Chi nhánh có mở các cửa hàng bán lẻ tại các tỉnh ngoài Hà Nội và ký hợp đồng Đại lý với các điều khoản như: Trả tiền thuê mặt bằng,điện nước; Các khoản thuế(hóa đơn lấy tên Chi nhánh công ty); Đại lý không đạt được doanh số đề ra thì không được hưởng % mà Chi nhánh sẽ trả lương cho nhân viên; hàng hóa Chi nhánh ký gửi; Các trang thiết bị,sửa chữa chi nhánh đầu tư 100%; ký hợp đồng lao động với Đại lý và nhân viên bán hàng tại đại lý...Tôi muốn hỏi Luật Sư là như thế có vi phạm pháp luật không? Nếu có thì giải pháp như thế nào cho đúng với Pháp luật mà vẫn đạt được mục đích kinh doanh của Công ty

Tôi xin chân thành cảm ơn !

Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn pháp luật doanh nghiệpcủa Công ty luật Minh Khuê.

Luật sư tư vấn pháp luật doanh nghiệp trực tuyến:1900.6162

Trả lời:

Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và lựa chọn công ty Luật Minh Khuê. Về vấn đề của bạn, chúng tôi xin được giải đáp như sau:

1. Cơ sở pháp lý:

Luật doanh nghiệp số 68/2014/QH13 của Quốc hội

Luật Thương mại số 36/2005/QH11 của Quốc hội

Nghị định 78/2015/NĐ- CP về đăng ký doanh nghiệp

2. Nội dung tư vấn:

Bạn cần phân biệt khái niệm Doanh nghiệp, Chi nhánh , địa điểm kinh doanh và đại lý như sau:

Theo quy định tại Khoản 7 Điều 4 Luật doanh nghiệp 2014 thìdoanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 45 Luật doanh nghiệp 2014 thì Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp kể cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Ngành, nghề kinhdoanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 33 Nghị định 78/2015/NĐ- CP thì địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp có thể ở ngoài địa chỉ đăng ký trụ sở chính. Doanh nghiệp chỉ được lập địa điểm kinh doanh tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc đặt chi nhánh và địa điểm kinh doanh có thể trực thuộc doanh nghiệp hoặc trực thuộc chi nhánh.

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 45 Luật doanh nghiệp 2014 thì Địa điểm kinh doanh là nơi mà doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh cụ thể.

Theo quy định tại Điều 166 Luật thương mại 2005 thì Đại lý thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên giao đại lý và bên đại lý thoả thuận việc bên đại lý nhân danh chính mình mua, bán hàng hoá cho bên giao đại lý hoặc cung ứng dịch vụ của bên giao đại lý cho khách hàng để hưởng thù lao.

và tại Điều 167 Luật thương mại 2005 quy định về bên giao đại lý và bên đại lý như sau:

- Bên giao đại lý là thương nhân giao hàng hoá cho đại lý bán hoặc giao tiền mua hàng cho đại lý mua hoặc là thương nhân uỷ quyền thực hiện dịch vụ cho đại lý cung ứng dịch vụ.

- Bên đại lý là thương nhân nhận hàng hoá để làm đại lý bán, nhận tiền mua hàng để làm đại lý mua hoặc là bên nhận uỷ quyền cung ứng dịch vụ.

Như vậy, bên giao đại lý và bên đại lý phải là những thương nhân có hoạt động thương mại độc lập với nhau. Theo quy định tại Điều 6_Luật thương mại 2005 thì khái niệm thương nhân được quy định cụ thể như sau:

"1. Thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng kí kinh doanh.

2. Thương nhân có quyền hoạt động thương mại trong các nghành nghề, tại các địa bàn, dưới các hình thức và theo các phương tức mà pháp luật không cấm.

3. Quyền hoạt động thương mại hợp pháp của thương nhân được nhà nước bảo hộ.

4. Nhà nước thực hiện độc quyền Nhà nước có thời hạn về hoạt động thương mại đối với một số hàng hóa, dịch vụ hoặc tại một số địa bàn để bảo đảm lợi ích quốc gia. Chính phủ quy định cụ thể danh mục hàng hóa, dịch vụ, địa bàn độc quyền Nhà nước"

Trong trường hợp của bạn, có thể nói chi nhánh mở các cửa hàng bán lẻ chính là mở các địa điểm kinh doanh và địa điểm kinh doanh này trực thuộc chi nhánh. Do vây, các cửa hàng bán lẻ này không phải là thương nhân, hoạt động không độc lập, chịu sự quản lý và giám sát của chi nhánh nên nó không thể ký hợp đồng đại lý với chính chi nhánh đó.

Trong trường hợp mà công ty bạn vẫn muốn thực hiện mục đích kinh doanh, phát triển mở rộng thì vẫn có thể lựa chọn nhiều cách khác như công ty sẽ kí hợp đồng đại lý với bên thứ ba hoặc có thể ủy quyền cho chi nhánh kí hợp đồng hợp tác với các thương nhân khác theo quy định của pháp luật.

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo.

Chúng tôi hy vọng rằng, ý kiến tư vấn của chúng tôi sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Trên từng vấn đề cụ thể, nếu bạn cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn của chúng tôi, xin hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ email Tư vấn pháp luật doanh nghiệp qua Emailhoặc qua Tổng đài tư vấn: 1900.6162.

Trân trọng./.

BỘ PHẬN TƯ VẤN PHÁP LUẬT