Hằng ngày chất thải của trang trại gây ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của người dân (vì khoảng cách quá gần 1m). Tuy trang trại này mở ở vùng nông thôn nhưng cũng là khu dân cư. Vậy cho tôi hỏi trang trại này mở như vậy là đúng hay sai ạ. Và quy định của pháp luật về xử lý việc chăn nuôi trong khu dân cư là như thế nào ạ. Tôi xin chân thành cảm ơn.

Người gửi: Thuy Xuan

Luật sư trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Khuê. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

Cơ sở pháp lý:

Luật bảo vệ môi trường năm 2014

Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012

Nghị định 155/2016/NĐ-CP

Luật sư tư vấn:

1. Bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp

Hoạt động của nhà hàng xóm là sản xuất trong nông nghiệp, vậy nên việc chăn nuôi gà với số lượng lớn thì cần phải đáp ứng được các yêu cầu về bảo vệ môi trường là yếu tố quan trọng hàng đầu. Nước ta đã có quy định trong luật về hoạt động sản xuất, kinh doanh gắn liền với hoạt động bảo vệ môi trường.

Căn cứ theo Điều 69 Luật bảo vệ môi trường năm 2014 quy định về bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp như sau:

Điều 69. Bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp

1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y phải thực hiện quy định về bảo vệ môi trường tại khoản 1 và khoản 2 Điều 78 của Luật này.

2. Phân bón, sản phẩm xử lý môi trường chăn nuôi đã hết hạn sử dụng; dụng cụ, bao bì đựng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y sau khi sử dụng phải được xử lý theo quy định về quản lý chất thải.

3. Khu chăn nuôi tập trung phải có phương án bảo vệ môi trường và đáp ứng yêu cầu sau:

a) Bảo đảm vệ sinh môi trường đối với khu dân cư;

b) Thu gom, xử lý nước thải, chất thải rắn theo quy định về quản lý chất thải;

c) Chuồng, trại phải được vệ sinh định kỳ; bảo đảm phòng ngừa, ứng phó dịch bệnh;

d) Xác vật nuôi bị chết do dịch bệnh phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải nguy hại và vệ sinh phòng bệnh.

Như vậy, để trả lời câu hỏi của bạn là trang trại này hoạt động như vậy là đúng hay sai thì chúng ta chỉ cẩn căn cứ vào nội dung của Điều 69 như trên là có câu trả lời. Nếu hoạt động chăn nuôi của trang trại này mà không đáp ứng được quy định như nội dung trên thì chứng tỏ là có sự vi phạm về bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp.

2. Xử lý đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường

Cơ chế xử lý đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường tùy vào mức độ vi phạm mà có thể phạt hành chính như cảnh cáo, phạt tiền và nặng hơn thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nhưng trước hết và phải thực hiện kịp thời là buộc chấm dứt hành vi gây ô nhiễm môi trường và buộc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.

Căn cứ Điều 107 Luật bảo vệ môi trường năm 2014 quy định về trách nhiệm trong khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường như sau:

"Điều 107. Trách nhiệm trong khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường.

1. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm sau:

a) Có phương án cải tạo, phục hồi môi trường khi tiến hành các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường;

b) Tiến hành biện pháp khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường khi gây ô nhiễm môi trường;

c) Trường hợp có nhiều tổ chức, cá nhân cùng gây ô nhiễm môi trường mà không tự thỏa thuận được về trách nhiệm thì cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường phối hợp với tổ chức, cá nhân có liên quan làm rõ trách nhiệm của từng đối tượng trong việc khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức điều tra, xác định khu vực môi trường bị ô nhiễm trên địa bàn, hằng năm báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường.

3. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm sau:

a) Quy định tiêu chid phân loại khu vực ô nhiễm môi trường;

b) Hướng dẫn thực hiện hoạt động cải tạo, phục hồi môi trường; kiểm tra xác nhận hoàn thành khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường;

c) Điều tra, đánh giá và tổ chức thực hiện các hoạt động khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường đối với các khu vực bị ô nhiễm liên tỉnh.

4. Trường hợp môi trường bị ô nhiễm do thiên tai gây ra hoặc chưa xác định được nguyên nhân thì bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm huy động nguồn lực để tổ chức khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường."

Như vậy trước hết căn cứ theo Khoản 1 điều này thì nhà hàng xóm của bạn sẽ phải có biện pháp khắc phục ô nhiễm trước hết là dừng việc xả thải gây mùi làm ảnh hưởng đến gia đình bạn, sau đó cần phải có phương án về xử lý chất thải nuôi gà. Việc này chính quyền địa phương có thẩm quyền giám sát và xử lý. Nếu không đảm bảo việc bảo vệ môi trường mà tiếp tục vi phạm thì có thể bị xử phạt hành chính với số tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 Nghị định 155/2016/NĐ-CP.

Từ những phân tích cùng với các quy định pháp luật nêu trên bạn có thể nhận thấy rõ ràng việc chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường của nhà hàng xóm là có căn cứ và có cơ chế để xử lý. Thế nên bước đầu tiên để giải quyết vấn đề này là các hộ dân xung quanh cần có thông báo đến chính quyền địa phương để được giải quyết theo các trình tự, thủ tục như trong bài viết đã nêu.

3. Nguyên tắc bảo vệ môi trường

- Bảo vệ môi trường là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân.

- Bảo vệ môi trường gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế, an sinh xã hội, bảo đảm quyền trẻ em, thúc đẩy giới và phát triển, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu để bảo đảm quyền mọi người được sống trong môi trường trong lành.

- Bảo vệ môi trường phải dựa trên cơ sở sử dụng hợp lý tài nguyên, giảm thiểu chất thải.

- Bảo vệ môi trường quốc gia gắn liền với bảo vệ môi trường khu vực và toàn cầu; bảo vệ môi trường bảo đảm không phương hại chủ quyền, an ninh quốc gia.

- Bảo vệ môi trường phải phù hợp với quy luật, đặc điểm tự nhiên, văn hóa, lịch sử, trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

- Hoạt động bảo vệ môi trường phải được tiến hành thường xuyên và ưu tiên phòng ngừa ô nhiễm, sự cố, suy thoái môi trường.

- Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng thành phần môi trường, được hưởng lợi từ môi trường có nghĩa vụ đóng góp tài chính cho bảo vệ môi trường.

- Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân gây ô nhiễm, sự cố và suy thoái môi trường phải khắc phục, bồi thường thiệt hại và trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

4. Chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường

- Tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia hoạt động bảo vệ môi trường; kiểm tra, giám sát việc thực hiện hoạt động bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

- Tuyên truyền, giáo dục kết hợp với biện pháp hành chính, kinh tế và biện pháp khác để xây dựng kỷ cương và văn hóa bảo vệ môi trường.

- Bảo tồn đa dạng sinh học; khai thác, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; phát triển năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; đẩy mạnh tái chế, tái sử dụng và giảm thiểu chất thải.

- Ưu tiên xử lý vấn đề môi trường bức xúc, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ô nhiễm môi trường nguồn nước; chú trọng bảo vệ môi trường khu dân cư; phát triển hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường.

- Đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường; bố trí khoản chi riêng cho bảo vệ môi trường trong ngân sách với tỷ lệ tăng dần theo tăng trưởng chung; các nguồn kinh phí bảo vệ môi trường được quản lý thống nhất và ưu tiên sử dụng cho các lĩnh vực trọng điểm trong bảo vệ môi trường.

- Ưu đãi, hỗ trợ về tài chính, đất đai cho hoạt động bảo vệ môi trường, cơ sở sản xuất, kinh doanh thân thiện với môi trường.

- Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực về bảo vệ môi trường.

- Phát triển khoa học, công nghệ môi trường; ưu tiên nghiên cứu, chuyển giao và áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường; áp dụng tiêu chuẩn môi trường đáp ứng yêu cầu tốt hơn về bảo vệ môi trường.

- Gắn kết các hoạt động bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên với ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh môi trường.

- Nhà nước ghi nhận, tôn vinh cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân có đóng góp tích cực trong hoạt động bảo vệ môi trường.

- Mở rộng, tăng cường hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường; thực hiện đầy đủ cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường.

5. Những hoạt động bảo vệ môi trường được khuyến khích

- Truyền thông, giáo dục và vận động mọi người tham gia bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học.

- Bảo vệ, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên.

- Giảm thiểu, thu gom, tái sử dụng và tái chế chất thải.

- Hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; giảm thiểu phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, phá hủy tầng ô-dôn.

- Đăng ký cơ sở, sản phẩm thân thiện với môi trường; sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng sản phẩm thân thiện với môi trường.

- Nghiên cứu khoa học, chuyển giao, ứng dụng công nghệ xử lý, tái chế chất thải, công nghệ thân thiện với môi trường.

- Đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất thiết bị, dụng cụ bảo vệ môi trường; cung cấp dịch vụ bảo vệ môi trường; thực hiện kiểm toán môi trường; tín dụng xanh; đầu tư xanh.

- Bảo tồn và phát triển nguồn gen bản địa; lai tạo, nhập nội các nguồn gen có giá trị kinh tế và có lợi cho môi trường.

- Xây dựng thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, khu dân cư thân thiện với môi trường.

- Phát triển các hình thức tự quản và tổ chức hoạt động dịch vụ giữ gìn vệ sinh môi trường của cộng đồng dân cư.

- Hình thành nếp sống, thói quen giữ gìn vệ sinh môi trường, xóa bỏ hủ tục gây hại đến môi trường.

- Đóng góp kiến thức, công sức, tài chính cho hoạt động bảo vệ môi trường; thực hiện hợp tác công tư về bảo vệ môi trường.

Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900 6162 để được giải đáp.

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật Hành chính - Công ty luật Minh Khuê