1. Khái niệm về phát hành chứng khoán 

Phát hành chứng khoán là hình thức đưa ra lưu hành chứng khoán mới để huy động vốn (tư bản) cần thiết cho người phát hành chứng khoán và trao cho  người mua (chủ sở hữu chứng khoán) quyền nhận thu nhập dưới dạng lợi tức  nhất định (nhận ngay khi mua phiếu hoặc sau một thời gian nhất định). Như  vậy, việc chào bán lần đầu tiên chứng khoán mới gọi là phát hành chứng khoán.  

Chứng khoán được phát hành dưới hình thức chứng chỉ hoặc bút toán ghi  sổ, xác nhận các quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với vốn hoặc  tài sản của tổ chức phát hành. Tổ chức phát hành chứng khoán là doanh nghiệp  cần huy động vốn cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh hay Chính phủ huy động  vốn để trang trải nhu cầu chỉ tiêu của ngân sách nhà nước. Việc phát hành các  loại chứng khoán có thể chuyển nhượng được và lượng chứng khoán phát hành  bán cho những người mua (người đầu tư) ngoài tổ chức phát hành đạt mức pháp  luật quy định gọi là phát hành chứng khoán ra công chúng.

Khác với quan hệ mua, bán lại chứng khoản, quan hệ phát hành chứng  khoán được thiết lập trực tiếp giữa người gọi vốn (tổ chức phát hành) và người  đầu tư nên việc phát hành chứng khoán làm tăng vốn đầu tư cho nền kinh tế. Để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư và bảo đảm thị trường phát triển lành mạnh,  pháp luật quy định chặt chẽ các điều kiện bắt buộc đối với việc phát hành chứng  khoán. Có thể coi việc phát hành là cầu nối giữa thị trường sơ cấp với thị trường  thứ cấp và nó có một vai trò vô cùng quan trọng trong việc tạo ra hàng hóa (các  chứng khoán) để làm động lực cho thị trường. 

 

2. Mệnh giá chứng khoán

Trước khi phát hành chứng khoán ra thị trường, theo quy định của Luật  chứng khoán thì tất cả các công ty cổ phẩn sẽ phải đổi toàn bộ số cổ phiếu của  mình về mệnh giá gốc là 10.000 đồng/ cổ phiếu. Với trái phiếu thì mệnh giá gốc  sẽ là 100.000 đồng/ trái phiếu hoặc bội số của 100.000 đồng (200.000 đồng,  300.000 đồng…,1.000.000 đồng). Như vậy có thể hiểu mệnh giá chứng  khoán là giá gốc của một cổ phiếu hoặc một trái phiếu khi góp vốn ban đầu.  Trên cơ sở giá gốc đó với giá thị trường hiện tại và tình trạng công ty, ta có  thể đánh giá được là giá đó là đang “đắt” hay “rẻ”. 

 

3. Chủ thể phát hành chứng khoán 

Chủ thể phát hành chứng khoán là tổ chức huy động vốn bằng cách bán  chứng khoán cho người đầu tư. Theo pháp luật hiện hành, chủ thể phát hành bao  gồm: Chính phủ và Chính quyền địa phương, các doanh nghiệp và các quỹ đầu  tư chứng khoán. Trong đó, Chính phủ (thông qua Bộ Tài chính) và Chính quyền  địa phương (thông qua Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) chỉ phát hành các loại trái  phiếu để huy động vốn cho ngân sách hoặc để đầu tư vào các chương trình, dự án. Các doanh nghiệp có thể phát hành cả cổ phiếu và trái phiếu để huy động  vốn từ công chúng phục vụ cho việc đổi mới công nghệ, mở rộng hoạt động sản  xuất, kinh doanh hoặc để tái cơ cấu tài chính doanh nghiệp. Còn các quỹ đầu tư  phát hành các chứng chỉ quỹ để huy động vốn cho các lĩnh vực đầu tư của mình.

 

3.1. Chính phủ và Chính quyền địa phương 

Trái phiếu gồm có trái phiếu Chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp. Tùy  vào đặc điểm và mục đích phát hành từng loại trái phiếu, pháp luật quy định  những chủ thể khác nhau có thể phát hành những loại trái phiếu này. Việc phát  hành trái phiếu Chính phủ và trái phiếu Chính quyền địa phương là một phương  án thường được áp dụng khi cần huy động vốn cho nguồn ngân sách nhà nước  để thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội. Một cách tổng quát, Chính phủ sẽ chủ trì việc phát hành trái phiếu Chính phủ để bổ sung cho ngân sách trung  ương; còn ở địa phương, Chính quyền địa phương sẽ chủ trì việc phát hành trái  phiếu Chính quyền địa phương để bổ sung cho ngân sách địa phương. Tuy  nhiên, không thể tùy tiện phát hành các trái phiếu này mà phải căn cứ vào từng  thời kỳ, dựa trên các nguyên tắc, điều kiện nhất định và phải có kế hoạch, đề án  cụ thể. 

Mục đích của việc phát hành các trái phiếu để huy động vốn là nhằm bù  đắp thiếu hụt ngân sách, thực hiện chính sách của nhà nước. Cụ thể, trái phiếu  Chính phủ được phát hành cho các mục đích: đầu tư phát triển kinh tế - xã hội  thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương theo quy định của Luật Ngân sách  nhà nước; bù đắp thiếu hụt tạm thời của ngân sách nhà nước từ vay trái phiếu  ngắn hạn; cơ cấu lại khoản nợ, danh mục nợ Chính phủ; cho doanh nghiệp, tổ chức tài chính, tín dụng, chính quyền địa phương vay lại theo quy định của pháp luật; các mục đích khác nhằm bảo đảm an ninh tài chính quốc gia. Còn trái  phiếu Chính quyền địa phương được phát hành cho các mục đích: đầu tư phát  triển kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương theo quy  định của Luật Ngân sách nhà nước; đầu tư vào các dự án có khả năng hoàn vốn  tại địa phương. Có thể nói, Chính phủ và Chính quyền địa phương là một trong  những chủ thể phát hành nhiều nhất của thị trường vốn. Điều này là dễ hiểu vì  không phải lúc nào Chính phủ cũng có thể bù đắp sự thiếu hụt vốn xảy ra khá  thường xuyên trong chi tiêu của mình bằng cách yêu cầu Ngân hàng Nhà nước  in tiền mặt. Cho nên vay của nhân dân trên thị trường sơ cấp là cách làm phổ biến nhất. Đồng thời, xây dựng thị trường trái phiếu Chính phủ hoàn hảo sẽ cung cấp một đường lãi suất chuẩn cho thị trường chứng khoán. Do vậy, việc  phát hành trái phiếu Chính phủ không chỉ đơn thuần căn cứ vào nhu cầu vay nợ của ngân sách mà còn được hoạch định trên quan điểm kinh tế vĩ mô nhằm vừa phát triển thị trường tài chính, vừa nhằm quản lý có hiệu quả việc vay nợ của  nhà nước, góp phần kiềm chế lạm phát và thực hiện chiến lược kinh tế của  Chính phủ.  

Như vậy, Chính phủ và Chính quyền địa phương sẽ chủ trì việc phát hành  trái phiếu Chính phủ và trái phiếu Chính quyền địa phương. Tuy vậy, họ không  trực tiếp làm điều này mà thường ủy quyền cho một cơ quan nhất định. Ở Trung  ương, chủ thể phát hành trái phiếu Chính phủ là Bộ Tài chính để huy động vốn  cho ngân sách nhà nước hoặc huy động vốn cho chương trình, dự án đầu tư cụ thể thuộc phạm vi đầu tư của nhà nước. Tuy nhiên, Bộ Tài chính sẽ không trực  tiếp thực hiện việc này mà ủy quyền cho Kho bạc Nhà nước tổ chức phát hành  trái phiếu. Ở địa phương, chủ thể phát hành trái phiếu Chính quyền địa phương  là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nhằm huy động vốn cho công trình, dự án đầu tư  của địa phương. Việc phát hành này có thể tiến hành dưới hình thức phát hành  riêng lẻ hoặc phát hành ra công chúng.  

Tóm lại, ở Việt Nam, Bộ Tài chính thông qua Kho bạc Nhà nước là chủ thể phát hành trái phiếu Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là chủ thể phát  hành trái phiếu Chính quyền địa phương. 

 

3.2. Các doanh nghiệp 

Đối với thị trường chứng khoán, các doanh nghiệp giữ vai trò, vị trí rất  quan trọng, quyết định đến sự thành bại của thị trường. Các doanh nghiệp có thể tham gia với tư cách là tổ chức phát hành, cung cấp hàng hóa (các chứng khoán)  cho thị trường chứng khoán (như công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần). Các doanh nghiệp cũng có thể tham gia thị trường chứng khoán với tư  cách các tổ chức kinh doanh, cung cấp dịch vụ chứng khoán (công ty chứng, công ty quản lý quỹ, trung tâm thanh toán và bù trừ chứng khoán, v.v..)  hoặc tham gia với tư cách nhà đầu tư chứng khoán. Vì vậy, việc nghiên cứu các  doanh nghiệp dưới nhiều khía cạnh trong quá trình các doanh nghiệp tham gia  vào thị trường chứng khoán là hết sức cần thiết.  

Các doanh nghiệp là chủ thể phát hành cổ phiếu và trái phiếu. Việc thiếu  vốn trong kinh doanh, sản xuất, trả lương cho công nhân, mua nguyên vật liệu  để tiếp tục sản xuất, v.v., là việc thường thấy trong hoạt động kinh doanh của  một doanh nghiệp. Nhưng không phải lúc nào doanh nghiệp cũng có thể giải  quyết vấn đề thiếu vốn bằng cách vay ngân hàng. Khi đã có thị trường chứng  khoán sơ cấp, một cách đơn giản và nhanh chóng là huy động vốn trên thị trường. Phát hành cổ phiếu để mời cộng tác làm ăn, hay phát hành trái phiếu để vay vốn là những cách phổ biến nhất. Hơn nữa, khi muốn mở rộng sản xuất, đầu  tư vào trang thiết bị, máy móc, cơ sở vật chất thì doanh nghiệp thường cần đến  các khoản vốn lớn và thường phải mất nhiều năm để thu hồi vốn. Trong những  trường hợp như vậy, ngân hàng thường ít mặn mà trong việc cho vay. Do vậy,  vay dài hạn trên thị trường bằng cách phát hành trái phiếu là cách tối ưu. Mục  đích của việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp là để: Thực hiện các chương  trình, dự án đầu tư của doanh nghiệp; tăng quy mô vốn hoạt động của doanh  nghiệp; cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp.  

Các loại hình doanh nghiệp có thể phát hành các chứng khoán theo pháp  luật ở Việt Nam:  

Công ty cổ phần là một trong những chủ thể chính trong việc cung ứng  hàng hóa cho thị trường chứng khoán do có quyền phát hành cả cổ phiếu và trái  phiếu. Các loại chứng khoán mà công ty cổ phần có quyền phát hành là: cổ phần  phổ thông (được thể hiện dưới hình thức là cổ phiếu) và cổ phần ưu đãi (được  thể hiện dưới hình thức cổ phiếu ưu đãi); các loại trái phiếu: trái phiếu thường,  trái phiếu chuyển đổi.

Công ty trách nhiệm hữu hạn chỉ có thể phát hành trái phiếu để huy động  vốn. Tuy nhiên, trong trường hợp đặc biệt công ty trách nhiệm hữu hạn được  phát hành cổ phiếu riêng lẻ để chuyển đổi thành công ty cổ phần. 

Các doanh nghiệp, các tổ chức tài chính, tín dụng, ngân hàng chính sách  của nhà nước thuộc đối tượng được cấp bảo lãnh Chính phủ sẽ được phát hành  trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và loại trái phiếu này sẽ được Chính phủ bảo lãnh thanh toán. 

Các doanh nghiệp thuộc đối tượng được cấp bảo lãnh Chính phủ gồm có:  Thứ nhất, doanh nghiệp thực hiện chương trình, dự án được xem xét cấp  bảo lãnh Chính phủ bao gồm: Chương trình, dự án đầu tư được Quốc hội hoặc  Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư; Chương trình, dự án ứng  dụng công nghệ cao, dự án trong lĩnh vực năng lượng, khai thác, chế biến  khoáng sản hoặc sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ xuất khẩu phù hợp với  định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; Chương trình, dự án thuộc  lĩnh vực, địa bàn được Nhà nước khuyến khích đầu tư theo quy định của pháp  luật về đầu tư và các quy định của pháp luật có liên quan; Chương trình, dự án  được tài trợ bằng khoản vay thương mại gắn với nguồn vốn ODA dưới dạng tín  dụng hỗn hợp.  

Thứ hai, Ngân hàng chính sách của Nhà nước và tổ chức tài chính, tín  dụng thực hiện chương trình tín dụng có mục tiêu của Nhà nước. Các doanh  nghiệp phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh là để đầu tư cho các công  trình, dự án sau: Chương trình, dự án đầu tư được Quốc hội hoặc Thủ tướng  Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư, bao gồm cả phương án tái cơ cấu nợ của các chương trình, dự án này; chương trình, dự án ứng dụng công nghệ cao,  dự án trong lĩnh vực năng lượng, khai thác, chế biến khoáng sản hoặc sản xuất  hàng hóa, cung ứng dịch vụ xuất khẩu do Thủ tướng Chính phủ quyết định phù  hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; chương trình, dự án  thuộc lĩnh vực, địa bàn được nhà nước khuyến khích đầu tư theo quyết định của  Thủ tướng Chính phủ; chương trình tín dụng có mục tiêu của nhà nước do Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách Xã hội hoặc tổ chức tài chính,  tín dụng thực hiện theo quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Các  doanh nghiệp có thể phát hành các chứng khoán dưới hình thức phát hành riêng  lẻ hoặc phát hành ra công chúng 

 

3.3. Các quỹ đầu tư chứng khoán 

Quỹ đầu tư luôn là những tổ chức chuyên nghiệp, hình thành bằng vốn góp của các nhà đầu tư để tiến hành đầu tư vào chứng khoán và các loại hình đầu tư  khác với tất cả các khoản đầu tư đều được quản lý chuyên nghiệp, chặt chẽ bởi  công ty quản lý quỹ, ngân hàng giám sát và các cơ quan có thẩm quyền. Mục  đích thành lập quỹ đầu tư là tập hợp và thu hút những nhà đầu tư nhỏ lẻ tham  gia kinh doanh, đầu tư vào chứng khoán, bất động sản, v.v.. Như vậy, đặc trưng  cơ bản nhất của quỹ đầu tư là quỹ vừa đóng vai trò là tổ chức phát hành bằng  việc phát hành ra các chứng chỉ quỹ đầu tư (đối với quỹ đại chúng), các hợp  đồng góp vốn (đối với quỹ thành viên) vừa đóng vai trò là các tổ chức đầu tư,  kinh doanh chứng khoán. Tuy ở Việt Nam có hai loại hình quỹ đầu tư là quỹ thành viên và quỹ đại chúng (bao gồm quỹ đóng và quỹ mở) nhưng chỉ có quỹ đại chúng mới có quyền phát hành chứng chỉ quỹ. Chứng chỉ quỹ được phát  hành dưới hình thức phát hành ra công chúng.

 

4. #8;Câu hỏi thường gặp về chứng khoán, phát hành chứng khoán

4.1 Chứng khoán có những loại nào?

Chứng khoán gồm 3 loại: cổ phiếu; trái phiếu; các chứng chỉ có nguồn gốc chứng khoán tuy nhiên, phổ biến nhất vẫn là cổ phiếu.

 

4.2 Nhà đầu tư mua bán chứng khoán trên thị trường phải đối mặt với những rủi ro gì?

- Rủi ro hệ thống

- Rủi ro hàng hóa

- Rủi ro mô hình

- Rủi ro thanh khoản.

 

4.3 Thị trường chứng khoán mang lại những lợi ích gì?

- Huy động vốn

- Lợi nhuận

- Hoạt động kinh tế