Mục lục bài viết
1. Khái niệm cơ quan thuế
Cơ quan thuế là hệ thống các cơ quan thực hiện quản lý Nhà nước về thuế, thuế là một khoản nộp ngân sách nhà nước bắt buộc của tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân theo quy định của các luật thuế.
Cơ quan thuế là từ ngữ chung được dùng để chỉ hệ thống các cơ quan quản lý Nhà nước về thuế, bao gồm Tổng cục Thuế, Cục Thuế, Chi cục Thuế, Chi cục Thuế khu vực.
2. Hoạt động của cơ quan thuế
Theo quy định hiện hành, nội dung quản lý thuế rất đa dạng bao gồm các hoạt động như:
– Đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, ấn định thuế.
– Hoàn thuế, miễn thuế, giảm thuế, không thu thuế.
– Khoanh tiền thuế nợ; xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt; miễn tiền chậm nộp, tiền phạt; không tính tiền chậm nộp; gia hạn nộp thuế; nộp dần tiền thuế nợ.
– Quản lý thông tin người nộp thuế.
– Quản lý hóa đơn, chứng từ.
– Kiểm tra thuế, thanh tra thuế và thực hiện biện pháp phòng, chống, ngăn chặn vi phạm pháp luật về thuế.
– Cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế.
– Xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế.
– Giải quyết khiếu nại, tố cáo về thuế.
– Hợp tác quốc tế về thuế.
– Tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế.
Cụ thể:
– Yêu cầu người nộp thuế cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế, số hiệu, nội dung giao dịch của các tài khoản được mở tại ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác và giải thích việc tính thuế, khai thuế, nộp thuế.
Trong trường hợp yêu cầu cung cấp thông tin bằng văn bản thì khi nhận được yêu cầu của thủ trưởng cơ quan quản lý thuế, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm cung cấp thông tin đúng nội dung, thời hạn, địa chỉ được yêu cầu và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của thông tin đã cung cấp; trường hợp không thể cung cấp được thì phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do.
Trong trường hợp yêu cầu cung cấp thông tin bằng trả lời trực tiếp thì khi nhận được yêu cầu của thủ trưởng cơ quan quản lý thuế, người được yêu cầu cung cấp thông tin phải có mặt đúng thời gian, địa điểm ghi trong văn bản để cung cấp thông tin theo nội dung được yêu cầu và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của thông tin đã cung cấp; trường hợp không thể có mặt thì phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do.
– Yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế và phối hợp với cơ quan quản lý thuế để thực hiện pháp luật về thuế.
– Kiểm tra thuế, thanh tra thuế.
+ Việc kiểm tra thuế được tiến hành theo hai hình thức:
Kiểm tra hồ sơ thuế thường xuyên tại trụ sở cơ quan quản lý thuế: bao gồm các nội dung đối chiếu, so sánh hồ sơ thuế với các thông tin, tài liệu có liên quan, các quy định của pháp luật về thuế, kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa trong trường hợp cần thiết đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Trong quá trình kiểm tra, nếu có nội dung trong hồ sơ thuế cần làm rõ, cơ quan quản lý thuế có quyền yêu cầu người nộp thuế bổ sung thông tin, tài liệu. Sau khi kiểm tra, nếu phát hiện có vi phạm, thì người nộp thuế sẽ bị xử phạt và phải nộp đủ số thuế theo quy định.
Kiểm tra thuế đột xuất tại trụ sở của người nộp thuế trong một số trường hợp.
– Ấn định thuế: Cơ quan thuế có quyền ấn định số tiền thuế phải nộp nếu người nộp thuế vi phạm trong các trường hợp sau:
– Cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về thuế
– Áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm việc xử lý vi phạm pháp luật về thuế theo quy định của pháp luật, như: Tạm giữ tài liệu, tang vật liên quan đến hành vi trốn thuế, gian lận thuế khi cẩn xác minh tình tiết làm căn cứ để có quyết định xử lý hoặc ngăn chặn ngay hành vi trốn thuế, gian lận thuế; Khám nơi cất giấu tài liệu, tang vật liên quan đến hành vi trốn thuế, gian lận thuế
– Ủy nhiệm cho cơ quan, tổ chức, cá nhân thu một số loại thuế vào ngân sách nhà nước theo quy định của Chính phủ.
3. Vị trí, chức năng của cơ quan thuế
Các cơ quan thuế có địa vị pháp lý, chức năng khác nhau, cụ thể như sau:
Thứ nhất: Tổng cục Thuế
Tổng cục Thuế là tổ chức trực thuộc Bộ Tài chính, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính quản lý nhà nước về các khoản thu nội địa trong phạm vi cả nước, bao gồm: thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác của ngân sách nhà nước (sau đây gọi chung là thuế); tổ chức quản lý thuế theo quy định của pháp luật.
Tổng cục Thuế có tư cách pháp nhân, con dấu hình Quốc huy, được mở tài khoản ngoài Kho bạc Nhà nước, có trụ sở tại thành phố Hà Nội.
Tổng cục Thuế được tổ chức thành hệ thống dọc từ Trung ương đến địa phương theo đơn vị hành chính, bảo đảm nguyên tắc tập trung thống nhất.
Thứ hai: Cơ quan Thuế ở địa phương
– Cục Thuế ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là Cục Thuế cấp tỉnh) trực thuộc Tổng cục Thuế;
Cục thuế (trực thuộc Tổng cục thuế) là cơ quan quản lý thuế cấp Tỉnh/ Thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương. Cơ cấu tổ chức Cục thuế của các Tỉnh/ thành, đặc khu sẽ bao gồm các phòng chức năng, phòng nghiệp vụ - trong đó, phòng thu thuế tổ chức theo đối tượng thu thuế.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Cục thuế:
- Chỉ đạo, phổ biến, tổ chức hướng dẫn thi hành các Luật thuế.
- Xây dựng, chỉ đạo thực hiện kế hoạch thu thuế trong địa bàn quản lý và từng Chi cục thuế trực thuộc.
- Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các nghiệp vụ quản lý, giải quyết các khiếu nại về thuế của các chi cục thuế trực thuộc.
- Trực tiếp thực hiện việc thu thuế và các khoản thu khác liên quan – đối với các doanh nghiệp trên địa bàn thuộc trách nhiệm quản lý.
– Chi cục Thuế ở các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là Chi cục Thuế cấp huyện) trực thuộc Cục Thuế cấp tỉnh.
Chi cục thuế: trực thuộc Cục Thuế được tổ chức thống nhất theo đơn vị hành chính cấp huyện.
Chi cục thuế là tổ chức quản lý thuế cấp Quận/ Huyện/Thị xã/ Thành phố trực thuộc Cục thuế cấp Tỉnh. Cơ cấu tổ chức bộ máy Chi cục thuế gồm các tổ chuyên môn, tổ nghiệp vụ và các đội/ tổ/ trạm trực tiếp quản lý việc thu thuế.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Chi cục thuế:
- Xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện việc thu thuế chi tiết với từng Luật thuế phát sinh trên địa bàn Quận/ Huyện…
- Hướng dẫn, tổ chức thực hiện các nghiệp vụ quản lý thuế tương ứng với các đối tượng nộp thuế; đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành Luật thuế…
4. Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thuế
Cơ quan thuế có nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại quyết định 41/2018/QĐ-TTgngày 25 tháng 9 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của tổng cục thuế thuộc bộ tài chính. Theo đó, cơ quan thuế có một số nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
– Ban hành văn bản hướng dẫn chuyên môn, quy trình nghiệp vụ; văn bản quy phạm nội bộ và văn bản cá biệt thuộc phạm vi quản lý của Tổng cục Thuế.
– Tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án thuộc phạm vi quản lý của Tổng cục Thuế sau khi được cấp có thẩm quyền ban hành hoặc phê duyệt.
– Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý của Tổng cục Thuế.
– Tổ chức quản lý thuế theo quy định của pháp luật:
+ Hướng dẫn, giải thích chính sách thuế của Nhà nước; tổ chức công tác hỗ trợ người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật;
+ Hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và tổ chức thực hiện quy trình nghiệp vụ về đăng ký thuế, cấp mã số thuế, kê khai thuế, tính thuế, nộp thuế, hoàn thuế, khấu trừ thuế, miễn thuế, xóa nợ tiền thuế, tiền phạt và các nghiệp vụ khác có liên quan;
+ Quyết định hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định việc miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế, gia hạn thời hạn nộp hồ sơ khai thuế, gia hạn thời hạn nộp thuế, xóa tiền nợ thuế, tiền phạt thuế;
+ Bồi thường thiệt hại cho người nộp thuế; giữ bí mật thông tin của người nộp thuế; xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế khi có đề nghị theo quy định của pháp luật;
+ Giám định để xác định số thuế phải nộp của người nộp thuế theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
+ Ủy nhiệm cho các cơ quan, tổ chức trực tiếp thu một số khoản thuế theo quy định của pháp luật.
– Tổ chức các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ quản lý rủi ro trong hoạt động quản lý thuế.
-Áp dụng các biện pháp hành chính để đảm bảo thực thi pháp luật về thuế
– Lập hồ sơ kiến nghị khởi tố các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về thuế; thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng các trường hợp vi phạm pháp luật thuế.
– Thanh tra chuyên ngành thuế; kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật đối với hành vi vi phạm pháp luật thuế; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc sử dụng tài sản, kinh phí được giao theo quy định của pháp luật.
– Thực hiện các nhiệm vụ khác được quy định tại điều 2 quyết định 41/2018/QĐ-TTg và quy định pháp luật khác.
5. Doanh nghiệp chịu sự quản lý trực tiếp của cơ quan thuế nào
Cục Thuế Tỉnh/ Thành phố trực thuộc trung ương trực tiếp quản lý thuế đối với các doanh nghiệp:
- Doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Với doanh nghiệp có nhà nước góp vốn – tùy tình hình thực tế sẽ có sự phân công cấp quản lý phù hợp.
- Danh nghiệp FDI có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp thực hiện các dự án BOT, BTO, BT – thiết kế, xây dựng, vận hành, quản lý công trình…
- Doanh nghiệp hạch toán toàn ngành, doanh nghiệp hoạt động trên nhiều lĩnh vực (xây dựng cơ bản, bưu chính, viễn thông, thủy điện…), doanh nghiệp có quy mô kinh doanh lớn, doanh nghiệp có nguồn thu ngân sách được phân bổ cho nhiều tỉnh hay nhiều huyện trong cùng tỉnh, thành phố…
- Doanh nghiệp kinh doanh những ngành nghề đặc thù, có tính chất pháp lý phức tạp: bất động sản, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, kế toán, kiểm toán, hoạt động pháp luật, khai khoáng… - Tùy tình hính thực tế sẽ có sự phân cấp quản lý phù hợp.
- Còn Chi cục thuế sẽ trực tiếp quản lý các doanh nghiệp còn lại – có cơ sở sản xuất kinh doanh, địa điểm hoạt động trên địa bàn cấp Quận/ Huyện…