1. Chế độ ăn, ở của người bị tạm giữ, người bị tạm giam trong luật thi hành tạm giữ, tạm giam

1.1 Chế độ ăn

Chế độ ăn, ở của người bị tạm giữ, người bị tạm giam được quy định tại Điều 27 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015. Theo đó, quy định người bị tạm giữ, người bị tạm giam được bảo đảm tiêu chuẩn định lượng về gạo, rau, thịt, cá, đường, muối, nước chấm, bột ngọt, chất đốt, điện, nước sinh hoạt. Ngày lễ, tết theo quy định của pháp luật, người bị tạm giữ, người bị tạm giam được ăn thêm nhưng mức ăn không quá năm lần tiêu chuẩn ăn ngày thường. Căn cứ yêu cầu bảo đảm sức khỏe của người bị tạm giữ, người bị tạm giam, Chính phủ quy định cụ thể định mức ăn phù hợp với điều kiện kinh tế, ngân sách và biến động giá cả thị trường.Thủ trưởng cơ sở giam giữ (Trưởng nhà tạm giữ, Giám thị trại tạm giam) quyết định việc hoán đổi định lượng ăn cho phù hợp với thực tế để bảo đảm cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam ăn hết tiêu chuẩn. 
Tiêu chuẩn ăn trong một tháng của một người bị tạm giữ, tạm giam được tính theo định lượng 17 kg gạo thường, 0,7 kg thịt và 0,8 kg cá, 01 kg muối, 0,5 kg đường loại trung bình, 0,75 lít nước mắm, 0,1 kg bột ngọt, 15 kg rau xanh và 15 kg củi hoặc 17 kg than . Tuy nhiên, định lượng này do Nhà nước cấp và quy ra tiền theo thời giá thị trường ở địa phương nơi trại tạm giam, nhà tạm giữ đóng. Ngoài ra, một tháng không quá 3 lần người bị tạm giữ, tạm giam được nhận quà và đồ dùng sinh hoạt của gia đình, thân nhân gửi đến theo quy định, người bị tạm giữ, tạm giam được sử dụng quà, tiền của mình để ăn thêm nhưng không quá ba lần định lượng trong 01 tháng Nhà nước quy định  cho mỗi người. Nghiêm cấm người bị tạm giữ, tạm giam dùng rượu, bia, thuốc lá và các chất kích thích độc hại khác. 
Thủ trưởng cơ sở giam giữ tổ chức tiếp nhận, kiểm tra loại bỏ các vật bị cấm và giao đầy đủ cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam; kiểm tra, phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi chiếm đoạt quà, đồ dùng sinh hoạt của người bị tạm giữ, người bị tạm giam. Để thực hiện chế độ ăn của người bị tạm giữ, tạm giam, mỗi nhà tạm giữ, trại tạm giam tổ chức một bếp nấu ăn, được cấp các dụng cụ cần thiết cho việc nấu ăn, đun nước uống và chia đồ ăn cho họ theo khẩu phần tiêu chuẩn. Việc nấu ăn, đưa cơm được thực hiện bởi các phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại nhà tạm giữ, trại tạm giam.
Đối với các trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người dưới 18 tuổi được bảo đảm tiêu chuẩn định lượng ăn như người bị tạm giữ, người bị tạm giam đã thành niên và được tăng thêm về thịt, cá nhưng không quá 20% so với định lượng. Đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam là phụ nữ có thai được hưởng chế độ ăn uống bảo đảm sức khỏe; nếu sinh con thì được bảo đảm tiêu chuẩn, định lượng ăn theo chỉ dẫn của y sĩ hoặc bác sĩ, được cấp thực phẩm, đồ dùng, thuốc men cần thiết cho việc chăm sóc trẻ sơ sinh.

1.2 Về chế độ ở

Người bị tạm giữ, người bị tạm giam được ở theo buồng giam tập thể. Nhà nước quy định bình quân diện tích tối thiểu nơi giam, giữ đối với người bị tạm giữ, tạm giam là 2m2/1 người, có bệ nằm bằng xi măng hoặc gạch men và có chiếu trải để nằm. Trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người dưới 18 tuổi; người bị kết án tử hình đang bị tạm giam; người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A; người thực hiện hành vi phạm tội có tính chất côn đồ; giết người; cướp tài sản thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; tái phạm nguy hiểm; người phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia; người đang chờ chấp hành án phạt tù; người có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi; người thường xuyên vi phạm nội quy của cơ sở giam giữ thì sẽ được bố trí giam riêng theo từng khu vực hoặc trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi ở cùng thì được bố trí chỗ nằm tối thiểu là 3m2/1 người. Đối với những người trong cùng một vụ án đang trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử thì không được giam giữ chung buồng.
Người bị tạm giữ, tạm giam là phụ nữ có thai sinh con tại nhà tạm giữ, trại tạm giam sẽ được tạo điều kiện bảo đảm thời gian cho con bú trong thời gian nuôi con bằng sữa mẹ và được cơ sở giam giữ làm thủ tục đề nghị đăng ký khai sinh. Trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam là người nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì cơ sở giam giữ phải tổ chức việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ dưới 36 tháng tuổi đó; nếu người bị tạm giữ, người bị tạm giam có con từ đủ 36 tháng tuổi trở lên không có thân nhân nhận nuôi dưỡng thì Thủ trưởng cơ sở giam giữ đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi có cơ sở giam giữ chỉ định cơ sở bảo trợ xã hội tiếp nhận, nuôi dưỡng. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam sau khi được trả tự do được nhận lại con đang được cơ sở bảo trợ xã hội nuôi dưỡng.

2. Chế độ chăm sóc y tế đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam trong luật thi hành tạm giữ, tạm giam

2.1 Chế độ khám bệnh, chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh

Chế độ chăm sóc y tế đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam được quy định tại Điều 30 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015. Theo đó, người bị tạm giữ, người bị tạm giam được hưởng chế độ khám bệnh, chữa bệnh, phòng, chống dịch bệnh. Để thực hiện chế độ khám, chữa bệnh cho người bị tạm giữ, tạm giam, Bộ công an đã quyết định thành lập bệnh xá ở các trại tạm giam và biên chế cán bộ y tế ở nhà tạm giữ. Người bị tạm giữ, tạm giam ốm đau được khám tại bệnh xá của trại tạm giam hoặc được cán bộ y tế của nhà tạm giữ điều trị. Chế độ ăn, cấp phát thuốc, bồi dưỡng do cán bộ y tế chỉ định theo bệnh lý. Tiền thuốc chữa bệnh tương đương 2 kg gạo/1 người/1 tháng. Trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam bị bệnh nặng vượt quá khả năng điều trị của bệnh xá của trại tạm giam hoặc cán bộ y tế của nhà tạm giữ thì Giám thị trại tạm giam, Trưởng nhà tạm giữ làm các thủ tục chuyển họ đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp huyện, cấp tỉnh, bệnh viện quân đội hoặc bệnh viện trung ương khám, điều trị. Kinh phí khám, chữa bệnh trong trường hợp này do ngân sách nhà nước cấp theo bệnh lý và theo mức độ nặng nhẹ của bệnh tật; trại tạm giam, nhà tạm giữ có trách nhiệm thanh toán với bệnh viện. Cơ sở giam giữ phải thông báo cho thân nhân hoặc đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, tạm giam biết để phối hợp chăm sóc, điều trị. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam được nhận thuốc chữa bệnh từ thân nhân và phải có đơn thuốc của thầy thuốc, chịu sự kiểm tra của cơ sở giam giữ. Bên cạnh đó, đối với người bị tạm giữ, tạm giam là phụ nữ có thai, ngoài chế độ khám chữa bệnh thông thường, họ còn được khám thai, được các chế độ chăm sóc y tế đặc biệt khác. Đây là những quy định mang tính nhân đạo sâu sắc, nhằm bảo đảm sức khỏe của người mẹ và bảo đảm sự phát triển bình thường của thai nhi, trẻ em.

2.2 Trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam nghi mắc bệnh tâm thần hoặc môt bệnh khác

Đối với người bị tạm giữ, tạm giam nghi mắc bệnh tâm thần hoặc bị bệnh khác tới mức mất khả năng nhận thức hoặc mất khả năng điều khiển hành vi của mình, Giám thị trại tạm giam, Trưởng nhà tạm giữ yêu cầu cơ quan đang thụ lý vụ án trưng cầu giám định pháp y. Sau khi Hội đồng giám định pháp y kết luận người đó mắc bệnh tâm thần hoặc bị bệnh khác tới mức mất khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi của mình và có quyết định đưa người đó vào cơ sở chuyên khoa y tế để bắt buộc chữa bệnh của cơ quan có thẩm quyền, cơ quan đang thụ lý vụ án phối hợp với trại tạm giam, nhà tạm giữ đưa người bị tạm giữ, tạm giam đến cơ sở chữa bệnh được chỉ định trong Quyết định đưa người bị tạm giữ, tạm giam đi chữa bệnh của cơ sở giam giữ.

2.3 Đối với người bị tạm giữ, tạm giam nhiễm HIV/AIDS

Đối với người bị tạm giữ, tạm giam nhiễm HIV/AIDS, việc chăm sóc và điều trị thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật. Người bị tạm giữ, tạm giam bị nhiễm HIV nhưng chưa có biểu hiện của AIDS thì không áp dụng chế độ chữa bệnh, nhưng nhà tạm giữ, trại tạm giam phải thường xuyên theo dõi diễn biến tâm lý và phối hợp với Trung tâm y tế quận, huyện, thị trấn, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi gần nhất để theo dõi sức khoẻ, làm tốt công tác tư vấn, giúp người đó hiểu và phòng tránh lây truyền sang người khác. Trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam nhiễm HIV đã ở giai đoạn biểu hiện lâm sàng bệnh AIDS thì được khám và chữa bệnh tại bệnh xá của trại tạm giam. Trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam nhiễm HIV/AIDS mắc bệnh nhiễm trùng cơ hội ở thể nặng, ngoài khả năng điều trị của bệnh xá của nhà tạm giữ, trại tạm giam thì được đưa đến bệnh viện, cơ sở y tế của Nhà nước để điều trị. Nếu họ mắc bệnh nhiễm trùng cơ hội thuộc chuyên khoa nào thì chuyên khoa đó phải nhận điều trị. Các cơ sở khám chữa bệnh không được từ chối khám, chữa bệnh cho người bị nhiễm HIV/AIDS. Giám thị trại tạm giam, Trưởng nhà tạm giữ phải thông báo những trường hợp bị bệnh nặng cho cơ quan thụ lý vụ án, gia đình, thân nhân hoặc đại diện hợp pháp của người đó biết để phối hợp chăm sóc, điều trị người bị tạm giữ, tạm giam. 
Kinh phí khám bệnh, chữa bệnh, phòng, chống dịch bệnh cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam do ngân sách nhà nước bảo đảm theo quy định của Chính phủ. Trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam có chế độ bảo hiểm y tế thì được hưởng chế độ khám chữa bệnh theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế. 
Bên cạnh đó, Trưởng nhà tạm giữ, Giám thị trại tạm giam căn cứ vào tính chất, nhiệm vụ công tác quản lý giam, giữ; vị trí, đặc điểm, địa bàn để tổ chức các phương án bảo vệ an toàn nhà tạm giữ, trại tạm giam và tổ chức phòng bệnh, chống dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh môi trường theo quy định. Khi có dịch bệnh xảy ra thì Trưởng nhà tạm giữ, Giám thị trại tạm giam thông báo cho cơ sở y tế gần nhất để phối hợp dập tắt dịch bệnh. Giám thị trại tạm giam phối hợp với trung tâm y tế hoặc bệnh viện của Nhà nước gần trại tạm giam đóng xây dựng một số phòng chữa bệnh trong khu vực của trung tâm y tế hoặc bệnh viện để điều trị cho bệnh nhân là người bị tạm giữ, tạm giam. Việc xây dựng các phòng chữa bệnh nêu trên và quản lý người bị tạm giữ, tạm giam đến chữa bệnh do trại tạm giam chịu trách nhiệm. Kinh phí xây dựng, nâng cấp, cải tạo các phòng chữa bệnh do ngân sách nhà nước cấp. 
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật Hình sự  - Công ty luật Minh Khuê