1.Quyền dân sự là gì?

Quyền dân sự là khả năng được phép xử sự theo ý chí tự do trong khuôn khổ pháp luật của chủ thể trong quan hệ dân sự, phát sinh trong lĩnh vực dân sự để đáp ứng nhu cầu vật chất, tinh thần của chính chủ thể. Quyền dân sự là quyền hiến định, đã được Hiến pháp ghi nhận và Nhà nước Việt Nam bảo hộ. Quyền dân sự được xác lập trên căn cứ được quy định tại Điều 8 Bộ luật Dân sự 2015 bao gồm:

  • Hợp đồng, là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.
  • Hành vi pháp lý đơn phương, là sự thể hiện ý chí của một bên nhằm làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền về dân sự.
  • Quyết định của Tòa án, cơ quan có thẩm quyền khác, là những quyết định được ban hành bởi những cơ quan nhà nước, đại diện cho ý toàn dân buộc chủ thể khác phải chấp hành quyết định ấy theo quy định.
  • Kết quả của lao động, sản xuất, kinh doanh; kết quả của hoạt động sáng tạo ra đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, về nguyên tắc người lao động bỏ sức lực của bản thân mình sẽ được hưởng chính thành quả lao động ấy và được Nhà nước bảo hộ.
  • Chiếm hữu tài sản, là việc chủ thể nắm giữ, chi phối tài sản như thể họ có quyền thực sự đối với tài sản ấy.
  • Sử dụng tài sản, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật.
  • Bị thiệt hại do hành vi trái pháp luật, người gây thiệt hại phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ và kịp thời, bao gồm bồi thường trong hợp đồng và ngoài hợp đồng.
  • Thực hiện công việc không có ủy quyền và căn cứ khác theo quy định.

 

2. Nghĩa vụ dân sự là gì?

Nghĩa vụ dân sự là Việc mà theo quy định của pháp luật, một hoặc nhiều chủ thể (gọi là người có nghĩa vụ) phải làm hoặc không được làm vì lợi ích của một hoặc nhiều chủ thể khác (gọi là người có quyền).

Nghĩa vụ dân sự phát sinh từ hợp đồng dân sự, hành vi dân sự đơn phương, việc chiếm hữu, sử dụng tài sản, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật, việc gây thiệt hại do hành vi trái pháp luật, thực hiện công việc không có ủy quyền và từ các căn cứ khác do luật định.

Là việc mà theo quy định của pháp luật thì một hoặc nhiều chủ thể phải làm một công việc hoặc không được làm một công việc vì lợi ích của một hoặc nhiều chủ thể khác (gọi là người có quyền). Người có nghĩa vụ có thể chuyển giao nghĩa vụ cho người khác, nếu được người có quyền đồng ý, trừ trường hợp nghĩa vụ gắn liền với nhân thân của người có nghĩa vụ hoặc pháp luật quy định không được chuyển giao nghĩa vụ.

Đối tượng của nghĩa vụ phải là tài sản, công việc phải thực hiện hoặc không được thực hiện.

  • Tài sản

Theo quy định tại Điều 105 Bộ luật dân sự năm 2015 tài sản bao gồm:

+ Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.

+ Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.

Đây là những gì các bên chủ thể trong quan hệ nghĩa vụ tác động tới để qua đó thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình.

  • Công việc phải thực hiện

Không có văn bản quy phạm pháp luật giải thích thuật ngữ “công việc phải thực hiện” là gì. Tuy nhiên, thuật ngữ “công việc” có thể hiểu là một dạng hoạt động cụ thể mà một bên mong muốn xác lập quan hệ nghĩa vụ để bên còn lại thực hiện hoạt động này. Hoạt động này có thể thông qua hoặc không thông qua hành vi cụ thể. Và qua hoạt động này, bên yêu cầu có thể thỏa mãn được các nhu cầu về lợi ích vật chất hoặc lợi ích tinh thần. Do đó, công việc phải thực hiện được hiểu là những hoạt động thể hiện thông qua hành vi cụ thể.

  • Công việc không được thực hiện

Công việc không được thực hiện là những hoạt động không thông qua hành vi – tức là thể hiện dưới dạng không hành động cụ thể. Hoạt động này cũng sẽ là đối tượng của quan hệ nghĩa vụ khi các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định mà thông qua hoạt động này, một trong các bên có được những quyền và lợi ích của mình.

 

3. Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự phải bảo đảm những yêu cầu gì?

Khoản 1 Điều 7 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự phải bảo đảm giữ gìn bản sắc dân tộc, tôn trọng và phát huy phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp, tĩnh đoàn kết, tương thăn, tương ái, mỗi người vì cộng đồng, cộng đồng vì mọi người và các giá trị đạo đức cao đẹp của các dân tộc cùng sinh sổng trên đất nước Việt Nam ”.

Pháp luật dân sự với vai trò là công cụ điều chỉnh các quan hệ xã hội nhằm thực hiện những nhiệm vụ chính trị mà Hiến pháp năm 2013 khi thể chế hóa đường lối của Đảng đã ghi nhận. Quy định tại Điều 7 Bộ luật dân sự năm 2015 đã khẳng định và ghi nhận Chính sách của Nhà nước đối với quan hệ dân sự.

Trong khi xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự, các chủ thể có quyền tự do thỏa thuận theo ý chí của bản thân nhưng yêu cầu việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự phải đảm bảo giữ gìn bản sắc dân tộc, tôn trọng và phát huy phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp, tĩnh đoàn kết, tương thăn, tương ái, mỗi người vì cộng đồng, cộng đồng vì mọi người và các giá trị đạo đức cao đẹp của các dân tộc. Vì đây là những những chuẩn mực ứng xử chung giữa người với người trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng. Có thể xem đây là định hướng quan trọng của Nhà nước và là yêu cầu đối với các chủ thể khi xác lập, thực hiện quan hệ dân sự. Pháp luật dân sự cho phép các bên tự do thỏa thuận, cam kết khi xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự. Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận thì quyền và nghĩa vụ của các bên sẽ theo quy định của luật. Đây là cơ sở để các cơ quan có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp phát sinh, xác định quyền và nghĩa vụ của các bên trong trường hợp các bên không có thỏa thuận.

Thông qua những quy định về quyền và nghĩa vụ được ghi nhận trong pháp luật dân sự mà các chủ thể biết được những quyền của mình; giới hạn quyền đó đến đâu để chủ thể có thể tự bảo vệ hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ trong những trường hợp cần thiết. Những quy định này còn giúp các chủ thể nhận thức được giới hạn các quyền dân sự của mình, để khi thực hiện không xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác . Không phải bất cứ quyền, lợi ích nào khi được chủ thể của quan hệ dân sự xác lập theo ý chí của mình cũng đều được luật dân sự công nhận và bảo vệ. Các chủ thể chỉ được pháp luật bảo vệ khi có căn cứ pháp lí và có cơ sở khoa học.

 

4. Việc hòa giải giữa các bên trong quan hệ dân sự phải đáp ứng điều kiện gì?

Trong xã hội, con người gắn kết với nhau bởi những mối quan hệ rất đa dạng, phức tạp, mâu thuẫn, tranh chấp, xung đột phát sinh giữa con người với con người là hiện tượng xã hội mang tính khách quan, là một mặt của đời sống xã hội. Để duy trì trật tự, ổn định xã hội, cần phải có cơ chế giải quyết xung đột xã hội. Có nhiều phương thức giải quyết xung đột xã hội khác nhau, trong đó phổ biến là: thương lượng; hòa giải; trọng tài; giải quyết thông qua thủ tục hành chính, thủ tục tố tụng tại Tòa án.

Hòa giải là một phương thức giải quyết mâu thuẫn, xung đột xã hội rất hiệu quả. Nguyên tắc hòa giải là một trong những nguyên tắc đầu tiên của Bộ luật Dân sự. Điều 12 Bộ luật Dân sự quy định:

- Trong quan hệ dân sự, việc hòa giải giữa các bên phù hợp với quy định của pháp luật được khuyến khích.

- Không ai được dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực khi tham gia quan hệ dân sự, giải quyết các tranh chấp dân sự.

Khoản 2 Điều 7 Bộ luật dân sự quy định: “Trong quan hệ dân sự, việc hòa giải giữa các bên phù hợp với quy định của pháp luật được khuyến khích". Bản chất của quan hệ dân sự được thực hiện trên tinh thần tự nguyện, bình đẳng giữa các chủ thể. Các BLDS đã ghi nhận và coi đó là một trong những nguyên tắc của luật dân sự: không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội (khoản 2 và Điều 3 BLDS năm 2015). Truyền thống của người Việt Nam là tương thân tương ái, đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau nên Bộ luật dân sự 2015 đã quy định trong quan hệ dân sự, việc hòa giải giữa các bên phù hợp với quy định của pháp luật được khuyến khích.

Việc pháp luật quy định như vậy thể hiện tính nhân văn của pháp luật Việt Nam, luôn duy trì những giá trị tốt đẹp của dân tộc. Khuyến khích hòa giải giữa các bên cũng là nguyên tắc của tổ tụng dân sự được quy định tại Điều 10 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2016). Điều 10 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định: “Tòa án có trách nhiệm hòa giải và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật này”. Như vậy, khi tham gia quan hệ dân sự các bên hoàn toàn bình đẳng, tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận... nên khi có tranh chấp quan hệ dân sự, trước hết các bên phải tự hòa giải để giải quyết các tranh chấp. Khi các bên không tự giải quyết được với nhau mà có yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp thì tòa án cũng phải tiến hành hòa giải.

Chính sách của Nhà nước đối với quan hệ dân sự là định hướng quan trọng của Nhà nước và là yêu cầu đổi với các chủ thể khi xác lập, thực hiện nghĩa vụ trong Bộ luật dân sự năm 2015. Quy định này đã được ghi nhận trang trọng trong một điều luật và đã được sắp xếp lại cho họp lý, bảo đảm tính khoa học cũng như kỹ thuật lập pháp của Bộ luật dân sự năm 2015.

 

5. Trách nhiệm của Nhà nước, cơ quan nhà nước khi tham gia vào quan hệ dân sự

Nhà nước là một chủ thể đặc biệt vì Nhà nước nắm quyền lãnh đạo thống nhất, toàn diện. Nhà nước là người đại diện cho toàn dân và là một tổ chức chính trị - xã hội đặc biệt, là người đại diện cho chủ sở hữu đối với tài sản thuộc chế độ sở hữu toàn dân.

Nhà nước tự quy định cho mình các quyền trong các quan hệ mà Nhà nước tham gia, trình tự, cách thức thực hiện các quyền và nghĩa vụ trong các quan hệ đó. Đây là chủ thể có chủ quyền - là thuộc tính chính trị pháp lý bất khả xâm pham. Nhà nước được hưởng quyền đặc miễn tư pháp, thể hiện ở ba đặc quyền sau:

1. Những tranh chấp phát sinh từ mối quan hệ do nhà nước tham gia không thuộc quyền tài phán của bất kỳ Tòa án nào nếu Nhà nước không đồng ý;

2. Tài sản của Nhà nước được hưởng quyền bất khả xâm phạm; và

3. Nhà nước có quyền miễn thi hành án theo bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Trên đây là những tư vấn của chúng tôi chính sách của Nhà nước đối với quan hệ dân sự. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và lựa chọn công ty Luật Minh Khuê! Mọi thắc mắc xin liên hệ: 1900 6162 để được giải đáp.

Trân trọng./.