Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn pháp luật của Công ty luật Minh Khuê

>> Luật sư tư vấn pháp luật, gọi: 1900.6162

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Khuê. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

1. Khái niệm về định tội

Định tội là việc xác nhận về mặt pháp lý sự phù hợp giữa các dấu hiệu của hành vi nguy hiểm cho xã hội cụ thể đã được thực hiện với các yếu tố cấu thành tội phạm cụ thể tương ứng được quy định trong Bộ luật hình sự. Có thể nói, định tội là việc xác định một hành vi cụ thể đã thực hiện thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu của một tội phạm cụ thể nào đó trong số các tội phạm được quy định trong Bộ luật hình sự.

Định tội là một hoạt động tư duy do người tiến hành tố tụng thực hiện. Đồng thời, nó cũng là hình thức hoạt động, thể hiện sự đánh giá về mặt pháp lý đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội đang được kiểm tra, xác định trong mối tương quan với các quy phạm pháp luật hình sự. Để định tội cho một hành vi cụ thể, người áp dụng luật hình sự phải căn cứ vào cấu thành tội phạm được rút ra từ những quy định của Bộ luật hình sự. Nếu tình tiết của một hành vi phạm tội phù hợp với các dấu hiệu của một cấu thành tội phạm cụ thể được quy định trong Bộ luật hình sự, thì hành vi đó được xác định theo tội danh của cấu thành tội phạm đó.

Định tội được tiến hành qua các giai đoạn tố tụng hình sự, từ khởi tố vụ án, điều tra, truy tố và cuối cùng là xét xử. Trong đó, việc xác định tội danh trong giai đoạn xét xử là quan trọng nhất. Khoản 1, Điều 31 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”. Điều 13 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 cũng quy định: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”.

2. Cấu thành tội phạm là căn cứ pháp lý duy nhất để định tội

Cấu thành tội phạm là khái niệm pháp lý về hành vi phạm tội, là hệ thống các dấu hiệu cần và đủ đặc trưng cho từng tội phạm cụ thể được quy định trong Bộ luật hình sự. Cấu thành tội phạm là một phạm trù chủ quan được xây dựng một cách khách quan dựa trên quy định của luật hình sự. Chính vì thế, nó đã trở thành cơ sở pháp lý để định tội. Cấu thành tội phạm (CTTP), nói một cách khách quan, không thể hiện hết các yếu tố phong phú của tội phạm mà chỉ thể hiện các yếu tố cần và đủ (các dấu hiệu điển hình, đặc trưng nói lên bản chất của tội phạm ấy) cho việc định tội. Vì vậy, quá trình định tội cần giải quyết hai vấn đề: nhận thức đúng đắn các dấu hiệu cấu thành tội phạm và xác định các tình tiết của hành vi phạm tội được thực hiện nhằm tìm ra sự đồng nhất giữa các yếu tố luật định và các tình tiết khách quan.

Cấu thành tội phạm được xem là cơ sở pháp lý duy nhất để định tội, là mô hình pháp lý có các dấu hiệu cần và đủ để xác định trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội. Bởi vì, một trong những đặc điểm của tội phạm là được quy định trong luật hình sự. Luật hình sự quy định tội phạm bằng cách mô tả các dấu hiệu của hành vi phạm tội, từ cơ sở pháp lý đó, các nhà lý luận mới khái quát thành các dấu hiệu đặc trưng chung gọi là cấu thành tội phạm. Vì thế, các cán bộ tiến hành tố tụng cần nhận thức đúng đắn bản chất các dấu hiệu cấu thành tội phạm trong quá trình định tội.

Chú ý, khi xem xét các dấu hiệu cấu thành tội phạm cần xem xét cả những quy định Phần chung và Phần các tội phạm Bộ luật hình sự. Làm sáng tỏ cấu thành tội phạm và những dấu hiệu của nó là bảo đảm quan trọng đối với việc định tội. Định một tội danh đúng đòi hỏi cán bộ tiến hành tố tụng phải có trình độ pháp luật, kiến thức chuyên môn và nghiệp vụ tốt, có kinh nghiệm thực tiễn. Đồng thời, Nhà nước phải bảo đảm pháp luật đáp ứng được đời sống đa dạng, không ngừng hoàn thiện, đảm bảo giải thích, hướng dẫn luật kịp thời, tránh việc áp dụng luật một cách mâu thuẫn và giải thích tuỳ tiện.

3. Phương pháp định tội đối với một vụ án cụ thể

Định tội là cơ sở và là tiền đề cho hoạt động quyết định hình phạt. Đó là quá trình xác định sự giống nhau, sự trùng lặp giữa các tình tiết cơ bản, điển hình của một hành vi nguy hiểm cho xã hội đã xảy ra với các dấu hiệu của CTTP cụ thể tương ứng được quy định trong Bộ luật hình sự. Nói cách khác, đó là sự xác định hành vi của một người thỏa mãn các dấu hiệu của CTTP nào trong Bộ luật hình sự. Vì thế, để định tội chính xác, người định tội cần xác định đầy đủ các tình tiết đã xảy ra liên quan đến vụ án. Ngoài ra, họ cần phải có sự hiểu biết sâu sắc, chính xác pháp luật hình sự - cấu thành tội phạm.

Quá trình định tội là một quá trình hoạt động tư duy phức tạp. Hoạt động này cần được tiến hành theo các bước sau:

Bước thứ nhất: tóm tắt và phân tích hành vi của người phạm tội trong vụ án

Bước thứ hai: xác định khách thể loại của hành vi xâm hại mà bị can đã thực hiện và các quy phạm pháp luật hình sự cần kiểm tra

Bước thứ ba: kiểm tra quy phạm pháp luật hình sự (CTTP cụ thể) trong mối liên hệ với từng hành vi của bị can trong vụ án

Bước thứ tư: kết luận

Kết quả của quá trình kiểm tra bốn yếu tố CTTP trên được tóm tắt thành kết luận cuối cùng đối với từng bị can trong vụ án. Nội dung kết luận có thể là: (1) hành vi của bị can có chứa đựng đủ yếu tố của CTTP không; (2) tội gì; (3) thuộc khoản nào; (4) các điều luật viện dẫn là điều luật nào trong Bộ luật hình sự, v.v..

4. Kiểm tra quy phạm pháp luật hình sự

Đây là bước quan trọng nhất trong toàn bộ quá trình làm việc của người tiến hành tố tụng. Thực chất của bước này là định tội và định khung hình phạt cho hành vi phạm tội đó.

4.1 Những vấn đề có tính nguyên tắc khi tiến hành kiểm tra

- Quá trình kiểm tra, so sánh, đối chiếu được tiến hành với từng hành vi mà chủ thể đã thực hiện. Hành vi nào nguy hiểm nhất được kiểm tra trước. Lưu ý, cần xem xét hành vi trong thực tế có chứa đựng đầy đủ các yếu tố của CTTP tương ứng không. Chỉ khi có sự đồng nhất giữa chúng thì trách nhiệm hình sự của chủ thể thực hiện hành vi đó mới được đặt ra. Sự đồng nhất này là khách quan, dứt khoát chứ không phải là sự suy đoán, biểu lộ ý chí chủ quan của cá nhân (theo quan điểm tôi, giả định rằng...).

- Nếu vụ án có nhiều người tham gia (đồng phạm), kiểm tra hành vi của người thực hành. Sau đó, kiểm tra hành vi những người còn lại.

- Kiểm tra, đối chiếu từng CTTP. Kiểm tra CTTP cơ bản trước, sau đó mới đến CTTP tăng nặng hoặc giảm nhẹ.

- Đối với mỗi CTTP cần lần lượt kiểm tra từng dấu hiệu mô tả trong CTTP đó. Nếu có nhiều dạng hành vi thì kiểm tra dạng hành vi được mô tả trong CTTP gần với hành vi được thực hiện trong vụ án. Nếu các dạng hành vi khác nhau trong CTTP không có mối liên hệ với hành vi xảy ra trong vụ án thì không cần kiểm tra.

4.2 Việc kiểm ra quy phạm pháp luật hình sự dựa vào các yếu tố CTTP

- Kiểm tra khách thể của tội phạm:

Khách thể của tội phạm là các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ. Mỗi tội phạm có thể xâm hại tới nhiều quan hệ xã hội nhưng chỉ có các quan hệ được luật hình sự bảo vệ mới là khách thể của tội phạm. Ở giai đoạn trước, ta đã xác định khách thể loại, giai đoạn này cần xác định khách thể trực tiếp của tội phạm, một yếu tố cấu thành tội phạm cụ thể. Những tội phạm có cùng khách thể trực tiếp được xếp liền kề trong cùng một chương (tội phạm trong cùng một chương có cùng khách thể loại). Vì thế, khách thể trực tiếp luôn nằm trong khách thể loại. Việc xác định khách thể trực tiếp không phải lúc nào cũng dễ bởi vì rất có thể một tội phạm xâm hại đến nhiều quan hệ xã hội khác nhau (khác nhau về khách thể trực tiếp). Trường hợp đó, chúng ta cần xác định khách thể trực tiếp cơ bản có ý nghĩa quyết định để định tội. Để xác định khách thể trực tiếp cơ bản cần trả lời các câu hỏi: (1) trong nhóm các quan hệ xã hội bị xâm hại, quan hệ xã hội nào là quan trọng hơn cả; (2) thiệt hại gây ra cho quan hệ xã hội nào nghiêm trọng hơn; (3) quan hệ xã hội nào luôn phải chịu thiệt hại do hành vi nguy hiểm đó gây ra; (4) quan hệ xã hội nào phản ánh đầy đủ bản chất chính trị xã hội và pháp lý của hành vi nguy hiểm cho xã hội trong vụ án, v.v..

Nhìn chung, việc định tội là căn cứ vào khách thể. Đối tượng tác động có ý nghĩa trong việc quyết định hình phạt. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, đối tượng tác động được quy định là yếu tố định tội. Khi đó, chúng ta cần kiểm tra cả đối tượng tác động với tư cách là một bộ phận của khách thể để định tội.

- Kiểm tra mặt khách quan của tội phạm:

Mặt khách quan của tội phạm là những biểu hiện ra bên ngoài của tội phạm. Trong quy phạm pháp luật hình sự, mặt khách quan được mô tả một cách rõ ràng hơn so với các yếu tố khác. Mặt khách quan có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xác định CTTP để định tội. Thông qua nó, chúng ta có thể phân biệt CTTP này với CTTP khác. Và cũng thông qua đó, chúng ta có thể xác định được mặt chủ quan của tội phạm. Mặt khách quan của tội phạm có ba yếu tố bắt buộc cấu thành là: hành vi khách quan, hậu quả của hành vi khách quan và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả. Việc xác định hành vi khách quan có ý nghĩa quan trọng nhất trong việc định tội.

Việc mô tả hành vi khách quan trong quy phạm pháp luật hình sự không giống nhau trong những trường hợp khác nhau. Có khi mô tả tỉ mỉ hành vi, như cướp tài sản (Điều 168 Bộ luật hình sự), hiếp dâm (Điều 141 Bộ luật hình sự)...), có khi hành vi được ẩn trong tên tội danh, như trộm cắp tài sản (Điều 173 Bộ luật hình sự), giết người (Điều 123 Bộ luật hình sự)...). Hành vi cũng có thể được biểu hiện qua không hành động, như không tố giác tội phạm (Điều 390 Bộ luật hình sự), hoặc thông qua hành động, như buôn lậu (Điều 188 Bộ luật hình sự...), cũng có khi hành vi được biểu hiện thông qua cả hành động và không hành động, như giết người[4] (Điều 123 Bộ luật hình sự) v.v.. Người định tội cần xác định hành vi và các biểu hiện của nó, xác định được mô hình hành vi nguy hiểm cho xã hội. Ngoài ra, trong quá trình định tội đối với các tội phạm có CTTP vật chất, người định tội cũng cần phải làm sáng tỏ hậu quả của hành vi khách quan và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi khách quan và hậu quả của hành vi đó. Cuối cùng, trong quá trình kiểm tra để định tội, chúng ta phải lưu ý đến các dấu hiệu khác trong mặt khách quan như công cụ, phương tiện, thời gian, địa điểm, v.v. phạm tội nếu CTTP có nêu. Chẳng hạn, đối với tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ (Điều 260 Bộ luật hình sự) đòi hỏi dấu hiệu phương tiện phạm tội phải là “phương tiện giao thông đường bộ.

Tóm lại, trong bước kiểm tra mặt khách quan của tội phạm, người định tội phải làm sáng tỏ các dấu hiệu khách quan trong CTTP và so sánh, đối chiếu với các dấu hiệu khách quan tương ứng với những dấu hiệu đã xảy ra trong vụ án cụ thể. Nếu vụ án thiếu một trong những dấu hiệu khách quan được quy định trong CTTP thì không được kết luận tuỳ tiện.

- Kiểm tra chủ thể của tội phạm:

Chủ thể của tội phạm là cá nhân hoặc pháp nhân thương mại, “người” đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội bị coi là tội phạm, có đủ điều kiện của chủ thể của tội phạm. Nếu là cá nhân thì có năng lực trách nhiệm hình sự (NLTNHS) (không thuộc trường hợp không có NLTNHS quy định tại Điều 21 Bộ luật hình sự và đạt độ tuổi chịu TNHS theo Điều 12 Bộ luật hình sự)[5]. Nếu là pháp nhân thương mại thì chỉ cần các dấu hiệu để xác định đó là pháp nhân thương mại theo pháp luật.

Đối với chủ thể là cá nhân, kiểm tra chủ thể cần kiểm tra ba vấn đề: (1) có phải chủ thể thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự hay không; (2) chủ thể đó có năng lực TNHS không; (3) chủ thể đó đã đạt tuổi chịu TNHS chưa. Đối với những tội phạm đòi hỏi chủ thể đặc biệt, chúng ta phải xem xét những đặc điểm đặc thù của chủ thể. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần thiết xem xét các dấu hiệu thuộc về nhân thân nhằm góp phần có hiệu quả trong việc thực hiện cá thể hoá TNHS và hình phạt.

Đối với chủ thể là pháp nhân thương mại thì cần kiểm tra các điều kiện để một pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự (Điều 75 Bộ luật hình sự). Bao gồm: (1) Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại; (2) Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại; (3) Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại.

- Kiểm tra mặt chủ quan của tội phạm:

Tội phạm là một thể thống nhất giữa các mặt khách quan và chủ quan. Mặt chủ quan của tội phạm bao gồm dấu hiệu lỗi, động cơ và mục đích phạm tội. Nếu kiểm tra mà không thấy có sự thống nhất giữa các yếu tố khách quan và chủ quan thì không thể định tội theo quy phạm pháp luật hình sự đang kiểm tra. Đối với cá nhân thì kiểm tra yếu tố chủ quan của người thực hiện tội phạm. Đối với pháp nhân thương mại thì kiểm tra yếu tố chủ quan của người thực hiện tội phạm mà bị coi là pháp nhân thương mại phạm tội.

Trong CTTP, lỗi được quy định rất khác nhau. Nếu điều luật quy định rõ hình thức lỗi trong CTTP thì khi định tội chỉ cần xác định thái độ tâm lý của chủ thể đối với hành vi và hậu quả, sau đó so sánh, đối chiếu với hình thức lỗi trong CTTP. Ví dụ, tội cố ý gây thương tích (Điều 134 Bộ luật hình sự), vô ý làm chết người (Điều 128 Bộ luật hình sự), v.v.. Tuy nhiên, đa số các trường hợp, điều luật không nêu rõ hình thức lỗi trong CTTP cụ thể. Khi đó, người định tội phải phân tích nội dung chủ quan của CTTP để xác định tội phạm được thực hiện bằng hình thức lỗi gì. Để chắc chắn xác định đúng yếu tố lỗi của từng tội phạm cụ thể, chúng ta có thể tham khảo các tài liệu bình luận về phần các tội phạm Bộ luật hình sự. Sau đó, so sánh, đối chiếu với thái độ tâm lý của chủ thể thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong vụ án cụ thể để kết luận có hay không sự đồng nhất giữa hình thức lỗi được quy định trong CTTP và lỗi của chủ thể thực hiện hành vi trong vụ án.

Động cơ và mục đích phạm tội không được xem là dấu hiệu bắt buộc trong mọi CTTP cụ thể. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, chúng được quy định trong CTTP thì trở thành dấu hiệu bắt buộc. Chẳng hạn, hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 356 Bộ luật hình sự) đòi hỏi dấu hiệu “mục đích vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác.

Việc kiểm tra các yếu tố CTTP cần được tiến hành lần lượt theo các yếu tố CTTP. Nếu có một dấu hiệu không thỏa mãn thì CTTP đó được dừng lại và CTTP khác được tiếp tục kiểm tra. Chỉ khi cả bốn yếu tố CTTP được thỏa mãn đồng thời thì việc định tội mới được xem như là thành công.

Tuy nhiên, nếu gặp trường hợp CTTP có mối quan hệ giữa cái chung và cái đặc biệt, khi cả bốn yếu tố đã thỏa mãn, chúng ta cũng chưa thể kết luận người phạm tội đã phạm tội theo CTTP đó. Bởi vì, hành vi phạm tội có thể thỏa mãn đầy đủ hơn ở một CTTP khác.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.6162 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật - Công ty luật Minh Khuê