1. Chưa đăng ký kết hôn nhưng đã có con thì ghi giấy xác nhận hôn nhân thế nào ?

Chào Luật sư, cho tôi hỏi, tôi có con trai 4 tuổi, nhưng do bố bé không nhận cháu, và chúng tôi cũng chưa đăng ký kết hôn lần nào, cũng chưa tổ chức đám cưới. Hiện tại cháu đang ở với bố mẹ tôi, và cách đây 3 tháng, bố tôi đã nhập hộ khẩu cho cháu.

Vậy cho tôi hỏi Luật sư 1 số điều như sau:

1. Nếu trong hộ khẩu, bố tôi đã đi nhập hộ tịch cho con tôi, vậy trong sổ hộ khẩu của gia đình tôi cháu sẽ được ghi thông tin là có mối quan hệ như thế nào với chủ hộ.

2. Hiện tại tôi có đang quen 1 người Việt nhưng quốc tịch Mỹ, vậy khi đăng ký kết hôn thì như tôi chưa đăng ký kết hôn lần nào. và cũng chưa chung sống với ai, nhưng lại có 1 đứa con, vậy tình trạng của tôi khi đi làm giấy xác nhận tình trạng hôn nhân được ghi như thế nào để sở tư pháp chấp thuận.

3. Khi nộp hồ sơ xin định cư tại Mỹ thì bên lãnh sứ quán Mỹ và di trú Mỹ ,họ có hỏi về vấn đề tôi chưa từng có kết hôn mà lại có con không ? Và vấn đề đó có ảnh hưởng gì đến chuyện xin đinh cư tại mỹ không ạ?

Mong Luật sư tư vấn giúp tôi. Tôi xin chân thành cảm ơn !

Luật sư trả lời:

1. Nếu trong hộ khẩu, bố tôi đã đi nhập hộ tịch cho con tôi, vậy trong sổ hộ khẩu của gia đình tôi cháu sẽ được ghi thông tin là có mối quan hệ như thế nào với chủ hộ.

Trong trường hợp này với thông tin dữ liệu bạn đưa ra thì con do bạn sinh (không phải do mang thai hộ) đương nhiên được thừa nhận đó là con của bạn. Nếu trong trường hợp có tranh chấp xảy ra thì bạn và người có tranh chấp có nghĩa vụ cung cấp những căn cứ để chứng minh đấy là con của mình như bản xét nghiệm ADN,.... để tòa án ra quyết định xác định cha, mẹ, con theo quy định tại Điều 89 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, cụ thể:

"Điều 89. Xác định con

1. Người không được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu Tòa án xác định người đó là con mình.

2. Người được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu Tòa án xác định người đó không phải là con mình."

Do đó, một khi bạn đã được xác định là mẹ của đứa trẻ thì khi bố của bạn nhập khẩu cho con bạn thì mối quan hệ giữa con bạn và chủ hộ là: ông - cháu.

2. Hiện tại tôi có đang quen 1 người Việt nhưng quốc tịch Mỹ, vậy khi đăng ký kết hôn thì như tôi chưa đăng ký kết hôn lần nào. và cũng chưa chung sống với ai, nhưng lại có 1 đứa con, vậy tình trạng của tôi khi đi làm giấy xác nhận tình trạng hôn nhân được ghi như thế nào để sở tư pháp chấp thuận.

Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định như sau:

"Điều 9. Đăng ký kết hôn

1. Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về hộ tịch.

Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định tại khoản này thì không có giá trị pháp lý.

2. Vợ chồng đã ly hôn muốn xác lập lại quan hệ vợ chồng thì phải đăng ký kết hôn."

Như vậy, với thông tin bạn cung cấp thì bạn có chung sống như vợ chồng với một người và đã có một đứa con 4 tuổi. Tuy nhiên giữa hai người không thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn do đó đối chiếu theo quy định pháp luật trên thì quan hệ hôn nhân của bạn không được pháp luật thừa nhận.

Khi bạn thực hiện thủ tục xin cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân thì theo quy định của Thông tư 04/2020/TT-BTP, giấy xác nhận này của bạn sẽ được ghi “Chưa đăng ký kết hôn với ai”, cụ thể Điều 33 quy định như sau:

Điều 33. Cách ghi Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, Sổ cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân

1. Mục “Tình trạng hôn nhân” phải ghi trung thực về tình trạng hôn nhân hiện tại của người đó, cụ thể như sau:

- Nếu chưa bao giờ kết hôn thì ghi rõ là hiện tại chưa đăng ký kết hôn với ai.

- Nếu đang có vợ/chồng thì ghi rõ là hiện tại đang có vợ/chồng là bà/ông... (Giấy chứng nhận kết hôn số..., do... cấp ngày... tháng... năm...).

- Nếu chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 03/01/1987 và chưa ly hôn hoặc không có sự kiện vợ (chồng) chết hoặc bị tuyên bố là đã chết thì ghi rõ là hiện tại đang có vợ/chồng là bà/ông....

- Nếu có đăng ký kết hôn hoặc chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 03/01/1987, nhưng đã ly hôn và chưa kết hôn mới thì ghi rõ là đã đăng ký kết hôn hoặc đã có vợ/chồng, nhưng đã ly hôn theo Bản án/Quyết định ly hôn số... ngày... tháng... năm... của Tòa án nhân dân...; hiện tại chưa đăng ký kết hôn với ai.

- Nếu có đăng ký kết hôn hoặc chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 03/01/1987, nhưng vợ/chồng đã chết và chưa kết hôn mới thì ghi rõ là đã đăng ký kết hôn hoặc đã có vợ/chồng, nhưng vợ/chồng đã chết (Giấy chứng tử/Trích lục khai tử/Bản án số:... do... cấp ngày... tháng... năm...); hiện tại chưa đăng ký kết hôn với ai.

- Nếu người đang có vợ/chồng yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân trong thời gian trước khi đăng ký kết hôn thì ghi rõ là trong thời gian từ ngày…tháng….năm….đến ngày….tháng…..năm….chưa đăng ký kết hôn với ai; hiện tại đang có vợ/chồng là bà/ông… (Giấy chứng nhận kết hôn số …, do … cấp ngày…tháng…năm).

2. Công dân Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài có yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân trong thời gian cư trú tại Việt Nam, trước khi xuất cảnh; người đã qua nhiều nơi thường trú khác nhau đề nghị xác nhận tình trạng hôn nhân tại nơi thường trú trước đây thì ghi rõ về tình trạng hôn nhân của người đó tương ứng với thời gian cư trú.

Ví dụ: Không đăng ký kết hôn với ai trong thời gian cư trú tại xã Bồng Lai, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh từ ngày 20/11/1996 đến ngày 04/3/1998.

3. Trường hợp Cơ quan đại diện cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho công dân Việt Nam trong thời gian cư trú ở nước ngoài thì mục “Nơi cư trú” ghi theo địa chỉ cư trú hiện tại của người yêu cầu. Tình trạng hôn nhân của người đó được xác định trên cơ sở kết quả kiểm tra Sổ hộ tịch, Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử do Cơ quan đại diện quản lý và ghi tương tự như quy định tại khoản 2 Điều này.

3. Khi nộp hồ sơ xin định cư tại Mỹ thì bên lãnh sứ quán Mỹ và di trú Mỹ ,họ có hỏi về vấn đề tôi chưa từng có kết hôn mà lại có con không ? Và vấn đề đó có ảnh hưởng gì đến chuyện xin định cư tại mỹ không ạ?

Về vấn đề này thì hiện tại rất tiếc chúng tôi chưa thể hỗ trợ bạn được, với vấn đề này bạn vui lòng liên hệ tới Đại sứ quán hoặc Lãnh sự quán Mỹ để biết thêm chi tiết.

Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ 1900.6162 để được giải đáp. Trân trọng cảm ơn!

2. Chia tài sản khi chưa đăng ký kết hôn như thế nào thì hợp pháp ?

Thưa luật sư, xin hỏi: Vợ chồng em sống chung nhưng chưa đăng ký kết hôn, nếu không sống cùng nhau nữa thì tài sản chung giải quyết ra sao ?
Cụ thể em có 1 cửa hàng buôn bán cỡ vừa. Vợ chồng em thỏa thuận bằng miệng là vợ làm việc cho em. Em trả lương cho vợ như sau: bao cơm nước, tiêu xài, mua sắm đồng thời vợ nhận tiền lãi từ bán SIM thẻ mỗi tháng (nhưng vợ tự bỏ vốn nhập hàng, còn mặt bằng mua bán và các chi phí em trả). Xin hỏi Luật sư nếu 2 vợ chồng em không sống chung nữa, và nếu vợ lật lọng đổi ý thì tài sản của em có phải chia cho vợ (và ngược lại) không ạ? Theo em được biết thì luật mới có "Hợp đồng tiền hôn nhân".
Xin hỏi có áp dụng trường hợp nam nữ chung sống như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn không? Nếu có thì thủ tục như thế nào, còn nếu không thì có cách nào thay thế không ạ?
Cảm ơn luật sư!
Người gửi: N.H.

Fwd: Chia tài sản khi chưa đăng ký kết hôn (có trả lương cho vợ).

Luật sư tư vấn luật hôn nhân gọi: 1900.6162

Trả lời:

Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:

Điều 28. Áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng

1. Vợ chồng có quyền lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo luật định hoặc chế độ tài sản theo thỏa thuận.

Chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định được thực hiện theo quy định tại các điều từ Điều 33 đến Điều 46 và từ Điều 59 đến Điều 64 của Luật này.

Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được thực hiện theo quy định tại các điều 47, 48, 49, 50 và 59 của Luật này.

2. Các quy định tại các điều 29, 30, 31 và 32 của Luật này được áp dụng không phụ thuộc vào chế độ tài sản mà vợ chồng đã lựa chọn.

3. Chính phủ quy định chi tiết về chế độ tài sản của vợ chồng.

Điều 47. Thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng

Trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn.

Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình hiện hành thì "Hợp đồng tiền hôn nhân" chính là thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng; hay nói cách khác, hợp đồng này chỉ có hiệu lực khi bạn có đăng ký kết hôn và hai bạn là vợ chồng theo pháp luật.

Như vậy, vì bạn không có đăng ký kết hôn và chỉ chung sống như vợ chồng nên bạn không thể áp dụng "hợp đồng tiền hôn nhân" vào trường hợp của mình được.

Điều 16 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về giải quyết quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn:

"1. Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập."

Như vậy, theo quy định này thì tài sản trong trường hợp của bạn sẽ được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; nếu không có thỏa thuận thì tài sản sẽ được giải quyết dựa trên công sức đóng góp của mỗi người nhưng dù được giải quyết như thế nào thì vẫn phải bảo đảm được quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con;...

Trường hợp trong bản tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bản tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách tới địa chỉ email:Tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình miễn phí qua Email hoặc tổng đài tư vấn pháp luật hôn nhân trực tuyến: 1900.6162. Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.

3. Có được đăng ký khai sinh cho con khi chưa đăng ký kết hôn không ?

Chào luật sư, Tôi không đăng kí kết hôn, muốn làm giấy khai sinh cho con có cả tên cha. Nhưng muốn anh làm một cam kết con sẽ do tôi nuôi và sẽ ở với tôi (vì nếu giao con cho anh thì anh sẽ giao cho người phụ nữ khác nuôi, những đứa con khác của anh đều như vậy).
Tôi vẫn cho anh quyền chăm sóc con nhưng không đựơc giao cho người khác. Không biết tôi phải làm như thế nào để bản cam kết này có giá trị ?
Tôi mong luật sư tư vấn giúp tôi. Tôi xin cảm ơn!

Luật sư trả lời:

Theo như câu hỏi của bạn muốn giải đáp việc bạn muốn đăng kí giấy khai sinh cho con muốn có tên của cha nhưng không có giấy đăng ký kết hôn:

Thứ nhất theo quy định Điều 15 Nghị định 123/2015/NĐ-CP:

Điều 15. Đăng ký khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha, mẹ

1. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ đang cư trú có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha, mẹ.

2. Trường hợp chưa xác định được cha thì khi đăng ký khai sinh họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ; phần ghi về cha trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ để trống.

3. Nếu vào thời điểm đăng ký khai sinh người cha yêu cầu làm thủ tục nhận con theo quy định tại Khoản 1 Điều 25 của Luật Hộ tịch thì Ủy ban nhân dân kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh; nội dung đăng ký khai sinh được xác định theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 của Nghị định này.

4. Trường hợp trẻ chưa xác định được mẹ mà khi đăng ký khai sinh cha yêu cầu làm thủ tục nhận con thì giải quyết theo quy định tại Khoản 3 Điều này; phần khai về mẹ trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ em để trống.

5. Thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ không thuộc diện bị bỏ rơi, chưa xác định được cha và mẹ được thực hiện như quy định tại Khoản 3 Điều 14 của Nghị định này; trong Sổ hộ tịch ghi rõ “Trẻ chưa xác định được cha, mẹ”

Như vậy, vào thời điểm đăng ký khai sinh người cha yêu cầu làm thủ tục nhận con thì UBND sẽ kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh. Việc nhận cha cho con thì theo khoản 1 điều 25 Luật hộ tịch 2014 Người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con nộp tờ khai theo mẫu quy định và chứng cứ chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Khi đăng ký nhận cha, mẹ, con các bên phải có mặt. Và chứng cứ chứng minh quan hệ cha con được quy định tại thông tư 04/2020/TT-BTP.

Thứ hai việc chị muốn được quyền nuôi con căn cứ theo quy định tại điều 15 Luật hôn nhân gia đình 2014Quyền, nghĩa vụ giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con được giải quyết theo quy định của Luật này về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con. Théo đó tại khoản 3 Điều 81 Luật Hôn nhân 2014 quy định " con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con".

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với Luật sư tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 hoặc gửi qua email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê. Rất mong nhận được sự hợp tác!

4. Quyền nuôi cháu nội khi bố mẹ cháu chưa đăng ký kết hôn ?

Thưa Luật sư! Trường hợp bà nội muốn nuôi cháu nội nhưng do vợ, chồng (con dâu và con trai) chưa làm thủ tục đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật, bà nội có được quyền nuôi dưỡng cháu bé không? Các văn bản nào quy định về vấn đề này.
Diễn biến và nguyên nhân: Do hai vợ, chồng trẻ đi làm ăn xa, không ở cùng nhau cũng không có đủ điều kiện để chăm sóc nuôi dưỡng cháu nên bà nội của cháu muốn nuôi cháu và chuyển cháu về quê để sinh sống ở đó luôn. Do bố, mẹ cháu nhỏ chưa có đăng ký nên việc ủy quyền giám hộ và chăm sóc, nuôi dưỡng cháu nhỏ cho bà nội không thực hiện bằng văn bản được vì không có tính rằng buộc pháp lý, cha của cháu nhỏ cũng không làm thủ tục cha nhận con ?
Xin trân thành cảm ơn!

Cấp dưỡng cho con khi chưa đăng ký kết hôn được thực hiện như thế nào ?

Luật sư tư vấn luật hôn nhân trực tuyến, gọi: 1900.6162

Trả lời:

Luật Hôn nhân và Gia định 2014 quy định:

Điều 15. Quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn

Quyền, nghĩa vụ giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con được giải quyết theo quy định của Luật này về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con.

Điều 88. Xác định cha, mẹ

1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.

Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.

Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.

2. Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định.

Tuy nhiên, cha mẹ cháu chưa đăng ký kết hôn và cha cháu chưa làm thủ tục nhận con do đó, con sinh ra không được xác định là con chung. Khi làm Giấy khai sinh, mục người cha sẽ để trống và người đại diện pháp luật của cháu sẽ là mẹ cháu. Nếu mẹ cháu không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con là người chưa thành niên thì có thể xác định người giám hộ,.

Điều 52. Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên Bộ Luật dân sự năm 2015

Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 47 của Bộ luật này được xác định theo thứ tự sau đây:

1. Anh ruột là anh cả hoặc chị ruột là chị cả là người giám hộ; nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh ruột hoặc chị ruột tiếp theo là người giám hộ, trừ trường hợp có thỏa thuận anh ruột hoặc chị ruột khác làm người giám hộ.

2. Trường hợp không có người giám hộ quy định tại khoản 1 Điều này thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ hoặc những người này thỏa thuận cử một hoặc một số người trong số họ làm người giám hộ.

3. Trường hợp không có người giám hộ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột hoặc dì ruột là người giám hộ.

Theo điều 54 Bộ luật dân sự 2015 (về việc cử người giám hộ): Trong trường hợp người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự không có người giám hộ đương nhiên theo quy định thì ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú của người được giám hộ có trách nhiệm cử người giám hộ hoặc đề nghị một tổ chức đảm nhận việc giám hộ.

Như vậy, người được coi là bà nội của cháu có thể giám hộ cháu nếu đáp ứng các điều kiện sau: mẹ cháu không có điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng cháu và có yêu cầu người giám hộ cho con; không có người giám hộ đương nhiên theo quy định của pháp luật và được ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú của người được giám hộ cử.

Tuy nhiên, để tránh những rắc rối sau này và để bà nội được trở thành người giám hộ đương nhiên của cháu thì cha mẹ cháu nên sớm làm thủ tục đăng ký kết hôn.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 hoặc gửi qua email: Tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình miễn phí qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.

5. Cấp dưỡng cho con khi chưa đăng ký kết hôn được thực hiện như thế nào ?

Thưa luật sư, xin hỏi: Tôi năm nay 20 tuổi. Hiện tại con của tôi được 1 tháng tuổi. Tôi và bố đứa trẻ chưa đăng ký kết hôn với nhau. Giờ tôi muốn yêu cầu bố đứa nhỏ cấp dưỡng hàng tháng cho con của tôi thì cần những gì. Và mức yêu cầu cấp dưỡng cao nhất là bao nhiêu % tổng thu nhập của ba đứa bé ?
Cảm ơn!
Người gửi : Nguyễn Thị Linh Hoa

Luật sư trả lời:

Chúng tôi rất thông cảm cho hoàn cảnh của bạn khi sắp phải đối diện với cảnh đơn thân nuôi con. Tuy nhiên, pháp luật có quy định về việc người không trực tiếp nuôi con vẫn phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Do hai bạn không có giấy đăng ký kết hôn, để được yêu cầu cấp dưỡng cho con, trước hết bạn phải làm thủ tục Xác định cha cho con (Điều 101 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014)

Để thực hiện việc xác định cha cho con, bạn gửi đơn yêu cầu đến Tòa án có thẩm quyền. Hồ sơ yêu cầu bao gồm:

- Đơn yêu cầu xác đinh cha cho con (có thể xin tại Tòa án).

- Chứng minh thư nhân dân của mẹ (photo có chứng thực).

- Sổ hộ khẩu của mẹ (photo có chứng thực).

- Giấy khai sinh của con (photo có chứng thực).

- Giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ cha con (có thể là: - Giấy tờ hoặc thư do người bị kiện viết trong đó có thừa nhận đứa bé là con mình; - Xác nhận của công đồng dân cư về việc chung sống như vợ chồng,…).

Bằng các biện pháp nghiệp vụ như việc trưng cầu giám định ADN, tòa án ra kết luận về quan hệ giữa cha và con. Kết luận này sẽ được gửi đến cơ quan đăng ký hộ tịch để ghi chú theo quy định pháp luật hộ tịch.

Chỉ khi cơ quan có thẩm quyền công nhận mối quan hệ cha con thì bạn mới có quyền yêu cầu người cha thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con mình.

Sau khi xác định quan hệ cha-con, bạn thực hiện quyền yêu cầu cấp dưỡng (Điều 119 luật hôn nhân gia đình 2014) đối với người cha không trực tiếp nuôi dưỡng. Trường hợp người này không tự nguyện trong việc cấp dưỡng bạn có quyền yêu cầu tòa án buộc người này thực hiện nghĩa vụ theo quy định pháp luật tố tụng dân sự. Nghĩa vụ cấp dưỡng này không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao, do đó người cha của con bạn bắt buộc phải thực hiện theo quy định của pháp luật.

Như vậy, sau khi thực hiện thủ tục xác định cha cho con, bạn có thể yêu cầu người cha phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng đối với con của bạn.

Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ Luật sư tư vấn pháp luật hôn nhân về quyền nuôi con trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi số: 1900.6162 để được giải đáp.

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật Hôn nhân - Công ty luật Minh Khuê