Mục lục bài viết
1. Khái quát về chứng khoán.
1.1 Chứng khoán là gì?
Chứng khoán là một bằng chứng xác nhận sự sở hữu hợp pháp của người sở hữu đó với tài sản hoặc phần vốn của công ty hay tổ chức đã phát hành. Chứng khoán có thể là hình thức chứng chỉ, bút toán ghi sổ hay dữ liệu điện tử.
Khoản 1 Điều 4 Luật chứng khoán năm 2019 quy định chứng khoán gồm những loại sau:
"Điều 4. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Chứng khoán là tài sản, bao gồm các loại sau đây:
a) Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ;
b) Chứng quyền, chứng quyền có bảo đảm, quyền mua cổ phần, chứng chỉ lưu ký;
c) Chứng khoán phái sinh;
d) Các loại chứng khoán khác do Chính phủ quy định".
1.2 Đặc điểm của chứng khoán.
Chứng khoán có những đặc điểm như sau:
- Tính thanh khoản (tính lỏng): Chứng khoán có tính thanh khoản cao hơn so với các loại tài sản khác, thể hiện qua khả năng mua bán trên thị trường. Các chứng khoán khác nhau có khả năng chuyển nhượng là khác nhau. Trong đó thì cổ phiếu là loại chứng khoán có mức thanh khoản cao nhất.
- Tính rủi ro: Chứng khoán là tài sản chính mà giá trị của nó chịu sự tác động lớn của rủi ro (như rủi ro thị trường, rủi ro lạm phát, rủi ro chính trị,...).
- Tính sinh lợi: Chứng khoán là một loại tài sản chính mà khi nhà đầu tư sở hữu đều mong muốn nhận được một thu nhập lớn hơn trong tương lai. Thu nhập này có được từ cổ tức được chia hoặc việc tăng giá chứng khoán trên thị trường chứng khoán.
1.3 Thị trường chứng khoán.
* Khái niệm về thị trường chứng khoán.
Thị trường chứng khoán là nơi diễn ra các giao dịch mua bán trao đổi các loại chứng khoán. Các quan hệ mua bán trao đổi này làm thay đổi chủ sở hữu của chứng khoán, và như vậy, thực chất đây là quá trình vận động của tư bản chuyển từ tư bản sở hữu sang tư bản kinh doanh.
Thị trường chứng khoán không giống với các thị trường hàng hóa thông thường khác vì hàng hóa của thị trường chứng khoán là loại hàng hóa đặc biệt, là quyền sở hữu về tư bản. Loại hàng hóa này cũng có giá trị và giá trị sử dụng. Như vậy có thể nói bản chất của thị trường chứng khoán là thị trường thể hiện mối quan hệ cung và cầu của vốn đầu tư nào đó, giá cả của chứng khoán chứa đựng thông tin về chi phí vốn hay giá cả của vốn đầu tư. Thị trường chứng khoán là hình thức phát triển bậc cao của nền sản xuất và lưu thông hàng hóa.
* Vai trò và chức năng của thị trường chứng khoán.
Thị trường chứng khoán có vai trò rất lớn cho nền kinh tế đất nước:
- Huy động vốn đầu tư cho nền kinh tế: Khi các nhà đầu tư mua chứng khoán do các công ty phát hành, số tiền nhàn rỗi của họ được đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh và qua đó góp phần mở rộng sản xuất xã hội. Bằng cách hỗ trợ các hoạt động đầu tư của công ty, thị trường chứng khoán đã có những tác động quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế quốc dân. Thông qua thị trường chứng khoán, chính phủ và chính quyền ở các địa phương cũng huy động được các nguồn vốn cho mục đích sử dụng và đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế, phục vụ các nhu cầu chung của xã hội.
- Cung cấp môi trường đầu tư cho công chúng: Thị trường chứng khoán cung cấp cho công chúng một môi trường đầu tư lành mạnh với các cơ hội lựa chọn phong phú. Các loại chứng khoán trên thị trường rất khác nhau về tính chất, thời hạn và độ rủi ro, cho phép các nhà đầu tư có thể lựa chọn cho loại hàng hóa phù hợp với khả năng, mục tiêu và sở thích của mình. Chính vì vậy, thị trường chứng khoán góp phần đáng kể làm tăng mức tiết kiệm quốc gia.
- Tạo tính thanh khoản cho các chứng khoán: Nhờ có thị trường chứng khoán các nhà đầu tư có thể chuyển đổi các chứng khoán họ sở hữu thành tiền mặt hoặc các loại chứng khoán khác khi họ muốn. Khả năng thanh khoản (khả năng chuyển đổi thành tiền mặt) là một trong những đặc tính hấp dẫn của chứng khoán đối với người đầu tư. Đây là yếu tố cho thấy tính linh hoạt, an toàn của vốn đầu tư. thị trường chứng khoán hoạt động càng năng động và có hiệu quả thì càng có khả năng nâng cao tính thanh khoản của các chứng khoán giao dịch trên thị trường.
- Đánh giá hoạt động của doanh nghiệp: Thông qua giá chứng khoán, hoạt động của các doanh nghiệp được phản ảnh một cách tổng hợp và chính xác, giúp cho việc đánh giá và so sánh hoạt động của các doanh nghiệp được nhanh chóng và thuận tiện, từ đó cũng tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, kích thích áp dụng công nghệ mới, cải tiến sản phẩm.
- Tạo môi trường giúp Chính phủ thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô: Các chỉ báo của thị trường chứng khoán phản ánh động thái của nền kinh tế một cách nhạy bén và chính xác. Giá các chứng khoán tăng lên cho thấy đầu tư đang mở rộng, nền kinh tế tăng trưởng; và ngược lại giá chứng khoán giảm sẽ cho thấy các dấu hiệu tiêu cực của nền kinh tế.
Vì thế, thị trường chứng khoán được gọi là phong vũ biểu của nền kinh tế và là một công cụ quan trọng giúp chính phủ thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô. Thông qua thị trường chứng khoán chính phủ có thể mua và bán trái phiếu chính phủ để tạo ra nguồn thu bù đắp thâm hụt ngân sách và quản lý lạm phát.
Ngoài ra, chính phủ cũng có thể sử dụng một số chính sách, biện pháp tác động vào thị trường chứng khoán nhằm định hướng đầu tư đảm bảo cho sự phát triển cân đối của nền kinh tế.
2. Quyền phát hành chứng khoán.
Điều 188 Luật doanh nghiệp năm 2020 quy định về doanh nghiệp tư nhân, cụ thể như sau:
"Điều 188. Doanh nghiệp tư nhân
1. Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.
2. Doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.
3. Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên hợp danh của công ty hợp danh.
4. Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần".
Điều 177 Luật doanh nghiệp năm 2020 quy định về công ty hợp danh, cụ thể như sau:
"Điều 177. Công ty hợp danh
1. Công ty hợp danh là doanh nghiệp, trong đó:
a) Phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (sau đây gọi là thành viên hợp danh). Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn;
b) Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty;
c) Thành viên góp vốn là tổ chức, cá nhân và chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công tytrong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào công ty.
2. Công ty hợp danh có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
3. Công ty hợp danh không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào".
Như vậy, Trong các loại hình doanh nghiệp quy định trong Luật doanh nghiệp năm 2020 thì doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh không có quyền phát hành bất cứ một loại chứng khoán nào. Sở dĩ phát luật không cho phép doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh được phát hành chứng khoán bởi vì hai loại hình doanh nghiệp này thường có sự hạn chế về vốn điều lệ, quy mô hoạt động, số lượng thành viên. Hơn nữa chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh là những cá nhân phải chịu trách nhiệm vô hạn, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động của công ty.
Giữa tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh với doanh nghiệp không có sự phân định rõ ràng cho nên nếu doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh phát hành chứng khoán thì không phân định được tỉ lệ gánh chịu rủi ro giữa chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh với những nhà đầu tư chứng khoán.
Mặt khác, giữa các thành viên trong công ty hợp danh có một mối quan hệ thân thiết nhất định. Việc trở thành thành viên công ty hợp danh phải được sự đồng ý của tất cả thành viên cho nên nếu công ty phát hành chứng khoán thì việc mua đi bán lại chứng khoán sẽ bị hạn chế.
3. Chào bán cổ phiếu riêng lẻ.
Chào bán chứng khoán riêng lẻ được thực hiện như sau:
- Chào bán chứng khoán riêng lẻ của tổ chức phát hành không phải là công ty đại chúng được thực hiện theo quy định của Luật doanh nghiệp và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Điều kiện chào bán chứng khoán riêng lẻ của công ty đại chúng bao gồm:
+ Có quyết định của Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị thông qua phương án chào bán và sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán; xác định rõ đối tượng, số lượng nhà đầu tư;
+ Việc chuyển nhượng cổ phần, trái phiếu chuyển đổi chào bán riêng lẻ bị hạn chế tối thiểu một năm, kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán, trừ trường hợp chào bán riêng lẻ theo chương trình lựa chọn cho người lao động trong công ty, chuyển nhượng chứng khoán đã chào bán của cá nhân cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, chuyển nhượng chứng khoán giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, theo quyết định của Tòa án hoặc thừa kế theo quy định của pháp luật.
+ Các đợt chào bán cổ phần hoặc trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ phải cách nhau ít nhất sáu tháng.
- Chính phủ quy định cụ thể hồ sơ, thủ tục chào bán chứng khoán riêng lẻ.
4. Cổ phiếu thưởng (thưởng cho người có đóng góp lớn)
Hiện nay, trong các công ty cổ phần, thưởng cổ phiếu là việc công ty dùng một số cổ phiếu (trước đây là của chung mọi cổ đông) để thưởng cho những người quản lý, cán bộ công nhân viên hay những người có đóng góp lớn đối với hoạt động của Công ty. Nguồn cổ phiếu dùng để thưởng thường là cổ phiếu quỹ. Trong trường hợp này, tổng giá trị sổ sách của công ty không thay đổi, cái lợi của người được thưởng là rõ ràng: tỷ lệ sở hữu công ty của họ sẽ tăng lên. Còn đối với những cổ đông không được thưởng, tỉ lệ sở hữu công ty của họ sẽ giảm đi. Tuy nhiên, đây là một cách để công ty khuyến khích tinh thần làm việc và sự đóng góp của những người được thưởng, đặc biệt đối với những người quản lý, do đó vẫn được Đại hội cổ đông thông qua. Do đó, công ty muốn dùng cổ phiếu thưởng thì sẽ tiến hành họp đại hội đồng cổ đông để thông qua.
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 hoặc liên hệ văn phòng để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê. Rất mong nhận được sự hợp tác! Trân trọng./.