12/7 công ty chúng tôi mở container hàng tại Vũng Tàu sau khi khách xem hàng đã đồng ý mua container hàng trên. người của bên công ty chúng tôi hẹn sáng hôm sau sẽ về Bắc Ninh và chyển hợp đồng cùng hóa đơn GTGT cho khách kèm theo hồ sơ nhập khẩu vì tại thời điểm giao hàng chúng tôi chưa có hồ sơ nhâp khẩu do bên nhập khẩu ủy thác chưa trả hồ sơ mà chỉ có lệnh giao hàng từ cảng đưa cho lái xe ( công ty chúng tôi có trụ sở ở Bắc Ninh). Chiều 12/7 khi khách của chúng tôi đang dỡ hàng thì đồn biên phòng Chí linh có vào kiểm tra hồ sơ và lập biên bản yêu cầu chúng tôi lên làm việc. Do khoảng cách địa lý 13/7 chúng tôi chưa vào được nên đã gửi toàn bộ hồ sơ nhập khẩu cho khách hàng mang lên làm việc với đồn biên phòng tuy nhiên họ nói không chấp nhận hồ sơ copy. Chiều 14/7 chúng tôi có mang hồ sơ gốc của lô hàng nhập khẩu trên bao gồm cả hóa đơn và hợp đồng với khách hàng lên trình bày với đồn biên phòng. Tuy nhiên do gặp vấn đề về pháp luật nên bên khách hàng đã không ký hợp đồng và hủy việc mua bán. Sau khi làm việc với đồn biên phòng họ quy chúng tôi vào lỗi theo điểm d, khoản 6, điều 23, nghị định 157/2013/NĐ-CP là " Mua bán lâm sản không có hồ sơ hợp pháp hoặc có hồ sơ hợp pháp nhưng lâm sản không đúng với nội dung hồ sơ, gỗ không có dấu búa kiểm lâm theo quy định của pháp luật" và có quyết định tạm giữ lô hàng trên của chúng tôi hẹn 7 ngày sau làm việc. Tuy nhiên sau 7 ngày làm việc bên biên phòng lại gọi điện lại nói sẽ tạm giữ lô hàng trên của chúng tôi 23 ngày nữa và chuyển hồ sơ lên Biên phòng Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Vậy mong luật sư có thể giải đáp cho chúng tôi về vụ việc này được không?
Chúng tôi có thực sự vi phạm theo điểm d, khoản 6, điều 23, nghị định 157/2013/NĐ- CP hay không vì hàng của chúng tôi là hàng nhập khẩu. Đồn Biên phòng có quyền tạm giữ lô hàng trên của chúng tôi lâu như vậy không? và do chưa có quyết định chính xác tại sao đồn biên phòng của huyện lại được chuyển hồ sơ lên đồn biên phòng tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.
Tôi xin chân thành cảm ơn! Mong nhận được hồ đáp sớm từ luật sư.
Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật dân sự của công ty Luật Minh Khuê.
>> Luật sư tư vấn pháp luật dân sự gia đình trực tuyến, gọi: 1900.6162
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Khuê. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của chúng tôi nghiên cứu và tư vấn như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
Nghị định 157/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ và quản lý lâm sản
Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
2. Nội dung tư vấn:
Thứ nhất: Về yêu cầu khi mua bán lâm sản trong trường hợ của bạn.
Mặc dù là hàng nhâp khẩu, tuy nhiên, pháp luật vẫn quy định khi mua bán lâm sản bạn cần phải có hồ sơ lâm sản hợp pháp và lâm sản phải đúng với nội dung hồ sơ, gỗ có dấu búa kiểm lâm. Nếu bạn vi phạm một trong các điều kiện trên, bạn sẽ bị xử phạt theo điểm d, khoản 6, điều 23, nghị định 157/2013/NĐ-CP.
Về thế nào là hồ sơ lâm sản hợp pháp thì hồ sơ lâm sản hợp pháp là các tài liệu ghi chép về lâm sản được thiết lập, lưu giữ tại cơ sở sản xuất, kinh doanh lâm sản và lưu hành cùng với lâm sản trong quá trình khai thác, mua bán, vận chuyển, chế biến, cất giữ theo quy định của pháp luật. Cụ thể các yêu cầu về hồ sơ hợp pháp được quy định tại Chương II Thông tư số 01/2012/TT-BNNPTNT và được bổ sung tại Thông tư 40/2015/TT-BNNPTNT. Do bạn không nói rõ bạn đã đáp ứng những yêu cầu nào của hồ sơ nên chúng tôi không thể biết được hồ sơ của bạn có hợp pháp hay không, bạn cần căn cứ vào quy định trên để biết hồ sơ mình có hợp pháp hay không.
Thứ hai: Về việc đồn kiểm lâm giữ hô hàng của bạn.
Theo khoản 1, Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính thì lô hàng của bạn chỉ được tạm giữ khi:
"a) Để xác minh tình tiết mà nếu không tạm giữ thì không có căn cứ ra quyết định xử phạt. Trường hợp tạm giữ để định giá tang vật vi phạm hành chính làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt thì áp dụng quy định của khoản 3 Điều 60 của Luật này;
b) Để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính mà nếu không tạm giữ thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội;
c) Để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt theo quy định tại khoản 6 Điều này."
Và theo khoản 2, Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính thì việc tạm giữ tang vật, phương tiện phải được chấm dứt ngay sau khi xác minh được tình tiết làm căn cứ quyết định xử phạt, hành vi vi phạm không còn gây nguy hiểm cho xã hội hoặc quyết định xử phạt được thi hành.
Về thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, theo Điều 66 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định như sau:
"1. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính. Đối với vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp mà không thuộc trường hợp giải trình hoặc đối với vụ việc thuộc trường hợp giải trình theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 61 của Luật này thì thời hạn ra quyết định xử phạt tối đa là 30 ngày, kể từ ngày lập biên bản.
Trường hợp vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp và thuộc trường hợp giải trình theo quy định tại đoạn 2 khoản 2 và khoản 3 Điều 61 của Luật này mà cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc phải báo cáo thủ trưởng trực tiếp của mình bằng văn bản để xin gia hạn; việc gia hạn phải bằng văn bản, thời hạn gia hạn không được quá 30 ngày.
2. Quá thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này hoặc khoản 3 Điều 63 của Luật này, người có thẩm quyền xử phạt không ra quyết định xử phạt nhưng vẫn quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật này, quyết định tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính thuộc loại cấm lưu hành.
Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính nếu có lỗi trong việc để quá thời hạn mà không ra quyết định xử phạt thì bị xử lý theo quy định của pháp luật."
Như vậy, nếu vụ việc của bạn phức tạp thì bồn biên phòng có thể kéo dài thời hạn ra quyết định xử phạt là 30 ngày, vì thế thêm 23 ngày nữa là đúng với quy định của pháp luật. Về việc chuyển hồ hơ: thì đồn Chí linh có thẩm quyền giải quyết về việc xử phạt, tuy nhiên nếu phức tạp và xét thấy đồn Biên phòng Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu có thể giải quyết dễ dàng hơn thì sẽ được chuyển hồ sơ lên đồn biên phòng ở Bà Rịa Vũng Tàu, vì Bà Rịa Vũng Tàu là nơi thực hiện giao dịch giữa công ty bạn và bên mua hàng.
Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng.
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 hoặc gửi qua email:Tư vấn pháp luật dân sự miễn phí qua Emailđể nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật dân sự - Công ty luật Minh Khuê