Trả lời:
Chào bạn, Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Khuê. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
- Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật hộ tịch
- Thông tư 15/2015/TT-BTP hướng dẫn Luật hộ tịch và Nghị định 123/2015/NĐ-CP
2. Nội dung phân tích:
Căn cứ vào Điều 16 Luật hộ tịch quy định:
"1. Người đi đăng ký khai sinh nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh; trường hợp khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi phải có biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập; trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản chứng minh việc mang thai hộ theo quy định pháp luật.
2. Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung khai sinh theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật này vào Sổ hộ tịch; cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy Số định danh cá nhân.
Công chức tư pháp - hộ tịch và người đi đăng ký khai sinh cùng ký tên vào Sổ hộ tịch. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp Giấy khai sinh cho người được đăng ký khai sinh.
3. Chính phủ quy định chi tiết việc đăng ký khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em chưa xác định được cha, mẹ, trẻ em sinh ra do mang thai hộ; việc xác định quê quán của trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em chưa xác định được cha, mẹ."
Căn cứ vào Điều 11 Thông tư 15/2015/TT-BTP quy định:
"Điều 11. Chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con
Chứng cứ để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại khoản 1 Điều 25 và khoản 1 Điều 44 của Luật hộ tịch gồm một trong các giấy tờ, tài liệu sau đây:
1. Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.
2. Trường hợp không có văn bản quy định tại khoản 1 Điều này thì phải có thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha con, quan hệ mẹ con và văn bản cam đoan của cha, mẹ về việc trẻ em là con chung của hai người, có ít nhất hai người thân thích của cha, mẹ làm chứng.
Cơ quan đăng ký hộ tịch có trách nhiệm giải thích rõ trách nhiệm, hệ quả pháp lý của việc cam đoan, làm chứng không đúng sự thật.
Cơ quan đăng ký hộ tịch từ chối giải quyết theo quy định tại Điều 5 của Thông tư này hoặc hủy bỏ kết quả đăng ký hộ tịch, nếu có cơ sở xác định nội dung cam đoan, làm chứng không đúng sự thật."
Thì chỉ có 2 cách: 1 là xét nghiệm ADN, 2 là phải có thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha con, quan hệ mẹ con và văn bản cam đoan của cha, mẹ về việc trẻ em là con chung của hai người, có ít nhất hai người thân thích của cha, mẹ làm chứng.
Sau đó làm thủ tục đăng ký khai sinh như bình thường.
Thưa luật sư, xin hỏi: Cô gái này có 1 đứa con gái ngoài giá thú năm nay đã 17 tuổi. Bây giờ mới cần giấy khai sinh, khi đẻ ở cơ sở y tế vì đã lâu không có giấy chứng sinh. Vậy muốn xin giấy khai sinh cho cháu thì làm thủ tục gì. Hai mẹ con đã đi thử ADN. Mẹ cháu có đến UBND xã nói mẹ cháu có hộ khẩu thường trú xin cấp giấy khai được không?
=> Vì mẹ cháu bé đã làm thủ tục xác nhận ADN nên có thể đăng ký xác nhận quan hệ mẹ con rồi đăng ký khai sinh như bình thường.
Xin hỏi: vợ tôi có bầu 6 tháng thì làm giấy tờ đi Ba Lan sau đó đi sang Đức sinh con và nhờ người bản địa nhận con của tôi và làm giấy tờ nhập khẩu bên Đức con tôi được 2.5 tuổi. bây giờ vợ tôi thay lòng đổi dạ nói không về nữa. vậy tôi có thể đòi lại con của mình không thủ tục pháp lý như thế nào. tôi có cần phải nhờ đến đại sứ quán Đức ở việt nam giúp đỡ không vì tôi nghĩ giấy tờ của vợ tôi là bất hợp pháp tôi có thể thử ADN để chứng minh đứa trẻ là con đẻ của tôi. hiện tại con tôi đang ở Đức tôi đang ở việt nam. tôi có giấy kết hôn hợp pháp. tôi rất mong đòi lại được đứa con của mình.
=> Bạn có thể làm xét nghiệm ADN với con mình để làm thủ tục xác nhận cha con rồi khởi kiện ra tòa án yêu cầu quyền nuôi con.
Xin hỏi: Tôi và chồng tôi cưới được 2 năm. Và có 1 con chung được 20 tháng. Chúng tôi đã li hôn. Sau li hôn chồng tôi muốn kiểm tra ADN. Trước li hôn chồng tôi có đề cập vấn đề này và tôi cũng đồng ý. Nhưng chồng tôi không đi. Tôi có đúc thúc và có gởi đơn kiện lên cơ quan nơi chồng tôi làm việc để đúc thúc chồng tôi kiểm tra ADN. Nhưng chồng tôi không đi. Giờ li hôn xong rồi chồng tôi lại muốn kiểm tra ADN. Tôi có quyền từ chối không ạ?
=> Nếu chồng bạn yêu cầu cơ quan công an điều tra thì bạn phải đưa con đi xét nghiệm ADN.
Xin hỏi: Em và bạn trai có quan hệ với nhau , dẫn đến việc em có thai , tính đến ngày 15/6/2016 thì con em được 6 tuần . Chúng em đều chưa lập gia đình và bạn trai em hiện tại lại không thừa nhận đó là con anh ta. Trường hợp này em muốn hỏi luật sư là nếu em giữ con em lại , 9 tháng sau khi em mang kết quả xét nghiệm ADN ra làm bằng chứng xác thực thì em có quyền kiện anh ta ra toà và đòi anh ta có trách nhiệm với con không ạ ? Và nếu như kiện như vậy thì em có quyền đòi anh ta trách nhiệm gì ạ ? ( ví dụ như phí sinh nở , phí nuôi dưỡng... hay như thế nào ạ ? )
=> Nếu bạn có bằng chứng xác thực thì bạn có thể khởi kiện để yêu cầu anh ta thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con bạn.
Xin hỏi: Tôi và vợ kết hôn vào 1-11-2016 nhưng sau bốn tháng chung sống đã chia tay (chưa đăng ký kết hôn), vợ tôi mang thai trước khi cưới và đến ngày 18-5-2016 đã sinh con, chúng tôi tới UBND phường ĐC làm giấy khai sinh cho con cách đây không lâu thì tại đây yêu cầu ngoài các giấy tờ cần thiết còn phải có giấy đăng ký kết hôn, tôi xin hỏi tôi còn cách nào khác để làm giấy khai sinh cho con tôi mà không cần có giấy đăng ký kết hôn, không cần kết quả xét nghiệm ADN không?
=> Bạn phải có thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha con, quan hệ mẹ con và văn bản cam đoan của cha, mẹ về việc trẻ em là con chung của hai người, có ít nhất hai người thân thích của cha, mẹ làm chứng. Tuy nhiên hiện nay giấy xác nhận ADN vẫn là giấy tờ có giá trị pháp lý cao nhất nên bạn nên xét nghiệm ADN.
Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo.
Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng.
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 hoặc gửi qua email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật hôn nhân - Công ty luật Minh Khuê