Mục lục bài viết
1. Khái niệm về phát hành chứng khoán
Phát hành chứng khoán là hình thức đưa ra lưu hành chứng khoán mới để huy động vốn (tư bản) cần thiết cho người phát hành chứng khoán và trao cho người mua (chủ sở hữu chứng khoán) quyền nhận thu nhập dưới dạng lợi tức nhất định (nhận ngay khi mua phiếu hoặc sau một thời gian nhất định). Như vậy, việc chào bán lần đầu tiên chứng khoán mới gọi là phát hành chứng khoán.
Chứng khoán được phát hành dưới hình thức chứng chỉ hoặc bút toán ghi sổ, xác nhận các quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với vốn hoặc tài sản của tổ chức phát hành. Tổ chức phát hành chứng khoán là doanh nghiệp cần huy động vốn cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh hay Chính phủ huy động vốn để trang trải nhu cầu chỉ tiêu của ngân sách nhà nước.
Khác với quan hệ mua, bán lại chứng khoản, quan hệ phát hành chứng khoán được thiết lập trực tiếp giữa người gọi vốn (tổ chức phát hành) và người đầu tư nên việc phát hành chứng khoán làm tăng vốn đầu tư cho nền kinh tế. Để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư và bảo đảm thị trường phát triển lành mạnh, pháp luật quy định chặt chẽ các điều kiện bắt buộc đối với việc phát hành chứng khoán. Có thể coi việc phát hành là cầu nối giữa thị trường sơ cấp với thị trường thứ cấp và nó có một vai trò vô cùng quan trọng trong việc tạo ra hàng hóa (các chứng khoán) để làm động lực cho thị trường.
2. Điều kiện phát hành chứng khoán riêng lẻ
Theo quy định, việc xác định tổ chức phát hành có phải là công ty đại chúng hay không là một trong những yếu tố quan trọng để xác định các điều kiện phát hành chứng khoán riêng lẻ. Mặc dù vậy, quy định này chỉ làm rõ cho việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ, chứ việc phát hành trái phiếu không có phân chia rõ các điều kiện giữa công ty đại chúng với chưa đại chúng. Việc phát hành chứng khoán riêng lẻ của tổ chức phát hành không phải là công ty đại chúng được thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp và các quy định của pháp luật về Chứng khoán. Tổ chức phát hành không phải là công ty đại chúng có thể hiểu bao gồm công ty cổ phần chưa đại chúng, công ty trách nhiệm hữu hạn. Các công ty đại chúng có thể phát hành chứng khoán riêng lẻ nhưng phải tuân thủ các điều kiện như sau:
Có quyết định của Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị thông qua phương án chào bán và sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán; xác định rõ đối tượng, số lượng nhà đầu tư;
Việc chuyển nhượng cổ phần, trái phiếu chuyển đổi chào bán riêng lẻ bị hạn chế tối thiểu một năm, kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán, trừ trường hợp chào bán riêng lẻ theo chương trình lựa chọn cho người lao động trong công ty, chuyển nhượng chứng khoán đã chào bán của cá nhân cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, chuyển nhượng giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, theo quyết định của Tòa án hoặc thừa kế theo quy định của pháp luật;
Các đợt chào bán cổ phần hoặc trái phiếu riêng lẻ phải cách nhau ít nhất sáu tháng.
3. Trình tự phát hành chứng khoán riêng lẻ
3.1. Trình tự, thủ tục phát hành cổ phiếu riêng lẻ
Thứ nhất, gửi hồ sơ đăng kí chào bán cổ phần riêng lẻ đầy đủ và hợp lệ tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền
Đầu tiên, doanh nghiệp phải gửi hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu riêng lẻ tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền (bao gồm: Bộ Tài chính đối với doanh nghiệp bảo hiểm không phải là công ty đại chúng; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với tổ chức tín dụng không phải là công ty đại chúng; Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đối với trường hợp tổ chức phát hành là công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty đại chúng; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế trong trường hợp tổ chức phát hành là công ty cổ phần chưa đại chúng). Hồ sơ chào bán cổ phiếu riêng lẻ của công ty cổ phần chưa đại chúng bao gồm: Giấy đăng ký chào bán cổ phiếu riêng lẻ theo mẫu; Quyết định của Đại hội đồng cổ đông thông qua phương án chào bán và phương án sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán; Quyết định của Hội đồng quản trị thông qua tiêu chí và danh sách lựa chọn đối tượng được chào bán trong trường hợp được Đại hội đồng cổ đông ủy quyền; tài liệu cung cấp thông tin về đợt chào bán cho nhà đầu tư (nếu có); tài liệu chứng minh đáp ứng tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài và tuân thủ quy định về hình thức đầu tư trong trường hợp chào bán cho nhà đầu tư nước ngoài. Đối với công ty đại chúng thì ngoài những giấy tờ trên thì còn có thể cần thêm văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Riêng hồ sơ, thủ tục đăng ký chào bán cổ phiếu riêng lẻ để chuyển đổi từ công ty trách nhiệm hữu hạn thành công ty cổ phần được thực hiện theo quy định của pháp luật về chuyển đổi doanh nghiệp.
Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ và hợp lệ, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký chào bán cổ phần riêng lẻ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải có ý kiến bằng văn bản yêu cầu tổ chức phát hành bổ sung, sửa đổi hồ sơ. Thời gian nhận hồ sơ đầy đủ và hợp lệ được tính từ thời điểm tổ chức phát hành hoàn thành việc bổ sung, sửa đổi hồ sơ. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký đầy đủ và hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông báo cho tổ chức đăng ký và công bố trên trang thông tin điện tử về việc chào bán cổ phiếu riêng lẻ của tổ chức đăng ký. Trong quá trình đăng ký đợt chào bán đến khi chào bán, có những thông tin doanh nghiệp cần công bố tuy nhiên nội dung của việc công bố thông tin đó không được có tính chất quảng cáo và mời chào về việc chào bán cổ phần riêng lẻ.
Thứ hai, doanh nghiệp chào bán cổ phần riêng lẻ sẽ tổ chức thực hiện việc chào bán theo đúng phương án đã đăng ký và sau đó phải báo cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về kết quả đợt chào bán (bao gồm các cơ quan đã nêu ở bước thứ nhất).
3.2. Trình tự, thủ tục phát hành trái phiếu riêng lẻ
Thứ nhất, xây dựng phương án phát hành trái phiếu trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đầu tiên, doanh nghiệp phải xây dựng phương án phát hành trái phiếu gồm một số nội dung cơ bản: thông tin chung về ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh, tình hình tài chính và kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; mục đích phát hành trái phiếu và phương án sử dụng vốn phát hành trái phiếu; khối lượng, loại hình, kỳ hạn, lãi suất danh nghĩa trái phiếu dự kiến phát hành; tỷ lệ chuyển đổi, thời hạn chuyển đổi, giá chuyển đổi và biên độ biến động giá cổ phiếu (nếu có) đối với phát hành trái phiếu chuyển đổi; giá và thời điểm thực hiện mua cổ phiếu đối với phát hành trái phiếu kèm chứng quyền; phương thức phát hành trái phiếu và các tổ chức tham gia bảo lãnh phát hành, bảo lãnh thanh toán, đại lý phát hành, đại lý thanh toán gốc, lãi trái phiếu; kế hoạch bố trí nguồn và phương thức thanh toán gốc, lãi trái phiếu cùng các cam kết khác đối với chủ sở hữu trái phiếu) trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, chấp thuận. Cấp có thẩm quyền phê duyệt bao gồm: đối với trái phiếu chuyển đổi và trái phiếu kèm chứng quyền: Đại hội đồng cổ đông phê duyệt phát hành trái phiếu; đối với các loại trái phiếu khác: Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị, hoặc Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty phê duyệt phương án phát hành trái phiếu căn cứ vào mô hình tổ chức của doanh nghiệp và quy định tại Điều lệ doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp nhà nước, thì cấp có thẩm quyền phê duyệt bao gồm: đối với doanh nghiệp Nhà nước 100% vốn Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, thì phương án phát hành trái phiếu phải được Bộ quản lý ngành kinh doanh chính xem xét, chấp thuận; đối với doanh nghiệp Nhà nước 100% vốn Nhà nước do Bộ, ngành hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập và làm chủ sở hữu, thì phương án phát hành trái phiếu phải được Bộ, ngành, hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, chấp thuận; đối với doanh nghiệp Nhà nước được tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn từ hai thành viên trở lên, thì phương án phát hành trái phiếu phải được tổ chức được giao chức năng đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp xem xét chấp thuận.
Thứ hai, thông báo về việc phát hành trái phiếu, lập hồ sơ phát hành trái phiếu để đăng ký phát hành với cơ quan có thẩm quyền và công bố thông tin cho các đối tượng mua trái phiếu.
Doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản về việc phát hành trái phiếu cho Bộ Tài chính. Đối với doanh nghiệp phát hành là công ty đại chúng, phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm theo chứng quyền sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt và chấp thuận thì phải làm hồ sơ đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và chỉ được phát hành trái phiếu khi có ý kiến bằng văn bản của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Hồ sơ bao gồm: phương án phát hành trái phiếu và quyết định phê duyệt, chấp thuận phương án phát hành trái phiếu đó của cấp có thẩm quyền; các tài liệu và văn bản pháp lý chứng minh doanh nghiệp đủ điều kiện để phát hành trái phiếu theo quy định; kết quả xếp loại của tổ chức định mức tín nhiệm đối với tổ chức phát hành trái phiếu và loại trái phiếu phát hành (nếu có); các hợp đồng bảo lãnh phát hành, bảo lãnh thanh toán, hợp đồng đại lý và các tài liệu liên quan khác (nếu có); văn bản pháp lý chứng minh các dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu đã hoàn thành các thủ tục về đầu tư và đã có quyết định đầu tư của cấp có thẩm quyền trong trường hợp phát hành trái phiếu để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư của doanh nghiệp. Đây cũng là hồ sơ công bố thông tin cho các nhà đầu tư đăng ký mua trái phiếu. Việc công bố thông tin không được chứa đựng nội dung có tính chất quảng cáo, mời chào và không được đăng tải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Thứ ba, doanh nghiệp tiến hành phát hành trái phiếu theo phương án đã được phê duyệt và tuân thủ các chế độ báo cáo, công bố thông tin sau khi phát hành.