quy định tại khoản 3 Điều 54 của Luật này mà chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện;

b) Ra nước ngoài để định cư;

c) Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế;

d) Trường hợp người lao động quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 2 của Luật này khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu.

2. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau:

a) 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014;

b) 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi;

c) Trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ một năm thì mức hưởng bảo hiểm xã hội bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

3. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều này không bao gồm số tiền Nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều này.

4. Thời điểm tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần là thời điểm ghi trong quyết định của cơ quan bảo hiểm xã hội."

Như vậy, đối chiếu theo quy định pháp luật trên thì khi tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ tính tổng thời gian đóng bảo hiểm xã hội mà chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần để chi trả cho bạn. 

Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ ​1900.6162 để được giải đáp. Xem thêm: Thủ tục, hồ sơ cộng nối thời gian công tác đóng BHXH trong quân đội

 

2. Hỏi về việc cộng nối thời gian tham gia BHXH?

Xin chào Luật Minh Khuê! Tên tôi là: Nguyễn Văn Đóa, sinh năm 1963. Từ tháng 9/1983 đến tháng 11/1992 tôi có tham gia công tác trong quân đội nhân dân Việt Nam, sau đó về phục viên, hiện chưa được hưởng trợ cấp xã hội một lần. Từ tháng 2/2002 đến tháng 6/2011, tôi tham gia công tác tại xã, làm cán bộ không chuyên trách cấp xã (không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc).
Trong khoảng thời gian từ tháng 1/2008 đến tháng 6/2011, do được cán bộ BHXH huyện Điện Biên đến xã tuyên truyền vận động nên tôi tham gia đóng bảo hiểm tự nguyện. Tiếp theo từ tháng 7/2011 đến nay, tôi chuyển sang đóng BHXH bắt buộc do được tuyển dụng làm cán bộ công chức cấp xã (giữ các chức vụ: Phó CT UBND, CT UBND và Bí thư Đảng ủy xã).
Vậy xin hỏi tôi có được cộng nối thời gian công tác trong quân đội để được hưởng trợ cấp xã hội không?

 

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014:

"Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:

a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;

c) Cán bộ, công chức, viên chức;

d) Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;

đ) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;

e) Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí;

g) Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

h) Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;

i) Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn."

Ngoài ra, theo quy định tại khoản 6 Điều 123 Luật BHXH: "người lao động có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 nếu đủ điều kiện hưởng nhưng chưa được giải quyết trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp một lần, trợ cấp xuất ngũ, phục viên thì thời gian đó được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội. Việc tính thời gian công tác trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 để hưởng bảo hiểm xã hội được thực hiện theo các văn bản quy định trước đây về tính thời gian công tác trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 để hưởng bảo hiểm xã hội của cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, quân nhân và công an nhân dân."

Như vậy, thời gian bạn công tác trong quân đội từ tháng 9/1983 đến tháng 11/1992 được tính là thời gian tham gia bảo hiểm xã hội. Theo như thông tin mà bạn cung cấp, bạn vẫn chưa hưởng trợ cấp một lần sau khi phục viên xuất ngũ. Do đó, thời gian bạn phục vụ trong quân đội nhân dân Việt Nam được quy đổi thành thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo các quy định riêng về chế độ đối với quân nhân. Việc cộng nối thời gian tham gia BHXH được thực hiện theo quy định tại Điều 23 Nghị định 115/2015/NĐ_CP hướng dẫn luật bảo hiểm xã hội bắt buộc:

Điều 23. Tính thời gian công tác trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 để hưởng bảo hiểm xã hội

"1. Người lao động có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 mà được tính là thời gian công tác liên tục nhưng chưa được giải quyết trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp một lần, bảo hiểm xã hội một lần thì thời gian đó được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội. Cụ thể:

a) Người lao động làm việc trong khu vực nhà nước liên tục công tác đến ngày 01 tháng 01 năm 1995 mà chưa được giải quyết trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp một lần, bảo hiểm xã hội một lần thì thời gian làm việc trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 đó được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội;

b) Người lao động có thời gian công tác gián đoạn hoặc đã nghỉ việc trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 thì việc xác định thời gian công tác để tính hưởng bảo hiểm xã hội được thực hiện theo các văn bản quy định trước đây về tính thời gian công tác trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 để hưởng bảo hiểm xã hội, trừ quy định tại Điều 3 của Nghị định số 66/CP ngày 30 tháng 9 năm 1993 của Chính phủ quy định tạm thời chế độ bảo hiểm xã hội đối với lực lượng vũ trang; Điều 3 của Nghị định 43/CP ngày 22 tháng 6 năm 1993 của Chính phủ quy định tạm thời chế độ bảo hiểm xã hội; Điều 54 của Điều lệ bảo hiểm xã hội ban hành kèm theo Nghị định số 12/CP ngày 26 tháng 01 năm 1995 của Chính phủ; Điều 49 Điều lệ Bảo hiểm xã hội đối với sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan, binh sỹ Quân đội nhân dân và Công an nhân dân ban hành kèm theo Nghị định số 45/CP ngày 15 tháng 7 năm 1995 của Chính phủ và Khoản 4 Điều 139 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006.

c) Người đang hưởng trợ cấp bệnh binh, sau đó có thời gian tham gia công tác và đóng bảo hiểm xã hội thì ngoài chế độ bệnh binh còn được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội. Thời gian tính hưởng bảo hiểm xã hội là thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội, thời gian công tác tính hưởng chế độ bệnh binh không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội.

Như vậy trường hợp của bạn bạn nhập ngũ tháng 5 năm 1972, sau đó về địa phương công tác xã hội, làm cán bộ chuyên trách từ năm 2000 đến nay. Căn cứ vào điểm b, khoản 1 Điều 23 Nghị định 115/2015/NĐ-CP như trên thì trường hợp này người lao động có thời gian công tác gián đoạn trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 thì việc xác định thời gian công tác để tính hưởng bảo hiểm xã hội được thực hiện theo các văn bản quy định trước đây về tính thời gian công tác trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 để hưởng bảo hiểm xã hội, trừ quy định tại Điều 3 của Nghị định số 66/CP ngày 30 tháng 9 năm 1993 của Chính phủ quy định tạm thời chế độ bảo hiểm xã hội đối với lực lượng vũ trang; Điều 3 của Nghị định 43/CP ngày 22 tháng 6 năm 1993 của Chính phủ quy định tạm thời chế độ bảo hiểm xã hội; Điều 54 của Điều lệ bảo hiểm xã hội ban hành kèm theo Nghị định số 12/CP ngày 26 tháng 01 năm 1995 của Chính phủ; Điều 49 Điều lệ Bảo hiểm xã hội đối với sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan, binh sỹ Quân đội nhân dân và Công an nhân dân ban hành kèm theo Nghị định số 45/CP ngày 15 tháng 7 năm 1995 của Chính phủ và Khoản 4 Điều 139 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006.

 

3. Điều kiện cộng nối thời gian đóng BHXH khi công tác trong quân đội?

Kính gửi công ty Luật Minh Khuê! Tôi mong được công ty giải đáp câu hỏi như sau: Tôi sinh năm 1963, từ tháng 9/1983 đến tháng 11/1992 tôi có tham gia công tác trong quân đội nhân dân Việt Nam, sau đó về phục viên, hiện chưa được hưởng trợ cấp xã hội một lần.
Từ tháng 2/2002 đến tháng 6/2011 Tôi tham gia công tác tại xã, làm cán bộ không chuyên trách cấp xã (không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc). Trong khoảng thời gian này vào tháng 01 năm 2008, do được cán bộ bảo hiểm xã hội huyện Điện Biên đến xã tuyên truyền vận động tôi tham gia đóng bảo hiểm tự nguyện, để sau được hưởng trợ cấp xã hội. (Tôi thấy đây là chính sách ưu việt của Đảng và Nhà nước nên tôi tham gia đóng BHXH tự nguyện từ 01/2008 - tháng 6/2011). Tiếp theo từ tháng 7/2011 đến nay tôi chuyển sang đóng BHXH bắt buộc do được tuyển dụng làm cán bộ công chức cấp xã (giữ các chức vụ: Phó CT UBND, CT UBND và Bí thư Đảng ủy xã). Vậy xin hỏi Tôi có được cộng nối thời gian công tác trong quân đội theo Nghị định 153/2013 của Chính phủ không?
Trân trọng cảm ơn !

>> Luật sư tư vấn luật lao động trực tuyến, gọi:1900.6162

 

Trả lời:

Theo Điều 4 Nghị định 153/2013 của Chính phủ Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2007/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân:

"Điều 4. Nguyên tắc bảo hiểm xã hội

Nguyên tắc bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 5 Luật Bảo hiểm xã hội, thực hiện như sau:

1. Mức hưởng bảo hiểm xã hội được tính trên Cơ sở mức đóng, thời gian đóng bảo hiểm xã hội và có chia sẻ giữa những người tham gia bảo hiểm xã hội.

2. Mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính trên Cơ sở tiền lương của người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định này hoặc tính trên mức lương tối thiểu chung đối với người lao động quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định này.

3. Người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, thì thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được cộng với thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện để làm Cơ sở tính hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất.

4. Quỹ bảo hiểm xã hội do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý thống nhất. Phần quỹ bảo hiểm xã hội do Bảo hiểm xã hội Việt Nam cấp và phần người sử dụng lao động giữ lại theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 92 Luật Bảo hiểm xã hội được quản lý, sử dụng đúng mục đích, đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch.

5. Việc thực hiện bảo hiểm xã hội phải đơn giản, dễ đàng, thuận tiện, bảo đảm kịp thời và đầy đủ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội.

Đồng thời, theo Khoản 7 Điều 1 Thông tư liên tịch số 101/2014/TTLT-BQP-BCA-BLĐTBXH của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội-Bộ Công an-Bộ Quốc phòng : Sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư liên tịch số 148/2007/TTLT/BQP-BCA-BLĐTBXH ngày 14 tháng 9 năm 2007 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 68/2007/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu

"7. Bổ sung Khoản 9 a vào phần C Thông tư liên tịch số 148/2007/TTLT/BQP-BCA-BLĐTBXH như sau:

“9 a. Quân nhân, công an nhân dân phục viên, xuất ngũ, thôi việc trước ngày 15/12/1993, sau đó chuyển sang làm việc có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp Nhà nước, hưởng lương từ ngân sách Nhà nước hoặc các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, hợp tác xã, hộ kinh tế cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác (gọi chung là đơn vị; bao gồm cả người làm việc tại y tế xã, phường, thị trấn, giáo viên mầm non hoặc giữ các chức danh ở xã, phường, thị trấn trước ngày 01/01/1995 được tính hưởng bảo hiểm xã hội sau đó chuyển sang các đơn vị trong và ngoài Nhà nước) và cá nhân có thuê mướn, sử dụng và trả công cho người lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc cả năm chế độ mà không hưởng chế độ trợ cấp theo quy định tại Quyết định số 47/2002/QĐ-TTg ngày 11 tháng 4 năm 2002; Điểm a khoản 1 Điều 1 Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2005; Quyết định số 92/2005/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2005; Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27 tháng 10 năm 2008; Quyết định số 38/2010/QĐ-TTg ngày 06 tháng 5 năm 2010; Quyết định số 53/2010/QĐ-TTg ngày 20 tháng 8 năm 2010 và Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 09 tháng 11 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ thì được cộng nối thời gian công tác trong Quân đội, Công an trước đó với thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội sau này để tính hưởng bảo hiểm xã hội"

Đối với trường hợp của bạn, từ tháng 9/1983 đến tháng 11/1992 có tham gia công tác trong quân đội nhân dân Việt Nam, sau đó về phục viên, hiện chưa được hưởng trợ cấp xã hội một lần, thời điểm này  là trước 1993; đến tháng 7/2011 đến nay bạn chuyển sang đóng BHXH bắt buộc do được tuyển dụng làm cán bộ công chức cấp xã. Do đó, trường hợp của bạn được cộng nối thời gian công tác trong Quân đội, Công an trước đó với thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội sau này để tính hưởng bảo hiểm xã hội theo đúng điều khoản này.

 

4. Cộng nối thời gian tại ngũ để hưởng chế độ của bảo hiểm xã hội?

Thưa Luật sư! Tôi đi nghĩa vụ ở quần đảo Trường Sa từ tháng 1 năm 2001 và xuất ngũ năm 2003. Đến năm 2004, tôi được nhận vào doanh nghiệp nhà nước làm, được biên chế và tham gia BHXH bắt buộc.
Theo Nghị định 122/2006/NĐ-CP và thông tư số 213/2006/TT-BQP, mục II của thông tư có nêu chi tiết “Thời gian phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội để làm cơ sở hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội” và thời gian tính hưởng BHXH = Thời gian đóng BHXH cơ quan, tổ chức bên ngoài quân đội + Thời gian phục vụ tại ngũ + Thời gian đóng BHXH cơ quan, tổ chức ngoài quân đội. Căn cứ vào các quy định ở trên tôi đã làm thủ tục gủi cơ quan quản lý BHXH trên địa bàn để cộng nối BHXH thời gian phục vụ tại ngũ, nhưng cơ quan này trả lời là không được cộng nối, chỉ được cộng nối cho những người đi nghĩa vụ từ 15/12/1993 trở về trước. Vậy tôi xin hỏi quý ông cơ quan BHXH huyện xử lý thế có đúng không?
Xin chân thành cảm ơn!

Trả lời: 

- Theo quy định tại Khoản 7 Điều 1 Thông tư 101/2014/TTLT-BQP-BCA-BLĐTBXH:

Quân nhân, công an nhân dân phục viên, xuất ngũ, thôi việc trước ngày 15/12/1993, sau đó chuyển sang làm việc có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp Nhà nước, hưởng lương từ ngân sách Nhà nước hoặc các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, hợp tác xã, hộ kinh tế cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác (gọi chung là đơn vị; bao gồm cả người làm việc tại y tế xã, phường, thị trấn, giáo viên mầm non hoặc giữ các chức danh ở xã, phường, thị trấn trước ngày 01/01/1995 được tính hưởng bảo hiểm xã hội sau đó chuyển sang các đơn vị trong và ngoài Nhà nước) và cá nhân có thuê mướn, sử dụng và trả công cho người lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc cả năm chế độ mà không hưởng chế độ trợ cấp theo quy định tại Quyết định số 47/2002/QĐ-TTg ngày 11 tháng 4 năm 2002; Điểm a Khoản 1 Điều 1 Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2005; Quyết định số 92/2005/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2005; Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27 tháng 10 năm 2008; Quyết định số 38/2010/QĐ-TTg ngày 06 tháng 5 năm 2010; Quyết định số 53/2010/QĐ-TTg ngày 20 tháng 8 năm 2010 và Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 09 tháng 11 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ thì được cộng nối thời gian công tác trong Quân đội, Công an trước đó với thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội sau này để tính hưởng bảo hiểm xã hội.

- Căn cứ pháp lý cho lý do của cơ quan là quy định nêu trên. Tuy nhiên, theo pháp luật hiện hành, đây không phải là trường hợp duy nhất được cộng nối thời gian tại ngũ để tính thời gian hưởng BHXH. Thông tư 213/2006/TT-BQP  quy định:

3.4. Thời gian phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội để làm cơ sở hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.

3.4.1. Nếu xuất ngũ về địa phương thì tính: Thời gian làm việc tại cơ quan nhà nước, tổ chức, cơ sở kinh tế thuộc các thành phần kinh tế được cộng với thời gian tại ngũ để tính hưởng trợ cấp xuất ngũ từ nguồn bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội do Bảo hiểm xã hội Quân đội chi trả.

3.4.2. Nếu xuất ngũ về cơ quan cũ hoặc các cơ quan nhà nước, tổ chức, cơ sở kinh tế thuộc các thành phần kinh tế mà tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội thì được cộng thời gian trước (nếu có), thời gian tại ngũ để làm cơ sở tính hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội sau này.

Tổng thời gian tính hưởng BHXH = Thời gian đóng BHXH cơ quan, tổ chức bên ngoài quân đội + Thời gian phục vụ tại ngũ + Thời gian đóng BHXH cơ quan, tổ chức bên ngoài quân đội

Như vậy, trường hợp của bạn cũng có thể cộng nối thời gian để tính thời gian hưởng bảo hiểm xã hội.

 

5. Cộng nối thời gian đóng bảo hiểm xã hội

Anh chị cho em hỏi: Em làm mất giấy quyết định nghỉ việc giờ sang công ty mới em muốn nối bảo hiểm liệu không có giấy quyết định nghỉ việc có nối được không ah.

Luật sư trả lời:

Căn cứ theo quy định tại khoản 5 điều 3 Luật bảo hiểm xã hội 2014. thì thời gian đóng bảo hiểm xã hội được tính là thời gian bắt đầu người la động tham gia bảo hiểm xã hội đến khi dừng đóng. Cụ thể:

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.

2. Bảo hiểm xã hội bắt buộc là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia.

3. Bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình và Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội để người tham gia hưởng chế độ hưu trí và tử tuất.

4. Quỹ bảo hiểm xã hội là quỹ tài chính độc lập với ngân sách nhà nước, được hình thành từ đóng góp của người lao động, người sử dụng lao động và có sự hỗ trợ của Nhà nước.

5. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội là thời gian được tính từ khi người lao động bắt đầu đóng bảo hiểm xã hội cho đến khi dừng đóng. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội không liên tục thì thời gian đóng bảo hiểm xã hội là tổng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.

6. Thân nhân là con đẻ, con nuôi, vợ hoặc chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, cha vợ hoặc cha chồng, mẹ vợ hoặc mẹ chồng của người tham gia bảo hiểm xã hội hoặc thành viên khác trong gia đình mà người tham gia bảo hiểm xã hội đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.

7. Bảo hiểm hưu trí bổ sung là chính sách bảo hiểm xã hội mang tính chất tự nguyện nhằm mục tiêu bổ sung cho chế độ hưu trí trong bảo hiểm xã hội bắt buộc, có cơ chế tạo lập quỹ từ sự đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động dưới hình thức tài khoản tiết kiệm cá nhân, được bảo toàn và tích lũy thông qua hoạt động đầu tư theo quy định của pháp luật.

Theo quy định thì thời gian tham gia bảo hiểm xã hội sẽ được ghi nhận trên sổ bảo hiểm xã hội của bạn, theo đó, khi bạn chấm dứt hợp đồng lao động với người sử dụng lao động thì người sử dụng lao động phải có trách nhiệm chốt sổ và trả sổ bảo hiểm xã hội lại cho bạn. Khi bạn muốn tiếp tục ký kết hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội tại công ty mới thì chỉ cần nộp sổ bảo hiểm xã hội ở công ty cũ ( đã chốt) cho công ty mới chứ không cần nộp lại quyết định nghỉ việc của công ty cũ nơi bạn đã nghỉ việc.

Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.6162 để được giải đáp. Trân trọng./.