Mục lục bài viết
- 1. Hiệp định VPA/FLEGT (VPA/FLEGT Agreement) là gì?
- 2. Nội dung hiệp định VPA/FLEGT
- 3. Hiệp định VPA/FLEGT được đàm phán như thế nào?
- 4. Tại sao EU và Việt Nam quyết định tham gia Hiệp định VPA/FLEGT
- 5. Tầm quan trọng của ngành lâm nghiệp và công nghiệp gỗ đối với Việt Nam là gì?
- 6. Thị trường EU quan trọng như thế nào đối với sản phẩm gỗ Việt Nam?
- 7. Hiệp định VPA/FLEGT và Quy chế gỗ của EU có mối quan hệ như thế nào?
- 8. Hiệp định VPA/FLEGT và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nma và EU có mối quan hệ như thế nào?
- 9. Các bên liên quan tham gia vào quá trình đàm phán Hiệp định VPA/FLEGT như thế nào?
Nội dung được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Doanh nghiệp của Công ty luật Minh Khuê
>> Luật sư tư vấn pháp luật Doanh nghiệp, gọi: 1900.6162
1. Hiệp định VPA/FLEGT (VPA/FLEGT Agreement) là gì?
Hiệp định VPA/FLEGT trong tiếng Anh gọi là VPA/FLEGT Agreement.
VPA là viết tắt của Voluntary Partnership Agreement (Hiệp định Đối tác tự nguyện).
FLEGT là viết tắt của cụm từ Forest Law Enforcement, Governance and Trade.
Hiệp định VPA/FLEGT hay còn gọi là Hiệp định đối tác tự nguyện giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản. Hiệp định VPA/FLEGT giúp cải thiện quản lí rừng, giải quyết việc khai thác bất hợp pháp và thúc đẩy thương mại sản phẩm gỗ hợp pháp từ Việt Nam sang EU và các thị trường khác.
2. Nội dung hiệp định VPA/FLEGT
2.1. Mục tiêu
Mục tiêu của Hiệp định VPA/FLEGT là thiết lập khung pháp lý đảm bảo rằng tất cả sản phẩm gỗ xuất khẩu từ Việt Nam sang Liên minh Châu Âu (EU) có nguồn gốc và được sản xuất hợp pháp. Mục tiêu này phù hợp với cam kết quản lý bền vững tất cả các loại rừng của hai bên.
Mục tiêu này sẽ đạt được thông qua việc thiết lập Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS), cùng với cơ chế cấp phép FLEGT, nhằm đảm bảo rằng chỉ những sản phẩm gỗ có giấy phép FLEGT được phép đi vào thị trường EU.
Bằng cách này, Hiệp định sẽ góp phần quan trọng vào cuộc chiến chống khai thác gỗ bất hợp pháp đồng thời thúc đẩy thương mại sản phẩm gỗ có nguồn gốc từ các khu rừng được quản lý bền vững và được khai thác theo quy định pháp luật của quốc gia khai thác.
Phạm vi của Hiệp định, và phạm vi điều chỉnh của Hệ thống VNTLAS, bao gồm gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam được sản xuất phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Về nguồn gốc gỗ, Hệ thống VNTLAS đảm bảo tính hợp pháp không chỉ của các nguồn gỗ trong nước mà còn của gỗ nhập khẩu. Các quy định của Hiệp định áp dụng đối với tất cả các đối tượng tại Việt Nam, bao gồm Tổ chức và Hộ gia đình tham gia sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, chế biến và xuất, nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.
Để đạt được điều này, Hiệp định bao gồm các yêu cầu đối với các Tổ chức và Hộ gia đình phải chịu trách nhiệm khi mua bán gỗ nhằm đảm bảo rằng chỉ có gỗ hợp pháp được đi vào chuỗi cung ứng, kể cả mua bán gỗ trong nước và yêu cầu thực hiện trách nhiệm giải trình về nguồn gốc hợp pháp của gỗ nhập khẩu. Điều này có nghĩa là khi được thực thi, Hiệp định sẽ không chỉ đảm bảo rằng tất cả sản phẩm gỗ xuất khẩu từ Việt Nam sang EU là hợp pháp mà còn giúp nâng cao tiêu chuẩn của ngành công nghiệp gỗ của Việt Nam và thúc đẩy chuỗi cung ứng hợp pháp trong thương mại gỗ quốc tế.
Bên cạnh đó, Hiệp định cũng cam kết về tính minh bạch và đảm bảo rằng các thông tin chính về ngành lâm nghiệp sẽ được công bố rộng rãi cho công chúng. Cam kết này là cần thiết và hỗ trợ các bên liên quan tham gia vào quá trình thực thi Hiệp định, đồng thời thể hiện sự đóng góp quan trọng vào việc tăng cường quản trị rừng tại Việt Nam.
2.2. Hiệu lực, thời hạn và chấm dứt
1. Hiệp định này có hiệu lực từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo sau khi các Bên thông báo cho nhau bằng văn bản về việc hoàn tất các thủ tục cần thiết.
2. Các thông báo đề cập trong Điều này sẽ được gửi tới Tổng thư ký Hội đồng Liên minh Châu Âu và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thông qua kênh ngoại giao.
3. Hiệp định này có hiệu lực trong thời hạn 05 năm và được tự động gia hạn 05 năm một lần, trừ khi một Bên từ chối việc gia hạn và có thông báo cho Bên kia bằng văn bản ít nhất 12 tháng trước khi Hiệp định hết hạn.
4. Một trong hai Bên có thể chấm dứt Hiệp định này bằng cách gửi văn bản thông báo cho Bên còn lại. Hiệp định VPA/FLEGT này sẽ bị chấm dứt sau 12 tháng kể từ ngày nhận được thông báo trên.
(Theo Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI)
3. Hiệp định VPA/FLEGT được đàm phán như thế nào?
Vào tháng 5/2010, Việt Nam là quốc gia Châu Á thứ ba tiến hành đàm phán Hiệp định VPA/FLEGT với EU. Quá trình đàm phán diễn ra hơn 7 năm và kết thúc vào tháng 5/2017. Trong quá trình đàm phán, đã có 11 phiên đàm phán cấp cao cùng nhiều phiên đàm phán kỹ thuật và các hoạt động tham vấn các bên liên quan.
Về phía Việt Nam, đàm phán Hiệp định do Tổng cục Lâm nghiệp, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chủ trì. Trưởng đoàn đàm phán là ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tham gia đoàn đàm phán còn có đại diện các Bộ: Ngoại giao, Tư pháp, Công Thương, Tổng cục Hải quan, thuộc Bộ Tài chính, và Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam.
Về phía EU, Tổng vụ Môi trường thuộc Ủy ban Châu Âu chịu trách nhiệm đàm phán Hiệp định. Trưởng đoàn đàm phán là bà Astrid Schomaker, Vụ trưởng Vụ Phát triển bền vững toàn cầu thuộc Tổng vụ Môi trường. Tham gia các phiên đàm phán có đại diện Phái đoàn EU tại Việt Nam, Ủy ban Châu Âu và đại diện các nước thành viên EU tại Việt Nam. Chương trình EU FLEGT, thuộc Viện Lâm nghiệp Châu ÂU (EFI), hỗ trợ về mặt kỹ thuật trong quá trình đàm phán.
4. Tại sao EU và Việt Nam quyết định tham gia Hiệp định VPA/FLEGT
Hiệp định VPA/FLEGT giúp Việt Nam đồng thời giải quyết tình trạng khai thác gỗ bất hợp pháp, cải thiện công tác quản lý rừng, hoàn thiện các quy định đối với ngành công nghiệp gỗ, thúc đẩy các hoạt động kinh doanh có trách nhiệm, và tăng cường cơ hội cho sản phẩm gỗ tại thị trường EU và các thị trường khác.
EU tham gia Hiệp định VPA/FLEGT với Việt Nam là một phần trong nỗ lực loại bỏ gỗ bất hợp pháp khỏi thị trường EU trên cơ sở Kế hoạch hành động của EU về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (FLEGT). Kế hoạch hành động về FLEGT, được thông qua năm 2003, là phản ứng của EU đối với các quan ngại ngày càng tăng tại EU và các nước thành viên về các tác động tiêu cực của tình trạng khai thác và buôn bán gỗ bất hợp pháp trên các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường. Kế hoạch hành động này nhằm giải quyết tình trạng khai thác gỗ bất hợp pháp thông qua việc tăng cường quản lý rừng bền vững và hợp pháp, cải thiện quản trị rừng và thúc đẩy thương mại gỗ được sản xuất hợp pháp.
5. Tầm quan trọng của ngành lâm nghiệp và công nghiệp gỗ đối với Việt Nam là gì?
Ngành lâm nghiệp và ngành công nghiệp gỗ Việt Nam là ngành có đóng góp quan trọng vào nền kinh tế và kim ngạch xuất khẩu, tạo việc làm và sinh kế cho hàng triệu nông dân và người lao động. Việt Nam có hơn 4.500 doanh nghiệp chế biến và kinh doanh gỗ và lâm sản, trong đó doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm khoảng 95%. Trong vòng 10 năm qua, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản đã tăng từ 3,4 tỷ đô la Mỹ vào năm 2010 lên 11,2 tỷ đô la Mỹ vào năm 2019, các sản phẩm gỗ và lâm sản của Việt Nam đã có mặt tại hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những năm tới.
6. Thị trường EU quan trọng như thế nào đối với sản phẩm gỗ Việt Nam?
EU là thị trường xuất khẩu sản phẩm gỗ quan trọng của Việt Nam bên cạnh các thị trường xuất khẩu khác như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong năm 2019, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam sang EU đạt trên 1,03 tỷ đô la Mỹ, tăng 15,8% so với năm 2018, chiếm 9,2% thị phần xuất khẩu. EU là một thị trường quan trọng của Việt Nam bởi vì các sản phẩm chính dành cho người tiêu dùng EU là các sản phẩm gỗ nội và ngoại thất có giá trị cao.
7. Hiệp định VPA/FLEGT và Quy chế gỗ của EU có mối quan hệ như thế nào?
Tháng 10/2010, EU đã thông qua Quy chế gỗ của EU nhằm ngăn chặn việc buôn bán gỗ khai thác bất hợp pháp và các sản phẩm được sản xuất từ loại gỗ này. Quy chế gỗ của EU cũng quy định nhà nhập khẩu và thương nhân nhập khẩu gỗ hoặc sản phẩm gỗ vào cửa khẩu đầu tiên của EU phải thực hiện trách nhiệm giải trình nhằm giảm thiểu nguy cơ mua bán gỗ bất hợp pháp.
Hiện nay, gỗ và sản phẩm gỗ từ Việt Nam được xuất khẩu sang EU phải tuân theo Quy chế gỗ của EU. Việc này sẽ tiếp tục cho đến khi cơ chế cấp phép FLEGT của Việt Nam được vận hành. Quy chế gỗ của EU công nhận tính hợp pháp của gỗ và sản phẩm gỗ có giấy phép FLEGT mà đã được xác minh thông qua các hệ thống kiểm soát của một quốc gia đối tác được thống nhất trong Hiệp định VPA/FLEGT. Do đó, gỗ và sản phẩm gỗ có giấy phép FLEGT sẽ không phải thực hiện trách nhiệm giải trình theo quy định của Quy chế gỗ của EU. Việt Nam là một quốc gia đối tác đã thực thi Hiệp định VPA/ FLEGT với EU nhưng vẫn chưa đạt đến giai đoạn cấp phép FLEGT.
8. Hiệp định VPA/FLEGT và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nma và EU có mối quan hệ như thế nào?
Song song với Hiệp định VPA/FLEGT, EU và Việt Nam đã tiến hành đàm phán Hiệp định thương mại tự do và ký Hiệp định này vào ngày 30/6/2019. Mặc dù là các hiệp định riêng biệt nhưng Hiệp định VPA/FLEGT là một phần quan trọng của các điều khoản rộng hơn trong Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU. Hiệp định VPA/FLEGT liên quan đến việc thực hiện Chương “Thương mại và Phát triển bền vững” của Hiệp định thương mại tự do, bao gồm các quy định về quản lý rừng bền vững và thương mại lâm sản.
9. Các bên liên quan tham gia vào quá trình đàm phán Hiệp định VPA/FLEGT như thế nào?
Trong quá trình đàm phán Hiệp định VPA/FLEGT, tham vấn với các bên liên quan, bao gồm khu vực tư nhân, chính quyền địa phương, các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng, đã được tổ chức. Phương thức tham vấn bao gồm góp ý cho các dự thảo của Hiệp định, tổ chức các sự kiện tham vấn các bên liên quan và tổ chức các cuộc họp tham vấn định kỳ với các hiệp hội và doanh nghiệp về các vấn đề quan trọng. Năm 2012, các tổ chức phi chính phủ Việt Nam cũng đã thành lập một mạng lưới về FLEGT nhằm thực hiện tham vấn với cộng đồng địa phương và người dân trồng rừng về Hiệp định.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.6162 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Luật Minh Khuê - Sưu tầm & biên tập