Mục lục bài viết
Trả lời:
1. Khái niệm cổ đông là gì?
Căn cứ quy định tại khoản 3, điều 4, Luật doanh nghiệp năm 2020 có quy định về khái niệm cổ đông như sau:
Điều 4. Giải thích từ ngữ
3. Cổ đông là cá nhân, tổ chức sở hữu ít nhất một cổ phần của công ty cổ phần.
Như vậy, có thể hiểu, cổ đông là người góp vốn vào công ty cổ phần, dưới hình thức mua lại số cổ phần đã phát hành hoặc quy đổi cổ phần theo Điều lệ của công ty hoặc luât doanh nghiệp. Số lượng cổ đông tối thiểu trong công ty cổ phần là 3 người, không có giới hạn về mức tối đa.
Trường hợp này của bạn, chúng tôi chia thành hai trường hợp như sau:
- Trường hợp 1: Bạn góp vốn để sáng lập công ty
Trường hợp bạn góp vốn để sáng lập công ty, bạn sẽ trở thành cổ đông sáng lập của doanh nghiệp và đương nhiên được sở hữu những cổ phần ưu đãi mà cổ đông sáng lập nhận được.
- Trường hợp 2: Công ty đã thành lập và chào bán cổ phần. Bây giờ bạn mới mua cổ phần để tham gia vào hoạt động của công ty.
Trường hợp công ty đã thành lập, và chào bán cổ phần phổ thông. Khi bạn mua số cổ phần này, bạn sẽ trở thành cổ đông phổ thông của doanh nghiệp. Cổ đông phổ thông được tham dự và biểu quyết tất cả các vấn đề thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông; được nhận cổ tức; được chuyển nhượng cổ phần cho người khác; được nhận một phần tài sản tương ứng với số cổ phần góp vào công ty khi công ty giải thể, sau khi công ty đã thanh toán cho chủ nợ và cổ đông loại khác.
Cổ đông có nghĩa vụ thanh toán đủ số cổ phần đã cam kết mua và khi đó, cổ đông chỉ chịu những rủi ro công ty gặp phải trong kinh doanh đến hết giá trị cổ phần mà họ sở hữu. Tuy vậy, mức độ thực hiện các quyền và nghĩa vụ nói trên của các cổ đông hoàn toàn phụ thuộc vào loại cổ phần và số lượng cổ phần mà cổ đông sở hữu. Căn cứ vào loại cổ phần do cổ đông sở hữu mà Luật doanh nghiệp phân biệt thành cổ đông phổ thông, cổ đông ưu đãi cổ tức, cổ đông ưu đãi hoàn lại, cổ đông ưu đãi biểu quyết.
2. Tìm hiểu về thuật ngữ cổ phần
Thuật ngữ cổ phần được ghi nhận đầu tiên trong Luật công ty ban hành năm 1990 và tiếp tục được sử dụng trong Luật doanh nghiệp ban hành năm 1999, Luật doanh nghiệp ban hành năm 2005, luật doanh nghiệp ban hành năm 2014 và luật doanh nghiệp năm 2020 hiện nay đang áp dụng.
Công ty huy động vốn kinh doanh bằng cách phát hành chứng khoán. Một người có thể mua một hoặc nhiều cổ phần để trở thành thành viên (cổ đông) của công ty và có những quyền hạn, nghĩa vụ đối với công ty theo số lượng cổ phần và loại cổ phần mà họ sở hữu.
Theo quy định của Luật doanh nghiệp , công ty cổ phần phải có cổ phần phổ thông và có thể có cổ phần ưu đãi gồm cổ phần ưu đãi biểu quyết, cổ phần ưu đãi cổ tức, cổ phần ưu đãi hoàn lại và các cổ phần ưu đãi khác do điều lệ công ty quy định. Mỗi cổ phần của cùng một loại đều tạo cho người sở hữu nó các quyền, nghĩa vụ và lợi ích ngang bằng nhau. Cổ phần phổ thông không thể chuyển đổi thành cổ phần ưu đãi nhưng cổ phần ưu đãi có thể chuyển thành cổ phần phổ thông theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông.
3. Những đặc điểm cổ phần trong công ty cổ phần
Cổ phần là vấn đề pháp lý cơ bản của công ty cổ phần. Cổ phần mang bản chất là quyền tài sản được thể hiện bằng cổ phiếu, nó là phần chia nhỏ nhất của vốn điều lệ của công ty. vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần, cổ phần có những đặc điểm sau:
- Cổ phần là một đơn vị biểu hiện quyền sở hữu tài sản trong công ty, nó là căn cứ pháp lý xác lập tư cách thành viên của công ty, bất kể họ có tham gia thành lập công ty hay không, người sở hữu cổ phần là cổ đông của công ty, nó có hiệu lực tuyệt đối, người nắm giữ cổ phần có đầy đủ quyền năng và duy nhất, trực tiếp thực hiện quyền của mình đối với công ty. Từ cổ phần phát sinh quyền và nghĩa vụ cho các cổ đông. Mỗi cổ phần của cùng một loại đều tạo cho người sở hữu chúng các quyền, nghĩa vụ và lợi ích ngang nhau.
- Cổ phần được xác định mệnh giá do công ty quyết định và ghi vào cổ phiếu. Mệnh giá cổ phần có thể khác với giá chào bán cổ phần, giá chào bán cổ phần do hội đồng quản trị của công ty quyết định nhưng không được thấp hơn giá thị trường tại thời điểm chào bán hoặc giá trị được ghi trong sổ sách của cổ phần tại thời điểm gần nhất, trừ những trường hợp pháp luật có quy định.
- Tính không thể phân chia bởi cổ phần là phần vốn nhỏ nhất và bằng nhau trrong vốn điều lệ.
- Tính dễ dàng chuyển nhượng. Đây cũng là điểm đặc trưng của công ty cổ phần, bởi công ty cổ phần là loại hình công ty đặc trưng cho công ty đối vốn, nghĩa là tất cả những thuộc tính của công ty đối vốn đều được thể hiện đầy đủ nhất trong công ty cổ phần. về phương diện kinh tế, tính dễ dàng chuyển nhượng cổ phần tạo ra sự năng động về vốn song vẫn giữ được tính ổn định về tài sản của công ty. về phương diện pháp lý thì khi một nguời đã góp vốn vào công ty thì họ không có quyền rút vốn ra khỏi công ty, trừ trường hợp công ty giải thế. Bởi lẽ công ty cổ phần là một pháp nhân có tài sản riêng độc lập với tài sản của các thành viên đã tạo lập ra nó.
“Thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và cổ đông công ty cổ phần phải chuyển quyền sở hữu tài sản góp von cho công ty theo quy định... ”.
Vì vậy, một thành viên công ty nếu không muốn ở công ty thì chỉ có cách là chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác mà thôi. Trong công ty cổ phần, việc chuyển nhượng cổ phần rất dễ dàng thuận tiện đã tạo ra cho công ty cổ phần có cấu trúc vốn mở và cổ đông trong công ty cổ phần thường xuyên thay đổi.
Cổ phần của công ty cổ phần có thể được chia thành hai loại: cổ phần phổ thông và cổ phần ưu đãi. Luật Doanh nghiệp quy định công ty cổ phần phải có cổ phần phổ thông, người sở hữu cổ phần phổ thông là cổ đông phổ thông. Loại cổ phần này thể hiện tuyệt đối quyền làm chủ công ty. Ngoài cổ phần phổ thông, công ty cổ phần có thể có cổ phần ưu đãi, người sở hữu cổ phần ưu đãi gọi là cổ đông ưu đãi. Cổ phần ưu đãi gồm các loại sau:
+ Cổ phần ưu đãi biểu quyết là cổ phần có số phiếu biểu quyết nhiều hơn so với cổ phần phổ thông, số phiếu biểu quyết của một cổ phần ưu đãi biểu quyết do Điều lệ công ty quy định.
+ Cổ phần ưu đãi cổ tức, là cổ phần được trả cổ tức với mức cao hơn so với mức cổ tức của cổ phần phổ thông hoặc mức ổn định hàng năm. cổ tức được chia hàng năm gồm cổ tức cố định và cổ tức thưởng, cổ tức cố định không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của công ty. Mức cổ tức cố định cụ thể và phương thức xác định cổ tức thưởng được ghi trên cổ phiếu của cổ phần ưu đãi cổ tức.
+ Cổ phần ưu đãi hoàn lại, là cổ phần được công ty hoàn lại vốn góp theo yêu cầu của người sở hữu hoặc theo các điều kiện được ghi tại cổ phiếu của cổ phần ưu đãi hoàn lại.
Cổ phần phổ thông không thể chuyển đổi thành cổ phần ưu đãi, nhung cổ phần ưu đãi có thể chuyển đổi thành cổ phần phổ thông theo nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông. Tại sao lại như vậy? Có thể suy luận vấn đề này như sau: cổ phần phổ thông là cổ phần bắt buộc phải có trong công ty cổ phần, còn cổ phần ưu đãi có thể có hoặc không do Điều lệ công ty quy định. Vậy giả sử cho phép cổ phần phổ thông được chuyển thành cổ phần ưu đãi, và cũng giả sử nếu tất cả các cổ đông phổ thông đều chuyển thành cổ đông ưu đãi thì lúc đó công ty sẽ không còn cổ đông phổ thông, điều đó là vi phạm pháp luật.
4. Các bước rút vốn (trả lại cổ phần)
Sau khi đọc câu hỏi của bạn Luật Minh Khuê xin chia ra làm hai bước để giải quyết vấn đề bao gồm:
Trả lại cổ phần bạn đã nhận, Rút cổ phần ra khỏi công ty
Bước 1: Trả lại cổ phần bạn đã nhận:
Căn cứ theo khoản 1 điều 126 Luật doanh nghiệp 2014 quy định về chuyển nhượng vốn thì cổ phần được tự do chuyển nhượng, trừ trường hợp bạn là cổ đông sáng lập và công ty hoạt động chưa đến 03 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận ĐKDN. Như vậy, là một cổ đông phổ thông bạn có quyền tự do chuyển nhượng số cổ phần của mình. Tuy nhiên bạn cần chú ý tới điều lệ của công ty có hạn chế chuyển nhượng cổ phần hay không. Nếu có thì bạn cần chập hành theo quy định của điều lệ. Nếu điều lệ không quy định bạn có thể chuyển nhượng lại 6% số cổ phần đã nhận.
Lưu ý: Việc chuyển nhượng được thực hiện theo cách thông thường hoặc thông qua giao dịch trên thị trường chứng khoán.
Bước 2: Rút cổ phần ra khỏi công ty.
Theo quy định tại khoản 1 điều 115 luật doanh nghiệp quy định về nghĩa vụ của cổ đông phổ thông thì:
"Điều 115. Nghĩa vụ của cổ đông phổ thông
1. Thanh toán đủ và đúng thời hạn số cổ phần cam kết mua.
Không được rút vốn đã góp bằng cổ phần phổ thông ra khỏi công ty dưới mọi hình thức, trừ trường hợp được công ty hoặc người khác mua lại cổ phần. Trường hợp có cổ đông rút một phần hoặc toàn bộ vốn cổ phần đã góp trái với quy định tại khoản này thì cổ đông đó và người có lợi ích liên quan trong công ty phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi giá trị cổ phần đã bị rút và các thiệt hại xảy ra."
Như vậy theo quy định pháp luật, bạn không thể rút vốn trực tiếp khỏi công ty dưới mọi hình thức. Tuy nhiên vẫn có những cách để bạn có thể thực hiện việc rút số Tiền đã góp xem phân tích dưới đây.
5. Rút vốn bằng cách chuyển nhượng, chào bán cổ phần
Thứ nhất: Yêu cầu công ty mua lại số cổ phần đã góp
Căn cứ theo khoản 1 điều 129 bạn có thể yêu cầu công ty mua lại số cổ phần của mình đã góp trong trường hợp bạn biểu quyết phản đối nghị quyết về việc tổ chức lại công ty hoặc thay đổi quyền, nghĩa vụ của cổ đông quy định tại Điều lệ công ty, và bạn phải chứng minh được việc thay đổi tổ chức của công ty ảnh hưởng đến quyền lợi của bạn.
Trong trường hợp này, yêu cầu phải được gửi đến công ty trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày Đại hội đồng cổ đông thông qua nghị quyết về các vấn đề nêu trên.
Thứ hai: Chuyển nhượng phần vốn góp cho các cổ đông khác
Trong trường hợp này bạn có thể thực hiện như bước thứ nhất đối với số cổ phần của mình.
Thứ ba: Chuyển nhượng phần vốn góp cho người khác không phải cổ đông công ty
Đối với trường hợp này, người nhận chuyển nhượng phải được đại hội đồng cổ đông chấp thuận là cổ đông của công ty sau khi nhận chuyển nhượng cổ phần.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi về yêu cầu của bạn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ Luật sư tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình trực tuyến qua tổng đài điện thoại, gọi số: 1900.6162 để được giải đáp. Trân trọng./.