1. Chưa ly hôn có được chuyển hộ khẩu nhà ngoại không?

Em xin chào ạ. Em muốn hỏi về việc tách khẩu cho em và con em(4tuổi) ra khỏi nhà chồng (chủ hộ là cha chồng) về nhà mẹ đẻ khi em có mâu thuẫn với chồng cha mẹ 2 bên vẫn không muốn 2 vợ chồng em ly hôn. Nhưng em không thể tiếp tục vì chồng em không lo làm ăn gì) để tiện việc đi làm nuôi con nhưng vợ chồng em vẫn chưa ly hôn thì phải làm thế nào ạ ?
Cảm ơn Luật Minh Khuê!

Trả lời:

Thứ nhất, Sổ hộ khẩu gia đình được cấp cho từng hộ gia đình ở chung một chỗ ở hợp pháp và có quan hệ gia đình là ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con và anh, chị, em ruột, cháu ruột thì có thể được cấp chung một sổ hộ khẩu, vậy bạn và con có đủ điều kiện để chuyển vào sổ hộ khẩu ông bà ngoại.

"Điều 25, Luật Cư trú 2006 sửa đổi năm 2013 Sổ hộ khẩu cấp cho hộ gia đình
1. Sổ hộ khẩu được cấp cho từng hộ gia đình. Mỗi hộ gia đình cử một người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ làm chủ hộ để thực hiện và hướng dẫn các thành viên trong hộ thực hiện quy định về đăng ký, quản lý cư trú. Trường hợp không có ng­ười từ đủ mười tám tuổi trở lên hoặc có người từ đủ 18 tuổi trở lên nhưng bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự thì đ­ược cử một ng­ười trong hộ làm chủ hộ.
Những ng­ười ở chung một chỗ ở hợp pháp và có quan hệ gia đình là ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con và anh, chị, em ruột, cháu ruột thì có thể được cấp chung một sổ hộ khẩu."
Bên cạnh đó, pháp luật về cư trú quy định về việc cấp giấy chuyển hộ khẩu trong trường hợp chuyển hộ khẩu thường trú không phụ thuộc vào việc đã ly hôn hay chưa.
"Điều 28. Giấy chuyển hộ khẩu
1. Công dân khi chuyển nơi thường trú thì được cấp giấy chuyển hộ khẩu.
2. Giấy chuyển hộ khẩu được cấp cho công dân trong các trường hợp sau đây:
a) Chuyển đi ngoài phạm vi xã, thị trấn của huyện thuộc tỉnh;
b) Chuyển đi ngoài phạm vi huyện, quận, thị xã của thành phố trực thuộc trung ương; thị xã, thành phố thuộc tỉnh."

- Luật Cư trú 2006 sửa đổi năm 2013

=> Như vậy: Bạn và con bạn có thể chuyển hộ khẩu về nhà ông bà ngoại mà không phụ thuộc vào việc bạn đã ly hôn hay không.
Thứ hai, thủ tục Đăng ký thường trú tại nơi bạn chuyển đến, cụ thể:
Hồ sơ đăng ký thường trú, bao gồm:
+) Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu;
+) Bản khai nhân khẩu (đối với trường hợp phải khai bản khai nhân khẩu);
+) Giấy chuyển hộ khẩu (đối với các trường hợp phải cấp giấy chuyển hộ khẩu quy định tại Khoản 2 Điều 28 Luật cư trú).
+) Sổ hộ khẩu của gia đình bố mẹ bạn
+) Giấy tờ chứng minh mối quan hệ cha, mẹ, con, cháu (giấy khai sinh)
Thứ ba,Thẩm quyền giải quyết: Nếu mẹ bạn có hộ khẩu tại tỉnh thì cơ quan có thẩm quyền giải quyết là Ủy ban nhân dân cấp xã. Nếu mẹ bạn có hộ khẩu tại thành phố trực thuộc trung ương thì cơ quan có thẩm quyền giải quyết là Ủy ban nhân dân cấp huyện,

 

2. Vợ hộ khẩu Nam Định, chồng hộ khẩu Ninh Bình làm việc ở Hà Nội thì nộp đơn ly hôn ở đâu?

Xin chào công ty luật Minh Khuê, tôi tên M, tôi đã lấy chồng được gần 3 năm nhưng trong thời gian chung sống xảy ra nhiều mâu thuẫn.

Bây giờ tôi muốn ly hôn. Tôi có hộ khẩu tại Nam Định còn chồng thì ở Ninh Bình hiện tại cả hai đang làm việc tại Hà Nội vậy bây giờ tôi muốn ly hôn thì tôi phải nộp đơn tại đâu và nếu trong thời gian thụ lý của tòa để tiến hành hòa giải tôi không có mặt thì tòa có tiến hành giải quyết việc ly hôn hay không và thời gian hoàn tất thủ tục là bao lâu? Chúng tôi chưa có con và cũng không có tài sản chung.

Kính mong công ty luật tư vấn cho tôi. Xin cảm ơn!

>> Luật sư tư vấn luật hôn nhân gia đình trực tuyến, gọi: 1900.6162

 

Trả lời:

- Về vấn đề tòa án thụ lý đơn yêu cầu ly hôn của bạn.

Điều 53 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:

"Điều 53. Thụ lý đơn yêu cầu ly hôn

1. Tòa án thụ lý đơn yêu cầu ly hôn theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

2. Trong trường hợp không đăng ký kết hôn mà có yêu cầu ly hôn thì Tòa án thụ lý và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật này; nếu có yêu cầu về con và tài sản thì giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này."

Điềm a khoản 1 Điều 35 Bộ Luật dân sự 2015 quy định như sau

Điều 35. Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện

1. Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp sau đây:

a) Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này, trừ tranh chấp quy định tại khoản 7 Điều 26 của Bộ luật này;

b) Tranh chấp về kinh doanh, thương mại quy định tại khoản 1 Điều 30 của Bộ luật này;

c) Tranh chấp về lao động quy định tại Điều 32 của Bộ luật này.

Như vậy, bạn có thể nộp đơn ly hôn tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi chồng bạn cư trú tại Hà Nội để yêu cầu giải quyết.

- Về vấn đề hòa giải bạn không tham gia.

Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Toà án tiến hành hoà giải để các đương sự thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ án. Tòa án sẽ gửi thông báo về việc tiến hành hòa giải cho nguyên đơn và bị đơn .

Tuy nhiên, nếu bạn với tư cách nguyên đơn mà bạn vắng mặt có lý do chính đáng thì coi như vụ án ly hôn của vợ chồng bạn không tiến hành hoà giải được và trong trường hợp này Tòa án có quyết định đưa vụ án ra xét xử.

- Về thời hạn giải quyết ly hôn.

Sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì tòa án sẽ thông báo cho người khởi kiện biết để đến làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí.

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo, người khởi kiện phải nộp tiền. Tòa án thụ lý vụ án khi người khởi kiện nộp biên lai.

Tòa án giải quyết vụ án ly hôn trong thời hạn 4 tháng, kể từ ngày thụ lý. Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do trở ngại khách quan thì chánh án tòa án có thể quyết định gia hạn thêm, nhưng không quá hai tháng. Trong thời hạn này, tùy từng trường hợp, tòa án ra một trong các quyết định sau đây: công nhận sự thỏa thuận của các đương sự hoặc tạm đình chỉ giải quyết vụ án hoặc đình chỉ giải quyết vụ án hoặc đưa vụ án ra xét xử.

 

3. Thủ tục tách hộ khẩu khi ly hôn?

Thưa Luật sư! Em lấy chồng đã được 3 năm, nhưng đã ly hôn và em muốn cắt khẩu từ nhà chồng về nhà mẹ đẻ, vậy em cần thực hiện những thủ tục gì? Nhà chồng em ở huyện Hữu Lũng, Tỉnh Lạng Sơn, còn nhà mẹ đẻ của em ở Thành Phố lạng sơn. Vậy em muốn cắt khẩu từ huyện lên thành phố thì em có phải về thành phố xin giấy giới thiệu không ạ?
Em xin cảm ơn!

>> Luật sư tư vấn luật hôn nhân gia đình gọi: 1900.6162

 

Trả lời:

Theo quy định của Luật cư trú năm năm 2006, trong trường hợp này bạn cần phải tiến hành một số thủ tục như: thủ tục tách sổ hộ khẩu, thủ tục nhập sổ hộ khẩu cũ. Cụ thể:

“Điều 27. Tách sổ hộ khẩu

1. Trường hợp có cùng một chỗ ở hợp pháp được tách sổ hộ khẩu bao gồm:

a) Người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có nhu cầu tách sổ hộ khẩu;

b) Người đã nhập vào sổ hộ khẩu quy định tại khoản 3 Điều 25 và khoản 2 Điều 26 của Luật này mà được chủ hộ đồng ý cho tách sổ hộ khẩu bằng văn bản.

2. Khi tách sổ hộ khẩu, người đến làm thủ tục phải xuất trình sổ hộ khẩu; phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; ý kiến đồng ý bằng văn bản của chủ hộ nếu thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.

3. Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền phải trả kết quả giải quyết việc tách sổ hộ khẩu; trường hợp không giải quyết việc tách sổ hộ khẩu thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.”

Trình tự, thủ tục tách sổ hộ khẩu:

Hồ sơ để xin tách sổ hộ: (Theo khoản 2, Điều 27 Luật cư trú 2006)

+ Sổ hộ khẩu;

+ Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu;

+ Ý kiến đồng ý bằng văn bản của chủ hộ nếu thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 27 Luật cư trú.

Nơi nộp hồ sơ:

+ Đối với thành phố trực thuộc Trung ương thì nộp hồ sơ tại Công an huyện, quận, thị xã.

+ Đối với tỉnh thì nộp hồ sơ tại Công an xã, thị trấn thuộc huyện; Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Thời gian giải quyết: Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền phải trả kết quả giải quyết việc tách sổ hộ khẩu; trường hợp không giải quyết việc tách sổ hộ khẩu thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do theo Khoản 3, Điều 27 Luật cư trú 2006.

Lệ phí: Miễn thu lệ phí khi tách sổ hộ khẩu.

Trình tự, thủ tục nhập vào khẩu cũ:

Căn cứ tại Điều 21 Luật Cư trú năm 2006 quy định về đăng ký thường trú như sau:

"Thủ tục đăng ký thường trú

1. Người đăng ký thường trú nộp hồ sơ đăng ký thường trú tại cơ quan công an sau đây:

a) Đối với thành phố trực thuộc trung ương thì nộp hồ sơ tại Công an huyện, quận, thị xã;

b) Đối với tỉnh thì nộp hồ sơ tại Công an xã, thị trấn thuộc huyện, Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

2. Hồ sơ đăng ký thường trú bao gồm:

a)Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu;bản khai nhân khẩu;

b) Giấy chuyển hộ khẩu theo quy định tại Điều 28 của Luật này;

c) Giấy tờ và tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp. Đối với trường hợp chuyển đến thành phố trực thuộc trung ương phải có thêm tài liệu chứng minh thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 20 của Luật này."

3. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này phải cấp sổ hộ khẩu cho người đã nộp hồ sơ đăng ký thường trú; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Như vậy, khi bạn muốn thực hiện thủ tục nhập khẩu và hộ khẩu nhà bố mẹ đẻ thì cần thực hiện theo hướng dẫn và được sự đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của chủ hộ nơi đến (bố, mẹ đẻ của bạn). Nơi tiếp nhận hồ sơ nhập khẩu giống như tách khẩu.

>> Tham khảo bài viết liên quan: Thủ tục chuyển khẩu khi khi chuẩn bị ly hôn?

 

4. Ly hôn mà không có hộ khẩu của các con liệu có thực hiện được không?

Kính chào luật sư! Hiện nay vợ chồng tôi đã ly thân được 2 năm. Chúng tôi sinh được 2 cháu trai, sinh năm 2011 và 2013. Tài sản chung không có. Vì vợ và 2 cháu chưa nhập hộ khẩu vào với tôi nên khai sinh hai cháu tại địa chỉ bên vợ.

Hiện nay tôi muốn ly hôn nhưng vợ không cung cấp giấy khai sinh của hai cháu để nộp cho tòa án giải quyết. Tôi đã ra UBND Quận xin cấp bản sao giấy khai sinh nhưng không có hộ khẩu của hai cháu nên không được cấp. Vậy tôi phải làm thế nào để được ly hôn, hoặc tôi có thể khởi kiện vợ ra tòa về việc không cung cấp giấy tờ được không? Rất mong quý luật sư tư vấn giải đáp.

Tôi xin cảm ơn!

Người gửi: P.H

Trả lời:

Nghị định số 23/2015/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch quy định:

Điều 16. Cá nhân, tổ chức có quyền yêu cầu cấp bản sao từ sổ gốc

1. Cá nhân, tổ chức được cấp bản chính.

2. Người đại diện theo pháp luật, người đại diện theo ủy quyền của cá nhân, tổ chức được cấp bản chính.

3. Cha, mẹ, con; vợ, chồng; anh, chị, em ruột; người thừa kế khác của người được cấp bản chính trong trường hợp người đó đã chết.

Điều 17. Thủ tục cấp bản sao từ sổ gốc

1. Người yêu cầu cấp bản sao từ sổ gốc phải xuất trình bản chính hoặc bản sao có chứng thực Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng để người tiếp nhận hồ sơ kiểm tra.

Trong trường hợp người yêu cầu cấp bản sao từ sổ gốc là người được quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 16 của Nghị định này thì phải xuất trình giấy tờ chứng minh quan hệ với người được cấp bản chính.

2. Cơ quan, tổ chức căn cứ vào sổ gốc để cấp bản sao cho người yêu cầu; nội dung bản sao phải ghi theo đúng nội dung đã ghi trong sổ gốc. Trường hợp không còn lưu trữ được sổ gốc hoặc trong sổ gốc không có thông tin về nội dung yêu cầu cấp bản sao thì cơ quan, tổ chức có trách nhiệm trả lời bằng văn bản cho người yêu cầu.

3. Trường hợp người yêu cầu cấp bản sao từ sổ gốc gửi yêu cầu qua bưu điện thì phải gửi kèm theo bản sao có chứng thực giấy tờ quy định tại Khoản 1 Điều này, 01 (một) phong bì dán tem ghi rõ họ tên, địa chỉ người nhận cho cơ quan, tổ chức cấp bản sao.

4. Thời hạn cấp bản sao từ sổ gốc được thực hiện theo quy định tại Điều 7 của Nghị định này. Trong trường hợp yêu cầu cấp bản sao từ sổ gốc được gửi qua bưu điện thì thời hạn được thực hiện ngay sau khi cơ quan, tổ chức nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo dấu bưu điện đến.

Trong trường hợp này nếu bạn muốn được cấp bản sao giấy khai sinh của con thì bạn phải có các giấy tờ: bản chính hoặc bản sao có chứng thực Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng; giấy tờ chứng minh quan hệ với người được cấp bản chính. Như vậy, nếu bạn không có hộ khẩu để chứng minh có quan hệ với người được cấp bản chính thì bạn có thể dùng giấy tờ khác để chứng minh quan hệ cha con như phiếu xét nghiệm ADN. Sau khi đã chứng minh được có quan hệ với người được cấp bản chính, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền sẽ căn cứ vào sổ gốc để cấp bản sao giấy khai sinh cho bạn.

Còn đối với việc vợ bạn không cung cấp giấy tờ cho bạn để làm thủ tục ly hôn thì bạn có thể trình bày với Ủy ban nhân dân quận để Ủy ban can thiệp, giúp bạn giải quyết vấn đề này, tránh việc phải khởi kiện Tòa án.

 

5. Sinh năm 1999 thì năm 2019 đã đủ độ tuổi kết hôn chưa?

Xin chào các luật sư công ty Luật Minh Khuê, cho em hỏi chồng em sinh năm 1999 năm 2019 này có đủ tuổi đăng kí kết hôn chưa ạ? Vì em nghe có luật mới 2017 con trai được đăng ký kết hôn là tuổi 18 ? Mong sớm nhận được phản hồi của công ty, em xin cảm ơn!

Trả lời:

Căn cứ theo Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định về điều kiện đăng ký kết hôn, theo đó:

"Điều 8. Điều kiện kết hôn

1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:

a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;

c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;

d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.

2. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính."

Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành là Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2015, độ tuổi kết hôn đối với nam là đủ 20 tuổi. Do bạn không nói rõ ngày sinh nên trong năm 2019, nếu bạn đã qua sinh nhật thứ 20 thì bạn đã đủ điều kiện để đăng ký kết hôn.