Mục lục bài viết
1. Công an nhân dân là gì?
Theo quy định tại Luật Công an nhân dân năm 2018 có quy định về công an nhân dân là lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Về nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Công an nhân dân Việt Nam sẽ bao gồm:
- Đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự thống nhất quản lý nhà nước của Chính phủ và sự chỉ huy, quản lý trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Công an;
- Được tổ chức tập trung, thống nhất, chuyên sâu, tinh gọn và theo cấp hành chính từ trung ương đến cơ sở;
- Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; cấp dưới phục tùng cấp trên; dựa vào Nhân dân và chịu sự giám sát của Nhân dân; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Trong đó, hệ thống tổ chức Công an nhân dân Việt Nam có:
- Bộ Công an;
- Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương;
- Công an xã, phường, thị trấn.
Việc xây dựng công an xã, phường, thị trấn chính quy được hướng dẫn tại Nghị định 42/2021/NĐ-CP. Theo đó, công an xã chính quy là Công an cấp cơ sở, bố trí ở các đơn vị hành chính xã, thị trấn, thuộc hệ thống tổ chức của Công an nhân dân; làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở địa bàn xã, thị trấn. Để đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định thành lập đồn, trạm Công an và đơn vị độc lập bố trí tại những địa bàn cần thiết.
>> Tham khảo: Tội vi phạm quy định về trực ban, trực chiến, trực chỉ huy
2. Chế độ trực ban của công an nhân dân
Công an nhân dân trực tiếp nhận và xử lý thông tin báo cháy, sự cố, tai nạn bảo đảm 24/24 giờ và được chia thành các ca trực.
- Mỗi ca trực phải bố trí tối thiểu 02 cán bộ, chiến sĩ, trong đó có ít nhất 01 sĩ quan hoặc hạ sĩ quan có nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
- Căn cứ tình hình thực tế về lực lượng, phương tiện, yêu cầu nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an các đơn vị, địa phương quyết định việc chia ca thường trực và chế độ nghỉ cho phù hợp.
- Đối với cán bộ, chiến sĩ đã thực hiện nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ từ 02 giờ trở lên vào ban đêm (từ 22 giờ đêm đến 6 giờ sáng ngày hôm sau) thì không phải tham gia huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong ngày hôm sau.
Ngoài ra cũng có quy định về các hoạt động giao ca trực ban. Việc giao, nhận giữa hai ca thường trực được thực hiện hằng ngày, thời gian tính từ đầu giờ làm việc của ngày hôm trước đến đầu giờ làm việc của ngày hôm sau. Nội dung giao, nhận cụ thể như sau:
- Tập hợp và kiểm tra quân số của hai ca thường trực;
- Trực chỉ huy cấp Đội của ca thường trực trước báo cáo, nhận xét tóm tắt tình hình, kết quả thực hiện các mặt công tác trong ca thường trực;
- Tiến hành bàn giao giữa ca thường trực trước với ca thường trực sau; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ, từng cán bộ, chiến sĩ trong ca thường trực sau;
- Cán bộ, chiến sĩ ca thường trực sau kiểm tra các phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thường trực theo nhiệm vụ được chỉ huy giao;
- Việc giao, nhận ca thường trực phải được ghi chép vào Sổ giao, nhận ca thường trực sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định.
Công an nhân dân khi trực ban cần có tinh thần trách nhiệm cao và tuân thủ theo quy định của pháp luật. Tổ chức giao, nhận ca thường trực và kiểm tra thường trực sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của lực lượng, phương tiện trong ca thường trực. Tổ chức các hoạt động khác của đơn vị theo chương trình, kế hoạch công tác.
3. Chế độ nghỉ trực ban, trực nghỉ, nghỉ tranh thủ của công an nhân dân
Căn cứ quy định tại Điều 40 của Luật Công an nhân dân năm 2018 có quy định cụ thể về chế độ nghỉ ngơi của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ và công an nhân dân. Theo đó, công nhân công an đang công tác được nghỉ ngơi theo quy định của Bộ luật Lao động và quy định của Bộ trưởng Bộ Công an. Công nhân công an do yêu cầu nhiệm vụ mà không được bố trí nghỉ hằng năm thì ngoài tiền lương còn được thanh toán thêm một khoản tiền bằng tiền lương cho những ngày không nghỉ.
Cụ thể về chế độ nghỉ trực ban, trực nghỉ, nghỉ tranh thủ của công an nhân dân theo quy định của Bộ luật lao động năm 2019, cụ thể như sau:
3.1. Nghỉ trong giờ làm việc
Căn cứ theo quy định tại Điều 109 của Bộ luật lao động năm 2019 có quy định về việc nghỉ trong giờ làm việc. Người lao động làm việc theo thời giờ làm việc quy định từ 06 giờ trở lên trong một ngày thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút liên tục, làm việc ban đêm thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút liên tục. Thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần. Người sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho người lao động biết; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần. Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động. Người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm giới hạn thời gian làm việc tiếp xúc với yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại đúng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và pháp luật có liên quan.
Trường hợp người lao động làm việc theo ca liên tục từ 06 giờ trở lên thì thời gian nghỉ giữa giờ được tính vào giờ làm việc. Ngoài thời gian nghỉ theo quy định thì người sử dụng lao động bố trí cho người lao động các đợt nghỉ giải lao và ghi vào nội quy lao động.
3.2. Nghỉ chuyển ca
Công an nhân dân làm việc theo ca được nghỉ ít nhất 12 giờ trước khi chuyển sang ca làm việc khác. Nghỉ chuyển ca là thời gian người lao động được nghỉ giữa hai ca làm việc liên tục. Theo quy định của pháp luật về thời gian nghỉ chuyển ca tối đối với công an nhân dân làm việc theo ca tối thiểu phải là 12 giờ để bảo đảm khả năng tái tạo sức lao động cho người lao động trước khi chuyển sang ca làm việc tiếp theo. Nghỉ chuyển ca là loại thời gian nghỉ để cho các đơn vị làm việc theo ca. Thời gian nghỉ chuyển ca không được coi là thời giờ làm việc và công an nhân dân không được hưởng lương.
3.3. Nghỉ hằng tuần
Pháp luật lao động có quy định về nghỉ hàng tuần theo quy định tại Điều 111 của Bộ luật lao động năm 2019 như sau:
- Mỗi tuần công an nhân dân sẽ được nghỉ ít nhất là 24 giờ liên tục. Với trường hợp đặt biệt nếu công việc theo chu kỳ không thể nghỉ hằng tuần thì phía bên đơn vị người sử dụng lao động phải bảo đảm cho người lao động nghỉ tính bình quân là ít nhất 04 ngày trong 01 tháng.
- Ngày nghỉ hằng tuần sẽ do đơn vị người sử dụng lao động sắp xếp vào Chủ nhật hoặc một ngày nào khác trong tuần làm việc, việc này sẽ được ghi nhận vào nội quy lao động tại đơn vị.
- Nếu trường hợp ngày nghỉ hằng tuần có trùng vào ngày nghỉ lễ, nghỉ tết thì công an nhân dân sẽ được nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần vào ngày làm việc kế tiếp sau đó.
3.4. Nghỉ ngày lễ, Tết
Công an nhân dân được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:
- Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);
- Tết Âm lịch: 05 ngày;
- Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);
- Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);
- Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);
- Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).
3.5. Nghỉ hằng năm
Công an nhân dân (trừ công nhân viên Công an, học viên các trường, chiến sỹ phục vụ có thời hạn có quy định riêng) có đủ thời gian làm việc 12 tháng, được nghỉ hàng năm là 15 ngày làm việc. Số ngày nghỉ hàng năm được tăng thêm theo thâm niên; cứ đủ 5 năm được nghỉ thêm 1 ngày, cụ thể như sau:
- Có đủ 5 năm đến dưới 10 năm được nghỉ thêm 1 ngày
- Có đủ 10 năm đến dưới 15 năm được nghỉ thêm 2 ngày
- Có đủ 15 năm đến dưới 20 năm được nghỉ thêm 3 ngày
- Có đủ 20 năm đến dưới 25 năm được nghỉ thêm 4 ngày
- Có đủ 25 năm đến dưới 30 năm được nghỉ thêm 5 ngày
- Có đủ 30 năm đến dưới 35 năm được nghỉ thêm 6 ngày
- Có đủ 35 năm trở lên được nghỉ thêm 7 ngày
Trong 1 năm làm việc, cán bộ, chiến sỹ có tổng thời gian nghỉ (cộng dồn) do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trên 06 tháng hoặc nghỉ ốm đau, nghỉ không hưởng lương trên 3 tháng thì không được thực hiện chế độ nghỉ hàng năm của năm ấy.
>> Xem thêm:
- Chế độ thường trực chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ của Công an nhân dân
- Lương Thường trực Ban Bí thư là bao nhiêu một tháng?
Trên đây là tư vấn mà công ty Luật Minh Khuê muốn gửi tới quý khách hàng. Nếu quý khách hàng có bất kỳ vướng mắc hay câu hỏi pháp lý khác thì vui lòng liên hệ Luật sư tư vấn pháp luật Công an nhân dân trực tuyến: 1900.6162 để được hỗ trợ và giải đáp thắc mắc kịp thời. Xin trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý khách hàng!