1. Bổ sung đối tượng lập bảng kê lâm sản

Thông tư 26/2022/TT-BNNPTNT quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành đã có hiệu lực kể từ ngày 15/02/2023. Thông tư 26 giải thích rõ từ ngữ, cách xác định số lượng, khối lượng lâm sản; bảng kê lâm sản; trình tự, thủ tục khai thác thực vật rừng thông thường, động vật rừng thông thường; quy định về hồ sơ lâm sản hợp pháp, bao gồm: Hồ sơ nguồn gốc lâm sản; hồ sơ lâm sản khi mua bán, chuyển giao quyền sở hữu, vận chuyển trong nước và xuất khẩu; hồ sơ lâm sản tại nơi chế biến, kinh doanh, cất giữ, nuôi, trồng thực vật rừng, động vật rừng; quy định về đánh dấu mẫu vật; quy định về kiểm tra, truy xuất nguồn gốc lâm sản... Theo đó, bổ sung đối tượng lập bảng kê lâm sản, cụ thể như sau:

Theo khoản 1 Điều 5 Thông tư 26/2022/TT-BNNPTNT, đối tượng lập bảng kê lâm sản bao gồm:

- Chủ lâm sản hoặc tổ chức, cá nhân được chủ lâm sản ủy quyền lập sau khi khai thác;

- Chủ lâm sản lập khi bán, chuyển giao quyền sở hữu, vận chuyển, xuất lâm sản trong cùng một lần và trên một phương tiện vận chuyển; khi lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xuất khẩu lâm sản;

- Người có thẩm quyền lập khi lập hồ sơ xử lý vi phạm pháp luật liên quan đến lâm sản;

- Cơ quan được giao xử lý tài sản sau xử lý tịch thu lập khi bán đấu giá.

(Hiện hành, Bảng kê lâm sản do chủ lâm sản lập sau khai thác; khi mua bán, vận chuyển, xuất lâm sản trong cùng một lần và trên một phương tiện vận chuyển; khi lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xuất khẩu lâm sản theo quy định hoặc do người có thẩm quyền lập khi lập hồ sơ xử lý vi phạm.)

2. Chủ lâm sản phải lập bảng kê lâm sản theo mẫu nào đối với các lâm sản là gỗ tròn, gỗ xẻ?

Việc lập bảng kê lâm sản được quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư 26/2022/TT-BNNPTNT như sau:

Lập Bảng kê lâm sản: 

- Tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng phải lập bảng kê lâm sản, lập bảng kê lâm sản tương ứng theo các Mẫu số 01, 02, 03, 04 và 05 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 26/2022/TT-BNNPTNT:

+ Ghi chi tiết đối với khúc, lóng gỗ tròn, gỗ đẽo tròn có kích thước theo quy định; gỗ xẻ, gỗ đẽo hộp có chiều dài từ 1m trở lên, chiều rộng từ 20 cm trở lên, chiều dày từ 5 cm trở lên; gỗ xẻ, gỗ đẽo thành hình dạng khối trụ đa giác khác.

+ Ghi tổng hợp chung số lượng, khối lượng đối với gỗ tròn không đủ kích thước quy định; gỗ xẻ, gỗ đẽo hộp có chiều dài dưới 1m, chiều rộng dưới 20 cm, chiều dày dưới 5 cm; gỗ rừng trồng.

+ Ghi chi tiết hoặc ghi tổng hợp chung số lượng, khối lượng đối với từng loại lâm sản ngoài gỗ phù hợp với thực tế.

+ Tại cuối mỗi trang của Bảng kê lâm sản ghi tổng khối lượng lâm sản...

Như vậy, đối chiếu Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 26/2022/TT-BNNPTNT thì đối với lâm sản là gỗ tròn, gỗ xẻ thì bảng kê lâm sản sẽ được lập theo mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư 26/2022/TT-BNNPTNT

3. Tại sao cần lập bảng kê lâm sản?

Lập mẫu bảng kê lâm sản để kê khai các loại lâm sản của chủ lâm sản vận chuyển, khai thác hay buôn bán gồm các thông tin về lâm sản như: Tên gỗ, nguồn gốc lâm sản, kích thước, nhãn đánh dấu (nếu có), số hiệu. Bên cạnh đó, lập bảng kê lâm sản giúp kiểm tra lâm sản và truy xuất lâm sản có nguồn gốc từ đâu dựa vào quy định của pháp luật cũng như có thể tránh các trường hợp khai tách không giấy phép hay khai thác trái phép, giúp việc kiểm soát, quản lý lâm sản dễ dàng hơn.

Có thể thấy mẫu bảng kê lâm sản được pháp luật quy định rất rõ ràng, gồm cả các thủ tục liên quan tới việc kê khai lâm sản, và chủ lâm sản nếu thuộc một trong các trường hợp cần phải lập bảng kê lâm sản thì cần cần phải thực hiện. Còn nếu lâm sản không thuộc vào các trường hợp cần kê khai lâm sản thì chủ lâm sản sẽ không cần phải thực hiện kê khai trong bảng lâm sản.

Trong trường hợp chủ lâm sản thuộc vào trường hợp cần kê khai nhưng không thực hiện thì theo quy định của pháp luật sẽ bị xử phạt hành chính nếu ở mức độ hoặc nếu thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm thì hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Do đó, việc lập bảng kê dựa theo quy định này là vô cùng quan trọng và cần thiết và cần đảm bảo thực hiện theo pháp luật quy định, đảm bảo bảng kê đủ những nội dung cần có. Bởi bảng kê này phục vụ cho việc quản lý của luật pháp và xem như một chứng từ kê khai lâm sản.

4. Một số lưu ý khi lập bảng kê lâm sản

Mẫu bảng kê lâm sản là giấy tờ kê biên theo mẫu do pháp luật ban hành, do đó cần đảm bảo được lập đúng nội dung, quy tắc và thể thức trình bày. Vì đây là văn bản có tính pháp lý rất cao nên chủ lâm sản cần trình bày trung thực, chi tiết về các loại lâm sản. Bởi nếu phát hiện thông tin kê khai là không đúng sự thật, chủ lâm sản sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nội dung bảng kê lâm sản:

Đây là bảng kê được áp dụng với các loại lâm sản như gỗ dàng cây, gỗ xẻ hoặc gỗ tròn và mở đầu bảng kê, chủ lâm sản cần ghi số thứ tự lập trong năm theo số bảng kê lâm sản. Chẳng hạn như 22/002, trong đó 22 là năm 2022 và 002 là số thứ tự bảng kê lâm sản đã lập.

Thông tin về chủ lâm sản:

Chủ lâm sản cần kê đầy đủ các thông tin như: Họ tên, địa chỉ, số điện thoại liên hệ và đối với doanh nghiệp, cần phải ghi rõ giấy phép đăng ký kinh doanh và mã số doanh nghiệp. Chủ lâm sản cần kê khai thông tin trung thực, rõ ràng nhất.

Thông tin lâm sản:

Trong phần thông tin lâm sản, chủ lâm sản cần ghi rõ nguồn gốc của lâm sản có từ đâu như từ rừng trồng, rừng tự nhiên, cây trồng phân tán, vườn nhà hay nhập khẩu, xử lý lâm sản và phân phối ra thị trường thì chủ lâm sản cần cung cấp bản sao hồ sơ nguồn gốc lâm sản theo đúng quy định của pháp luật. Ghi chi tiết về nguồn gốc lâm sản.

Tiếp đến, chủ lâm sản ghi rõ số hóa đơn, ngày, tháng, năm kèm theo, phương tiện vận chuyển lâm sản (số hiệu phương tiện và biển số), thời gian vận chuyển, địa điểm vận chuyển từ đâu đến đâu.

Với số hiệu và nhãn đánh dấu của gỗ theo quy định tại Thông tư 26/2022/TT-BNNTPNT thì chủ lâm sản cần ghi chi tiết số hiệu từng hộp, lóng, tấm, thanh hoặc có thể ghi chung một số hiệu nếu gỗ cùng kích thước và cùng loài, ghi rõ số hiệu nhãn nếu gỗ đã được dán nhãn đánh dấu.

Bên cạnh số hiệu, nhãn đánh dấu, nội dung trong bảng cần ghi rõ tên lâm sản (tên phổ thông và tên khoa học nếu là gỗ nhập khẩu), số lượng, kích thước (chiều dài, chiều rộng, đường kính hoặc chiều dày), nếu là gỗ bị mục, rỗng ruột hay khuyết tật khi bị trừ khối lượng thì ghi vào mục này.

Sau đó, chủ lâm sản ghi rõ tổng khối lượng và số lượng lâm sản bên trong bảng kê chi tiết.

Phần kết thúc:

Mục cuối cùng, chủ lâm sản cần ghi rõ họ tên, ký tên và đánh dấu, ghi rõ ngày tháng năm viết đơn vào bảng kê. Đồng thời, bảng kê sẽ được kiểm lâm kiểm tra và ghi rõ hai số cuối của năm xác nhận bảng kê và thứ tự bảng kê trong năm.

Để tham khảo thêm thông tin về vấn đề này, quý khách hàng có thể tìm hiểu tại bài viết: Chủ lâm sản thực hiện khai thác thực vật rừng không cần phải lập bảng kê lâm sản trong những trường hợp nào? của Luật Minh Khuê.

Như vậy trên đây là toàn bộ thông tin về Chủ lâm sản phải lập bảng kê lâm sản theo mẫu nào đối với các lâm sản là gỗ tròn, gỗ xẻ? mà Công ty Luật Minh Khuê muốn gửi đến quý khách mang tính tham khảo. Nếu quý khách còn vướng mắc về vấn đề trên hoặc mọi vấn đề pháp lý khác, quý khách hãy vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến theo số điện thoại 1900.6162 để được Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp qua tổng đài kịp thời hỗ trợ và giải đáp mọi thắc mắc.

Nếu quý khách cần báo giá dịch vụ pháp lý thì quý khách có thể gửi yêu cầu báo phí dịch vụ đến địa chỉ email: lienhe@luatminhkhue.vn để nhận được thông tin sớm nhất! Rất mong nhận được sự hợp tác và tin tưởng của quý khách! Luật Minh Khuê xin trân trọng cảm ơn!