Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến bộ phận tư vấn pháp luật doanh nghiệp của Công ty luật Minh Khuê, vấn đề bạn quan tâm Chúng tôi xin trao đổi như sau:

 

1. Quy định pháp luật doanh nghiệp về hợp đồng trước đăng ký doanh nghiệp

Hợp đồng trước đăng ký thành lập doanh nghiệp có thể được hiểu theo hai cách sau :

- Là những hợp đồng được ký kết trước khi đăng ký kinh doanh liên quan đến hoạt động phục vụ cho việc thành lập, hoạt động công ty như : Hợp đồng thuê trụ sở, hợp động dịch vụ pháp lý với văn phòng/công ty luật để thực hiện thủ tục thành lập công ty...

- Là các hợp đồng, giao dịch khác liên quan đến hoạt động của công ty : Hợp đồng thỏa thuận góp vốn, Hợp đồng thỏa thuận về quản lý điều hành, bồi thường thiệt hại...

Theo quy định tại điều 18 của Luật Doanh nghiệp năm 2020 về Hợp đồng trước đăng ký doanh nghiệp thì :

1. Người thành lập doanh nghiệp được ký hợp đồng phục vụ cho việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp trước và trong quá trình đăng ký doanh nghiệp.

2. Trường hợp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp phải tiếp tục thực hiện quyền và nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng đã ký kết quy định tại khoản 1 Điều này và các bên phải thực hiện việc chuyển giao quyền, nghĩa vụ theo hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự, trừ trường hợp trong hợp đồng có thỏa thuận khác.

3. Trường hợp doanh nghiệp không được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, người ký kết hợp đồng theo quy định tại khoản 1 Điều này chịu trách nhiệm thực hiện hợp đồng; trường hợp có người khác tham gia thành lập doanh nghiệp thì cùng liên đới chịu trách nhiệm thực hiện hợp đồng đó.

 

2. Đối chiếu quy định pháp luật hiện hành với tình huống

Theo quy định tại khoản 1, điều 18 nêu trên thì người thành lập doanh nghiệp (Công ty Con của bạn) được ký các loại hợp đồng phục vụ thành lập và hoạt động của doanh nghiệp trước quá trình đăng ký doanh nghiệp (VD: Hợp đồng dịch vụ pháp lý tư vấn thành lập doanh nghiệp; hợp đồng thẩm định giá tài sản cố định... phục vụ quá trình thành lập), đồng thời cũng được ký các hợp đồng trong quá trình đăng ký doanh nghiệp. Nghĩa là các hợp đồng, giao dịch trước đó nếu được ký một cách hợp pháp, tự nguyện, đúng thẩm quyền thì vẫn có giá trị pháp lý thực thi đối với doanh nghiệp mới.

Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý khi áp dụng quy định này không phải bất kỳ đối tác hay Cơ quan chức năng nhà nước nào (đặc biệt cơ quan thuế) cũng hiểu rõ về vấn đề này cho nên việc giải trình quy định đối với các cơ quan, đối tác, cá nhân sẽ tốn nhiều công sức nên bạn cần cân nhắc điều chỉnh lại thời gian hoặc thương thảo với đối tác để ký hợp đồng sau khi công ty được mở sẽ là tốt nhất trên thực tế.

 

3. Một số lưu ý về hợp đồng trước đăng ký thành lập doanh nghiệp 

3.1. Về các bên ký hợp đồng trước đăng ký thành lập doanh nghiệp

Có thể thấy, các bên tham gia ký hợp đồng trước thành lập doanh nghiệp có thể là :

+ Giữa người thành lập doanh nghiệp với bên thứ ba;

+ Giữa những người thành lập doanh nghiệp với nhau.

 

3.2. Mục đích ký hợp đồng trước đăng ký kinh doanh

Hợp đồng này bắt buộc phải nhằm mục đích phục vụ cho việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên chưa có quy định rõ ràng về tiêu chí xác định mục đích như vậy, nên khi giao kết hợp đồng các bên cần quy định rõ mục đích này trong hợp đồng.

Lưu ý, nếu hợp đồng được người thành lập công ty ký kết nhưng không phải để phục vụ cho việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp trước khi đăng ký kinh doanh thì không thuộc đối tượng điều chỉnh của quy định này mà thuộc đối tượng điều chỉnh của Bộ luật Dân sự năm 2015.

 

3.3. Trách nhiệm của các bên tham gia ký kết hợp đồng

- Trường hợp doanh nghiệp được thành lập thì doanh nghiệp phải tiếp tục thực hiện quyền và nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng đã ký kết.

- Trường hợp doanh nghiệp không được đăng ký thành lập thì người ký kết hợp đồng chịu trách nhiệm hoặc thành lập doanh nghiệp liên đới chịu trách nhiệm thực hiện hợp đồng đó.

Để hạn chế rủi ro, các thành viên hoặc cổ đông sáng lập nên thỏa thuận cụ thể với nhau về nghĩa vụ pháp lý phát sinh từ việc ký hợp đồng trước đăng ký doanh nghiệp.

 

4. Công ty con và những điều cần lưu ý khi thành lập công ty con

Công ty con là trường hợp mà một công ty được một công ty khác góp vốn trên 50% vốn điều lệ. Công ty góp vốn được gọi là công ty mẹ. Công ty con phải chịu toàn bộ sự điều khiển của công ty mẹ. Công ty con phải chịu sự bổ nhiệm của các chức vụ quan trọng như giám đốc, chủ tịch hội đồng quản trị...

Mục đích thành lập công ty con là để giúp giảm rủi ro cho công ty mẹ, giúp giảm bớt khối lượng công việc cho công ty mẹ; giúp các công ty đa ngành nghề có thể chia nhỏ các ngành nghề ra để giúp cho việc quản lý, điều hành trở nên dễ dàng và độc lập với nhau. Việc chuyên một lĩnh vực nhất định sẽ giúp cho công ty con có thể phát triển mạnh mẽ và giúp cho quá trình hoạt động hiệu quả hơn. Công ty con nhận được mức vốn đầu tư lớn từ công ty mẹ nên việc đầu tư về các thiết kế, máy móc dễ dàng hơn.

Việc mở công ty con thường được đặt ra đối với những công ty hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau hoặc tại nhiều địa điểm khác nhau. Thay vì lập chi nhánh hoặc văn phòng đại diện, nhiều doanh nghiệp lựa chọn thành lập mới công ty con vì công ty con cũng có tư cách pháp lý đầy đủ như một pháp nhân độc lập.

Lưu ý khi thành lập công ty con :

+ Tỷ lệ phần vốn góp của công ty mẹ sở hữu trong công ty con : công ty mẹ phải sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần phổ thông trong công ty con. Đây được xem là yếu tố tiên quyết để xác định 2 công ty có phải là công ty mẹ, công ty con với nhau hay không.

+ Sự liên kết, chi phối của công ty mẹ đối với công ty con : mặc dù được xem là 2 pháp nhân độc lập và đều có tư cách pháp lý riêng biệt nhưng công ty mẹ và công ty con luôn có mối liên kết chặt chẽ với nhau.

+ Đặc biệt, công ty mẹ sẽ có quyền quyết định bổ nhiệm những chức danh quản lý trong công ty con như : Thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc. Đồng thời công ty mẹ cũng có quyền sửa đổi và bổ sung Điều lệ hoạt động của công ty con.

+ Hợp đồng, giao dịch và quan hệ khác giữa công ty mẹ và công ty con đều phải được thiết lập và thực hiện độc lập, bình đẳng theo điều kiện áp dụng đối với chủ thể pháp lý độc lập.

Vấn đề về việc nên thành lập công ty con hay chi nhánh thì sẽ tùy theo mục đích của từng chủ thể. Nếu chủ thể muốn đầu tư kiếm lời trong những ngành nghề mới mà không làm ảnh hưởng tới công ty mẹ thì nên thành lập công ty con. Trong khi đó nếu chủ thể muốn mở rộng thị trường hoạt động của doanh nghiệp tại một địa phương hoặc một quốc gia khác thì việc thành lập chi nhánh là thích hợp nhất. Dù được thành lập theo hình thức nào thì chi nhánh hay công ty con cũng đều phải chiu các loại thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp cùng các loại thuế theo hoạt động của từng đơn vị. Về cơ bản thì cả công ty con và chi nhánh đều có khả năng thực hiện các chức năng kinh doanh.

Trên đây là tư vấn của Luật Minh Khuê về "Công ty có quyền ký hợp đồng trước khi hoạt động không ?​ ". Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số:  1900.6162  để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn luật Doanh nghiệp - Công ty luật Minh Khuê