1. Quy định về nhận, gửi, thời điểm, địa điểm nhận, gửi thông điệp dữ liệu trong giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử

Căn cứ theo quy định tại Điều 37 Luật Giao dịch điện tử 2005 quy định về việc nhận, gửi, thời điểm, địa điểm nhận, gửi thông điệp dữ liệu trong giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử theo như sau:

Việc nhận, gửi, thời điểm, địa điểm nhận, gửi thông điệp dữ liệu trong giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử được thực hiện theo quy định tại các Điều 17, 18, 19 và 20 Luật Giao dịch điện tử 2005.

Thời điểm, địa điểm gửi thông điệp dữ liệu:

Trong trường hợp các bên tham gia giao dịch không có thỏa thuận khác thì thời điểm, địa điểm gửi thông điệp dữ liệu được quy định như sau:

- Thời điểm gửi một thông điệp dữ liệu là thời điểm thông điệp dữ liệu này nhập vào hệ thống thông tin nằm ngoài sự kiểm soát của người khởi tạo;

- Địa điểm gửi thông điệp dữ liệu là trụ sở của người khởi tạo nếu người khởi tạo là cơ quan, tổ chức hoặc nơi cư trú của người khởi tạo nếu người khởi tạo là cá nhân. Trường hợp người khởi tạo có nhiều trụ sở thì địa điểm gửi thông điệp dữ liệu là trụ sở có mối liên hệ mật thiết nhất với giao dịch.

Nhận thông điệp dữ liệu:

- Người nhận thông điệp dữ liệu là người được chỉ định nhận thông điệp dữ liệu từ người khởi tạo thông điệp dữ liệu nhưng không bao hàm người trung gian chuyển thông điệp dữ liệu đó.

- Trong trường hợp các bên tham gia giao dịch không có thỏa thuận khác thì việc nhận thông điệp dữ liệu được quy định như sau:

+ Người nhận được xem là đã nhận được thông điệp dữ liệu nếu thông điệp dữ liệu được nhập vào hệ thống thông tin do người đó chỉ định và có thể truy cập được;

+ Người nhận có quyền coi mỗi thông điệp dữ liệu nhận được là một thông điệp dữ liệu độc lập, trừ trường hợp thông điệp dữ liệu đó là bản sao của một thông điệp dữ liệu khác mà người nhận biết hoặc buộc phải biết thông điệp dữ liệu đó là bản sao;

+ Trường hợp trước hoặc trong khi gửi thông điệp dữ liệu, người khởi tạo có yêu cầu hoặc thoả thuận với người nhận về việc người nhận phải gửi cho mình thông báo xác nhận khi nhận được thông điệp dữ liệu thì người nhận phải thực hiện đúng yêu cầu hoặc thỏa thuận này;

+ Trường hợp trước hoặc trong khi gửi thông điệp dữ liệu, người khởi tạo đã tuyên bố thông điệp dữ liệu đó chỉ có giá trị khi có thông báo xác nhận thì thông điệp dữ liệu đó được xem là chưa gửi cho đến khi người khởi tạo nhận được thông báo của người nhận xác nhận đã nhận được thông điệp dữ liệu đó;

+ Trường hợp người khởi tạo đã gửi thông điệp dữ liệu mà không tuyên bố về việc người nhận phải gửi thông báo xác nhận và cũng chưa nhận được thông báo xác nhận thì người khởi tạo có thể thông báo cho người nhận là chưa nhận được thông báo xác nhận và ấn định khoảng thời gian hợp lý để người nhận gửi xác nhận; 

Nếu người khởi tạo vẫn không nhận được thông báo xác nhận trong khoảng thời gian đã ấn định thì người khởi tạo có quyền xem là chưa gửi thông điệp dữ liệu đó.

Thời điểm, địa điểm nhận thông điệp dữ liệu:

Trong trường hợp các bên tham gia giao dịch không có thỏa thuận khác thì thời điểm, địa điểm nhận thông điệp dữ liệu được quy định như sau:

- Trường hợp người nhận đã chỉ định một hệ thống thông tin để nhận thông điệp dữ liệu thì thời điểm nhận là thời điểm thông điệp dữ liệu nhập vào hệ thống thông tin được chỉ định; 

Nếu người nhận không chỉ định một hệ thống thông tin để nhận thông điệp dữ liệu thì thời điểm nhận thông điệp dữ liệu là thời điểm thông điệp dữ liệu đó nhập vào bất kỳ hệ thống thông tin nào của người nhận;

- Địa điểm nhận thông điệp dữ liệu là trụ sở của người nhận nếu người nhận là cơ quan, tổ chức hoặc nơi cư trú thường xuyên của người nhận nếu người nhận là cá nhân. Trường hợp người nhận có nhiều trụ sở thì địa điểm nhận thông điệp dữ liệu là trụ sở có mối liên hệ mật thiết nhất với giao dịch.

Gửi, nhận tự động thông điệp dữ liệu:

Trong trường hợp người khởi tạo hoặc người nhận chỉ định một hoặc nhiều hệ thống thông tin tự động gửi hoặc nhận thông điệp dữ liệu thì việc gửi, nhận thông điệp dữ liệu được thực hiện theo quy định tại các điều 16, 17, 18 và 19 Luật Giao dịch điện tử 2005.

2. Giá trị pháp lý đối với hợp đồng điện tử theo pháp luật Việt Nam

Căn cứ theo Điều 34 Luật Giao dịch điện tử 2023 (có hiệu lực ngày 01/7/2024) quy định về hợp đồng điện tử như sau:

- Hợp đồng điện tử được giao kết hoặc thực hiện từ sự tương tác giữa một hệ thống thông tin tự động với người hoặc giữa các hệ thống thông tin tự động với nhau không bị phủ nhận giá trị pháp lý chỉ vì không có sự kiểm tra hay can thiệp của con người vào từng hành động cụ thể do các hệ thống thông tin tự động thực hiện hay vào hợp đồng.

- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định về giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử trong lĩnh vực thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được phân công, phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Như vậy căn cứ theo quy định nêu trên, hợp đồng điện tử vẫn được công nhận giá trị pháp lý giống như hợp đồng văn bản thông thường dù không có sự can thiệp của con người vào từng hành động cụ thể hay vào hợp đồng.

3. Một số rủi ro khi giao kết hợp đồng điện tử

Giao kết bất kỳ hợp đồng nào, bao gồm cả hợp đồng điện tử, đều tiềm ẩn những rủi ro, và doanh nghiệp cần đặc biệt chú ý đến 5 rủi ro sau để tránh thiệt hại.

Rủi ro pháp lý liên quan đến chữ ký điện tử

Mặc dù hợp đồng điện tử được công nhận có giá trị pháp lý như hợp đồng giấy theo luật giao dịch điện tử và pháp luật về hợp đồng, nhưng việc không hiểu rõ về các quy định về chữ ký điện tử có thể dẫn đến việc chấp nhận các loại chữ ký không được chứng thực hoặc không có giá trị pháp lý. Điều này có thể khiến hợp đồng trở nên vô hiệu do chữ ký không thể xác minh được người ký và sự chấp thuận của họ đối với nội dung thông điệp dữ liệu.

Rủi ro từ chủ thể ký hợp đồng

Hiệu lực của hợp đồng điện tử phụ thuộc vào việc các chủ thể giao kết hợp đồng có tư cách pháp nhân và có đủ quyền đại diện cho đơn vị hoặc doanh nghiệp đó. Điều này đặt ra rủi ro khi các chủ thể không đảm bảo việc ký hợp đồng theo nguyên tắc tự nguyện và bình đẳng, hay khi họ không có đầy đủ quyền đại diện.

Rủi ro liên quan đến chủ thể khi giao kết hợp đồng điện tử

Một trong những rủi ro phổ biến khi giao kết hợp đồng điện tử là khi người ký không phải là người đại diện hợp pháp của đơn vị doanh nghiệp hoặc không có ủy quyền hợp pháp.

Rủi ro kỹ thuật trong quá trình giao kết hợp đồng điện tử

Quá trình tạo lập, truyền, nhận, và lưu trữ thông tin điện tử có thể gặp sự cố như mất kết nối internet, hỏng hóc thiết bị kỹ thuật, hoặc thiết bị không đọc được dữ liệu. Những vấn đề này có thể ảnh hưởng đến quá trình giao kết hợp đồng điện tử và đòi hỏi sự chú ý đặc biệt từ phía doanh nghiệp.

Rủi ro bảo mật trong giao kết hợp đồng điện tử

Bảo mật thông tin điện tử là một trong những yếu tố quan trọng khi giao kết hợp đồng điện tử. Tình trạng tấn công từ tin tặc vào hệ thống máy chủ, sử dụng các chương trình phá hoại hoặc đoạn mã nguy hiểm để lấy cắp thông tin có thể đặt doanh nghiệp vào tình huống rủi ro nghiêm trọng. Quản lý hợp đồng theo phân cấp và đảm bảo an ninh thông tin là cực kỳ quan trọng để bảo vệ các thông tin quan trọng khỏi bị rò rỉ.

Xem thêm: Pháp luật quy định về hợp đồng điện tử, Giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước

Như vậy trên đây là toàn bộ thông tin về Giá trị pháp lý đối với hợp đồng điện tử theo pháp luật Việt Nam mà Công ty Luật Minh Khuê muốn gửi đến quý khách mang tính tham khảo. Nếu quý khách còn vướng mắc về vấn đề trên hoặc mọi vấn đề pháp lý khác, quý khách hãy vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến theo số điện thoại 19006162 để được Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài kịp thời hỗ trợ và giải đáp mọi thắc mắc.

Nếu quý khách cần báo giá dịch vụ pháp lý thì quý khách có thể gửi yêu cầu báo phí dịch vụ đến địa chỉ email: lienhe@luatminhkhue.vn để nhận được thông tin sớm nhất! Rất mong nhận được sự hợp tác và tin tưởng của quý khách! Luật Minh Khuê xin trân trọng cảm ơn!