Tôi muốn hỏi luật sư: Chúng tôi có phải làm thủ tục đăng ký gì cho xưởng ở Bắc Ninh không, nếu cần thì phải đăng ký dưới hình thức chi nhánh hay cơ sở SX ? Hóa đơn đầu vào tiền điện sản xuất tại Bắc ninh (mang tên Cty) hiện nay có được chấp nhận là hợp lý không? Xin luật sư tư vấn cụ thể về thủ tục đăng ký cơ sở SXKD với thuế, sở KHĐT (nếu cần). Trân trọng cảm ơn!
Trả lời:
Công ty Luật Minh Khuê đã nhận được câu hỏi của bạn. Cảm ơn bạn đã quan tâm và gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Vấn đề của bạn chúng tôi giải đáp như sau:
Căn cứ pháp lý:
Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp.
Nội dung
Căn cứ vào điều 45 luật doanh nghiệp 2014 có quy định về các đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp:
"Điều 45. Chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp
1. Chi nhánh, là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp kể cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp.
2. Văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ đại diện theo ủy quyền cho lợi ích của doanh nghiệp và bảo vệ các lợi ích đó.
3. Địa điểm kinh doanh là nơi mà doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh cụ thể".
Căn cứ vào quy định trên thì doanh nghiệp được quyền thành lập các đơn vị phụ thuộc trên của mình trên các khu vực hành chính khác nhau mà doanh nghiệp xem xét ở đấy có cơ hội để phát triển kinh doanh. Như vậy, công ty bạn muốn mở thêm xưởng sản xuất tại địa phương khác thì bạn cần xác định hình thức mở xưởng sản xuất đó là gì: mở xưởng sản xuất này dưới hình thức địa điểm kinh doanh hay chi nhánh.
Căn cứ vào quy định tại khoản 2 điều 33 nghị định 78/2015/NĐ-CP thì bạn sẽ làm thủ tục thông báo với cơ quan có thẩm quyền cụ thể là phòng đăng ký doanh nghiệp tỉnh Bắc Ninh nơi bạn dự định mở xưởng sản xuất kinh doanh theo trình tự, thủ tục như sau:
"Điều 33. Đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, thông báo lập địa điểm kinh doanh
2. Thông báo lập địa điểm kinh doanh:
Địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp có thể ở ngoài địa chỉ đăng ký trụ sở chính. Doanh nghiệp chỉ được đặt địa điểm kinh doanh tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc đặt chi nhánh. Trong thời hạn mười ngày làm việc, kể từ ngày quyết định lập địa điểm kinh doanh, doanh nghiệp gửi thông báo nơi đặt địa điểm kinh doanh đến Phòng Đăng ký kinh doanh cấp tỉnh. Nội dung thông báo gồm:
a) Mã số doanh nghiệp;
b) Tên và địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp hoặc tên và địa chỉ chi nhánh (trường hợp địa điểm kinh doanh trực thuộc chi nhánh);
c) Tên, địa chỉ địa điểm kinh doanh;
d) Lĩnh vực hoạt động của địa điểm kinh doanh;
đ) Họ, tên, nơi cư trú, số Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác quy định tại Điều 24 Nghị định này của người đứng đầu địa điểm kinh doanh;
e) Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp".
Sau khi nhận được hồ sơ hợp lệ của doanh nghiệp, Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nhập thông tin vào Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia để yêu cầu mã số chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, sau đó cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, hoặc ghi bổ sung địa điểm kinh doanh vào Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh của doanh nghiệp.
Như vậy, căn cứ vào quy định trên thì bạn chỉ có thể mở địa điểm kinh doanh hoặc xưởng sản xuất tại Bắc Ninh khi đã có chi nhánh tại Bắc Ninh. Còn nếu như chưa có chi nhánh tại Bắc Ninh thì anh không thể mở xưởng sản xuất kinh doanh tại đây được.
Thành lập chi nhánh cần thực hiện các thủ tục sau:
Căn cứ vào khoản 1 điều 33 Nghị định 78/2015/NĐ-CP
"Điều 33. Đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, thông báo lập địa điểm kinh doanh
1. Hồ sơ đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện:
Khi thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, doanh nghiệp phải gửi thông báo lập chi nhánh, văn phòng đại diện tới Phòng Đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi đặt chi nhánh, văn phòng đại diện. Nội dung thông báo gồm:
a) Mã số doanh nghiệp;
b) Tên và địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp;
c) Tên chi nhánh, văn phòng đại diện dự định thành lập;
d) Địa chỉ trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện;
đ) Nội dung, phạm vi hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện;
e) Họ, tên, nơi cư trú, số Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác quy định tại Điều 24 Nghị định này của người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện;
g) Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
Kèm theo thông báo quy định tại khoản này, phải có:
- Quyết định bằng văn bản và bản sao biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, của chủ sở hữu công ty hoặc Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, của Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần, của các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh về việc thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện;
- Bản sao hợp lệ quyết định bổ nhiệm người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện;
- Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân quy định tại Điều 24 Nghị định này của người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện;
Đối với chi nhánh kinh doanh các ngành, nghề phải có chứng chỉ hành nghề thì phải có thêm bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề của người đứng đầu chi nhánh hoặc của cá nhân khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành".
- Thủ tục cập nhật thông tin đăng ký doanh nghiệp
Trường hợp doanh nghiệp lập chi nhánh, văn phòng đại diện tại tỉnh, thành phố khác nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính thì trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản tới Phòng Đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính để bổ sung vào hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và được cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. ( theo khoản 4 điều 33 nghị định 78/2015).
Căn cứ vào các quy định trên nếu như mở chi nhánh tại địa phương khác thì sau khi nộp hồ sơ lên và được phòng đăng ký kinh doanh tại tỉnh Bắc Ninh cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh thì bạn cần phải làm thủ tục nữa là thông báo bằng văn bản tới phòng đăng ký kinh doanh thành phố Hà Nội để bổ sung vào hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và được cấp lại giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Sau khi đã thành lập chi nhánh ở Bắc Ninh thì bạn hoàn toàn có thể mở xưởng sản xuất ở đây.
+ Tại Điều 11 quy định về Khai thuế giá trị gia tăng:
“1. Trách nhiệm nộp hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng cho cơ quan thuế
c) Trường hợp người nộp thuế có đơn vị trực thuộc kinh doanh ở địa phương cấp tỉnh khác nơi người nộp thuế có trụ sở chính thì đơn vị trực thuộc nộp hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp của đơn vị trực thuộc; nếu đơn vị trực thuộc không trực tiếp bán hàng, không phát sinh doanh thu thì thực hiện khai thuế tập trung tại trụ sở chính của người nộp thuế…
Đối với trường hợp người nộp thuế có dự án kinh doanh bất động sản ở địa phương cấp tỉnh khác nơi người nộp thuế có trụ sở chính, có thành lập đơn vị trực thuộc (chi nhánh, Ban quản lý dự án…) thì người nộp thuế phải thực hiện đăng ký thuế và nộp thuế theo phương pháp khấu trừ đối với hoạt động kinh doanh bất động sản với cơ quan thuế địa phương nơi phát sinh hoạt động kinh doanh bất động sản.”
+ Tại Điều 17 quy định về khai thuế môn bài:
“1. Người nộp thuế môn bài nộp Tờ khai thuế môn bài cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
…Trường hợp người nộp thuế có đơn vị trực thuộc ở khác địa phương cấp tỉnh nơi người nộp thuế có trụ sở chính thì đơn vị trực thuộc thực hiện nộp Tờ khai thuế môn bài của đơn vị trực thuộc cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp đơn vị trực thuộc…”
Căn cứ Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 91/2014/NĐ-CP ngày 01/10/2014 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Nghị định quy định về thuế.
+ Tại Điều 16 sửa đổi Điều 12, Thông tư số 156/2013/TT-BTC như sau:
“Điều 12. Khai thuế thu nhập doanh nghiệp
1. Trách nhiệm nộp hồ sơ khai thuế thu nhập doanh nghiệp cho cơ quan thuế:
…
c) Trường hợp người nộp thuế có đơn vị trực thuộc nhưng hạch toán phụ thuộc thì đơn vị trực thuộc đó không phải nộp hồ sơ khai thuế thu nhập doanh nghiệp; khi nộp hồ sơ khai thuế thu nhập doanh nghiệp, người nộp thuế có trách nhiệm khai tập trung tại trụ sở chính cả phần phát sinh tại đơn vị trực thuộc…”
+ Tại Điều 19 sửa đổi, bổ sung Tiết a.3, Điểm a, Khoản 1 Điều 16 Thông tư số 156/2013/TT-BTC như sau:
“a.3) Tổ chức, cá nhân trả thu nhập thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân có trách nhiệm khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân và quyết toán thuế thu nhập cá nhân thay cho các cá nhân có ủy quyền không phân biệt có phát sinh khấu trừ thuế hay không phát sinh khấu trừ thuế. Trường hợp tổ chức, cá nhân không phát sinh trả thu nhập thì không phải khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân…”.
Căn cứ Điều 26 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân, quy định về khai thuế, quyết toán thuế TNCN:
“Tổ chức, cá nhân trả thu nhập thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân và cá nhân có thu nhập thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân thực hiện khai thuế và quyết toán thuế theo hướng dẫn về thủ tục, hồ sơ tại văn bản hướng dẫn về quản lý thuế…”
Căn cứ các quy định trên, khi Công ty bạn có mở Chi nhánh trực thuộc (gọi tắt là Chi nhánh) ở địa phương cấp tỉnh khác nơi trụ sở chính của Công ty thì:
- Về thuế Môn bài: Chi nhánh thực hiện theo quy định tại Thông tư số 42/2003/TT-BTC ngày 07/5/2003 và Điều 17 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 6/11/2013 nêu trên.
- Về thuế GTGT: Trường hợp Chi nhánh có hoạt động kinh doanh thì nộp hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp của Chi nhánh; nếu Chi nhánh không trực tiếp bán hàng, không phát sinh doanh thu thì thực hiện khai thuế tập trung tại trụ sở chính của Công ty.
- Về thuế TNDN: Chi nhánh thực hiện khai tập trung tại trụ sở chính của Công ty theo quy định tại Điều 16 Thông tư số 151/2014/TT-BTC nêu trên.
- Về thuế TNCN: Tổ chức trả thu nhập thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân thì thực hiện khai thuế và quyết toán thuế TNCN theo Điều 26 Thông tư số 111/2013/TT-BTC nêu trên.
- Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp;
- Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
- Khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
- Được trừ ở mức quy định đối với các khoản chi bị khống chế mức tính vào chi phí được trừ.
Theo đó, hóa đơn tiền điện của cơ sở sản xuất là khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Để hiểu rõ hơn các quy định về chi phí hợp lý được khấu trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp bạn có thể tham khảo bài viết:Các khoản chi phí hợp lý được trừ khi tính thuế TNDN
Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật về doanh nghiệp và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo.
Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng.
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật doanh nghiệp