Luật sư tư vấn:
1. Cơ sở pháp lý:
- Bộ luật hình sự 1999 (Luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009)
- Bộ luật hình sự năm 2015
- Thông tư liên tịch số 01/2008/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 29 tháng 02 năm 2008 Hướng dẫn việc truy cứu Trách nhiệm hình sự đối với các hành vi xâm phạm Quyền sở hữu trí tuệ
2. Nội dung tư vấn:
Theo nhận định của chúng tôi, trên thực tế, trước khi vào xem phim tại rạp khán giả sẽ đều được phổ biến quy định không sử dụng các thiết bị ghi hình, điện thoại. Việc quay lén trong rạp chiếu phim trước tiên đã vi phạm quy định, nội quy của rạp chiếu phim. Việc này sẽ bị xử phạt theo quy định của rạp chiếu phim đó. Trường hợp người quay lén dù có hay không mục đích phán tán nội dung đã quay lên các trang mạng xã hội thì đây đều là hành vi vi phạm pháp luật và người quay lén sẽ bị xử lý bằng các chế tài theo pháp luật hành chính hoặc hình sự.
2.1 về hành chính:
Hành vi quay lén trong rạp chiếu phim đã xâm phạm quyền sao chép bản ghi âm, ghi hình. Căn cứ theo Điều 27 Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định:
“1. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi sao chép bản ghi âm, ghi hình mà không được phép của chủ sở hữu quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc dỡ bỏ bản sao bản ghi âm, ghi hình dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này.”
2.2 về hình sự:
Người có hành vi quay lén trong rạp chiếu phim còn có thể bị xử lý hình sự căn cứ theo Thông tư liên tịch số 01/2008/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP, tùy theo mức độ hậu quả của hành vi của người thực hiện gây ra là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng mà có những mức xử phạt tương ứng.
Bộ phận tư vấn pháp luật Sở hữu trí tuệ - Công ty Luật Minh Khuê