Mục lục bài viết
- 1. Tìm hiểu về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
- 1.1 Khái niệm về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
- 1.2. Đặc điểm của tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
- 2. Để được hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, người lao động cần đáp ứng những điều kiện gì?
- 2.1 Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động
- 2.2. Điều kiện hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp
- 3. Văn bản đề nghị giải quyết chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mới nhất 2023:
1. Tìm hiểu về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
1.1 Khái niệm về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 có đưa ra cách giải thích về khái niệm tai nạn lao động. Theo đó, tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.
Cũng trong Luật trên, bệnh nghề nghiệp được hiểu như sau: Bệnh nghề nghiệp là bệnh phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đối với người lao động. Có thể thấy, bệnh nghề nghiệp không phải là loại bệnh lý thông thường mang tính bẩm sinh hoặc phát sinh từ môi trường sống ngoài xã hội mà phải xuất phát từ yếu tố độc, hại của “nghề nghiệp”.
1.2. Đặc điểm của tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
+/ Tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp xảy ra đối với người lao động là do hậu quả của điều kiện lao động và môi trường lao động. Bởi vì trong quá trình lao động sản xuất, người lao động luôn luôn tiếp xúc với các công cụ tư liệu và làm việc trong môi trường nhất định. Vì vậy các yếu tố này có thể gây nên tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
+/ Tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp có thể do những rủi ro bất ngờ gây nên như động đất, bão lụt, do chưa có thiết bị an toàn hay do người lao động vi phạm các quy chế an toàn lao động. Người lao động bị tai nạn hay mắc bệnh, nhưng chỉ có những tai nạn và bệnh xảy ra đối với người lao động trong quá trình lao động (gắn với công việc, nhiệm vụ lao động) mới được coi là tai nạn lao động hay bệnh nghề nghiệp.
+/ Hậu quả của tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp làm giảm khả năng lao động của người lao động khi họ bị tai nạn lao động hay mắc bệnh nghề nghiệp. Coi một người lao động bình thường có khả năng lao động là 100%. Việc xác định mức độ suy giảm khả năng lao động do hội đồng giám định y khoa xác định dự trên hệ thống bảng chuẩn về mức độ tổn thương, mức độ ảnh hưởng đến công việc, ảnh hưởng đến khả năng sinh hoạt hàng ngày, đến tuổi đời, tuổi nghề,...
Xem thêm: Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng những gì? Quy định mới nhất?
2. Để được hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, người lao động cần đáp ứng những điều kiện gì?
2.1 Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động
Pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động có quy định rõ các điều kiện được hưởng chế độ tai nạn lao động của người lao động khi tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau:
Thứ nhất, người lao động bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau:
+/ Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật lao động và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh;
+/ Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động;
+/ Trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý;
Thứ hai, suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn trong các trường hợp nêu trên.
Thứ ba, không thuộc vào trường hợp bị tai nạn lao động: Do mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động; Do người lao động cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân; Do sử dụng ma túy, chất gây nghiện khác trái với quy định của pháp luật.
2.2. Điều kiện hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp
Để hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp, người lao động sẽ phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
Thứ nhất, bị bệnh thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ Y tế và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành khi làm việc trong môi trường hoặc nghề có yếu tố độc hại. Danh mục các bệnh được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp quy định cụ thể tại Thông tư 15/2016/TT-BYT và Thông tư 02/2023/TT-BYT;
Thứ hai, suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị bệnh quy định trong danh mục bệnh nghề nghiệp.
Ngoài ra, người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được giám định hoặc giám định lại mức suy giảm khả năng lao động khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: Sau khi thương tật, bệnh tật đã được điều trị ổn định; Sau khi thương tật, bệnh tật tái phát đã được điều trị ổn định. Họ được giám định tổng hợp mức suy giảm khả năng lao động nếu: Vừa bị tai nạn lao động vừa bị bệnh nghề nghiệp hoặc bị tai nạn lao động nhiều lần hoặc bị nhiều bệnh nghề nghiệp.
3. Văn bản đề nghị giải quyết chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mới nhất 2023:
>>Tải ngay mẫu văn bản đề nghị giải quyết chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp ban hành kèm Quyết định 166/QĐ-BHXH tại đây
CƠ QUAN QUẢN LÝ CẤP TRÊN TÊN CƠ QUAN:............................................ TÊN ĐƠN VỊ:................................................ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc |
Số:....................../................................. V/v giải quyết trợ cấp TNLĐ/BNN cho ông/bà Nguyễn Văn H | HN, ngày 24 tháng 05 năm 2023 |
Kính gửi: Bảo hiểm xã hội Việt Nam
1. Thông tin về người bị tai nạn lao động/bệnh nghề nghiệp:
- Họ và tên: Nguyễn Văn H
- Mã số BHXH: 010345xx; số điện thoại:0989223xx
- Số CMND/Căn cước công dân: 013026602xx do CA thành phố HN cấp ngày 21 tháng 03 năm 2020
- Nghề nghiệp: Công nhân giày da
- Địa chỉ nơi cư trú: Số 10 ngõ 50 phố ĐL, phường, TĐ, quận HBT, thành phố HN
- Tên đơn vị sử dụng lao động nơi người lao động giao kết từ Hợp đồng lao động thứ hai trở lên tại thời điểm bị tai nạn lao động:
1. Hợp đồng lao động thứ hai
- Tên đơn vị: Công ty cổ phần giày HĐ
- Mã đơn vị: 010304xx
2. Thông tin về vụ tai nạn lao động:
- Bị tai nạn lao động lần thứ nhất
- Bị tai nạn lao động ngày 01tháng 04 năm 2023 theo kết luận tại Biên bản điều tra tai nạn lao động số 04 ngày 15 tháng 04 năm 2023 trong trường hợp: trong giờ làm việc, tại nơi làm việc;
trong giờ làm việc, ngoài nơi làm việc;
ngoài giờ làm việc, ngoài nơi làm việc;
ngoài giờ làm việc, tại nơi làm việc;
thực hiện công việc khác theo yêu cầu của người sử dụng lao động;
trên đường đi và về.
Trường hợp bị bệnh nghề nghiệp thì thay điểm 2 nêu trên bằng nội dung sau:
2. Thông tin về bệnh nghề nghiệp:
- Bị bệnh nghề nghiệp lần thứ nhất
- Bị bệnh nghề nghiệp ngày 05 tháng 04 năm 2023 theo kết quả tại giấy khám bệnh nghề nghiệp số 25 ngày 25 tháng 04 năm 2023
(Trường hợp vừa bị tai nạn lao động,vừa bị bệnh nghề nghiệp thì kê khai toàn bộ nội dung thông tin về tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp)
3. Đăng ký hình thức nhận tiền trợ cấp tai nạn lao động/bệnh nghề nghiệp:
Tiền mặt tại cơ quan BHXH
Tiền mặt tại tổ chức dịch vụ được cơ quan BHXH ủy quyền
ATM, chủ tài khoản ………………………………. Số tài khoản ……………………… Mở tại ngân hàng ………………… chi nhánh ……….
Giải trình lý do trong trường hợp nộp hồ sơ chậm:
Đơn vị chúng tôi cam kết trường hợp nêu trên bị tai nạn lao động/bệnh nghề nghiệp, đề nghị cơ quan BHXH xem xét, giải quyết chế độ tai nạn lao động/bệnh nghề nghiệp theo quy định./.
Nơi nhận: -........................................ -........................................ | THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN ĐƠN VỊ (Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu) |
Một số lưu ý khi điền thông tin vào văn bản:
+/ Nếu là số CMND thì bỏ “thẻ căn cước”; nếu là số thẻ căn cước thì bỏ “CMND”;
+/ Phần địa chỉ cư trú: Ghi đầy đủ: Số nhà, ngõ (ngách, hẻm), đường phố, tổ (thôn, xóm, ấp), xã (phường, thị trấn), huyện (thị xã, thành phố), tỉnh, thành phố;
+/ Nếu bị TNLĐ (hoặc BNN) lần đầu thì ghi lần thứ nhất, các lần sau ghi theo thứ tự số lần bị TNLĐ (hoặc BNN); Ví dụ: Ông A bị TNLĐ lần đầu ngày 30/8/2016 và bị TNLĐ ngày 05/3/2017 thì ghi: Lần thứ hai; hoặc ông B bị mắc BNN lần đầu ngày 05/9/2016 và bị TNLĐ ngày 03/4/2017 thì ghi: Lần thứ hai. Nếu bị TNLĐ, BNN nhiều lần tại cùng đơn vị mà chưa được giải quyết thì ghi: Lần 1 bị TNLĐ (hoặc BNN) ngày/tháng/năm; lần 2 bị TNLĐ (hoặc BNN) ngày/tháng/năm; lần n…
+/ Ghi rõ số, ký hiệu, ngày, tháng, năm của Biên bản điều tra TNLĐ; tên của Đoàn điều tra (cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp cơ sở) trong trường hợp bị TNLĐ hoặc số, ký hiệu, ngày, tháng, năm của kết quả hội chẩn, giấy khám BNN, tên tổ chức hội chẩn hoặc tổ chức khám BNN trong trường hợp bị bệnh nghề nghiệp;
+/ Đánh dấu X vào ô vuông để lựa chọn trường hợp bị TNLĐ. Có thể đánh dấu nhiều hơn một ô; Ví dụ: Ông A bị TNLĐ khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người SDLĐ ngoài giờ làm việc, tại nơi làm việc thì cùng lúc đánh dấu vào 02 ô vuông tương ứng.
+/ Đánh dấu X vào ô vuông để lựa chọn hình thức nhận tiền; trường hợp lựa chọn nhận qua tài khoản cá nhân thì ghi đầy đủ: Số tài khoản, tên ngân hàng mở tài khoản, chi nhánh ngân hàng mở tài khoản.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn về chủ đề Công văn đề nghị giải quyết chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mới nhất mà Luật Minh Khuê muốn gửi đến quý khách hàng. Ngoài ra, quý khách có thể tham khảo thêm về bài viết Tai nạn lao động là gì? Cách phân loại tai nạn lao động? của Luật Minh Khuê. Còn bất kỳ vướng mắc nào, quý khách vui lòng liên hệ qua hotline: 19006162 hoặc email tư vấn: lienhe@luatminhkhue.vn để được hỗ trợ. Trân trọng ./.