1. Khái niệm định khung hình phạt

Định khung hình phạt là xác định khung hình phạt phải áp dụng cho hành vi phạm tội đã được định tội danh.

Định khung hình phạt là một hoạt động trong quá trình áp dụng luật hình sự, được thực hiện trên cơ sở kết quả của hoạt động định tội và là cơ sở cho việc quyết định hình phạt. Định khung hình phạt chỉ phải thực hiện ở tội phạm có các khung hình phạt khác nhau. Ở tội phạm chỉ có một khung hình phạt thì không cần hoạt động định khung.

Định khung hình phạt có thể được coi là hoạt động độc lập cùng với hoạt động định tội và hoạt động quyết định hình phạt nhưng cũng có thể được coi là phần đầu của hoạt động quyết định hình phạt.

Tuy nhiên, cũng có quan điểm khác cho rằng, định khung hình phạt phải thuộc về định tội. Định khung hình phạt, thực chất là một hoạt động độc lập nhưng có quan hệ chặt chẽ với hoạt động định tội và hoạt động quyết định hình phạt. Nếu phải xếp định khung hình phạt vào một trong hai hoạt động – định tội và quyết định hình phạt thì phải xếp vào hoạt động quyết định hình phạt mới hợp lí. Định khung hình phạt sai không ảnh hưởng đến định tội trước đó nhưng lại ảnh hưởng đến quyết định hình phạt. Định tội không phụ thuộc vào định khung hình phạt còn quyết định hình phạt phải phụ thuộc vào định khung hình phạt.

2. Khái niệm dấu hiệu định khung hình phạt

Dấu hiệu định khung hình phạt là dấu hiệu trong luật phản ánh mức độ tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội phù hợp với một khung hình phạt nhất định và là cơ sở pháp lí để định khung hình phạt đối với hành ví đó.

Căn cứ vào tính chất của dấu hiệu định khung làm tính nguy hiểm cho xã hội tăng lên hoặc giảm xuống, có thể phân dấu hiệu định khung hình phạt thành dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng và dấu hiệu định khung giảm nhẹ.

Ví đụ: (giết) nhiều người hay (giết người) vì động cơ đê hèn được phản ánh tại Điều 93 Bộ luật hình sự năm 1999 là dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng của tội giết người và khung hình phạt này có mức tối thiểu là 12 năm tù, tối đa là tử hình; phản bội Tổ quốc trong trường hợp có nhiều tình tiết giảm nhẹ được phản ánh tại Điều 78 Bộ luật hình sự năm 1999 là dấu hiệu định khung giảm nhẹ của tội phản bội Tổ quốc và khung này có mức tối đa là 15 năm tù...

Những dấu hiệu định khung có thể là dấu hiệu thuộc về mặt khách quan như dấu hiệu mức độ hậu quả hoặc thuộc về mặt chủ quan như tính chất của động cơ hoặc thuộc về nhân thân như dấu hiệu tái phạm nguy hiểm…

3. Phân biệt dấu hiệu định khung hình phạt với dấu hiệu tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự

Cần phân biệt dấu hiệu định khung hình phạt với dấu hiệu tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cũng như với dấu hiệu định tội. Dấu hiệu định khung hình phạt được quy định tại các điều luật quy định tội cụ thể ở khoản của điều luật quy định khung hình phạt tăng nặng hoặc giảm nhẹ. Có dấu hiệu định khung của tội phạm cụ thể có thể được quy định là dấu hiệu (tình tiết) tăng nặng hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và được áp dụng cho những tội không có dấu hiệu định khung này. Ví dụ: Dấu hiệu tái phạm nguy hiểm là dấu hiệu định khung tăng nặng của nhiều tội như tội cướp tài sản, tội trộm cắp tài sản... nhưng dấu hiệu này cũng được quy định là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự tại Điều 48 và tình tiết này sẽ được áp dụng cho các tội phạm khác không có dấu hiệu định khung này như tội làm nhục người khác... Tình tiết định khung cũng có thể trở thành định tội khi trường hợp phạm tội có tình tiết định khung của tội cụ thể được tách ra khỏi tội đó và được quy định thành tội riêng. Ví dụ: Trường hợp giết người có tình tiết định khung giảm nhẹ “giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh" được quy định thành tội riêng - tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích đông mạnh hoặc trường hợp vô ý gây thương tích có tình tiết định khung tăng nặng “do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính" được quy định thành tội riêng - tội vô ý gây thương tích... do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính.

Các tình tiết là yếu tố định khung hình phạt là những tình tiết mà nhà làm luật dự định nếu có thì Tòa án phải áp dụng ở khung hình phạt mà điều luật quy định có tình tiết đó đối với người phạm tội. Ví dụ: Một người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới là thuộc trường hợp phạm tội quy định tại điểm d khoản 2 Điều 189 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Tình tiết “lợi dụng chức vụ, quyền hạn” trong trường hợp phạm tội cụ thể này đã là dấu hiệu định khung hình phạt, nên khi quyết định hình phạt, Tòa án không được áp dụng tình tiết này là tình tiết tăng nặng đối với bị cáo nữa.

Các tình tiết là dấu hiệu định khung hình phạt thực chất là dấu hiệu cấu thành tội phạm, nhưng nó là dấu hiệu của cấu thành khác loại (cấu thành tăng nặng hoặc cấu thành giảm nhẹ). Về cấu thành tội phạm, khoa học luật hình sự chia ra làm ba loại: Cấu thành cơ bản, cấu thành tăng nặng và cấu thành giảm nhẹ.

Cấu thành cơ bản là cấu thành không có các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ TNHS. Ví dụ: Khoản 1 Điều 173 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung 2017 (Tội trộm cắp tài sản). Loại cấu thành này, về cơ bản đã bao hàm đầy đủ những yếu tố cấu thành Tội trộm cắp tài sản (chủ thể, khách thể, mặt khách quan và mặt chủ quan), tức là một người có đủ năng lực TNHS, có hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt, hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Cấu thành tăng nặng là cấu thành nếu có một hoặc một số tình tiết khác ngoài những tình tiết đã được quy định trong cấu thành cơ bản và những tình tiết này làm cho tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội nguy hiểm hơn so với trường hợp không có tình tiết này, cấu thành tăng nặng bao giờ cũng có khung hình phạt nặng hơn so với cấu thành cơ bản. Ví dụ, khoản 1 Điều 173 Bộ luật hình sự (Tội trộm cắp tài sản) là cấu thành cơ bản có khung hình phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm và là tội phạm ít nghiêm trọng. Nhưng nếu người phạm tội lại có hành vi hành hung để tẩu thoát thì thuộc trường hợp quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 173 Bộ luật hình sự là cấu thành tăng nặng, có khung hình phạt tù từ 02 năm đến 07 năm và là tội nghiêm trọng.

Cấu thành giảm nhẹ là cấu thành nếu có một hoặc một số tình tiết khác ngoài những tình tiết đã được quy định trong cấu thành cơ bản và những tình tiết này làm cho tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội ít nguy hiểm hơn so với trường hợp không có tình tiết này, cấu thành giảm nhẹ bao giờ cũng có khung hình phạt nhẹ hơn so với cấu thành cơ bản. Ví dụ, khoản 1 Điều 119 (Tội chống phá cơ sở giam giữ) là cấu thành cơ bản có khung hình phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Nhưng nếu người phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng thì thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 119 là cấu thành giảm nhẹ, có khung hình phạt từ 03 năm đến 10 năm tù.

Tuy nhiên, không phải điều luật nào cũng bao gồm cả cấu thành tăng nặng hoặc cấu thành giảm nhẹ, mà tùy thuộc vào mỗi tội phạm và chính sách hình sự của nhà nước trong việc xử lý từng loại tội phạm. Đa số các tội quy định trong Bộ luật hình sự có cấu thành tăng nặng, chỉ có một số tội có cấu thành giảm nhẹ (chủ yếu là các tội xâm phạm an ninh quốc gia).

Các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ đã là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ khi quyết định hình phạt nữa.

4. Nguyên tắc áp dụng dấu hiệu định khung hình phạt

Khi áp dụng dấu hiệu này phải tuân thủ nguyên tắc: mỗi tình tiết thực tế của vụ án chỉ được sử dụng một lần. Nếu đã được dùng để chứng minh dấu hiệu định tội thì không được dùng lại tình tiết đó để chứng minh dấu hiệu định khung cũng như dấu hiệu tăng nặng hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Tương tự như vậy, khi đã được dùng để chứng minh dấu hiệu định khung thì không được dùng lại tình tiết đó để chứng minh dấu hiệu tăng nặng hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

5. Chỉ được phép tăng, giảm mức hình phạt trong một khung hình phạt

Điều luật quy định khung hình phạt có mức tối thiểu và tối đa tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm của từng tội phạm. Khi đã xác định bị cáo phạm tội ở khung hình phạt nào, dù có nhiều tình tiết tăng nặng thì họ cũng không bị xử phạt quá mức cao nhất của khung hình phạt đó. Ví dụ: Bị cáo phạm tội sản xuất hàng giả thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 192 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ 05 năm đến 10 năm. Tòa án không được xử phạt bị cáo trên 10 năm tù, dù họ có nhiều tình tiết tăng nặng ở Điều 52. Trường hợp xử phạt dưới 05 năm tù, Tòa án phải nêu được lý do và phải tuân theo những quy định tại Điều 54 có nội dung như sau:

– Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật này.

– Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể.

– Trong trường hợp có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 54 Bộ luật hình sự năm 2015 nhưng điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt đó là khung hình phạt nhẹ nhất, thì Tòa án có thể quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn.

Ngoài ra, nếu còn vấn đề vướng mắc hoặc băn khoăn về những nội dung trên hoặc các nội dung khác liên quan tới giải quyết tranh chấp lao động cá nhân tại Toà án, Quý khách hàng có thể liên hệ tổng đài tư vấn pháp luật hình sự trực tuyến 1900.6162 để được giải đáp thêm.

Trân trọng./

Bộ phận tư vấn pháp luật hình sự - Công ty luật Minh Khuê