Là người “nặng lòng” với các tác phẩm văn học kinh điển, dịch giả Thuý Toàn khá buồn trước xu thế chạy theo sách ăn khách của các NXB và các Công ty văn hoá truyền thông trong lĩnh vực phát hành sách hiện nay. Ông bày tỏ những ưu tư của mình với phóng viên VnMedia.

- Bộ mặt văn học dịch hiện nay đang được nhìn nhận ở nhiều khía cạnh khi xã hội bắt đầu xuất hiện một lớp dịch giả mới Tây học hơn? Ông đánh giá thế nào về văn học dịch những năm gần đây?

Tôi cho rằng sự phát triển rộng rãi về mặt số lượng, chủ đề, thể loại, tiếp cận với tác phẩm kịp thời các tác phẩm văn học nước ngoài là một sự tiến bộ. Bây giờ ta có thể tìm đủ mọi loại sách nhưng đúng là do cơ chế thị trường nên ngay cả một số sách hy vọng có thể tốt cũng không được như ý muốn. Chính vì vậy, chất lượng sách dịch vẫn còn yếu. Mấy năm nay giải thưởng Hội Nhà văn đều không có được giải thưởng về sách dịch.

Nói một cách công bằng, dịch thuật cần có sự quan tâm một cách thiết thực của Nhà nước. Nhà nước phải coi đây là một chính sách, quốc sách để quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài và văn học thế giới vào Việt Nam. Vấn đề tiếp thu văn hoá cần được đặt ra lần nữa nghiêm chỉnh và có bài bản.

- Là người nặng lòng với các tác phẩm văn học kinh điển trong khi những loại tác phẩm này ít được các NXB, các công ty văn hoá truyền thông chú ý hơn so với các sách best-seller. Đó có phải là nỗi buồn chung cho những dịch giả lâu năm như ông?

Còn khá  nhiều tác phẩm nghiêm chỉnh cần phải dịch lại một cách công phu thì có ít người bỏ công sức để làm. Thật ra không phải không có những người có tâm huyết, nhưng tâm huyết phải thực tế bởi vì những tác phẩm này làm ra chỉ xếp xó, không xuất bản được.

Sắp tới, kỷ niệm 100 năm ngày mất của Leptonxtoi, chúng ta muốn ra một bộ sách gồm 20 cuốn về ông. Những người tâm huyết làm rất tích cực nhưng đang phải chạy đôn đáo về mặt xuất bản. Bởi vì, đây là bộ sách hay, đầu tư khá tốn kém nhưng lại khó bán.

Nhà nước đầu tư lớn cho bộ phim đến hàng chục tỷ tại sao lại không bỏ chục tỷ cho một bộ sách đến nơi, đến chốn. Giá mà Nhà nước tiêu thụ cho 1.000 bộ, đặt hàng thì chúng tôi có thể xuất bản được. Nếu có thể trong sức của chúng tôi thì năm sau có lẽ chỉ ra được một vài tập thôi.

- Theo cá  nhân ông, lớp trẻ hiện nay liệu đã đủ sức kế cận?

Lớp trẻ người ta có nhiều năng lực, nhiều điều kiện. Có thể người ta được học hành, được tiếp xúc trực tiếp, có nhiều phương tiện tiếp cận với tác giả, tác phẩm… thế nhưng người ta không có thì giờ hay nói đúng hơn là họ chưa gắn bó, không coi việc dịch là một lao động sáng tạo thực sự mà chỉ là nghề tay trái. Đó là đáng buồn nhất, chưa có người tâm huyết.

Thêm nữa, chúng ta chưa coi biên tập là một nghề đáng đổ công sức vào. Người biên tập phải là người cùng dịch giả chịu trách nhiệm với tác phẩm xuất bản đó, nhưng chúng ta lại thiếu mảng này.

Các bạn trẻ cũng nổi lên nhiều cái tên khá tốt. Tuy nhiên, mặc dù họ trẻ và nổi tiếng nhanh, đôi khi cũng mắc lỗi. Vừa rồi chúng tôi cũng cân nhắc xem xét giải thưởng của một dịch giả trẻ với bản dịch hai tập sang trọng, nhưng có những chữ dịch dạng chữ ra chữ, không còn là văn học nữa.

- Là  người làm về sáng tạo, nhìn quyển sách của mình dịch chưa kịp xuất bản  đã có bản lậu. Hoặc bản dịch của mình bị  tái bản vô tội vạ. Thậm chí  nhiều NXB còn tái bản từ cuốn dịch của NXB khác mà không biết có chuẩn không?

Chính vì  thế, từ rất lâu anh em dịch thuật chúng tôi mong muốn có một đơn vị cầm trịch chuẩn từ phiên âm đến tên sách, ra sách thế nào. Bây giờ ra sách văn học Nga lại qua bản dịch tiếng Anh, hoặc có cuốn sách tái bản lại tái bản từ cuốn sách của nhà xuất bản khác mà không biết ở đâu, theo bản nào chuẩn thì thật là “loạn”. Rất nhiều bản tái bản từ bản dịch của Cao Xuân Hạo, Ngọc Quế… dở ra bị bóp méo, sai rất nhiều.

Chúng ta phải đưa ra sách chuẩn chứ không thể bây giờ cứ mải chạy theo sách ăn khách, sách mua được bản quyền. Mình phải có hướng chuẩn, chấp nhận thiệt thòi, ra lại tủ sách văn học thế giới, tủ sách văn học Việt Nam để làm bộ mặt văn học thế giới tại Việt Nam không bị phiến diện.

- Vậy theo cá nhân ông, để làm “chuẩn” văn học dịch hiện nay cần phải làm  điều gì đầu tiên?

Tôi nghĩ cái này thì khó, chúng ta phải giải quyết dần dần thôi. Nhà nước phải có động tác ngay. Phải có chính sách coi việc dịch, tiếp thu văn học nước ngoài và truyền bá văn học Việt Nam là một công việc không phải của cá nhân mà là công việc của Nhà nước.

Xin cảm  ơn dịch giả Thuý Toàn!

 

Theo vnmedia.vn